| Hotline: 0983.970.780

Trắng đêm thâm nhập lò mổ

Thứ Tư 06/10/2010 , 08:50 (GMT+7)

"Thế này thì chết"- ông Nguyễn Công Dân, Phó Cục trưởng Cục Thú y đã phải thốt lên như thế khi cùng đoàn công tác liên ngành "đột kích" một lò giết mổ bò chui ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) trong chương trình rà soát các lò mổ đảm bảo ATVSTP dịp đại lễ.

Nội tạng bò sơ chế, chất ra bờ mương
"Thế này thì chết"- ông Nguyễn Công Dân, Phó Cục trưởng Cục Thú y đã phải thốt lên như thế khi cùng đoàn công tác liên ngành "đột kích" một lò giết mổ bò chui ở huyện Thanh Oai (Hà Nội) trong chương trình rà soát các lò mổ đảm bảo ATVSTP dịp đại lễ. 

Hãi hùng xú uế 

Một giờ sáng hôm qua (5/10), PV NNVN đã cùng đoàn công tác liên ngành do Cục Thú y tổ chức trực tiếp đi kiểm tra lò mổ bò ở huyện Thanh Oai. Đây là một trong những điểm nóng mà đoàn công tác đã "chỉ mặt, đặt tên" trong kế hoạch thực hiện “chiến dịch 45 ngày kiểm tra các lò giết mổ GSGC đảm bảo ATVSTP trong dịp đại lễ nghìn năm Thăng Long – Hà Nội”.

 Lò mổ chui của hộ ông Nguyễn Đình Hưởng nằm ngay cạnh UBND xã Phương Trung mỗi ngày có công suất “hóa kiếp” hàng chục con bò. Nước thải lẫn phân tro trộn vào nhau chảy lênh láng ra con mương cạnh cơ sở giết mổ, mùi xú uế bốc lên nồng nặc khiến nhiều người phải bịt mũi đi vào.

Toàn bộ các khâu đều được thực hiện trên sàn lớn bằng bê tông thủng lỗ chỗ và những dụng cụ cáu bẩn. Gần một chục nhân công miệt mài làm việc, chân đi ủng thản nhiên dẫm đạp hết chỗ này đến chỗ khác. Tất cả họ đều không có dụng cụ bảo hộ mà chỉ trang bị ủng và áo mưa. Dường như đã quá quen với môi trường làm việc kiểu này nên dù có đoàn kiểm tra đến lấy mẫu phân tích nhưng họ vẫn miệt mài tay dao tay thớt.

Để rút ngắn thời gian trong nhiều công đoạn một số người không ngần ngại dùng ủng đang dính phân bê bết đạp vào ruột bò lôi ra. Nội tạng bò cũng được sơ chế tại chỗ hoàn toàn bằng thủ công sau khi xả qua bằng nước chất thành đống vào góc nhà trần trụi trộn lẫn máu me bê bết và xi măng tróc ra từ các bức tường không cần các dụng cụ đựng. Xen lẫn giữa chất thải từ ruột bò bỏ đi là những tảng huyết đông cứng mà ngay sau đó được lôi ra xắn thành cục cho vào túi nilon rồi mang chất lên đống “sản phẩm đã được làm sạch”. Phía trong, 4-5 người phụ nữ đầu trần chân đất ngồi bệt trên tấm sạp bằng gỗ lóc thịt ném phần phật vào góc nhà.

Thấy hãi quá, bà Khiếu Thị Kim Anh, cán bộ Chi cục Thú y TP Hà Nội tham gia đoàn kiểm tra hỏi “sao có quy định dùng sạp bằng inox mà cơ sở không chấp hành”, đám phụ nữ tranh nhau phân bua: “Sạp bằng inox thì sạch, nhưng mà bọn em ngồi trên đấy lóc thịt thì trơn quá, không làm được nên phải dùng sạp gỗ cho có độ bám”. Chứng kiến việc ngồi hẳn lên sạp chỉ dùng cho việc để thịt của nhân viên lò mổ, ông Dân chỉ biết lắc đầu: “Toàn làm bằng thủ công mà không hề có bất cứ thiết bị gì cả thì làm sao mà đảm bảo vệ sinh được. Quan sát bằng mắt thường đã kinh hãi như thế, còn bao nhiêu dịch bệnh không thể thấy nhưng rất nguy hiểm thì không biết ra sao”.

