| Hotline: 0983.970.780

Tranh cãi chuyện tôm hùm đau đớn khi bị luộc

Thứ Sáu 19/01/2018 , 09:35 (GMT+7)

Các nhà khoa học chưa thống nhất với nhau về việc tôm hùm hay các loài giáp xác có hay không cảm giác đau đớn giống người khi bị nhúng vào nước sôi.

Tháng 3 tới, một đạo luật bảo vệ động vật mới ở Thụy Sĩ sẽ có hiệu lực, tôm hùm phải được gây mê trước khi bị chế biến thành món ăn, theo báo Anh Guardian.
 

Tôm hùm biết đau như người?

Đạo luật này được cho là bắt nguồn từ nghiên cứu của Robert Elwood, giáo sư danh dự về hành vi động vật tại Đại học Queen, Bắc Ailen.

15-45-45_tom-hum

Ông Elwood cho rằng tôm hùm “rất có thể” cảm thấy đau đớn khi bị nhúng vào nước sôi. Vị giáo sư này nói ông rút ra kết luận trên sau hơn một thập kỷ nghiên cứu.

“Chúng có mọi dấu hiệu cho thấy sự đau đớn”, ông Elwood nói, mặc dù vị giáo sư thừa nhận ông không thể chứng minh rõ ràng liệu tôm hùm có cảm giác đau giống con người.

Trước mắt, chính phủ Thụy Sĩ đã cấm dùng nước sôi để luộc tôm hùm hoặc các loài giáp xác khi chúng còn sống.

Elwood cũng chỉ ra cách mà ông cho là dễ dàng để giết một con tôm hùm “chỉ trong một giây”. Đó là dùng một con dao lớn với lưỡi sắc, đưa lưỡi dao vào phần giữa hai mắt tôm, cắt dứt khoát từ trên xuống. Elwood cho rằng vết cắt này sẽ làm hỏng não tôm hùm, giảm tối đa nỗi đau đớn của loài giáp xác này trước khi chết.

Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học khác cho rằng không có chứng cứ nào đủ thuyết phục để kết luận tôm hùm biết đau đớn. Viện nghiên cứu tôm hùm ở Maine, Mỹ, cho rằng hệ thần kinh của tôm hùm tương tự với côn trùng. Về việc tôm hùm phản ứng với các kích thích bất ngờ như quẫy đuôi lúc bị bỏ vào nước sôi, Viện Maine khẳng định não bộ của tôm hùm không đủ phức tạp để chúng có thể “biết” đau giống như con người hay các loài động vật.

“Việc nấu một con tôm hùm cũng giống như nấu một con bọ lớn. Bạn có lo lắng không khi giết một con ruồi hay một con muỗi?”, Robert Bayer, giám đốc điều hành viện Maine, nói.

Một nghiên cứu của Na Uy hồi năm 2005 cũng đưa kết luận: Tôm hùm không có não bộ, nên chúng không biết đau.

Năm 2006, chuỗi siêu thị Whole Foods ở Mỹ cấm bán tôm hùm, cua ở trạng thái sống trong các cửa hàng. Năm 2013, một video do PETA, tổ chức bảo vệ động vật ở Mỹ, tung video cho thấy tôm hùm bị bóc vỏ bằng tay ở một xưởng chế biến tại bang Maine. Việc này từng dấy lên sự phản ứng gay gắt từ các tổ chức bảo vệ động vật.

Tôm hùm được chú ý nhiều ở các quốc gia phát triển, bởi đó là một trong những món ăn mà người thành thị phải giết chúng trước khi nấu, không giống như gà, lợn, cá, thường được làm sẵn.

Trước các tranh cãi quanh vấn đề tôm hùm liệu có biết đau, Viện nghiên cứu tôm hùm Maine cho biết các chuyên gia của viện đang tập trung tìm cách nấu tôm sao cho chúng “được giảm tối đa chấn thương”.

Giám đốc Bayer khuyên người dân nên để tôm hùm vào nước sạch hoặc làm lạnh nó trong tủ lạnh (không để trong ngăn đá) trước khi nấu. Hai cách này đều khiến tôm hùm “chìm vào giấc ngủ”, theo Bayer.

Một xưởng chế biến ở bang Maine còn dùng chiếc máy nặng hơn 36 tấn để giết tôm hùm chỉ trong 6 giây với áp lực nước cực lớn.

Khoa trương hơn, ông Trevor Corson, tác giả cuốn “Cuộc sống bí mật của tôm hùm”, khuyên người tiêu dùng nên mua một chiếc máy trị giá vài nghìn USD để “làm tê liệt hệ thần kinh của tôm hùm” trước khi chế biến.
 

Đối xử đúng đắn với tôm hùm

Luộc sống tôm hùm cũng là hành động phi pháp ở một số nơi, bao gồm New Zealand và thành phố Reggio Emilia miền bắc Italy.

20b163031892

Người phát ngôn cơ quan phụ trách an toàn thực phẩm và thú y Thụy Sĩ, bà Eva van Beek, cho biết đạo luật mới lạ về tôm hùm được thông qua sau khi chính quyền nhận được sự thúc giục của các tổ chức bảo vệ quyền lợi của động vật.

“Có nhiều cách chế biến thân thiện hơn so với luộc sống con tôm”, bà Van Beek nói.

Tờ Washington Post đưa tin Thụy Sĩ từng muốn cấm nhập khẩu tôm hùm, song chính quyền liên bang thấy việc này không phù hợp với luật lệ thương mại quốc tế. Do đó, Thụy Sĩ quyết định ban hành luật nhằm bảo vệ tôm hùm.

“Thụy Sĩ là quốc gia không có biển, lượng tiêu thụ tôm hùm cũng không nhiều. Đây là món ăn ngoại lai, chỉ được phục vụ trong một số nhà hàng đặc biệt”, Van Beek nói.

Trung tâm Thương mại Quốc tế Maine, Mỹ, cho biết quốc gia này hồi năm 2016 xuất khẩu tôm hùm sang châu Âu với tổng trị giá 147 triệu USD. Cũng trong năm đó, lượng tôm hùm từ Mỹ vào Thụy Sĩ chỉ là 368.000 USD.

Lệnh bảo vệ tôm hùm của Thụy Sĩ, ngoại trừ việc cấm luộc sống, còn cấm vận chuyển các loài giáp xác bị ngâm trong đá hoặc nước đá. Các loài này phải được vận chuyển trong môi trường quen thuộc với chúng, đó là nước biển.

Tanja Florenthal, Giám đốc Học viện César Ritz nổi tiếng Thụy Sĩ về quản trị khách sạn và du lịch, ẩm thực, cho biết bà thấy hài lòng với lệnh cấm mới, dù sẽ phải thay đổi giáo trình nấu ăn. “Thật không may là chúng tôi vẫn dạy học viên xử lý tôm hùm với nước sôi. Song đây cũng sẽ là cơ hội để thay đổi giáo trình, thảo luận với học viên về những cách xử lý tôm hùm một cách đạo đức hơn, đảm bảo không chỉ tôm mà cả các loài động vật khác được đối xử đúng đắn”, bà Florenthal nói.

 

Xem thêm
Giá heo nhích kích thích người nuôi tái đàn

Sau thời gian dài duy trì ở mức thấp, từ đầu năm 2024 đến nay, giá heo ở Bình Định không ngừng tăng, hiện ở mức 51.000đ/kg, người chăn nuôi hồ hởi tái đàn…

Tỉnh tiên phong ban hành năm cao điểm phòng, chống bệnh dại

Thanh Hóa là một trong những tỉnh tiên phong trên cả nước ban hành tháng cao điểm phòng, chống bệnh dại.

Hãy đưa bèo hoa dâu trở về với đồng ruộng

Nếu ruộng lúa được phủ 2-3 lớp bèo hoa dâu thì không cần phải bón thêm phân, rất phù hợp với yêu cầu phát động phong trào sản xuất xanh của giai đoạn hiện nay.