| Hotline: 0983.970.780

Trả nợ rừng xanh

Thứ Ba 15/11/2011 , 10:53 (GMT+7)

Những nhân vật mà chúng tôi giới thiệu trong loạt bài này đều có một thời mê lầm, tàn phá rừng xanh. Nhưng cuộc đời đã giúp họ thức tỉnh.

Những nhân vật mà chúng tôi giới thiệu trong loạt bài này đều có một thời mê lầm, tàn phá rừng xanh. Nhưng cuộc đời đã giúp họ thức tỉnh. Họ biết đứng dậy sau khi vấp ngã và âm thầm làm những việc có ích cho đời, cho mình và gia đình.

TỪ TRUY NÃ TOÀN QUỐC ĐẾN KHEN THƯỞNG TOÀN QUỐC

"Cuộc đời tôi có nhiều sóng gió, có những lúc vấp ngã. Nhưng chính những lúc vấp ngã đó tôi đã nhận ra giá trị cuộc sống, giá trị của rừng. Tôi sẽ trồng rừng khi tôi còn khỏe mạnh”, anh Trịnh Văn Yên ở Tiểu khu 2, Thị trấn Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình), chia sẻ.

Trang trại nuôi lợn rừng của anh Yên

"Tôi như con thú hoang"

Ban đầu Trịnh Văn Yên chỉ là một tay chặt gỗ thuê. Sau những ngày tháng làm thuê cật lực ấy, Yên nhận ra rằng mình không thể mãi là kẻ chặt gỗ thuê. Ngày tháng dần trôi, anh lân la bên các ông chủ trong mỗi lần vận chuyển hàng với mục đích học hỏi cách làm ăn và tìm mối cho cuộc làm ăn riêng lẻ. Chẳng bao lâu sau, khi đã "đường thông ngõ tỏ" Yên bắt đầu quay sang làm ăn riêng. Sau vài chuyến hàng đầu tiên trót lọt, Yên có ít vốn và thuê hẳn một đội quân làm tay chân cho mình, chính thức làm ông chủ.

Tận diệt hết các cánh rừng ở Kỳ Sơn quê mình, Yên lại cho quân sang khắp các cánh rừng của các huyện lân cận. “Ngày ấy tôi như một con thú hoang, chỉ cần biết chỗ nào rừng còn là lập tức đưa quân lên đốn hạ không thương tiếc”, Yên nhớ lại. Khi những cánh rừng ở Hòa Bình hết gỗ, anh lại tiếp tục xuyên sang các tỉnh khác như: Sơn La, Thanh Hóa... để chặt. Các loại cây anh chọn để chặt là: lim, sến, táu... Ngày ấy, mỗi chuyến hàng trót lọt, Yên thu về cả bao tải tiền. Ở cái tuổi đôi mươi, Yên trở thành tỷ phú nhờ buôn gỗ lậu.

Cũng chính những ngày tháng sở hữu cả bao tải tiền ấy đã đưa anh đến con đường tội lỗi, tù tội. Yên lao vào con đường cờ bạc, xóc đĩa... Anh ngồi vào chiếu bạc hết ngày này qua tháng khác. Có những buổi thâu đêm suốt sáng, Yên thua đến cả trăm triệu đồng. Vì thế những bao tải tiền cũng không cánh mà bay. Từ một ông chủ, chẳng mấy chốc anh lại trở thành một kẻ giang hồ đi theo bạn bè đòi nợ thuê, cướp của để thỏa mãn sự nông nổi.

Từ sai lầm đó, cuộc đời Yên đã chuyển sang một gam màu tối với lệnh truy nã toàn quốc về tội cướp của. Mười năm trốn lệnh truy nã cũng là 10 năm tủi nhục đối với anh. Nhớ lại ngày đó Yên rơm rớm nước mắt: “Tôi bỏ tất cả để trốn lệnh truy nã, bỏ hết gia đình, bạn bè để sống một cuộc sống chui lủi như những con thú rừng. Có những đêm tôi nhớ nhà mà chỉ dám đi ngang nhìn bố mẹ xuyên qua ánh điện của khe cửa. Đến khi tôi nhận ra được sai lầm của mình thì cũng đã quá muộn”.

Năm 1998, Yên bị bắt với bản án 10 năm tù, đây cũng là khoảng thời gian khá dài để Yên suy ngẫm về cuộc đời của mình, suy nghĩ về quá khứ mà anh đã gây ra.

Tay trắng trả nợ rừng

10 năm tù dài đằng đẵng, chưa bao giờ Yên lại thấy cuộc sống với mình lại trống trải đến như vậy. Cuốn lịch mà ngày nào anh cũng phải bóc một tờ, nó đã hằn sâu trong anh. Bằng ý chí và nghị lực, hàng ngày Yên chăm chỉ làm việc, cộng với sự quan tâm của các cán bộ trong trại đã giúp anh có được nghị lực để vượt qua tất cả.

Năm 2005, Yên được đặc xá ra tù trước thời hạn 3 năm. "Thời gian trong tù đã dạy cho tôi rất nhiều điều. Ra tù tôi đã là người tự do, tôi xác định mình phải làm lại cuộc đời từ hai bàn tay trắng, vì đây cũng là giai đoạn vô cùng khó khăn mà tôi có thể lại bị vấp ngã", Yên tự nhủ. 

Anh Yên đang giới thiệu về khu rừng của mình

Về tới nhà, điều đầu tiên Yên nhìn lên những quả đồi trọc mà trong lòng đau nhói. Sau bữa cơm chiều cùng gia đình, anh nói với cả nhà: “Con sẽ trồng rừng”. Mọi người ngớ người không hiểu. Yên giải thích từ những bài học trong tù cho cả nhà nghe và được mọi người ủng hộ. Nhưng khó khăn nhất lúc này là Yên chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Rồi anh vay mượn của người thân, bạn bè được một số tiền ít ỏi, xin thầu lại toàn bộ 1,3ha mặt nước của Hợp tác xã Đoàn Kết và gần 4ha ao của một số hộ dân ở khu II thị trấn Kỳ Sơn bỏ hoang để đầu tư nuôi cá, vịt. Ngoài ra anh còn thầu thêm được 6ha đất rừng hoang để trồng keo.

Vì chưa có kinh nghiệm, năm đó Yên đã thất bại. Không nản chí, anh tiếp tục vay ngân hàng được 30 triệu để gối cho vụ tiếp theo. “Biết thất bại là do nước nguồn đổ xuống, tôi đã dùng 20 triệu vừa vay được xây cống chặn nước kiên cố để điều tiết nước trong ao mỗi khi mưa to”. Từ những thành công bước đầu, sau mỗi mùa thu hoạch, anh lại tiếp tục dồn tiền để mở rộng quy mô trang trại chăn nuôi và nhận thầu thêm rừng để trồng keo.

Kỷ niệm chương do Bộ NN&PTNT tặng

"Cuộc đời tôi có hai cái đáng nhớ. Một là bị truy nã toàn quốc, hai là được khen thưởng toàn quốc", Yên cho biết.  Nói vậy là bởi mới đây, anh vinh dự được Bộ trưởng Bộ NN- PTNT tặng Bằng khen vì thành tích sản xuất, kinh doanh giỏi toàn quốc.

Đến nay Yên đã trồng được hơn 500ha rừng ở hai huyện Kỳ Sơn và Cao Phong. Bên cạnh đó là 5ha trang trại nuôi lợn, cá, vịt, với tổng đàn lợn hơn 100 con. Hàng năm, anh thu về 600-700 triệu tiền cá/năm, 400-500 triệu tiền lợn/năm. Dự tính cuối năm nay, Yên cho thu hoạch khoảng 30ha keo tràm, ước tính số tiền lên đến hơn 2 tỷ đồng. Yên cho biết: “Ngoài diện tích trên, đến nay chỗ nào còn đồi núi trọc tôi đều xin được đấu thầu trồng rừng. Tôi trồng mãi mãi thì may ra mới trả nợ hết được món nợ với rừng”.

Chưa dừng lại ở đó, với Yên trả nợ rừng không đơn thuần là chỉ trồng rừng mà phải làm sao giữ được khu rừng đó mãi tồn tại. Yên cũng đang dự tính trong thời gian tới sẽ chọn ra 70ha rừng đẹp nhất để làm khu du lịch sinh thái. “Chỉ như thế thì tôi mới giữ mãi được màu xanh cho rừng", Yên nói.

Xem thêm
ASEAN cần tiếp tục ưu tiên duy trì đoàn kết, độc lập, tự cường

Ngày 23/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn nhân chuyến thăm làm việc và tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN.

Công đoàn NN-PTNT Việt Nam phát động Tháng Công nhân và an toàn lao động

Sáng 24/4, tại Công đoàn NN-PTNT Việt Nam tổ chức phát động 'Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024'.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Chìm tàu kéo sà lan, 3 người chết, 2 người mất tích

Quảng Ngãi Tàu kéo theo sà lan bất ngờ bị chìm trên vùng biển gần đảo Lý Sơn. Lực lượng chức năng đã vớt được 3 thi thể, 2 thuyền viên còn lại đang mất tích.