| Hotline: 0983.970.780

Trăm Câu lạc bộ tỷ phú miền sông Hậu: Câu lạc bộ 1 tỷ/ha/năm

Thứ Tư 21/01/2015 , 12:38 (GMT+7)

Miền quê sông Hậu anh hùng đang thay da đổi thịt từng ngày... NNVN giới thiệu đến bạn đọc một số CLB có thu nhập cao của tỉnh này.

Hậu Giang là tỉnh cuối nguồn sông Hậu, nằm trải mình bên dòng kênh xáng Xà No hiền hòa mang nặng phù sa. Những năm chiến tranh, nơi đây là vùng đất cách mạng, nơi đặt căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ. Hòa bình lập lại, người dân bắt tay xây dựng cuộc sống mới.

Đặc biệt là từ khi được thành lập (năm 2004, chia tách từ tỉnh Cần Thơ), tỉnh Hậu Giang được xem là điểm sáng ở ĐBSCL về phong trào nông dân SXKD giỏi, xây dựng nông thôn mới.

Miền quê sông Hậu anh hùng thay da đổi thịt từng ngày... NNVN giới thiệu đến bạn đọc một số CLB có thu nhập cao của tỉnh này.

Chuyện làm nông có thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm không còn xa lạ gì đối với nhiều người ở TX Ngã Bảy, Hậu Giang.

Tại đây đã hình thành những CLB "Nông dân làm vườn có thu nhập cao" với doanh thu hơn 1 tỷ đồng/ha/năm. Chỉ cần có trong tay một, hai ha đất vườn là nông dân trở thành tỷ phú.

Làng biệt thự

Tính đến đầu năm 2015, Hậu Giang có gần 48.000 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi các cấp, trong đó có 3.750 hộ đạt cấp tỉnh, 168 hộ đạt cấp Trung ương. Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang có gần 100 câu lạc bộ SXKD giỏi, có nhiều mô hình thu hơn 1 tỷ đồng/ha/năm

Theo sự hướng dẫn của Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, tôi tìm về xã Tân Thành, TX Ngã Bảy để gặp cô Hai Điệp (Trương Ngọc Điệp), Chủ nhiệm CLB "Nông dân làm vườn có thu nhập cao".

Tân Thành mới được công nhận đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới, giao thông nông thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đi lại thuận tiện. Hai bên đường được làm hàng rào cây xanh, trồng hoa rất đẹp mắt.

Con đường dẫn vào ấp Bảy Thưa, nơi đặt bản doanh của CLB cũng không nằm ngoại lệ. Ấp Bảy Thưa nằm uốn mình theo kênh Nhỏ Dài, nên đường giao thông dích dắc xuyên qua những vườn cây ăn trái, mà chủ yếu là cây có múi như cam, bưởi…

Hỏi thăm nhà cô Hai Điệp, một người phụ nữ đang cắt tỉa cây cảnh ven đường chỉ dẫn: “Cứ chạy một đoạn nữa, khi nào thấy căn nhà tường to nằm giữa vườn cam là tới”.

Trái với suy nghĩ của tôi về hình ảnh Chủ nhiệm CLB giàu có, thu nhập hàng tỷ mỗi năm thì phải sang trọng như giám đốc các công ty đang ăn nên làm ra.

Thế nhưng Chủ nhiệm Hai Điệp lại là người chân chất, bình dị như bao người phụ nữ Nam bộ khác. Đặc điểm nổi bật ở cô Hai Điệp chính là tinh thần ham học hỏi, mạnh dạn áp dụng KHKT vào sản xuất.

Hỏi thăm về tình hình hoạt động của CLB, cô Hai Điệp tự hào: “Không ai ngờ con kênh Nhỏ Dài nghèo khó ngày nào nay lại trở thành làng tỷ phú, tất cả đều nhờ cây cam sành mà có”.

16-12-46_3-cong-viec-tuoi-cm-kh-nhn-nh
Công việc tưới cam khá nhàn nhã như đi dạo chơi trong vườn

Theo cô Hai Điệp, trước đây người dân ấp Bảy Thưa chủ yếu làm lúa, trồng mía và vườn tạp. Mỗi hộ có trong tay một, hai ha đất nhưng vẫn nghèo đói quanh năm.

Vì ở đây đất thấp trũng, hay bị ngập úng nên chẳng có mô hình kinh tế nào mang lại hiệu quả. Sau này, được Nhà nước đầu tư làm đê bao, sản xuất có đỡ hơn nhưng cũng chỉ thoát nghèo thôi chứ chưa ai dám mơ đến làm giàu.

Nhà cô Hai Điệp cũng không phải ngoại lệ. Từ quê chồng ở Cù Lao Dung (Sóc Trăng) sang đây mua đất, cất chòi ở tạm. Với một ha đất, sau khi đã lên đê bao, chỉ còn lại được vài công sản xuất lúa, mỗi năm thu chừng 200 giạ lúa, trừ chi phí còn lại không đủ trả nợ. Cuộc sống cứ thế quanh quẩn trong đói nghèo.

Người dân ấp Bảy Thưa chỉ thực sự đổi đời khi cây cam sành bám rễ ở vùng đất này. Những người đầu tiên trồng cam sành ở đây là từ nơi khác đến. Họ là những nông dân làm vườn ở Mái Dầm (huyện Châu Thành, Hậu Giang) bị quy hoạch thu hồi đất nên chạy sang đây. Từ một, hai hộ ban đầu, thấy trồng cam sành hiệu quả nên người dân ấp Bảy Thưa đã tập tành làm theo.

Cứ thế, phong trào chuyển đổi đất ruộng lúa thành vườn cây ăn trái ngày càng lan rộng. Cô Hai Điệp nhớ lại: “Khi mới bắt đầu trồng cam, chẳng ai có kinh nghiệm nên cứ người này học hỏi người kia. Dần dần hình thành nhóm trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, rồi lên CLB”.

Hiện nay, CLB "Nông dân làm vườn có thu nhập cao" của xã Tân Thành có tất cả 32 thành viên, thuộc ấp Bảy Thưa, Sơn Phú 2A và Đông Bình, với diện tích canh tác hơn 50 ha, chủ yếu trồng cam sành, bưởi Năm Roi và da xanh.

CLB sinh hoạt định kỳ vào những đợt chuẩn bị làm bông (kích thích cây ra bông), khi gần thu hoạch để nắm bắt giá cả thị trường, tiêu thụ sản phẩm. Ai có kinh nghiệm gì hay thì mang ra chia sẻ, đóng góp ý kiến. CLB sinh hoạt mở, những thành viên mới tham gia được ưu tiên có ý kiến trước, nêu lên những khó khăn, vướng mắc sẽ được chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ.

Với cách làm như vậy, tất cả các thành viên CLB đều thành công. Chỉ cần vài ba năm vườn cây cho trái là họ đã trở thành nông dân tỷ phú, xây biệt thự, sống khá sung túc.

Nhà cô Hai Điệp được xây dựng theo kiểu biệt thự mini khá đẹp, trong nhà sử dụng toàn nội thất đồ gỗ đắt tiền. Thế nhưng, cô Hai tỏ ra khiêm tốn: “Mình làm nhà, mua sắm nội thất chưa tới 1 tỷ đồng, còn kém xa so với những thành viên khác trong CLB. Thu nhập cao, nhà nào cũng xây biệt thự, chẳng mấy chốc mà nơi đây đã thành làng biệt thự”.

Thu tiền tỷ dễ như trở bàn tay 

Theo cô Hai Điệp, mỗi ha đất vườn có thể trồng được 3.000 gốc cam sành, sau 2 năm bắt đầu cho trái và thu hoạch liên tục 8-10 năm mới phải trồng lại. Nếu chăm sóc tốt, mỗi cây cho khoảng 30 kg trái/năm, một ha thu 90 tấn trái. Còn trung bình cũng khoảng 60-70 tấn trái/ha/năm.

Cam sành cho trái quanh năm nhưng thường có 2 đợt thu hoạch rộ vào tháng 4-5 và tháng 11-12 âm lịch. Đây cũng là thời điểm giá cam cao nhất do nhu cầu tăng mạnh, thường lên đến 27.000-28.000 đồng/kg. Còn vào mùa mưa, giá cam thấp hơn, chỉ khoảng 8.000-10.000 đồng/kg. Tính ra trung bình cũng ở mức 15.000-17.000 đồng/kg.

“Chỉ cần mỗi ha thu hoạch 60 tấn trái/năm thì nông dân đã có doanh thu cả tỷ đồng rồi, trừ chi phí đầu tư khoảng 30%, còn bỏ túi 700-800 triệu đồng. Nhà có 1,5-2 ha cam sành là thành tỷ phú. Có lẽ khó mô hình sản xuất nào ở ĐBSCL mang lại hiệu quả cao như trồng vườn cây ăn trái có múi”, cô Hai Điệp tự hào nói.

