| Hotline: 0983.970.780

Trái cây cuối vụ tăng giá

Thứ Hai 07/07/2014 , 08:15 (GMT+7)

Nhiều loại trái cây đặc sản ở ĐBSCL đang tăng giá trở lại. Theo các nhà vườn, giá trái cây tăng là do vào cuối vụ thu hoạch, nguồn cung không còn nhiều.

Huyện Châu Thành, Long Mỹ và TX Ngã Bảy là các địa phương trồng cây ăn trái có múi nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Nhiều loại trái cây đặc sản như quýt đường, bưởi Năm roi, cam sành, chanh không hạt của Hậu Giang từ lâu đã trở nên nổi tiếng và có giá trị kinh tế cao. Không ít nhà vườn nhờ trồng các loại cây đặc sản này mà trở thành triệu phú, tỷ phú.

Về miệt vườn Châu Thành vào thời điểm này, có thể dễ dàng nhận thấy sự phấn khởi của các hộ dân nơi đây vì trái cây đang được giá. Chị Nguyễn Thanh Phượng, ở ấp Phước Long, xã Đông Phước A cho biết, giá cam sành hiện cân tại vườn 28.000 đ/kg, còn bưởi Năm roi giá cũng được 25.000 đ/kg, tăng từ 8.000 – 10.000 đ/kg so với thời điểm chính vụ cách đây hơn một tháng. Nếu giữ mức giá này cho tới hết vụ thì bà con mình lãi khá.

Chị Phượng cho biết thêm, giá trái cây thời điểm này đã tăng nhiều so với lúc thu hoạch rộ. Giá cam sành thời kỳ thu rộ có lúc sụt giảm chỉ còn 15 ngàn đ/kg. Gia đình chị Phượng có 5 công đất trồng cam và bưởi Năm roi, tính đến thời điểm hiện tại chị đã thu được hơn 200 triệu đ từ tiền bán cam và bưởi.

Theo tính toán của chị, cứ giữ giá này đến hết vụ thì một năm gia đình chị có nguồn thu khoảng 80 - 100 triệu đ/công đất, một nguồn thu cao gấp nhiều lần so với các loại nông sản khác. Nhiều khả năng giá cam sành và bưởi sẽ còn tăng trong thời gian tới vì sản lượng hiện nay không còn nhiều.

Trái ngược với sự tăng giá của cam và bưởi, hiện tại chanh không hạt lại giảm giá khá mạnh. Cách đây hơn một tháng, chanh không hạt được thương lái thu mua với giá ngất ngưởng, lúc đỉnh điểm lên tới 42.000 đ/kg, trung bình cũng ở mức 30.000 -35.000 đ/kg. Thế nhưng hiện tại chỉ còn 10.000 đ/kg.

Theo anh Nguyễn Văn Sơn, một nhà vườn ở huyện Châu Thành cho biết, giá chanh không hạt thời gian trước cao như vậy là do nguồn hàng được thu gom số lượng lớn để XK. Còn hiện tại, chanh chỉ cung cấp cho thị trường nội địa là chủ yếu nên giá chanh không còn cao như trước. Gia đình anh Sơn có diện tích đất canh tác 6 công, anh trồng 300 cây chanh không hạt trên diện tích 2,5 công, diện tích đất còn lại trồng cam sành.

Anh Sơn cho biết, giá chanh không hạt mà xuống 10.000 đ/kg là khá thấp, tuy nhiên với giá này thì người trồng vẫn có lãi. Khác với cam sành hay bưởi thường thu hoạch rộ theo vụ, còn chanh không hạt thu hoạch gần như quanh năm, cứ khoảng 1 tuần hoặc 10 này là cho thu hoạch một đợt. Thường vào những tháng mùa khô, nhu cầu dùng chanh để làm nước giải khát tăng rất mạnh nên giá cũng tăng theo.

Ông Trần Quang Hành, Trưởng Phòng NN-PTNN huyện Châu Thành cho biết, diện tích trồng cây ăn trái của huyện là 9.595 ha. Trong đó, người dân chủ yếu phát triển trồng cam sành (diện tích 4.711 ha) và bưởi Năm roi (1.707 ha). Riêng chanh không hạt mới phát triển mạnh khoảng 4-5 năm trở lại đây, diện tích hiện vào khoảng trên 300 ha. Ngoài ra, nông dân còn trồng một số loại cây khác như chôm chôm, xoài Đài Loan, mít Thái…

Theo ông Hành, do giá trị kinh tế của các loại cây có múi rất cao, có năm doanh thu đạt cả tỷ đồng/ha nên có thời điểm người dân chạy đua lên liếp để trồng. Phát triển quá nóng đã gây ra hiện tượng sốt giống, người dân chấp nhận mua cả cây giống trôi nổi để trồng.

Chính vì vậy đã dẫn đến hiện tượng dịch bệnh bùng phát. Năm nay có khoảng 30% diện tích cây có múi của huyện bị nhiễm bệnh vàng lá gân xanh và vàng lá thối rễ, gây thiệt hại nặng cho nhà vườn.

Đây đều là những loại bệnh chưa có thuốc đặc trị mà chỉ có thể phòng ngừa mà thôi. Khi vườn cây đã bị nhiễm bệnh nặng thì cách duy nhất là phá bỏ để trồng lại. “Nên chọn cây giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng để trồng. Khi cây ra đọt non thì tiến hành phun thuốc diệt rầy chổng cánh (vật trung gian truyền bệnh) để tránh bị truyền mầm bệnh.

Đặc biệt là không nên chạy đua theo thị trường, thấy giá cả của loại cây nào đó tăng cao thì đổ xô đi trồng, dễ dẫn đến bị đụng hàng dội chợ khi vào vụ thu hoạch rộ, làm mất giá”, ông Hành khuyến cáo.

Xem thêm
Nhiều mặt hàng nông sản ở ĐBSCL tăng giá

Giá bán nhiều nông sản đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái là nhờ thông qua sự liên kết với doanh nghiệp và các kênh tiêu thụ từ hệ thống siêu thị.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm