| Hotline: 0983.970.780

Tranh thủ ra đồng

Thứ Năm 10/02/2011 , 10:19 (GMT+7)

Vào đầu vụ, rét đậm, rét hại kéo dài đã gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân Quảng Bình. Bởi vậy, ngay sau Tết, nông dân đã ra đồng với quyết tâm vượt thiên tai.

Vào đầu vụ sản xuất đông xuân, rét đậm, rét hại kéo dài đã gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân Quảng Bình. Bởi vậy, ngay sau Tết, nông dân đã ra đồng với quyết tâm vượt qua thiên tai, giành một vụ mùa thắng lợi...

Ngày mồng 4 Tết, chị Nguyễn Thị Hiền (ở thôn Văn La, xã Lương Ninh, huyện Quảng Ninh) dọn qua nhà cửa, dặn đứa con nhỏ trong nhà rồi vội ra đồng từ sáng sớm để xem lại diện tích lúa mà gia đình chị gieo hơn tháng nay. Rất may là lúa đã bị chết không nhiều, nhưng chậm phát triển và màu lá nhuốm bàng bạc. Ngay trong ngày đó và những ngày tiếp theo, cả nhà chị tranh thủ ra đồng để dặm lúa. Chị cho hay: “Dặm xong rồi thì phải tăng thêm phân cho lúa để có sức kịp đẻ nhánh đúng lịch thời vụ”.

Hai bên con đường bê tông đi qua xã Hàm Ninh là những đám ruộng chỉ thấy màu xám của đất nhiều hơn màu lá. Nông dân Trần Văn Chức xăm xổ lội xuống xem xét vạt lúa của mình rồi xuống cào bổ nắm đất, chọn mấy hạt mầm lúa đưa lên xem lắc đầu: “Lúa này phải gieo lại mới hy vọng chứ để như này là thua”. Những vùng lúa khác bị chết rét khá nhiều. Ông Nguyễn Viết Ánh, Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Theo thống kê của các địa phương thì diện tích lúa bị chết rét trong toàn huyện khoảng 500 ha, trên tổng số hơn 4.000 ha lúa đông xuân đã gieo. Với những diện tích này chủ trương của huyện là phải gieo lại bằng những giống lúa ngắn ngày hơn. Khó khăn hiện nay là nông dân không có giống. Huyện đã liên hệ “đặt hàng” Công ty CP TCty Nông nghiệp Quảng Bình để có kế hoạch bổ sung giống cho nông dân”.

Với vùng lúa Lệ Thuỷ, người nông dân ra đồng sớm hơn, từ mồng hai Tết nhiều hộ gia đình đã có người đi ra đồng chăm sóc lúa. Có lẽ cái rét trước đó đã làm họ không yên tâm ăn Tết và cũng có thể là thói quen lo lắng quanh năm của người nông dân. Năm nay Lệ Thuỷ đã hoàn thành gieo toàn bộ diện tích 9.600 ha lúa đông xuân từ trước Tết. Ông Đặng Thái Tôn, Chủ tịch UBND huyện cho biết, rét đã làm cây lúa chậm phát triển nhưng diện tích chết rét không lớn lắm, khoảng vài trăm ha tính cộng dồn từng đám. Hiện nay ngành chức năng đang chỉ đạo bà con chăm sóc lúa, phun thuốc trừ sâu, thuốc kích thích phát triển rễ, dặm lại những nơi lúa thưa do chết rét...

Sau hơn tháng rét kéo dài, từ ngày mồng một Tết Tân Mão trời đã hửng nắng. Nắng xuân như có phép màu, trước Tết lúa có màu bàng bạc thì chỉ sau vài ngày nắng, màu xanh đang thắm lại trên cánh đồng hút tầm mắt của các xã Xuân Thuỷ, An Thuỷ, Phong Thuỷ... Ngày mồng 4, nhiều nhà đã tổ chức cúng mâm tiễn ông bà rồi ra đồng dặm lúa. Đầu Xuân, gặp nhau chào câu thật lớn rồi ai nấy chia nhau về ruộng nhà mình. Người trên đồng đông hơn cả lúc đi thăm Tết.