Xem ra những yêu cầu cơ bản đảm bảo vệ sinh của cán bộ thú y vượt quá xa khả năng những lò mổ chui kiểu này khi ông Hưởng cứ thản nhiên: “Ở đây lò nào chẳng thế. Giấy phép hành nghề có ai cấp cho đâu mà có. Thỉnh thoảng cũng được tuyên truyền nhưng thực sự là không biết giết mổ GSGC phải đăng ký”. Tầm 4-5 giờ sáng, toàn bộ số thịt thành phẩm lên xe đi tiêu thụ nhưng chẳng ai biết có an toàn vệ sinh hay không. Thêm một điều đáng sợ hơn, dù lò mổ nằm rất gần UBND xã, nhưng đoàn kiểm tra đến thì không có cán bộ nào tham gia phố hợp dù đã có thông báo. Ông Hoàng Anh Tuấn, Trạm trưởng trạm thú y huyện Thanh Oai giải thích rằng: “Họ sợ va chạm, từ trước đến nay hầu như chưa hề có sự chung tay giữa thú y với chính quyền”. 

Sờ đâu cũng vi phạm 

+ Chiến dịch 45 ngày kiểm tra đảm bảo ATVSTP trong dịp đại lễ kéo bắt đầu từ ngày 18/9. 10 đoàn kiểm tra được thành lập chia thành các mũi thị sát hầu hết các “điểm nóng” trong thành phố. Tham gia hầu hết các đợt kiểm tra từ đầu đến nay, bà Kim Anh hiến kế: “Cần phải mạnh tay đóng cửa các lò mổ vi phạm. Giải quyết một cách triệt để, tránh tình trạng biên bản xử lý vi phạm chưa ráo mực lại vi phạm tiếp”.

+ Chứng kiến “công nghệ” giết mổ và nước thải tràn lan ở lò mổ bò chui huyện Thanh Oai, đại diện Cục Cảnh sát môi trường tham gia đoàn liên ngành lắc đầu: “Không hề có một phương pháp xử lý chất thải đúng cách. Ô nhiễm quá”.

Dù mới chỉ là chuyến đi kiểm tra thực tế đầu tiên trong chiến dịch của Cục Thú y nhưng tất cả những vấn đề này đã được ông Nguyễn Công Dân nắm rất rõ. Theo ông Dân hiện trên địa bàn Hà Nội thực trạng các lò mổ không đảm bảo các chỉ tiêu cơ bản về ATVSTP còn quá phổ biến.

Các lò mổ chui hoạt động ngày càng nhiều và rất ngang nhiên. “Ở đâu cũng có vi phạm” - bà Khiếu Thị Kim Anh đã tham gia nhiều đợt kiểm tra của các đoàn liên ngành khẳng định. Theo bà Kim Anh, trong chiến dịch 45 ngày, mới đây, đoàn liên ngành của TP Hà Nội đã kiểm tra tổng thể các lò mổ lợn và phát hiện quá nhiều lò mổ lợn chui không có giấy phép, vận chuyển lợn không đúng quy cách, vi phạm nghiêm trọng về ATVSTP.

Từ quận Hoàng Mai, huyện Từ Liêm đến những địa bàn trung tâm như quận Hoàn Kiếm đều xẩy ra những trường hợp vi phạm ATVSTP khi giết mổ GSGC. Trong đó lò mổ khiến các cơ quan chức năng đau đầu nhất nằm ở Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai).

Lò mổ Thịnh Liệt từ lâu đã khiến dư luận bức xúc, không những vì tình trạng giết mổ mất vệ sinh, chất thải từ lò mổ không được xử lý, thu gom mà xả thẳng ra môi trường gây ô nhiễm nghiêm trọng. Với công suất khoảng 1.300 con lợn, lò mổ thủ công Thịnh Liệt cung cấp hơn một nửa số lợn thành phẩm cho Thủ đô nhưng toàn bộ khâu giết mổ tới vận chuyển sản phẩm sau giết mổ đều thủ công, sơ sài và mất vệ sinh. Lợn được giết mổ ngay trên nền đất, trộn lẫn với đó là nước thải, phân và tiết. Nội tạng lợn được ngang nhiên sơ chế ngay bên miệng cống.  Nói mãi không nghe, đã có ý kiến buộc phải đóng cửa lò mổ lớn nhất Thủ đô này nhưng đến nay vẫn chưa thể tìm ra phương án hợp lý.

“Ở huyện Từ Liêm có 13 cơ sở giết mổ GSGC thì có đến 6 cơ sở không có giấy phép hoạt động. Tình trạng mổ chui tràn lan như thế thì chẳng cần lấy mẫu phân tích cũng đủ biết là không đảm bảo vệ sinh rồi”- bà Kim Anh phân tích.

Trước những thực tế đáng báo động như thế, ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội bày tỏ sự lo ngại trên các phương tiện truyền thông rằng: “Cứ đà này thì thật khó để người dân thủ đô có được bò sạch, lợn sạch để ăn”.

Xem thêm
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng

Sáng 18/4 (tức 10/3 năm Giáp Thìn - ngày Giỗ Tổ Hùng Vương), Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Điện Kính Thiên trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh thuộc Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng ở TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Dông lốc ở Lào Cai gây thiệt hại gần 3 tỷ đồng

Các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng gây thiệt hại lớn tài sản người dân trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm