| Hotline: 0983.970.780

Tràn ngập sản phẩm biến đổi gen

Thứ Hai 22/10/2012 , 10:12 (GMT+7)

Trên thị trường, các sản phẩm biến đổi gen được nhập khẩu từ nước ngoài đang tràn ngập.

Trong khi nước ta vẫn đang đắn đo với việc có nên sớm đưa cây trồng biến đổi gen vào SX thương mại hay không, thì trên thị trường, đã tràn ngập các sản phẩm biến đổi gen được nhập khẩu từ nước ngoài.

>> Khảo nghiệm ngô đã hoàn tất
>> Công bố giật mình và phản đối rầm rộ
>> Quản lý và truyền thông
>> Gặp gỡ ở Missouri

Nhập ngô, đậu tương biến đổi gen

Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng đầu năm, giá trị nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu TĂCN của nước ta đã đạt trên 1,477 tỷ USD. Bên cạnh đó, các loại hạt vừa phục vụ nhu cầu chế biến thực phẩm, vừa làm TĂCN cũng được nhập về với khối lượng và giá trị lớn. Lúa mì là loại hạt có khối lượng nhập khẩu lớn nhất với 1,8 triệu tấn, trị giá 555,5 triệu USD. Tiếp đó là ngô trên 1,1 triệu tấn, trị giá 346 triệu USD; đậu nành hạt 930,1 ngàn tấn, trị giá 538,7 triệu USD.

Cả 3 loại hạt nói trên đều gia tăng cả về lượng lẫn giá trị nhập khẩu. Trong đó, có 2 sản phẩm gia tăng rất mạnh về khối lượng nhập khẩu là đậu nành hạt (tăng tới 95,6% so với cùng kỳ 2011) và ngô (tăng 60,6%). Điều này cho thấy khả năng cung ứng đậu nành và ngô cho nhu cầu chế biến thực phẩm và SX TĂCN đang ngày càng vượt quá tầm tay của SX trong nước.

Đậu nành do diện tích canh tác không nhiều, lại khó mở rộng diện tích, nên từ lâu đã được coi là không thể đáp ứng được nhu cầu trong nước. Còn việc SX ngô, đã từng có những kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu nội địa, bởi diện tích ngô cả nước hiện trên 1,1 triệu ha. Trong khi đó, lượng ngô nhập khẩu bình quân hàng năm vào khoảng 1 triệu tấn. Nếu năng suất ngô bình quân của cả nước tăng thêm được 1 tấn/ha, thì có thể không cần phải nhập khẩu ngô nữa.

Nhưng chuyện tăng năng suất bình quân lên thêm 1 tấn chưa biết tới khi nào mới đạt được, thì nhu cầu nhập khẩu lại đang gia tăng mạnh và có thể lại vượt xa cái mức 1 triệu tấn nói trên. Bằng chứng là cả năm ngoái, lượng ngô nhập khẩu là 972.254 tấn, thì chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, lượng ngô nhập khẩu đã lên tới 1.128.550 tấn. Ngoài ra, cũng trong 8 tháng đầu năm nay, VN đã phải nhập khẩu tới 1,6 triệu tấn khô dầu đậu nành làm nguyên liệu chế biến TĂCN.


Ngô nhập khẩu làm TĂCN hầu hết là sản phẩm biến đổi gen

Đậu nành và ngô được nhập khẩu chủ yếu từ đâu? Theo Bộ Công Thương, trong năm 2011, nước ta nhập khẩu đậu nành nhiều nhất là từ Brazil với 506,9 ngàn tấn. Tiếp theo là Mỹ (227,1 ngàn tấn), Argentina (159,8 ngàn tấn), Canada (88,2 ngàn tấn)… Cũng trong năm ngoái, VN nhập nhiều ngô nhất từ Ấn Độ (561.355 tấn), Thái Lan (142.799 tấn), Brazil (129.794 tấn)…

Điều đáng nói là hiện nay, phần lớn trong số những nước đang cung ứng nhiều nhất đậu nành, ngô cho VN, đã thương mại hóa các sản phẩm biến đổi gen của đậu nành và ngô. Ở Brazil, 85% diện tích đậu nành là biến đổi gen. Ở Mỹ, giống biến đổi gen chiếm khoảng 87% diện tích đậu nành và 90% diện tích ngô. Ngô biến đổi gen cũng đã được trồng trên diện tích không nhỏ ở Brazil (nước này đã có khoảng 4 triệu ha trồng đậu nành, ngô và bông biến đổi gen).

Theo GS.TS Bùi Chí Bửu, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp VN, hiện nay diện tích ngô trên thế giới khoảng 145-160 triệu ha, trong đó khoảng 17% diện tích trồng các giống ngô biến đổi gen. Diện tích đậu nành thế giới từ 90-100 triệu ha, và có tới 60% diện tích trồng các giống biến đổi gen. Vì thế, ông Bửu cho rằng nguồn ngô và đậu nành nhập khẩu vào nước ta trong những năm qua có thể là của các sản phẩm biến đổi gen.

Năng suất, chất lượng hơn

Còn thông tin từ các nhà nhập khẩu nguyên liệu, chế biến TĂCN, cho thấy, thực tế ngô, đậu nành biến đổi gen đã được nhập khẩu vào nước ta từ nhiều năm nay với khối lượng ngày càng nhiều. Hỏi về chuyện này, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội TĂCN VN, vừa cười vừa nói liền: “Gần như 100% đậu nành, ngô… nhập khẩu làm TĂCN là "đồ" biến đổi gen. VN đã nhập các sản phẩm biến đổi gen về làm TĂCN từ lâu rồi”.

Theo ông Bình, phần lớn đậu nành nhập khẩu đều từ Bắc và Nam Mỹ. Còn với ngô, những năm trước, nguồn cung cấp chính là từ Ấn Độ. Nhưng từ đầu năm tới nay, do ngô Ấn Độ chất lượng thấp, cộng với nỗi lo về tình trạng nhiễm mọt trong ngô nước này, nên các nhà nhập khẩu nguyên liệu TĂCN chuyển mạnh sang nhập ngô từ Bắc Mỹ và Nam Mỹ.

Ông Bình nói: “Các nước chuyên trồng và xuất khẩu nguyên liệu làm TĂCN như đậu nành, bắp… ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, đều đã chuyển sang giống biến đổi gen gần hết để có được sản phẩm với năng suất vượt trội, chất lượng cao và đồng đều hơn. Chẳng có nước nào lạc hậu khi tiếp tục SX những giống ngô, đậu nành từ lai tạo theo kiểu truyền thống nữa”.

Hỏi về chất lượng sản phẩm biến đổi gen so với sản phẩm thông thường khi làm TĂCN, ông Bình khẳng định chắc như đinh đóng cột: “Hạt ngô biến đổi gen có chất lượng tốt hơn, đồng đều hơn hẳn. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy ngay hình thức, mẫu mã của ngô thường xấu hơn hẳn so với ngô biến đổi gen”.

Không chỉ dùng làm TĂCN, nhiều sản phẩm biến đổi gen nhập khẩu cũng đã được sử dụng làm thực phẩm cho con người. Vừa qua, Sở KH-CN TP HCM đã nhờ Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 khảo sát, lấy mẫu kiểm nghiệm về sự hiện diện của thực phẩm biến đổi gen trên thị trường. Tổng cộng đã có 323 mẫu ngô, đậu nành, khoai tây, cà chua… được lấy ngẫu nhiên ở 17 chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm trên địa bàn TP HCM.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy có khoảng 1/3 là sản phẩm biến đổi gen, gồm ngô (ngô hạt, ngô trái, bột ngô và thực phẩm chế biến từ ngô), hạt giống, nguyên liệu và sản phẩm chế biến từ đậu nành, khoai tây và sản phẩm chế biến từ khoai tây, cà chua, đậu Hà Lan…

Từ thực tế đó, ông Phạm Đức Bình thẳng thắn nêu ý kiến: “Chúng ta đã cho nhập đầy sản phẩm biến đổi gen như ngô, đậu nành về tiêu thụ trong nước, vậy mà sao chưa sớm đưa những sản phẩm biến đổi gen này vào sản xuất đại trà?”.

Còn theo GS.TS Bùi Chí Bửu, mục tiêu của VN là giảm nhập những nông sản có thể SX được trong nước. Ngô và đậu nành là 2 trong số những nông sản như thế. Hai hạn chế lớn nhất của ngô và đậu nành VN là năng suất thấp. Năng suất bình quân cây ngô là 4,2 tấn/ha, đậu nành 1,51 tấn/ha. Diện tích đậu nành hiện chỉ khoảng 200 ngàn ha, cộng với năng suất thấp nên sản lượng thua xa so với nhu cầu.

"Muốn mở rộng diện tích đậu nành, ĐBSCL, Đông Nam bộ và Tây Nguyên là những khu vực có tiềm năng. Nhưng để phát triển được đậu nành ở những nơi này, phải có giống chịu ngập nước cho ĐBSCL, giống chống chịu khô hạn cho ĐNB và Tây Nguyên. Phát triển ngô và đậu nành còn phải đối mặt với những sâu hại rất khó giải quyết bằng thuốc hóa học như sâu đục thân cây ngô, sâu xanh da láng trên đậu nành. Tất cả những vấn đề nêu trên chỉ có thể giải quyết bằng giống biến đổi gen", GS Bửu khẳng định.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm