| Hotline: 0983.970.780

Trai tân ở miền tinh khiết

Thứ Bảy 13/02/2010 , 09:16 (GMT+7)

Lần mãi cuối cùng tôi cũng leo lên được bản Ngằn Vàng, xã Đồng Tâm (Bình Liêu) nằm trên đỉnh núi lưng trời gặp chàng... trai tân Chíu Chăn Lằm.

Chàng... trai tân Chíu Chăn Lằm

Ngó danh sách những nhà nông trẻ xuất sắc năm 2009 nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh “chấm” thấy cái tên Chíu Chăn Lằm mới 25 tuổi, chưa vợ con ở bản người Dao tít tắp tận vùng biên giới huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), tôi đâm ra tò mò. Lần mãi cuối cùng tôi cũng leo lên được bản Ngằn Vàng, xã Đồng Tâm (Bình Liêu) nằm trên đỉnh núi lưng trời gặp chàng...trai tân. 

I. Ngằn Vàng có lẽ là tên của người Kinh đặt cho cái bản xa xôi nhất của xã Đồng Tâm. Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm là người Tày bản địa cũng chẳng cắt nghĩa được rõ ràng cái tên của bản. Ông chỉ đoán “Ngằn” tức là ngàn, tiếng Kinh nghĩa là rừng – rừng vàng trong nghĩa “rừng vàng biển bạc”. Đại loại nói xưa kia Ngằn Vàng là vùng rừng giàu có. Chả thế mà từ thời kháng Pháp, Ngằn Vàng từng là cái nôi có nhiều mạch nước, nhiều hang động chở che, nuôi dưỡng bộ đội. Người già lại bảo rừng Ngằn Vàng trù phú bậc nhất trong vùng nên từ thời các tộc người di dân tìm vùng đất mới giáp biên giới Việt – Trung thì cả người Tày, người Sán Chỉ, người Dao… đều tìm tới quần tụ lập bản làng.

Có lẽ vì thế nên bây giờ dù Ngằn Vàng chỉ là một bản hành chính trong xã với hơn 150 hộ dân nhưng có tới ba dân tộc sinh sống phân theo ba tầng độ cao của dãy núi Chừ Pản. Người Tày sinh sống thấp nhất, gần trung tâm xã nhất gọi là khu Vằng dưới với số hộ dân ít nhất (24 hộ). Người Sán Chỉ ở phía trên người Tày lập thành khu Vằng giữa. Chót vót trên cùng của dãy núi Chừ Pản là nơi của người Dao định cư đông đúc với gần 75 hộ dân. Từ bản Vằng dưới của người Tày muốn lên được bản Vằng trên của người Dao ước phải trườn qua hơn nghìn thước cao, hơn chục cây số dài dốc dựng đứng.

Ngằn Vàng những ngày chính đông sương mù rỏ thành giọt. Sương mù năm nay bịn rịn la cà với người Dao đỏ trên đỉnh núi Chừ Pản cả tháng trời không chịu rút lui. Người Dao mỉm cười như hoa cho biết, đó là tín hiệu cho thấy cây hồi vụ tới sẽ ra quả bội thu. Cây hồi cùng với cây quế, hai loại cây hương liệu khó tính dường như chỉ kén chọn được vùng đất Bình Liêu và “ăn ở” được cùng với người Dao trên những đỉnh núi chót vót ven dải biên giới Việt – Trung. Núi càng cao, sương mù càng dày cây hồi càng sai quả. Lạ thế!

II.Nhà Chíu Chăn Lằm ở cao nhất bản người Dao. Mùa sương này từ trung tâm xã lên nhà Lằm phải vừa leo vừa chống gậy mất ngót nửa tiếng. Lằm bảo người Dao leo dốc không biết mệt, nhưng bất tiện nhất là rừng hồi rừng quế bạt ngàn, rồi thì lợn gà, dong riềng… mỗi năm thu hoạch hàng chục tấn không có cách nào chuyển xuống để bán được nhanh chóng. Có thương lái mua xong con lợn nhưng nhìn con đường mòn dốc sâu hoắm xuống dưới đành phải bỏ cuộc.

Thời cửa khẩu Hoành Mô thông thương với nước bạn, thanh niên người Dao nhờ thạo tiếng Hán bỗng có giá. Họ đưa hoa hồi, vỏ quế lên cửa khẩu giao thương với thương lái Trung Quốc dễ dàng. Nhờ thế mà cây hồi cây quế ở Bình Liêu đang vứt lay lắt bỗng trở thành cây làm giàu. Có thanh niên người Dao bây giờ còn kiếm sống được bằng nghề phiên dịch cho thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng... lên cửa khẩu Hoành Mô buôn bán.

Giở cuốn sách cúng ma dày cộp viết bằng chữ Hán rất đẹp cho tôi xem, Chín Chăn Đức, anh trai của Lằm cho biết trong nhà có anh trai Chíu Chăn Zìn viết chữ Hán đẹp nhất vùng. Zìn chuyên viết sách cúng (tiếng Dao gọi là Chà Làng Sâu) bán cho những thầy tào (thầy cúng) trong vùng. Mỗi quyển Chà Làng Sâu phải viết trong 20 ngày mới xong, người mua phải trả những 2 triệu đồng/quyển.

Chíu Chăn Đức không giỏi viết sách như anh trai nhưng lại thạo nghề cúng. Từ 18 tuổi, Đức đã được nhiều nhà trong bản tin cẩn nhờ xem ngày dựng nhà, cưới hỏi, cúng ma... Người Dao xem những hiện tượng bất thường của tự nhiên như không có người mà đá tự lăn, cây tự đổ... đều là có điềm lành gở. Từ sau lễ cúng ông Táo cho tới chiều 30 Tết, công việc của Đức không rảnh tay. Lễ vật của thân chủ dành cho thầy cúng khá đơn giản. Thường thì ai tới nhờ chỉ cầm theo chai rượu. Còn như cúng ma cho đám cưới, đám tang thì có lễ vật thịnh soạn hơn.

Tới Vằng trên đúng vào đêm bản có đám cưới. Choạng tối, trai gái trong bản lục tục kéo đến để chúc mừng và uống rượu cùng Khàu nhục (thịt lợn hầm tẩm mật ong) – một món ăn không thể thiếu trong đám cưới của người Dao.  

Phụ nữ Dao vẫn giữ được y phục truyền thống (ảnh chụp tại lễ cưới của Chìu Vằn Tắc)

Đám cưới không có loa đài xập xình, con gái mặc đồ truyền thống đỏ thắm. Thầy tào Diếng Chống Hiềng vừa làm xong lễ cúng ma cho cô dâu Đặng Tài Múi và chú rể Chìu Vằn Tắc nói chân thật, lễ vật lúc nhờ thầy cúng thân chủ chỉ đưa tới một quả cau và một chai rượu. Sau 2 ngày ở làm lễ cho tân lang tân nương, thầy cúng sẽ được mời một bữa cơm thịnh soạn và biếu 5kg thịt lợn lúc ra về. Tào Hiềng nhà ở tận Cầm Hắc (xã Đồng Văn), vào nghề thầy cúng từ lúc 15 tuổi.

Xưa kia bản làng người Dao chưa có trạm y tế nên những thầy cúng như tào Hiềng được nhờ đi cúng bắt ma chữa bệnh quanh vùng. Công việc bận rộn lắm. Nhưng kỷ niệm mà tào Hiềng tới giờ vẫn day dứt lại chính là cái chết thương tâm của em trai mình là Tằng Chi Hình. Tào Hiềng vẫn nhớ như in buổi chiều hôm ấy Chi Hình vẫn đang đan cái Zang tát (rổ) ở sân thì mặt mày xây xẩm. Người nhà chẳng đi gọi thầy lang mà lại đi gọi thầy tào Ziềng Zì Quay, rồi lại mời cả Xoày ông (chức thầy cúng cao hơn thầy tào) về cúng đuổi ma cho Hình. Tới đêm thì người Chi Hình đã mềm nhũn, đưa xuống tới bệnh viện huyện không kịp nữa. Tào Hiềng bảo bây giờ ai có bệnh đều đi trạm xá cả. Thầy cúng cũng không ai còn đi bắt ma chữa bệnh nữa mà chỉ làm lễ đuổi ma, giữ an lành cho dân bản thôi.

III. Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm nói vui rằng, Ngằn Vàng tiếng là vùng cao vùng sâu nhất xã nhưng được cái đất đai phì nhiêu bạt ngàn. Ai muốn dựng nhà làm nương đâu đâu cũng được. Vài năm nay cây hồi, cây quế và đặc biệt là cây dong riềng ngày càng có giá, người Dao ở Ngằn Vàng sống khá hơn những bản dưới thấp. Chíu Chăn Lằm, chàng trai trẻ vừa nhận giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng năm 2009 dẫn tôi lên lưng chừng dãy núi Chừ Pản. Cánh rừng bao đời gắn với cái nghèo cái đói của người Dao bản Ngằn giờ đã được bao phủ một màu xanh bạt ngàn của cây hồi, cây quế đang giai đoạn sung sức bắt đầu cho thu hoạch.

Mấy tháng cuối năm giá hoa hồi đã lên tới 7.000đ/kg, cao chưa từng thấy. Năm 2009, Lằm thu về không dưới 50 triệu đồng tiền bán hồi bói vụ đầu. Chíu Chăn Lằm ước tính nếu giá thị trường ổn định thì chỉ khoảng ba năm nữa, diện tích rừng hồi và quế rộng gần chục hecta của Lằm sẽ cho thu hoạch tiền tỉ. Thật chẳng ai ngờ cánh rừng Chừ Pản dưới bàn tay của những thanh niên trẻ lại làm giàu cho người như vậy. 

Trẻ con Vằng trên bao đời không đi học, cho tới năm 1997 mới có trường ở bản. Chíu Chăn Lằm lúc đó đã 11 tuổi mới được học lớp 1. Năm 2003, lúc học xong lớp 9 thì người ta bảo đã quá tuổi, không thi vào THPT nữa. Lằm tủi lắm, nhưng biết làm thế nào, đành phải quay về với rừng. Nhà Lằm có tận 9 anh em. Lằm rùng mình nhớ lại những bữa ăn cháo sắn, cháo ngô, rồi thì dong riềng trừ bữa. Lằm bảo mẹ: “Nhà mình bao đời cứ nghèo mãi, mà đất rừng thì bỏ hoang. Giờ Lằm không được học nữa, mẹ cho Lằm tiền mua cây hồi cây quế về trồng, sau này sẽ có quả bán lấy tiền cưới vợ”.

Ý nghĩ đơn giản chỉ như thế, và Lằm một buổi đi học, một buổi đạp xe đạp lên tận cửa khẩu Hoành Mô mua cây hồi cây quế về trồng. Ngày rỗi lại huy động anh em trong nhà đi phát rẫy chuẩn bị đất. Tới năm 2004 Lằm được kết nạp Đoàn, rồi kết nạp Đảng viên. Nhiều đồng chí mà Lằm kể mãi có anh Chung- Bí thư Huyện đoàn Bình Liêu cho đi học lớp trồng rừng, rồi phát triển kinh tế rừng. Lằm dần sáng dạ ra và tiếp tục mở rộng diện tích rừng như bây giờ. Càng làm Lằm càng đâm mê.

Chia tay Ngằn Vàng, Chíu Chăn Lằm dẫn tôi xuống thăm xưởng chế biến miến dong do Lằm kết hợp với các đoàn viên bản Vằng giữa chuẩn bị vụ xát bột mới. Chiếc máy xát bột trị giá hơn 40 triệu đồng do Huyện đoàn Bình Liêu vừa hỗ trợ có công suất trên 4 tấn mỗi ngày sẽ xay hết lượng dong riềng cho bản Ngằn Vàng. Trước đây người Ngằn Vàng phải trồng dong riềng để chống đói, bây giờ có ruộng nước, lại được nhà nước hỗ trợ giống lúa mới, phân bón... nên gạo đã đủ ăn quanh năm. Năm 2008, huyện Bình Liêu hỗ trợ bà con trên 5 tấn củ giống dong riềng. Đến nay toàn bản đã mở rộng diện tích với sản lượng hơn 50 tấn/năm. Riêng Chíu Chằn Lằm cũng thu trên 5 tấn. Để thu mua hết dong riềng cho bà con trong bản, Lằm đã đầu tư mua máy xát công suất lớn. Giờ đây cây dong riềng chống đói đã trở thành cây hàng hoá...

Với những thành tích đóng góp cho dân bản, Chíu Chăn Lằm đã được Trung ương Đoàn TNCS HCM trao tặng giải thưởng Lương Định Của, giải thưởng cao quý nhất dành cho những nhà nông trẻ xuất sắc trong cả nước. Những ngày cận Tết Canh Dần, Chíu Chăn Lằm vừa chế biến miến dong, vừa thu hoạch vườn hoa đào hơn 50 gốc bán Tết cho thương lái miền xuôi. Hơn 10kg hạt đào anh ngâm ủ cũng đã nảy mầm. Ra Tết, Lằm sẽ huy động đoàn viên trong bản đến trồng hơn 1.000 gốc đào ở núi Chừ Pản để sau này bán Tết.

Xem thêm
Đảng ủy Bộ NN-PTNT bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024

Ngày 27/3, tại Trường Cán bộ quản lý NN-PTNT, Đảng ủy Bộ NN-PTNT đã tổ chức Bế giảng lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng năm 2024.

Ký kết giao ước thi đua ngành nông nghiệp các tỉnh, thành vùng ĐBSCL

Hội nghị nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đẩy mạnh phong trào thi đua vùng ĐBSCL năm 2024.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Gió lốc kèm mưa đá liên tiếp xảy ra tại Sơn La

Sáng 29/3, một số bản của xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) xuất hiện mưa to, gió lốc kèm theo mưa đá, gây thiệt hại về nhà cửa, tài sản của người dân.

Bình luận mới nhất