| Hotline: 0983.970.780

Tranh chấp mía nguyên liệu ở ĐBSCL: Thủ phạm mang tên NIVL - Ấn Độ

Thứ Hai 18/10/2010 , 09:44 (GMT+7)

14 năm đặt Nhà máy đường tại Long An, Cty NIVL 100% vốn nước ngoài bị tai tiếng khá nhiều, trong đó vấn đề dai dẳng nhất là “thả” thương lái đi giành giật vùng nguyên liệu.

14 năm đặt Nhà máy đường (NMĐ) tại Long An, Cty NIVL (tiền thân là NMĐ Nagarajuna Ấn Độ) vốn 100% nước ngoài bị tai tiếng khá nhiều, trong đó vấn đề dai dẳng nhất là chuyện "ép" chữ đường, tạp chất khi mua mía của dân và “thả” thương lái đến giành giật vùng nguyên liệu các NMĐ khác.

Tại cuộc họp triển khai niên vụ mía đường 2010-2011 với các NMĐ khu vực ĐBSCL tại tỉnh Hậu Giang (ngày 20/9), ông Nguyễn Văn Thanh- GĐ NMĐ NIVL cam kết rằng: Không mua mía non, mía kém chất lượng và mua đúng chữ đường, đặc biệt không mua phá giá khi đến “chia sẻ” với vùng nguyên liệu của NMĐ khác. Tuy nhiên, với công suất 4.500 tấn mía/ngày (chỉ sau NMĐ Bourbon là 8.000 tấn), nếu chạy đúng 7 tháng trong năm thì NIVL cần khoảng trên 800 ngàn tấn mía. Nhưng do không chú trọng đầu tư vùng nguyên liệu nên NIVL đã nhiều lần giành giật vô lối nguyên liệu với các NMĐ khác.

Bắt đầu từ ngày 26/9, ngay sau khi khởi động vụ ép, NIVL thay vì tập trung mua mía ở địa phương cũng như thực hiện lời hứa ban đầu, đã quay ngoắt 180 độ mở một “chiến dịch” thu gom mía ở ĐBSCL, chủ yếu vùng mía Phụng Hiệp và Bến Tre. Trong số này, một nhóm thương lái do ông N.V.B- PGĐ Cty BĐS Đức Hòa Đông (Long An) làm đại diện, ứng vốn mua số lượng mía ngoài tỉnh lên tới 250 nghìn tấn.

Theo tìm hiểu của NNVN, mỗi ngày NMĐ NIVL gom mía từ ĐBSCL lên không dưới 2.000 tấn mía, trong đó bất kể mía non, mía kém chất lượng với giá bao “trọn gói” từ 840-860.000 đồng/tấn, đồng thời hỗ trợ thêm tiền vận chuyển 140.000 đồng/tấn, theo đó lên gần 1 triệu đồng/tấn. Trong khi ở NMĐ Phụng Hiệp, do giá mua thấp hơn nên nông dân ở đây đã đổ xô bán cho NIVL. Một thương lái của NIVL tại ĐBSCL tiết lộ: “Chúng tôi bao giá, không mua theo chữ đường, nông dân giao mía ngay tại mũi ghe giá 850 ngàn tấn và nhận trước 70% tiền mặt. Sau 7-10 ngày giao đủ tiền tươi thóc thật, số lượng bao nhiêu mua bấy nhiêu”.

Để tiếp cận NMĐ NIVL, trong vai một thương lái mía, chúng tôi vào khu vực cầu cảng của NM tại ấp 6, xã Lương Hòa ( Bến Lức, Long An). Đập vào mắt PV là hàng chục chiếc ghe chở mía lặc lè của thương lái B., nối đuôi san sát nhau trên kênh Xáng Lớn chờ nhập. Trong số này có rất nhiều mía còn xanh chừng 9-10 tháng tuổi từ dưới ĐBSCL chở lên nhờ vào đặc điểm ở đầu mũi ghe sơn màu đỏ viền trắng. 

Ghe chở mía miền Tây lên mất ít nhất từ 3-5 ngày có đặc điểm mũi ghe sơn màu đỏ viền trắng

Chiều ngày 15/10, chúng đếm tổng cộng có 21 ghe; ngày 16/10 có tất cả 25 ghe. Trọng tải mỗi ghe ít nhất từ 45- 50 tấn, ghe lớn hơn chở ngoài 100 tấn. Gặp ông Trần N., từ Phụng Hiệp lên đã 2 ngày nay, đang neo ghe mía sát bờ Kinh chờ đến lượt đăng ký “tài”, PV bắt chuyện: “Anh chở mấy ghe, tiền công bao nhiêu?” – Tôi chở 2 ghe chừng 90 tấn. Tiền công ông B. trả 140.000 đ/tấn, vị chi được trên 12 triệu đồng, sau khi trừ tiền dầu mất 200 lít/ghe, cộng thêm công bốc vác mía lên ghe, rồi tiền chi phí dọc đường (hầu hết ghe mía nào cũng chở quá khổ-PV) thì lãi cũng được dăm triệu. “Nhìn mía coi bộ còn xanh hả?”. Anh N., rút một cây mía ra ngắm nghía, đo sải tay rồi bảo: “Ừ, chắc non 10 tháng, mía chín ép mất chữ đường à nghen” (dạng mía trung, thấp cây).

Nhiều NMĐ bức xúc cho biết, kiểu tranh mua xé rào của NMĐ NIVL đã đẩy một số bộ phận nông dân ĐBSCL trồng mía không đúng quy trình kỹ thuật (thu hoạch mía chưa đúng tuổi, thu hoạch sớm 15-30 ngày mất 2 CCS) mà còn làm cho các NM như Phụng Hiệp, Vị Thanh, Bến Tre bị mất nguồn nguyên liệu do chính mình đã bỏ công đầu tư trước đó.

Một chủ ghe khác tên Út chở khoảng 80 tấn mía oằn cả chiếc ghe lớn, từ phía Phụng Hiệp lên theo đường sông Vĩnh Long cho hay, mía từ dưới lên cũng mất thời gian ít nhất 3-5 ngày, bình quân mỗi chuyến vận chuyển mía cũng lãi khoảng 6 triệu đồng. “Tui chỉ biết ông Sáu T., ( nhóm của ông B) đưa tiền rồi chở mía lên đây, mấy ổng mua của ai không biết nhưng nhìn thấy có ghe mía còn xanh cũng tiếc thiệt, để chừng 1 hoặc 2 tháng nữa thu hoạch thì mía đẹp lắm” - ông Út tặc lưỡi nói.

Do NMĐ NIVL ban hành cơ chế mua nguyên liệu “thoáng”, nên những ngày này ở ĐBSCL đang có hàng nghìn tấn mía từ các tỉnh Hậu Giang, Bến Tre chở lên bán cho NMĐ NIVL. Việc cạnh tranh thiếu lành mạnh của NIVL đang làm cho  thị trường nguyên liệu mía ở ĐBSCL vốn đã nóng nay càng nóng hơn. Nhiều NMĐ trong khu vực đang phải bó tay ngửa mặt kêu trời vì mất nguyên liệu.

TÂY NINH: GIÁ MÍA CÓ THỂ 1 TRIỆU ĐỒNG/TẤN

Hôm qua (17/10), trao đổi nhanh với NNVN, ông Nguyễn Công Hải, GĐ NM Đường Biên Hoà-Tây Ninh khẳng định, hiện các NMĐ trong tỉnh chưa đưa ra giá chính thức, nhưng dựa vào tính toán giá đường thành phẩm bán ra hiện vẫn đang giữ mức từ 20.000-21.000 đồng/kg thì các NMĐ ở đây cũng phải tính toán giá mua hợp lý, nhằm bảo đảm cho bà con nông dân trồng mía có thu nhập tương xứng. Theo đó, có khả năng các NM sẽ mua giá 1 triệu đồng/tấn trong vụ thu hoạch bắt đầu vào tháng 11 tới.

Còn ông Vương Quốc Thới, GĐ Sở NN- PTNT tỉnh cho biết, dự kiến vào ngày 25-26/10 tới, tỉnh sẽ có cuộc họp với các NMĐ để thống nhất giá mua mía cũng theo hướng khuyến khích người trồng mía có lãi tương đương với các nhóm cây trồng khác trong vùng. Theo số liệu của Sở NN-PTNT, diện tích trồng mía niên vụ 2010-2011 khoảng 26.000 ha, tăng hơn 1.360 ha so cùng kỳ.

Xem thêm
Hội chợ xúc tiến thương mại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác 2024

Hội chợ diễn ra từ 18-22/4 tại phố Trần Nhân Tông và công viên Thống Nhất, Hà Nội với sự tham gia của 120 HTX từ 44 tỉnh thành và 30 doanh nghiệp.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm