| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 31/05/2010 , 09:50 (GMT+7)

09:50 - 31/05/2010

Trách nhiệm phải nhìn từ hai phía

Cách đây đúng 10 năm, mẩu tin trên một tờ báo đã gây ấn tượng rất mạnh đối với tôi. Đại khái thế này: Có một cây to bên đường phố của một nước bị đổ, đè hỏng chiếc ôtô của một công dân đang tham gia giao thông. Lập tức, vị công dân phát đơn kiện thị trưởng thành phố ra toà.

Kết quả, toà tuyên thành phố phải bồi thường toàn bộ chi phí sửa chữa chiếc xe. Lập luận của toà: Thị trưởng là người phải chịu trách nhiệm cao nhất về mọi mặt của thành phố, trong đó có vấn đề an toàn giao thông. Để cây đổ đè hỏng xe của công dân, thị trưởng phải chịu.

Bên ta, chuyện cây trong phố đổ đè bẹp “xế hộp”, xe máy, thậm chí đè gẫy cả cẳng người không hiếm. Nhưng nếu có ai bị thiệt hại do cây đổ mà phát đơn kiện chủ tịch thành phố ra toà đòi bồi thường, thì ngay lập tức sẽ nhận được những cái lắc đầu của quý toà. Hơn thế nữa, rất có thể người ta còn tự hỏi không biết người nộp đơn kiện đó có phải…có vấn đề về thần kinh không.

Không chỉ thế, gần đây dư luận tỏ ra rất bức xúc khi trên một số tuyến đường được gọi là “đường cao tốc” (như đường TP Hồ Chí Minh- Trung Lương chẳng hạn) đang bị biến thành “đường làng”. Nhiều đoạn hàng rào hai bên đường bị người dân dỡ bỏ vô tội vạ để cho người, trâu bò…có lúc dăng hàng ngang đi từ bên này sang bên kia đường. Vừa mới làm xong, đường đã xuất hiện nhiều đoạn lồi lõm gây dằn, xóc.

Biển cảnh báo tại nhiều khúc cua không kịp thời khiến lái xe không kịp giảm tốc độ, không kịp né. Quy định về tốc độ không hợp lý ở mỗi làn đường làm gia tăng việc các phương tiện phải đổi làn đường một cách không hợp lý, các biển báo đặt quá gần lối rẽ khiến nhiều xe đang chạy với tốc độ cao, lúc lái xe nhìn thấy được biển báo buộc phải phanh gấp để chuyển làn…Tất cả những bất cập đó đều là nguyên nhân dẫn tới không ít vụ tai nạn giao thông đã xẩy ra do việc lái xe không làm chủ được tốc độ đó.

Một chuyên gia giao thông, ông Nguyễn Minh Đồng cho biết: Chủ đầu tư đường cao tốc phải chịu trách nhiệm quản lý, tuyên truyền, hướng dẫn (bằng các biển báo) tài xế chạy xe một cách an toàn…Quy định thì rõ ràng như vậy, nhưng mỗi khi tai nạn giao thông xẩy ra gây hư hỏng đường như hỏng nền, hỏng các thanh chắn…thì người ta cứ việc đè chủ xe gây tai nạn ra mà bắt đền những hư hỏng đó, coi đó là một điều hợp lý. Còn phương tiện giao thông cũng như hàng hoá chuyên chở trên các phương tiện giao thông đó bị thiệt hại ( nhiều khi đến tiền tỷ) thì chủ xe ráng chịu. Chẳng một ai truy nguyên việc tai nạn đó thuộc về chủ đầu tư - đã nêu trên hay không.

Có thể nói đó là một sự bất công rất lớn, nó đang tạo cho chủ đầu tư một cái “quyền” là muốn vi phạm, muốn cắm biển hướng dẫn, muốn quản lý lỏng lẻo…thế nào cũng được, mọi chuyện trút hết lên đầu chủ phương tiện. Đã đến lúc phải chấm dứt những bất công đó bằng cách xem xét trách nhiệm từ cả hai phía.