| Hotline: 0983.970.780

Tràn lan hạt giống rau, quả nhập lậu, ngành chức năng bó tay?

Thứ Ba 21/11/2017 , 09:49 (GMT+7)

Những năm qua, rất nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về “thảm cảnh” của nông dân khi sử dụng giống rau Trung Quốc nhập lậu. Thế nhưng, dường như việc kiểm soát, xử phạt của lực lượng chức năng...

Từ các cửa hàng vật tư nông nghiệp đến chợ cóc, chợ tạm, người ta có thể mua hạt giống rau, củ, quả, hoa nhập lậu từ Trung Quốc dễ như mua kẹo. Rất nhiều câu chuyện thiệt hại đau lòng khi sử dụng giống rau rởm của Trung Quốc đã được phản ánh. Thế nhưng, dường như việc kiểm soát, xử phạt của lực lượng chức năng và các cơ quan quản lý nhà nước đang tồn tại “lỗ hổng”.
 

Dễ như mua kẹo

Giống rau nhập lậu từ Trung Quốc đang được quảng cáo, giao bán công khai, cả trên mạng internet và bán trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua các cửa hàng vật tư nông nghiệp. Thậm chí, nếu không muốn mất thời gian, người mua có thể yêu cầu chủ hàng ship (vận chuyển) đến tận nhà.

11-17-16_nh1
Cả mặt trước và mặt sau một túi giống rau cải có sắc tím đều không có nhãn phụ tiếng Việt

Vào vai nông dân đi mua giống cây trồng, tôi tìm đến một đầu nậu chuyên phân phối hạt giống rau, củ, quả, hoa nhập từ Trung Quốc ở một con ngõ nhỏ đối diện chợ La Cả (P. Dương Nội, Q. Hà Đông, Hà Nội). Mặc dù sản phẩm của đại lý này được quảng cáo rầm rộ và bắt mắt trên một website có tên “thapxanh.com” (chuyên cung ứng giống, vật tư nông nghiệp, dung dịch dinh dưỡng cây trồng và giải pháp canh tác nông nghiệp thông minh). Thế nhưng, đây thực chất chỉ là một căn nhà xập xệ, được thuê để làm nơi tập kết hàng.

Trong một kho tạm ngoài sân, đập vào mắt PV là hàng loạt thùng bìa các tông có in chữ Trung Quốc được xếp la liệt, chồng đống lên nhau. Người thanh niên dẫn tôi vào nhà rồi lấy một khay gói hạt giống với hàng chục loại cây khác nhau như cải bắp, xà lách, cải thìa, cải canh..., bao bì in chữ Trung Quốc không có nhãn phụ. Sở dĩ, tôi có thể đoán được các loại giống rau, bởi vì mặt trước của gói hạt giống in hình ảnh đối tượng cây trồng.

Tại cơ sở kinh doanh Thapxanh.com, ngoài những sản phẩm hạt giống rau phổ thông còn có khá nhiều giống rau lạ, ít phổ biến ở Việt Nam, được quảng cáo là nhập khẩu từ Trung Quốc, Nga, Ấn Độ... không hề có nhãn phụ tiếng Việt. Bản thân người bán cũng phải loay hoay một hồi mới gọi tên chính xác được đó là giống gì. Một số giống, chủ hàng không thể khẳng định được hạt có nảy mầm được hay không.

Do toàn bộ thông tin được in bằng chữ Trung Quốc và không có nhãn phụ bằng tiếng Việt nên các nội dung liên quan đến tỷ lệ nảy mầm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, chúng tôi đều mù tịt. Giá của một gói hạt giống rau phổ thông nhập lậu từ Trung Quốc được bán ra thị trường khá rẻ, dao động từ 10.000 - 15.000 đồng.

11-17-16_nh2
Một vài mẫu hạt giống nhập lậu Trung Quốc

Khi chúng tôi xin tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, chủ hàng lền khua tay rồi bảo: “Cái này có gì đâu mà phải hướng dẫn, em cứ lên luống rồi tra hạt xuống như này như này là xong”. Như vậy, quy trình canh tác, chế độ chăm sóc của các giống rau được quyết định bởi người bán. Bởi với trình độ dân trí của đại bộ phận nông dân Việt Nam, rất ít người có khả năng đọc hiểu chữ Trung Quốc.

Rời trung tâm thành phố, chúng tôi ngược lên một số khu chợ trung tâm ở vùng nông thôn ở huyện Ba Vì (Hà Nội) như chợ Quảng Oai, chợ Nhông... để khảo sát thị trường. Tại đây, hầu hết các cửa hàng bán giống cây trồng, vật tư nông nghiệp đều cung ứng hạt giống Trung Quốc, trên bao bì không hề có nhãn phụ tiếng Việt. Khi hỏi các thông tin về đặc tính giống, hầu hết chủ cửa hàng đều nói rất chung chung theo kiểu: “Năng suất cao, ăn ngon, dễ chăm sóc”. Còn người tiêu dùng thì tham rẻ nên mua dù không biết chất lượng thực sự của sản phẩm như thế nào. Dẫu vườn rau của mình bị thiệt hại, thì cũng chẳng thể dịch được chữ Trung Quốc để so sánh thông tin giống và khiếu nại. Tất cả đổ tội cho thời tiết, sâu bệnh, thiên tai, con người.
 

Nguy cơ thiệt hại cao

Chúng tôi đã đem một số sản phẩm hạt giống rau, củ, quả có in chữ Trung Quốc (không hề có nhãn phụ) đến Chi cục Bảo vệ Thực vật Hà Nội để xác nhận sản phẩm có được lưu hành trên thị trường Việt Nam hay không.

Ông Nguyễn Xuân Hồng (Chi cục trưởng) khẳng định: Theo (nghị định 43/2017/NĐ-CP) quy định về nhãn hàng hoá, tất cả các sản phẩm hạt giống nhập khẩu từ nước ngoài, khi lưu hành tại Việt Nam bắt buộc phải có nhãn phụ tiếng Việt. Thông tin ghi rõ về định lượng; ngày sản xuất; hạn sử dụng; hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; thông tin cảnh báo (nếu có). Như vậy, có thể khẳng định, hạt gống rau chỉ có chữ Trung Quốc (không có nhãn phụ) là hàng nhập lậu. Nếu cơ quan chức năng phát hiện thì có quyền bắt giữ hàng hoá, tiêu huỷ và xử phạt vị phạm hành chính người vi phạm.

Vậy, vấn đề đặt ra là: Cơ quan chức năng đã ở đâu, khi để hạt giống rau nhập lậu Trung Quốc xuất hiện tràn lan trên thị trường?

11-17-16_nh3
11-17-16_nh5
Chủ một cửa hàng vật tư nông nghiệp đang bán giống rau nhập lậu từ Trung Quốc

Những năm qua, rất nhiều cơ quan báo chí đã phản ánh về “thảm cảnh” của nông dân khi sử dụng giống rau Trung Quốc nhập lậu. Điển hình như năm 2013, một số tư thương đi thu mua ớt tại các xã Duy Trinh, Duy Châu (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã cung ứng ớt giống cho nông dân. Ớt giống được gói trong bao bì toàn chữ Trung Quốc, trên bề mặt có hình chùm ớt xanh. Tư thương cũng hứa hẹn sẽ thu mua ớt cho bà con nên mọi người đua nhau trồng.

Khi trồng, ớt phát triển rất nhanh, cây to, khỏe nhưng khi cao được khoảng 15 - 20cm thì bắt đầu rụi lá, thối rễ và chết dần. Một số cây còn sống sót dù ra quả nhưng do chiều cao hạn chế nên ớt chạm xuống đất bị thối hết. Khoảng 30% cây bị chết hoàn toàn, một số bị bệnh hoặc quả sắp thu hoạch thì bị thối”.

Cũng trong năm đó, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã phát hiện Cty TNHH Giống cây trồng Hoàng Nông (đường Tam Trinh, quận Hoàng Mai) nhập 3.000 gói hạt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ; hàng loạt gói hạt rau củ không đảm bảo chất lượng như cải củ, su hào… xuất xứ từ Cty Hubei Kangxin Agro Industry (Trung Quốc) có tỷ lệ hạt nảy mầm rất thấp. Thậm chí nhiều sản phẩm giống ớt, cà chua đã hết hạn sử dụng bị tẩy xoá nhoè nhoẹt. Cty đã dán nhãn phụ đè lên và tự gia hạn sử dụng để bán ra thị trường.

Theo khảo sát của PV NNVN, tại các vùng chuyên canh rau an toàn lớn của Hà Nội như Vân Nội, Đông Anh… nhiều hộ gia đình bỏ chi phí lên tới hàng chục triệu đồng để đầu tư giống rau mỗi năm. Nếu mua phải giống dởm, thiệt hại sẽ rất lớn.

Trong một chuyến công tác gần đây, khi chúng tôi hỏi về vấn đề kinh doanh giống rau, củ, quả nhập lậu từ Trung Quốc trên địa bàn tỉnh Nam Định, lãnh đạo thuộc một đơn vị trực thuộc Sở NN-PTNT Nam Định thẳng thắn bày tỏ: “Nếu nhà báo đi bất cứ chợ nào ở nông thôn, chắc chắn sẽ mua được giống rau nhập lậu Trung Quốc. Đối với rau ăn lá, người ta ít quan tâm tới nguồn gốc xuất xứ của giống, bởi diện tích gieo trồng rau của một gia đình ở Nam Định không nhiều, thời gian thu hoạch ngắn, nếu rau chết thì trồng lại. Nhưng, với các giống giá trị cao như ớt, cà rốt, dưa chuột, bí… nếu giống không đảm bảo chất lượng thì sẽ thiệt hại lớn”.

Bó tay với giống rau xách tay qua biên giới? 

Trước tình trạng nông dân nhiều nơi sử dụng giống cây có nguồn gốc từ Trung Quốc, ông Trần Xuân Định, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết: Hiện nay, khoảng 85 - 90% hạt giống rau sản xuất tại Việt Nam là nhập khẩu, chủ yếu từ Trung Quốc. Với các giống như cà chua, cải bắp, su hào, súp lơ, cải xanh, cải ngọt… nằm trong danh mục được phép nhập khẩu vào Việt Nam, các doanh nghiệp không cần xin phép Cục Trồng trọt mà chỉ cần làm các thủ tục về kiểm tra nghiêm ngặt về chất lượng (độ nảy mầm, độ thuần giống, độ sạch), kiểm dịch thực vật, trắc nghiệm. Sau khi đạt tiêu chuẩn mới được công nhận và đưa ra thị trường. Thông tin về tiêu chuẩn chất lượng giống phải được công bố trên bao bì sản phẩm bằng tiếng Việt.

Tuy nhiên, ông Định cũng cho rằng, việc giống rau, củ, quả được tuồn qua biên giới bằng phương thức “xách tay” theo đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu thì không thể kiểm soát được chất lượng.

Thậm chí, nhiều trường hợp các lô hàng nhập lậu còn mang mầm mống sâu bệnh gây hại cho cây trồng. Vì vậy, nông dân cần hết sức cảnh giác, không nên ham rẻ, hám lợi trước mắt mà sử dụng các giống cây trồng của nước ngoài đang được bán trôi nổi trên thị trường, dễ bị thiệt hại nặng nề.

Quản lý lỏng léo

Ông H. - Giám đốc một Cty chuyên cung ứng giống rau uy tín tại thị trường phía Bắc, chia sẻ: Hiện nay, có thực trạng nhiều Cty Việt Nam nhập khẩu hạt giống từ Trung Quốc, sau đó cắt mác, đóng gói lại bằng bao bì in chữ Việt Nam để cung ứng cho bà con. Bởi ở nhiều vùng chuyên canh rau màu, nông dân đã tẩy chay giống Trung Quốc, thấy chữ Trung Quốc là họ không trồng.

“Tôi nói thật, hoạt động quản lý thị trường giống rau ăn lá, củ, quả ở Việt Nam còn lỏng lẻo lắm. Hàng nhập về từ Trung Quốc đa phần qua đường tiểu ngạch nên rất khó đánh giá, kiểm soát về mặt chất lượng. Mặt khác, hiện nay chưa có công ty nào đứng ra đăng ký bảo hộ tên giống. Trường hợp doanh nghiệp nào đó bị nhái tên sản phẩm thì chẳng ai can thiệp được về mặt quản lý nhà nước”, vị giám đốc chia sẻ.

 

Xem thêm
350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bảo an tín dụng đạt trên 300 tỷ đồng/năm

ĐBSCL Năm 2023, tổng doanh thu giữa Ngân hàng Agribank - Bảo hiểm Agribank tại khu vực Tây Nam bộ đạt trên 300 tỷ đồng.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.