Dù vậy, trồng cây có múi cũng gặp phải rủi ro về dịch bệnh, nhất là bệnh vàng lá gân xanh chưa có thuốc đặc trị. Cô Hai Điệp chia sẻ kinh nghiệm: “Cây cam thường bị bệnh từ gốc lên dù biểu hiện của bệnh thể hiện trên cành, lá.

Vì vậy, trước khi trồng phải dọn vệ sinh thật kỹ, đắp mô cao và hạn chế tối đa việc dùng phân hóa học, thay vào đó là phân hữu cơ vi sinh. Chọn mua cây giống sạch bệnh ở những cơ sở có uy tín thì mới thành công”.

Sau khi trồng, phải thường xuyên dọn cỏ vườn bằng máy cắt cỏ, tuyệt đối không dùng thuốc trừ cỏ vì cam sẽ bị hư. Vào mùa nắng, cứ hai ngày thì tưới vườn một lần.

Hôm chúng tôi đến thăm vườn cam, chú Sáu Của (Chế Văn Của), chồng cô Hai Điệp đang tưới vườn. Công việc tưới vườn ở đây cũng như đi dạo chơi du lịch sinh thái trên sông nước.

Trúng cam nhà nào cũng sắm sửa đầy đủ các loại máy móc phục vụ sản xuất. Máy lớn đặt ở góc vườn để bơm nước ra chống ngập vào mùa mưa, máy nhỏ đặt trên xuồng di chuyển trong vườn để tưới cây, máy cắt cỏ, máy phun áp lực cao để phun thuốc phòng trị sâu, bệnh…

Chú Sáu Của ngồi trên xuồng đi dọc theo con mương trong vườn để tưới cây. Mỗi khi muốn di chuyển, chú lại dùng chính áp lực nước từ vòi phun để đẩy xuồng đi. Tưới 1,5 ha vườn nhưng chẳng hề ướt chân, ướt tay.

16-12-46_5-vu-tuoi-xong-15-h-cm-nhung-chu-su-cu-khong-he-uot-chn-ty
Vừa tưới xong 1,5 ha cam nhưng chú Sáu Của không hề ướt chân, tay

Chú Sáu Của tâm sự: “Trước đây tưới vườn phải lội mương đẩy xuồng, nhưng giờ thì khỏe lắm, chỉ cần ngồi cầm vòi phun quơ đi quơ lại là xong, tưới mấy ha vườn cũng không đổ mồ hôi. Còn vào mùa thu hoạch cam, thương lái vào tận vườn thu mua, nhà vườn cũng chẳng tốn công gì nhiều”.

Cây cam sành không chỉ mang lại thu nhập cao cho nhà vườn mà còn tạo công ăn việc làm cho nông dân địa phương. Cô Hai Điệp cho biết: “Ở đây, chỉ có ai lười lao động mới nghèo chứ việc làm không lúc nào thiếu.

Đi giữ vườn cam lương tháng cũng 4-5 triệu đồng, hái cam chín, phát cỏ vườn… 200.000 đồng/người/ngày. Cơm bưng nước rót, máy móc chủ vườn đầu tư hết, người làm chỉ việc bỏ công, chiều về nhận tiền. Thậm chí buổi tối xong việc chủ vườn còn đãi người làm bữa nhậu lai rai cho vui với vài con cá lóc nướng trui, gà thả vườn làm gỏi”.

Chia tay CLB "Nông dân làm vườn có thu nhập cao" ở xã Tân Thành, tôi thong thả ra về. Chạy xe trên con đường nông thôn bê tông hóa, bông cam, bông bưởi tỏa hương thơm ngát, ngắm nhìn những cây cam trĩu quả thật đã mắt. Nhà vườn đang chăm chút từng cây cam để chuẩn bị bán Tết.

Lại một cái Tết đủ đầy, yên bình, sung túc đang đến rất gần với các nhà vườn nơi đây. Bởi nói như Chủ nhiệm Hai Điệp thì chỉ cần “một tấn cam thì cả nhà ăn Tết thoải mái rồi”…

Xem thêm
Gạo ST24, ST25 chưa được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang châu Âu

Vừa qua, xuất hiện thông tin về việc giống gạo ST24 và ST25 đã được ưu đãi thuế xuất khẩu sang thị trường EU. Tuy nhiên, đây là các thông tin chưa chính xác.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

TH và câu chuyện xây dựng thương hiệu từ chữ 'thật'

Đối với Tập đoàn TH, chữ ‘thật’ được khẳng định bằng mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn mà doanh nghiệp đang theo đuổi, áp dụng.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm