| Hotline: 0983.970.780

Trăn trở trên đất Cà Mau

Thứ Ba 17/06/2014 , 10:10 (GMT+7)

Bây giờ trên những vùng nuôi tôm nước lợ rộng 265.000 ha của tỉnh Cà Mau, đâu đâu cũng nóng chuyện “vỡ quy hoạch”. 

Vùng đất Cà Mau nhiều năm nay phát triển nuôi tôm nước lợ và kinh doanh rừng tràm, hai đặc sản có giá trị lớn ở cực Nam cũng như cả nước. Trong cơ chế thị trường, quá trình phát triển là quá trình chuyển động không ngừng trên đất đai, trong tư duy và đòi hỏi những thay đổi về quản lý.

Nóng chuyện con tôm

Bây giờ trên những vùng nuôi tôm nước lợ rộng 265.000 ha của tỉnh Cà Mau, đâu đâu cũng nóng chuyện “vỡ quy hoạch”. Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Cà Mau, ông Nguyễn Văn Trung, cho biết cuối năm ngoái mới có gần 6.000 ha nuôi tôm công nghiệp, nay đã tăng lên 7.630 ha (tăng hơn 27%) mà trong đó khoảng 40% ngoài vùng quy hoạch.

Huyện Cái Nước có diện tích nuôi tôm chiếm khoảng 11% của cả tỉnh Cà Mau nhưng diện tích nuôi công nghiệp chiếm tới 20%. Những ngày này, nhiều ao tôm vắng lặng, chòi canh trơ trọi dưới nắng cuối mùa gay gắt.

NHÀ GIÀU ÂU LO

Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đông, ông Trần Hoàng Đạo, chạy xe máy đưa phóng viên đến một gia đình đang nuôi tôm công nghiệp. Cả xã có 260 ha nuôi tôm công nghiệp, lớn nhất huyện Cái Nước, chưa thống kê được chính xác bao nhiêu diện tích đang bỏ trống, chỉ thấy suốt con đường dài mấy cây số, san sát ao phơi nắng.

Đường bê tông nhưng hẹp, rộng chỉ hơn một mét, chạy quanh co lúc bên nhà dân, lúc giữa đồng nuôi tôm. Chủ tịch Đạo cho biết, hồi đầu năm, những cánh đồng này “vui như hội” vì tôm được giá cao, nay hiu hắt do giá tuột mất 40 – 50%, người nuôi ngừng lại chờ đợi.

Chạy mãi thì tới nhà ông Đặng Hòa Hợp ở ấp Ông Khâm có nhà cửa khang trang, sát sau nhà là 3 ao tôm, xích lên một đoạn thêm 6 ao nữa, đều đang rộn ràng giàn quạt quay. Năm nay 42 tuổi, một vợ hai con, cuộc sống của ông gắn với con tôm nên trải qua nhiều thay đổi như con tôm từ khi loanh quanh trong nước đến khi vươn ra thị trường thế giới.

Trước đây, ông nuôi quảng canh tôm sú, đón dòng nước tự nhiên có ấu trùng tôm vô ruộng, đợi ngày đợi tháng bắt lên bán. Cách nuôi truyền thống thong dong có tiếng “mần chơi ăn thiệt” đã xưa. Nay người đã đông, ông Hợp được cha mẹ cho 1,3 ha đất, “nuôi quảng canh một năm thu lời 20-30 triệu đồng, ráng mấy cũng không khá được”.

Thế rồi con tôm chân trắng từ đâu đưa đến vùng đất này, năm 2012, ông đào 3 ao nuôi lời 600 triệu đồng. Năm 2013, tiếp tục lời 1 tỷ đồng. Năm nay, ông mướn đất của hàng xóm đào thêm 6 ao, tiền mướn 4 năm là 240 triệu đồng, tổng chi phí hết 700 triệu đồng, mới thả giống được mấy bữa.

Đang trò chuyện thì cúp điện, một lúc lại có, ông Hợp nói: “Điện yếu lắm, một ngày như thế cả trăm lần”. Vì nuôi tôm chân trắng ngoài vùng quy hoạch nên thiếu điện, cầu dao tự động ngắt.

Lúc còn trên huyện, một cán bộ cho biết, nhiều nơi người nuôi tôm dùng dây buộc cầu dao dẫn đến nổ bình biến thế, mấy tháng đầu năm cả huyện đã nổ hơn 30 bình (giá mỗi bình 25-50 triệu đồng). Dưới này, không dám dùng dây buộc mà thuê người ở gần cầu dao, mỗi khi cúp điện thì bật trở lại, tiền thuê một tháng 3,5 triệu đồng.

Thiếu điện là nỗi lo lớn nhất của người nuôi tôm công nghiệp, bởi tôm chân trắng thả dày phải quay giàn quạt sục khí suốt ngày đêm. Ngừng quạt là tôm ngạt thở. Nên ông Hợp phải mua máy nổ dự phòng, cứ một ao chuẩn bị sẵn hai máy, cúp điện lâu là chạy máy nổ liền để quay giàn quạt.

Một ao lại phải thuê một người trực. “Nếu chạy máy nổ thường xuyên, chi phí tăng, nuôi tôm sẽ lỗ”, ông Hợp lo lắng.

Còn trắc trở giao thông. Con đường vòng vèo từ ngoài quốc lộ vào trong này chạy xe máy đã khó, không thể chạy xe tải. Người mua tôm phải chạy vỏ lãi đường thủy, giá rẻ hơn đường bộ 3.000 đ/kg, mà năm ngoái ông Hợp bán 26 tấn, mất số tiền không nhỏ.

16-06-03-2105141170301163
Giao thông đường bộ ở vùng nuôi tôm xã Tân Hưng Đông

Thức ăn cho tôm cùng nhiều loại vật tư khác có khối lượng lớn hơn nữa, chi phí cũng đắt hơn, tổng cộng chi phí tăng thêm do giao thông trắc trở lên đến hàng trăm triệu đồng cho mỗi ha nuôi tôm.

NHÀ NGHÈO HY VỌNG

Dù vậy, láng giềng với ông Hợp là ông Mã Văn Đen đang thuê máy đào ao nuôi tôm rộng khoảng 3.000 m2. Cái ao hẹp bề ngang, chạy dài uốn quanh ngôi nhà nhỏ của ông.

Giữa trưa nắng chang chang, đất sình dẻo quánh đào lên bát ngát xô đổ cây cối ngổn ngang, trông nhức mắt. Da ông như tên vậy, khi cười thêm nhiều nếp nhăn, chỉ có hàm răng là trắng, ông Đen bày tỏ: “Thấy xung quanh nuôi tôm chân trắng giàu lên nên tôi cũng hy vọng”.

Chủ tịch xã Trần Hoàng Đạo nói rằng, nuôi tôm công nghiệp ở xứ này chưa bền vững vì thiếu cơ sở hạ tầng, thứ gì cũng mua đắt bán rẻ, nhiều người đang chuyển từ nuôi tôm quảng canh lên quảng canh cải tiến vừa sức và dễ kiếm ăn hơn. Xã Tân Hưng Đông có diện tích đất tự nhiên 5.200 ha, hơn một nửa nuôi tôm, trong đó, nuôi quảng canh cải tiến đã hơn 1.100 ha.

Nuôi quảng canh cải tiến cũng như quảng canh truyền thống là nuôi tự nhiên, không cần quay quạt sục khí, nhưng có cải tạo ao, xử lý nước, thả giống mỗi mét vuông 5-7 con và cho ăn dặm ngày một lần. Thu hoạch một vụ từ 350 kg/ha trở lên, hết vụ phơi ao để cắt nguồn dịch bệnh.

Lại theo con đường bê tông nhỏ vòng vèo để đến nhà ông Nguyễn Thành Được, nuôi tôm quảng canh cải tiến ở ấp Đông Hưng. Ông Được có 1 ha đất, hồi nào nuôi tôm sú quảng canh, một năm thu chỉ vài chục triệu đồng, nên đói nghèo đeo đẳng.

Gia đình ông mới thoát nghèo năm ngoái nhưng cảnh nghèo còn hiển hiện ở ngôi nhà lá lụp xụp, nền đất. Ông nuôi quảng canh cải tiến, thu hoạch kiểu tỉa thưa, cứ chọn con lớn bắt bán mỗi lần dăm mười ký, vừa rồi được gần chục triệu đồng.

Năm nay 55 tuổi, hai con gái đã lấy chồng, còn hai vợ chồng và ông đang ấp ủ nhiều hy vọng. Khó nhất của ông hiện nay không phải cách nuôi tôm mà vốn đầu tư.

Nguyên do, ba của ông trước đây đem đất thế chấp vay ngân hàng 5 triệu đồng, chưa trả được thì năm 1998 chết để nợ cho em trai của ông Được, nhưng rồi người em trai lại bị tai nạn chết và ông Được phải gánh nợ nần. Nợ gốc lẫn lãi nay đã 40 triệu đồng, ông xin trả nợ gốc, ngân hàng chưa trả lời còn ông không được vay vốn.

16-06-03-2105143170314518
Vợ chồng ông Được vừa thoát nghèo

Cả xã Tân Hưng Đông tỷ lệ hộ nghèo còn lớn hơn, 11% trong tổng số 3.461 hộ. “Trước đây làm lúa, tỷ lệ hộ nghèo đến 21%, từ ngày nuôi tôm mới đỡ và đang hy vọng con tôm được giá thì hộ nghèo sẽ giảm”, Chủ tịch Đạo hy vọng.

Nhưng ông Được còn đỡ hơn nhiều nhà khác ở cái ấp Đông Hưng đất chật người đông này, diện tích tự nhiên 545 ha mà có 521 hộ với 2.316 người. Trong đó, 65 hộ không có đất sản xuất, phải làm thuê làm mướn sinh sống, nên tỷ lệ hộ nghèo 8%.

QUY HOẠCH THEO ĐUÔI

Nhưng hy vọng tôm được giá lại có vẻ xa vời, bởi hiện nay con tôm đã tuột giá rất nhiều so với hồi đầu năm.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Nước, ông Nguyễn Thang Giảng, chỉ tay lên bản đồ theo Quốc lộ 1A nói: “Quy hoạch trước đây, khi còn nuôi tôm sú thì vùng nuôi công nghiệp ở phía tay trái, nhưng từ ngày phát triển tôm chân trắng, người dân tự phát nuôi phía tay phải vì chất đất thích hợp hơn. Thế là vỡ quy hoạch”.

Nhưng không chỉ vì thổ nhưỡng mà còn ở chỗ, quy hoạch chủ yếu mới ở trên giấy. Để thực hiện quy hoạch trong thực tế, phải trả lời được câu hỏi: Nuôi trong quy hoạch có lợi gì và nuôi ngoài quy hoạch mất gì?

Thực tế chưa trả lời được. Riêng thủy lợi đã rất kém, không có kênh cấp nước riêng với tiêu nước theo quy chuẩn, chỉ tận dụng kênh mương của hệ thống canh tác lúa trước đây.

Trưởng phòng Giảng nêu con số: Cả huyện có hơn 300 con kênh cấp hai và ba, hàng năm kinh phí chỉ đủ nạo vét 10 con. Điện, giao thông và dịch vụ kỹ thuật đều thiếu. “Quy hoạch nhưng chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ nên các doanh nghiệp xuống nói chơi chơi rồi về, nuôi tôm đều là nông dân tự phát, không có liên kết gì cả, chỉ liên hoàn gây ô nhiễm”, ông Giảng thẳng thắn.

Người dân ồ ạt nuôi tôm chân trắng ngoài vùng quy hoạch và Cà Mau đang ứng vốn lo điện cùng điều chỉnh quy hoạch, ông Giảng nhận xét là “quy hoạch theo đuôi người dân”. Phòng NN-PTNT huyện Cái Nước có 6 kỹ sư, Trưởng phòng Giảng có đến hai bằng kỹ sư, ở các xã đều có kỹ sư hoặc trung cấp thủy sản.

Chủ tịch Đạo cũng là kỹ sư và thuộc số cán bộ cơ sở thế hệ mới, rời trường đại học về làm phó chủ tịch xã rồi lên chủ tịch. Đó là nhân tố quan trọng thúc đẩy chuyển động vùng đất những năm qua.

Tuy nhiên, để phát triển bền vững một ngành hàng có giá trị hàng tỷ đô la Mỹ như con tôm bán đi khắp thế giới thì phải đầu tư đồng bộ, tổ chức sản xuất thoát khỏi tự phát. “Cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp lớn về đầu tư thì mới giải quyết được”, Trưởng phòng Giảng mong ước.

Xem thêm
Ngành ong mật chuyển dịch từ 'sổ hóa' sang 'số hóa'

Việc áp dụng các công nghệ IoT, AI, Blockchain trong đảm bảo chất lượng sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất và phân phối sản phẩm là giải pháp bền vững ngành ong.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.