Cái “hạn” năm Dần hình như đang kéo lê sang năm Mão đối với bà con nông dân phía bắc tỉnh. Sau lũ lụt trong năm, cuối năm lại rét đậm, rét hại làm nông dân điêu đứng. Ngoài diện tích lúa bị chết, thiệt hại lớn nhất của nông dân là trâu bò bị chết rét quá lớn. Theo con số thống kê chưa thật đầy đủ của ngành nông nghiệp, đã có trên 1.200 con trâu bò bị chết rét. Mặc dù thời gian qua, các ngành chức năng, các địa phương đã có những khuyến cáo bà con phòng chống rét cho đàn gia súc nhưng đàn trâu bò bị giảm sút dẫn đến số lượng bị chết rất lớn. Cùng với đàn gia súc, nhiệt độ trong những ngày rét ở các huyện phía bắc cũng thấp hơn nên diện tích lúa bị chết rét cũng không nhỏ. Đây là khó khăn mà nông dân các huyện Tuyên Hoá, Minh Hoá phải đối mặt sau Tết Nguyên đán.

Mưa kéo dài cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến những cây trồng khác trong đó có cây cao su. Bởi vậy tranh thủ thời tiết nắng ấm, năm nay Công ty Việt Trung ra quân sản xuất đầu năm sớm hơn, từ sáng mồng 4 Tết. Trên vườn cao su của đội Hữu Nghị, chị Lê Thị Hương cùng những đồng nghiệp đang mải miết cạo mủ cao su. Chị cho biết đây là diện tích cao su trồng mới, vừa cho thu hoạch đợt đầu nhưng nhờ trồng mới số lượng cây dày hơn, giống chất lượng hơn nên năng suất sẽ cao hơn... Có lẽ hào khí những ngày kỷ niệm 50 năm thành lập Cty đang biến thành công việc cụ thể trên từng lô cao su để thực hiện những chỉ tiêu kế hoạch năm 2011 ngay từ những ngày đầu năm mới...

Cùng trên một vùng đất với những “công nhân nông nghiệp”, bên kia là nông dân Bố Trạch cũng đang chăm sóc những vườn cao su tốt tươi. Nhìn người nông dân ngồi trên chiếc máy cày mi ni mới cứng chạy băng băng bên vườn cao su vài năm tuổi, xới lên những luống đất đỏ tươi chợt nghĩ, nông dân Bố Trạch đang tạo nên sắc màu mới từ phía tây để bù lại những cánh đồng lúa luôn bị thiên tai đe dọa...

Đối với đàn gia súc, thời gian rét chưa phải đã chấm dứt, mùa rét năm nay vẫn còn ở phía trước, vì vậy nhiều địa phương cũng đang ráo riết chỉ đạo, khuyến cáo bà con tiếp tục thực hiện các biện pháp chống rét cho trâu bò như tăng thêm khẩu phần ăn, thưng che chuồng trại, lót nền chuồng bằng rơm rạ, lá chuối khô, trấu... Bên cạnh đó, rút kinh nghiệm những năm trước, ngành NN-PTNT cũng đã chỉ đạo thống kê số lượng trâu bò chết do rét đúng quy trình, chính xác để thực hiện hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Mịn, Phó Giám đốc Sở NN- PTNT cho biết: “Cả tỉnh có khoảng 1.100 ha lúa bị chết rét. Để có đủ giống cho nông dân gieo lại diện tích bị chết rét, Sở đã chỉ đạo Công ty CP TCTty Nông nghiệp Quảng Bình cung ứng 2 loại giống ngắn ngày chính là IR 50404 và DV 108 cho các địa phương để bà con gieo lại những diện tích lúa bị chết rét. Chủ trương của ngành nông nghiệp là kiên quyết không để nông dân bỏ hoang ruộng vì thiếu giống”.

Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Tổng giám đốc Công ty CP TCty Nông nghiệp Quảng Bình cho hay: “Trước sự bất lợi của thời tiết, Cty đã có kế hoạch dự phòng chuẩn bị và bảo đảm cung ứng đủ giống cho nông dân. Trước mắt, Cty có đủ các bộ giống để chuyển cho các huyện bố trí cho nông dân gieo lại trên 1.100 ha lúa bị ảnh hưởng nặng theo như báo cáo của Sở NN- PTNT. Trước Tết Nguyên đán, Cty cũng đã cung ứng giống cho các địa phương đến tận 29 Tết và ngày mồng 4 Tết lại tiếp tục phục vụ bà con nông dân”.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.