| Hotline: 0983.970.780

Trăm Câu lạc bộ tỷ phú miền sông Hậu: Câu lạc bộ trồng màu thu 1-2 triệu/ngày/hộ

Thứ Năm 22/01/2015 , 13:55 (GMT+7)

Hiện nay, tỉnh Hậu Giang đang có gần chục câu lạc bộ (CLB) trồng rau màu với thu nhập cao./ Trăm Câu lạc bộ tỷ phú miền sông Hậu: Câu lạc bộ 1 tỷ/ha/năm

Cái hay của mô hình này là các thành viên không cần phải có diện tích đất lớn, chỉ cần 1-2 công trồng màu là đã có nguồn thu nhập khá, từ 1-2 triệu đồng/ngày.

Vườn rau thoát nghèo

Chiều cuối ngày, chúng tôi theo chân kỹ sư Nguyễn Thị Thúy Kiều, cán bộ Tổ Kinh tế Nông nghiệp xã Vị Tân, TP Vị Thanh đến thăm CLB trồng rau xanh Ổ Sấu, ở ấp 1 trong xã. Nơi đây được dòng sông Cái bao bọc như một bán đảo.

Dọc theo bờ sông, dừa nước mọc xanh um, dựng hàng rào che chắn gió cho những luống rau xanh đang vươn cao trong nhà lưới. Bà Huỳnh Thị Bé Sáu, Chủ nhiệm CLB Trồng rau xanh Ổ Sấu cùng chồng là ông Chiêm Út đang thu hoạch rau, rửa sạch chuẩn bị đóng gói bỏ mối cho khách hàng.

Thấy cán bộ nông nghiệp xã đến, bà Sáu định ngưng tay vào nhà làm nước uống nhưng chị Kiều đã ngăn lại: “Cô Sáu tranh thủ làm để kịp giao hàng cho người ta”.

Bà Sáu miễn cưỡng ngồi lại làm tiếp, rồi nói như thanh minh: “Nghề làm rau màu cực lắm, tối ngày không được nghỉ tay, có khi cơm không kịp ăn.

Hết trồng mới, chăm sóc, thu hoạch, lại làm đất chuẩn bị gieo lứa tiếp theo. Được cái nghề này ngày nào cũng có đồng ra đồng vào, nên đã theo nghề là ai cũng mê, không muốn bỏ”.

Gia đình bà Sáu có tới 20 công đất chuyên trồng mía, lúa nhưng những năm trước đây lúc nào cũng túng thiếu, không đủ nuôi 8 miệng ăn. Còn hơn 2 công đất quanh nhà là vườn tạp, cây cối mọc um tùm nhưng chẳng mang lại nguồn thu nhập gì đáng kể.

Bà Sáu kể: “Trồng mía mỗi năm mới có một vụ thu hoạch, trong khi 6 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học, rồi sinh hoạt gia đình… phải chi phí thường xuyên. Tháng nào tôi cũng phải qua lò đường gần nhà (lò ép thủ công) mượn tiền để chi tiêu, đầu tư cho ruộng mía.

Tới cuối vụ, cân mía xong không đủ trả nợ. Sang năm lại lặp lại cái vòng luẩn quẩn. Chủ lò vặn sao cứ qua mượn tiền hoài vậy nghe mà mắc cỡ, không dám ngẩng đầu lên trả lời”.

Thấy cuộc sống cứ quẩn quanh trong đói nghèo, khoảng đầu năm 2000, bà Sáu bàn với chồng phá bỏ diện tích vườn tạp quanh nhà để trồng rau xanh.

Đất thấp, lại gần sông Cái nên rất dễ bị triều cường gây ngập úng, gia đình phải đắp đê xung quanh 2 công vườn để chủ động bơm nước ra. Các loại rau ăn lá cải xanh, cải ngọt, cải thìa, bẹ dún, xà lách… và các loại rau thơm, rau húng được trồng kín vườn.

“Khác với trồng mía, làm lúa, trồng rau màu chỉ khoảng một tháng là bắt đầu có thu hoạch và cứ luân phiên hết luống này qua luống khác.

Nhờ trồng rau mà kinh tế gia đình không còn túng thiếu nữa. Đầu tư cho sản xuất, lo cho con ăn học, chi phí gia đình tất cả đều nhờ vào vườn rau. Còn mấy chục công mía sau nhà đến vụ thu hoạch là phần dư ra để tích trữ”, bà Sáu nhớ về những ngày tháng thoát nghèo của gia đình.

Thấy gia đình bà Sáu trồng rau có thu nhập khá, nhiều hộ dân xung quanh cũng phá bỏ vườn tạp làm theo. Phong trào phát triển, xã cử cán bộ nông nghiệp vào hỗ trợ kỹ thuật, làm nhà lưới, ủ phân hữu cơ để sản xuất rau sạch.

17-08-12_5-trong-ru-mu-vt-v-suot-ngy-nhung-mng-li-nguon-thu-nhp-kh-nen-d-vo-nghe-l-it-i-chi-nghi-
Trồng rau màu vất vả suốt ngày nhưng mang lại nguồn thu nhập khá nên đã vào nghề là ít ai chịu nghỉ. Trong ảnh: Bà Bé Sáu đang rửa rau chuẩn bị đóng gói bỏ mối cho khách hàng

Đến cuối năm 2013, CLB sản xuất rau xanh Ổ Sấu được thành lập, với 11 thành viên, diện tích canh tác 2,6 ha. Mỗi ngày, các thành viên trong CLB cung cấp cho thị trường khoảng 1 tấn rau xanh các loại, mang lại nguồn thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình.

Kiếm tiền triệu mỗi ngày

Với lợi thế nằm ở vùng ven của TP Vị Thanh, trung tâm tỉnh lỵ Hậu Giang, nhu cầu tiêu thụ rau xanh hằng ngày rất lớn nên sản phẩm của CLB làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Kỹ sư Nguyễn Thị Thúy Kiều cho biết, để giúp bà con làm ra sản phẩm rau an toàn, ngoài việc tập huấn kỹ thuật, Tổ Kinh tế Nông nghiệp xã còn xuống tận nơi hướng dẫn bà con làm nhà lưới, sử dụng nấm Trichoderma để ủ phân hữu cơ từ thân lục bình… Từ đó, chất lượng, năng suất rau ở đây được nâng lên, được thị trường tiêu thụ mạnh.

Vừa thu hoạch rau cho vợ rửa đóng gói, ông Chiêm Út vừa nói: “Dòng sông Cái này lục bình nhiều lắm, có khi ken đặc khiến tàu bè qua lại rất khó nhưng trước đây chẳng ai nghĩ nó có thể ủ làm phân hữu cơ rất tốt. May nhờ có kỹ sư nông nghiệp hướng dẫn, giờ ở đây ai cũng biết tự ủ phân để trồng rau sạch. Cứ thu hoạch xong lứa rau là lại thêm một lớp phân hữu cơ mới, nhờ vậy mà vườn rau ngày càng được tôn cao, không bị ngập nữa mà rau lại rất tốt”.

Rau trồng trong nhà lưới nên không bị sâu hại tấn công, không phải phun thuốc BVTV. Công việc tưới rau đã có môtơ điện, chỉ cần bật cầu dao là cầm vòi phun nên cũng đỡ vất vả.

Tuy nhiên, công việc trồng rau màu vẫn tất bật từ sáng đến tối. Trung bình mỗi ngày gia đình bà Sáu cung ứng ra thị trường khoảng trên 100 kg rau xanh.

Những lúc bình thường, rau cải, xà lách có giá từ 8.000-10.000 đồng/kg. Còn vào những tháng mùa nước nổi hay như dịp Tết hiện nay, giá rau tăng lên 10.000-2.000 đồng/kg. Như vậy, chỉ với 2 công đất vườn, đã mang lại nguồn thu nhập tiền triệu mỗi ngày cho người dân nơi đây.

Hiện nay, do cây mía rớt giá, gia đình bà Sáu đã chuyển toàn bộ rẫy mía qua cây khóm. Nhưng khi hỏi bà có chuyển cả vườn rau quanh nhà qua cây khóm cho đỡ cực không, bà Sáu cười nói: “Vất vả nhưng có tiền dô quanh năm, còn sức mình còn làm, chứ nghỉ thì tiếc lắm”.

Rồi bà tâm sự: “Từ vườn rau, con cái trong nhà được lo học hành tử tế, đứa đi làm, đứa buôn bán. Bây giờ chúng khuyên hai vợ chồng tôi nên nghỉ trồng rau màu, chi phí hằng ngày chúng sẽ chu cấp. Nhưng trồng rau thu nhập ham lắm, vợ chồng tôi chưa muốn nghỉ, khi nào không làm được nữa mới thôi”.

Ông Lưu Văn Dủ, Chủ tịch UBND xã Vị Tân đánh giá cao hiệu quả của CLB sản xuất rau màu Ổ Sấu. Theo ông Dủ, đây là mô hình dễ làm, phù hợp với những hộ nông dân ít đất.

Vì vậy, xã khuyến khích nông dân phát triển các mô hình này và thường xuyên cử cán bộ kỹ thuật nông nghiệp xuống tận nơi để hỗ trợ nông dân thực hiện, xây dựng chuỗi sản xuất rau an toàn để cung cấp cho thị trường.

Hiện nay, tỉnh cũng đang có chủ trương hỗ trợ người dân chuyển đổi vườn tạp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hoặc làm rau màu.

Đây là cách để nâng cao thu nhập cho người dân, giúp xã hoàn thành việc xây dựng nông thôn mới sớm hơn kế hoạch và tập trung nâng chất lượng, giữ vững các tiêu chí trong thời gian tới.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất