| Hotline: 0983.970.780

Trần Cảnh - Tư tưởng và hành xử trong tiếp nhận hôm nay

Thứ Sáu 12/02/2010 , 08:41 (GMT+7)

Đọc tập kí Tiên tướng công Niên phả lục, tôi thấy Trần Cảnh có những tư tưởng và cách hành xử, rất đáng để cho chúng ta ngày hôm nay suy ngẫm...

Trần Cảnh người làng Điền Trì, xã Hộ Xá, tổng Đột Lĩnh, huyện Chí Linh, phủ Nam Sách, trấn Hải Dương, nay là làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ông là một nhân vật lịch sử và văn hoá rất nổi tiếng của Việt Nam ở thời Lê.

Khi sống, ông đã được thờ ở chùa Khương, xã Khương Tự, Kinh Bắc, nay là chùa Dâu ở huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; sau khi chết, được thờ ở Văn chỉ Linh Khê, nay là làng Linh Khê, xã Thanh Quang trong huyện Nam Sách.

Ông sinh giờ Thìn ngày 14 tháng 11 năm Giáp Tí (1684) tại quân doanh trấn Sơn Tây, nay thuộc xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Cha ông là Trần Thọ, tiến sĩ khoa Canh Tuất (1670) lúc ấy đang giữ chức Đốc đồng ở đó. Trần Cảnh đỗ tiến sĩ khoa Mậu Tuất (1718).

Ông lần lượt làm Hiệp trấn Hải Dương, Tế tửu Quốc Tử giám, Thượng thư (Bộ trưởng) bộ Công, bộ Hình, bộ Binh, bộ Lễ, tước Diệu Quận công, 2 lần làm Tham tụng (Tể tướng). Về hưu, ông xin vua cho chiêu mộ dân lưu tán về làm ruộng, lập làng ở hai phủ Nam Sách và Kinh Môn, vua phong ông chức Hải Dương khuyến nông sứ. Trên cơ sở hướng dẫn dân trồng cấy lúa nước mà ông hoàn thành bộ sách Minh nông chiêm phả, theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục, thì sách này, ông dâng vua Lê Hiển Tông năm Kỉ Tỵ (1749), được coi là bộ sách khoa học nông nghiệp đầu tiên của nước ta.

Điều này được ghi chi tiết trong Tiên tướng công Niên phả lục, do con trai ông, là Phó đô ngự sử, tiến sĩ khoa Mậu Thìn (1748), Thượng thư Trần Tiến, viết, hoàn thành năm 1764, PGS. TS Nguyễn Đăng Na dịch, Nhà xuất bản Văn học in năm 2003.

Đọc tập kí trên, tôi thấy ông có những tư tưởng và cách hành xử, rất đáng để cho chúng ta ngày hôm nay suy ngẫm.

Nhận thức tư tưởng

Một là, về nông dân khởi nghĩa. Là một viên tướng của triều đình, nhận lệnh vua, cầm quân đi đánh dẹp nông dân khởi nghĩa. Điều ấy cũng là lẽ thường, như đã từng xảy ra với nhiều danh tướng của các triều đại phong kiến. Cái chính là trong khi làm việc đó, ông có những suy ngẫm mà hôm nay, chúng ta còn kinh ngạc. Ông cho rằng, dân bị ức hiếp và cướp bóc vô cùng nặng nề, chế độ đối xử của chính quyền thì hà khắc, tàn bạo, cho nên, dân chỉ còn một con đường là “nổi loạn” mà thôi.

Hai là, về các tướng của triều đình. Trong nhận thức của Binh bộ Thượng thư Trần Cảnh, bọn họ đều là lũ cướp ngang ngược. Chúng “tung hoành bạo ngược, không chịu tiến quân, dung túng bọn tướng sĩ cướp đoạt tài vật của dân gian, vơ vét từ chủi cùn, rế rách…”. Tình hình nhiễu nhương đến mức: “Quan quân không có ai không phạm luật. Tướng thì không nghe lời vua. Về danh nghĩa là đi đánh giặc, nhưng thực chất là đi cướp của dân. Thảy đều như vậy” (trang 65). Bốn chữ “thảy đều như vậy” rất đáng chú ý. Đối lập với quân triều đình, quân “giặc”, lại: “Chưa từng cướp bóc của dân” (trang 59).

Ba là, về vua. Đây là điều tối kiêng kị. Những ý nghĩ như sau, nếu bị tố giác sẽ bị án chu di. Trần Cảnh đã 3 lần đến hành cung nhà vua, một lần vua trực tiếp đến quân doanh của ông và 2 lần ông hộ giá vua đi dẹp “giặc”. Ông hầu cơm tiếp trà, nghe chỉ dụ của hoàng thượng mà nhận ra rằng, nhà vua thường tráo trở, lòng dạ “thật khó lường. Chỉ trong một khoảnh khắc mà còn thay đổi như vậy, huống chi là lâu dài” (trang 72). Ông than thở: “Kỉ cương bại hoại, uy lệnh không nghiêm, trong kinh ngoài trấn, binh kiêu, tướng nhác, đoái trông mờ mịt…” (trang 26).

Bốn là, về các quan. Họ đều là bọn biển lận, bất tài, toàn bộ lo toan chỉ là làm sao vơ vét cho nhiều tiền bạc của dân để cờ bạc rượu chè trai gái. Đi ra trận thì chỉ đắm chìm vào tửu sắc, ở đâu “cũng làm điều xấu xa, vui say tửu sắc, không để ý đến việc quân”. “Giặc” đến nơi mà không biết, để “tướng bị thua và bị giết, toàn quân (thuỷ) bị lật chìm, tướng sĩ không một ai chạy thoát” (trang 80). Khi chầu vua thì không một ai có ý kiến riêng, chỉ “đưa đón theo ý của chỉ dụ (ý của nhà vua), không chịu tra xét” (trang 88) “cùng đảng thì vào hùa, khác phe thì hãm hại. Người có tài thì lại phỉ báng, mạt sát nhao nhao” (trang 25)…

Chính vì những nhận thức như thế nên cuộc đời ông đầy những bi kịch. Có lần ông bị biếm chức đến 6 bậc, hôm trước còn cầm cờ Đại tướng quân, giữ ấn Tể tướng, hôm sau đã bị giáng xuống làm thừa sai, giúp việc cho người ở dưới mình đến 5 bậc. “Từ khi bị khiển trách tới nay, chưa từng có một lời thanh minh, cũng chưa từng nhờ ai xin xỏ cho” (trang 105). Đấy là lời nhận xét của vua Lê Hiển Tông khi phục chức Tham tụng cho ông, tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749).

Hành xử

Một là, khoan dung. Trong lần làm hiệp đồng, theo xe vua đi đánh “giặc”, quân triều đình bắt được 800 người, lệnh vua là hành quyết. “Nghe vậy đang đêm sợ hãi, dậy viết khải xin mở đường hiếu sinh” (trang 109). Nội dung tờ khải dâng vua sáng sớm hôm sau, có đoạn: “Ngửa trông: Đức lớn điếu dân phạt tội. Đồn giặc đã tan, bọn giặc cũng là dân của triều đình. Cúi xin mở đức hiếu sinh lớn lao của trời đất, thể lòng bất sát của oai thần vũ…” (viết trong đêm mùng 10 tháng Giêng năm Cảnh Hưng thứ 12 (1751) – trang 145). Ông xin vua: chủ tướng “giặc” thì giết, phó tướng chỉ chặt 1 chân hoặc 1 tay, rồi tha, để họ không có khả năng “làm loạn” lần thứ 2, còn lại thì tha bổng hết.

Phải đặt kiến nghị ấy trong điều kiện cụ thể của chiến trận, mới thấy hết được ý nghĩa tích cực của nó. Nên nhớ là toán “giặc” này, từng đào mộ bà mẹ thứ của ông (còn mộ tổ và mộ cha mẹ, không tìm thấy, đã giết cả nhà họ Nguyễn Xuân, cùng làng, vì biết mà không chịu khai báo) “triệt phá nhà cửa, cướp hết tài sản, từ mảnh vụn cũng không còn” (trang 59).

Hai là, kiên quyết xử kẻ tham nhũng và cố giữ mình thanh liêm. Ông từng làm Thượng thư bộ Hình, chấp chính xứ Sơn Tây, có 4 người làm lại (viên chức) nhà rất giầu, phạm tội, “đã bán hết tài sản (nộp cho ông) để xin miễn tội” nhưng ông không nhận. Một số quan quen biết ông và nhà quyền thế, “ai nấy đều nói xin hộ cho bốn người kia, nhưng đều không nghe” (trang 124), vẫn “khép tội tử hình và tịch thu gia sản” (trang 75). Khi kinh lí đến các trấn, phủ, huyện, ông sức trước cho các quan nơi đó, không được đón tiếp rườm rà, “không câu nệ hình thức, không giết gà mổ lợn”, bữa ăn mời ông chỉ cần có cá và rau là đủ. Ông thường dặn con cháu là phải tiết kiệm “ăn mặc đều như những kẻ tá điền và chớ bao giờ cho vay lấy lãi”.

Ba là, cố làm lợi cho dân. Trước hết là vấn đề ruộng đất, ông có những việc làm vô cùng táo bạo. Đó là thời kì ông cầm ấn Tể tướng, trực tiếp làm Điền chánh sứ, ông “thấy bọn cường hào chiếm ruộng đất, dân còn sống sót thì thất nghiệp”, nên “muốn chia ruộng đất chính thức cho họ” (trang 113), ông “ức chế kẻ cường quyền, tước ruộng của kẻ mạnh chia cho người yếu”, “cho nên những kẻ cùng đinh được thân oan đội ơn, còn bọn cường hào quyền quý thì phần nhiều không bằng lòng”.

Bốn là, luôn xin nghỉ quan, kể cả lúc đương chức Tể tướng, để nhường đường cho kẻ hiền tài. Ông nhiều lần viết khải, “ngửa trông thánh đức cho được về hưu, thôi chức Tham tụng cơ mật, cùng các công việc khác” (trang 157), hết lòng đề bạt người khác thay mình. Ông tâu vua rằng: “Bậc hiền tài đều đang tại vị, đâu có thiếu người” và mình ở lại, chỉ làm “vướng chân kẻ hiền tài” (trang 146 - 167).

Trên đây là những ghi chép của Phó đô ngự sử Trần Tiến (1709 – 1770), cho ta hình dung một thời đại, với những nhiễu nhương của buổi suy tàn. Trong sự tiếp nhận của ngày hôm nay, chúng tanhận ra khát vọng hoà bình, ổn định và phát triển của người xưa, mà hiện nay chúng ta đang thực hiện có hiệu quả. Thông qua hành tích của một con người với những hạn chế lịch sử nhất định cách ta non 300 năm, gạn đục khơi trong, chúng ta vẫn tiếp nhận được những giá trị tích cực, để xây dựng chuẩn mực đạo đức mới, vì một xã hội nhân ái, công bằng và tốt đẹp hơn.

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

HLV Hoàng Anh Tuấn: U23 Việt Nam sẽ thể hiện bộ mặt khác ở tứ kết

Phát biểu tại cuộc họp báo sau trận đấu với U23 Uzbekistan, HLV trưởng Hoàng Anh Tuấn thừa nhận sự vượt trội của đội bạn so với U23 Việt Nam.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất