| Hotline: 0983.970.780

Trại thỏ 1,3 tỷ

Thứ Tư 27/10/2010 , 10:53 (GMT+7)

Thời điểm này, trung bình mỗi ngày trại thỏ của gia đình anh Dương Trí Tuệ ở thôn số 3, xã Quý Sơn (Lục Ngạn – Bắc Giang) thu về hơn 1 triệu đồng tiền lãi…

* Mỗi ngày lãi hơn 1 triệu

Thời điểm này, trung bình mỗi ngày trại thỏ của gia đình anh Dương Trí Tuệ ở thôn số 3, xã Quý Sơn (Lục Ngạn – Bắc Giang) xuất bán ra thị trường 70 kg thỏ thương phẩm, với giá từ 60 – 65 nghìn đồng/kg, trừ chi phí anh Tuệ thu về hơn 1 triệu đồng lãi…

Cũng giống như các hộ dân khác, trước kia khi mới bước vào nuôi thỏ (đầu tháng 6 năm 2007), anh Dương Trí Tuệ cũng chỉ đầu tư 6 triệu đồng mua 50 con thỏ giống từ Trung tâm Nghiên cứu dê và thỏ Sơn Tây (Hà Tây cũ) về nuôi. Với cách làm vừa nhân giống nuôi bán thỏ thương phẩm, vừa lựa chọn những con thỏ tốt để lại tiếp tục gây giống đến nay sau hơn 3 năm tập trung chăn nuôi, trang trại nuôi thỏ của gia đình anh Tuệ thường xuyên có khoảng 4.500 con thỏ lớn nhỏ, trong đó có 500 con thỏ bố mẹ.

Trại thỏ của gia đình anh Tuệ được xây dựng khoa học nằm cạnh hồ 40 của xã Quý Sơn, không khí trong lành và thoáng mát. Với tổng diện tích chuồng rộng hơn 1.500 m2, trong chuồng anh Tuệ dùng lưới sắt hàn chia làm cả nghìn ô nhỏ, mỗi ô chỉ rộng khoảng 1 m2. Riêng các ô chăn nuôi thỏ bố mẹ thì có khu vực riêng làm ổ cho thỏ sinh sản. Nếu tính tổng giá trị số thỏ trên cộng với tiền xây dựng chuồng, ước tính trại thỏ nhà anh có trị giá lên tới 1,3 tỷ đồng.

Trao đổi với chúng tôi, anh Tuệ vui mừng cho biết: "Hiện nay thỏ thương phẩm đang được giá cao từ 60 – 65 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày trung bình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 70 kg thỏ thịt, thu về hơn 1 triệu đồng lãi". Trong quá trình chăn nuôi thỏ, anh Tuệ thường xuyên liên hệ với Hiệp hội Nuôi thỏ Việt Nam nhằm trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ thỏ thương phẩm. Do đó, trang trại nuôi thỏ nhà anh đã có được đầu ra tiêu thụ ổn định tại các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh… số lượng đặt hàng ngày càng nhiều.

Như vậy với mô hình chăn nuôi thỏ công nghiệp này, trừ mọi chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình anh Dương Trí Tuệ thu về được gần 30 triệu đồng tiền lãi. Anh Tuệ nằm trong thường vụ của Hiệp hội Nuôi thỏ Việt Nam. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh còn thường xuyên phối hợp với các Trung tâm dạy nghề trong tỉnh Bắc Giang tổ chức các lớp chuyển giao KHKT về chăn nuôi thỏ công nghiệp cho nông dân ở hai huyện Lục Ngạn và Sơn Động.
Đặc biệt trong tháng 8 năm 2010 vừa qua, đoàn chuyên gia của Công ty Nippon 20 Ki, Nhật Bản (Công ty chuyên nghiên cứu sản xuất thuốc vacxin từ thỏ) đã tới trại thỏ nhà anh Tuệ khảo sát việc chăn nuôi để đặt hàng với số lượng thỏ thương phẩm lớn. Anh Tuệ cho biết trong tháng 10 này, anh sẽ đàm phán để thống nhất về giá cả và phương thức thu mua. Nếu thoả thuận thành công thì trại thỏ nhà anh sẽ mở rộng ra gấp 3 lần.

Để duy trì chăn nuôi hiệu quả trại thỏ hiện nay, anh Tuệ đã thuê 2 công nhân làm việc thường xuyên cùng gia đình để dọn dẹp vệ sinh hằng ngày và điều chỉnh lượng thức ăn cho từng lứa thỏ. Nói về kỹ thuật chăn nuôi thỏ, anh Tuệ cho biết thêm: Thỏ là con vật dễ nuôi, sinh sản và phát triển nhanh. Điều quan trọng nhất trong chăn nuôi là cần phải giữ vệ sinh chuồng trại, điều chỉnh lượng thức ăn thô và thức ăn tinh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thỏ.

Đối với thỏ sinh sản, người chăn phải theo dõi thường xuyên, khi thỏ cái đến kỳ thụ thai phải chọn con thỏ đực khoẻ mạnh cho phối giống thì lượng tinh trùng mới bảo đảm. Khi thỏ cái đã thụ thai cần điều chỉnh lại lượng thức ăn ngay thì mới giữ được thai tốt. Thông thường một con thỏ cái đẻ từ 5 – 7 lứa/năm, mỗi lứa được từ 5 – 9 con thỏ con. Tuy nhiên vào mùa hè nóng bức người nuôi chỉ nên giữ lại tối đa 7 con thỏ con/lứa, còn mùa đông không nên để quá 8 con/lứa, làm vậy để giữ gìn sức khỏe cho thỏ mẹ tốt.

Xem thêm
Một con bò có thể tạo ra 2 tỷ điểm dữ liệu trong suốt cuộc đời

Theo các chuyên gia ngành chăn nuôi Mỹ, ứng dụng công nghệ gen đóng vai trò quan trọng trong nhân giống bò sữa, giúp tối đa hóa tiến bộ di truyền.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Lúa đông xuân sớm được mùa, nông dân lãi 20 triệu đồng/ha

QUẢNG BÌNH Các diện tích lúa đông xuân sớm tại Quảng Bình hiện đã thu hoạch, năng suất bình quân khoảng 65 tạ/ha, nông dân lãi hơn 20 triệu đồng/ha…

Đốt rơm rạ là... đốt tiền

ĐỒNG THÁP Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm