| Hotline: 0983.970.780

Trăm câu lạc bộ tỷ phú miền sông Hậu: Trồng mía năng suất "khủng"

Thứ Hai 26/01/2015 , 09:50 (GMT+7)

Trong gần 100 CLB thu nhập cao của tỉnh Hậu Giang hiện nay thì có khoảng 10 CLB chuyên trồng mía./ Câu lạc bộ trồng màu thu 1-2 triệu/ngày/hộ

Trong đó, CLB 200 (200 tấn mía/ha) là có năng suất "khủng" nhất và chất lượng cũng luôn vượt trội.

Năng suất tăng cao nhưng chi phí đầu tư tăng thêm không đáng kể nên các thành viên CLB luôn có thu nhập cao hơn hẳn so với bên ngoài.

Đột phá khâu giống, kỹ thuật

Hậu Giang là tỉnh đứng đầu ĐBSCL về lĩnh vực SX mía đường khi trên địa bàn có tới 3 nhà máy đường (2 nhà máy của Cty CP Mía đường Cần Thơ (CASUCO) và 1 của Cty TNHH Đường cồn Long Mỹ Phát) cùng hoạt động. Tỉnh này cũng là địa phương có diện tích trồng mía nguyên liệu lớn nhất trong vùng, lúc cao điểm lên đến hơn 14.000 ha.

Tại vùng mía nguyên liệu chính của tỉnh là huyện Phụng Hiệp, có nhiều hộ nông dân đã gắn bó với cây mía mấy chục năm qua, từ đời này qua đời khác, từ trồng mía bán cho các lò ép thủ công đến các nhà máy đường công nghiệp. Ông Trương Văn Hiền ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng là một trong những hộ tiêu biểu trong số đó.

Theo ông Hiền, người dân xã Hiệp Hưng đã gắn bó với cây mía khoảng trên dưới 30 năm nay. Hồi đó, chủ yếu trồng các giống mía địa phương, năng suất rất thấp, chỉ đạt 30-35 tấn/ha là cao. Nhưng nhờ mía có giá nên người trồng vẫn sống khỏe.

Sau này, khi các nhà máy đường công nghiệp được đầu tư, phát triển vùng mía nguyên liệu, nông dân mới được hỗ trợ kỹ thuật và giống mía mới, năng suất tăng lên rất nhiều. Đến năm 2004, CLB trồng mía ấp Quyết Thắng được thành lập, với 9 thành viên, diện tích 22 ha. Ông Hiền được mọi người bầu làm chủ nhiệm.

CLB ra đời, được nhà máy đường tin tưởng chọn là nơi thử nghiệm các giống mía mới và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào SX. Nhờ đó, năng suất mía cứ tăng lên từng năm: 50, 60… rồi 100 tấn/ha. Đời sống nông dân trồng mía cũng phất lên từ đó.

Thấy năng suất mía còn có thể tăng cao, năm 2006, bộ phận khuyến nông của CASUCO đã quyết định thành lập CLB 200 để nông dân phấn đấu, cũng như mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX.

Là người có nhiều kinh nghiệm trồng mía, ông Trương Văn Hiền cho biết: “Theo quy định, muốn trở thành thành viên CLB 200 thì phải có diện tích đất canh tác tối thiểu là 0,7 ha (7.000 m2, đất thực trồng), sau đó đăng ký tham gia để được các cán bộ khuyến nông của CASUCO hỗ trợ kỹ thuật, theo dõi, đánh giá năng suất. Nếu cuối vụ mà năng suất mía đạt 200 tấn/ha trở lên, chữ đường đạt tối thiểu từ 9 CCS thì được kết nạp vào thành viên”.

Mục tiêu của CLB là tập hợp những nông dân có kinh nghiệm trồng mía, đạt năng suất, chất lượng cao để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Bên cạnh đó là sự hỗ trợ đắc lực của Cty CASUCO về giống mới cũng như kỹ thuật, đồng thời bao tiêu đầu ra cho nông dân.

Vì vậy, không phải vào được thành viên CLB 200 là không phải phấn đấu nữa mà càng phải cố gắng nhiều hơn. Nếu năm đầu đạt mà năm sau năng suất giảm xuống chỉ còn 180 tấn/ha thì được ưu ái cho “lưu ban” 1 năm. Năm tiếp theo mà năng suất không đạt quy định thì bị loại và phải đăng ký phấn đấu lại từ đầu như các thành viên mới.

17-03-48_5-chu-nhiem-hien-dng-chm-soc-dien-tich-trong-giong-mimoi-do-csuco-cung-cp-trong-thu-nghiem
Chủ nhiệm Hiền đang chăm sóc diện tích mía giống mới do CASUCO cung cấp trồng thử nghiệm

Ông Nguyễn Văn Đồng, GĐ Sở NN-PTNT Hậu Giang: Về lâu dài tỉnh sẽ quy hoạch lại vùng mía nguyên liệu ở mức từ 10.000 - 12.000 ha, vừa đủ đáp ứng nhu cầu công suất của 3 nhà máy. Diện tích còn lại sẽ chuyển sang các loại cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh (đề án 1.000).
Do vùng mía nguyên liệu Phụng Hiệp có địa hình trũng thấp nên thường bị ngập lũ, người dân phải thu hoạch sớm, sau đó trồng lại vụ lúa liếp, diện tích khoảng 3.000 ha. Cơ cấu mía - lúa như vậy là không phù hợp, làm tăng chi phí do phải đầu tư trồng lại hàng năm.
Vì vậy, về lâu dài sẽ chuyển vùng mía nguyên liệu chính của tỉnh từ Phụng Hiệp về huyện Long Mỹ, nơi có địa hình cao, phù hợp với trồng mía lưu gốc... 

Chủ nhiệm Trương Văn Hiền cho biết thêm, theo đánh giá hàng năm của bộ phận Khuyến nông CASUCO, tỷ lệ thành viên bị loại rất ít nhưng thành viên mới được kết nạp ngày càng tăng lên.

Hiện nay, CLB 200 đang có khoảng 150 thành viên, thuộc địa bàn các huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ, TP Vị Thanh (Hậu Giang) và huyện Gò Quao (Kiên Giang). Trung bình diện tích canh tác của các thành viên trong CLB khoảng 1 ha mía/hộ.

“Có lẽ do thổ nhưỡng vùng Phụng Hiệp hợp với cây mía, cộng với kỹ thuật canh tác tốt nên huyện này chiếm tới 3/4 số thành viên của CLB. Và người trồng mía đạt năng suất khủng nhất cho tới nay cũng là nông dân Phụng Hiệp, lên đến 260 tấn/ha, còn từ 200-220 tấn/ha thì rất phổ biến”, ông Hiền tự hào.

Vẫn gắn bó với cây mía

Liên tiếp mấy năm gần đây, giá mía nguyên liệu ở ĐBSCL sụt giảm nghiêm trọng, khiến nông dân thua lỗ nặng. Nhiều người đã quyết định chia tay với cây mía để chuyển sang cây, con khác cho hiệu quả cao hơn.

Bằng chứng là diện tích mía của tỉnh Hậu Giang niên vụ 2014-2015 chỉ còn khoảng 12.000 ha, giảm trên 2.000 ha so với lúc cao điểm. Thế nhưng, ông Hiền cho biết, các thành viên CLB vẫn mặn mà gắn bó với cây mía. Vì nhờ có năng suất cao, giá thành thấp nên hiệu quả kinh tế vẫn khá.

Với 15 công đất trồng mía của gia đình, ông Hiền nhẩm tính “vụ rồi vẫn lãi gần 100 triệu đồng”. Cụ thể, 15 công mía ông Hiền bán cho thương lái với giá 210 triệu đồng, thương lái tự thu hoạch, vận chuyển xuống ghe. Do không phải tốn tiền công thu hoạch (khoảng 180.000 đ/tấn) nên giảm được chi phí, lợi nhuận tăng lên thêm.

Năm qua, vùng mía nguyên liệu ở Phụng Hiệp đã được tỉnh Hậu Giang đầu tư đê bao và CASUCO đầu tư một số trạm bơm nước chống lũ. Nhờ vậy, mà ông Hiền cũng như nhiều hộ dân khác ở đây chờ cho tới thời điểm mía chín mới bán.

Hơn nữa, ông Hiền còn thử nghiệm để mía lưu gốc và tự để hom mía giống trồng cho vụ mới. Chỉ riêng khâu tự để giống, mỗi vụ ông Hiền đã tiết kiệm được 25-30 triệu đồng.

Ông Hiền tiếc rẻ: “Giá như mình mạnh dạn lưu gốc hết toàn bộ diện tích thì còn dư ra số mía hom để bán cho bà con làm giống, cũng kiếm thêm được vài chục triệu nữa”.

Theo ông Hiền, phần lớn các thành viên CLB 200 niên vụ mía vừa qua vẫn duy trì được mức lợi nhuận khá từ cây mía, dù giá cả tương đối thấp, ít nhất cũng lãi từ 4 triệu, còn cao lên đến 5-6 triệu đồng/công. Niên vụ 2015-2016, hầu hết các thành viên CLB vẫn quyết tâm gắn bó với cây mía, xuống giống hết diện tích. Trong khi đó, nhiều nơi nông dân đã quay lưng với cây mía do lợi nhuận không còn hấp dẫn.

Xem thêm
Sản phẩm từ mật hoa dừa xuất khẩu chính ngạch sang thị trường thứ 5

Các sản phẩm từ mật hoa dừa do Công ty Sokfarm chế biến đã xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Mỹ và mới đây là Australia.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ chi trả 352 triệu đồng quyền lợi cho khách hàng

Bảo hiểm Agribank Phú Thọ phối hợp với Agribank - Chi nhánh Tuyên Quang chi trả quyền lợi Bảo an tín dụng cho khách hàng tham gia vay vốn không may gặp rủi ro.