| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 25/01/2010 , 14:30 (GMT+7)

14:30 - 25/01/2010

Trao quá nhiều "đặc quyền" cho Thủ đô?

Quốc hội đang xây dựng dự án Luật Thủ đô (dự thảo lần 3 với 7 chương, 59 điều). Việc xây dựng dự án Luật Thủ đô thay thế cho Pháp lệnh Thủ đô đã lỗi thời nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về Thủ đô Hà Nội trong tình hình mới là chính đáng. Tuy nhiên, dự Luật Thủ đô cần phải bàn tính thận trọng...

Hình ảnh Hà Nội nhìn từ trên cao

Quốc hội đang xây dựng dự án Luật Thủ đô (dự thảo lần 3 với 7 chương, 59 điều). Việc xây dựng dự án Luật Thủ đô thay thế cho Pháp lệnh Thủ đô đã lỗi thời nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về Thủ đô Hà Nội trong tình hình mới là chính đáng. Tuy nhiên, dự Luật Thủ đô cần phải bàn tính thận trọng, nếu không sẽ có những điều luật vi phạm Hiến pháp.

Quy định “trong trường hợp đặc biệt thực hiện một số chức năng của Thủ đô, chính quyền thành phố Hà Nội có thể ban hành văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) có nội dung mới, khác hoặc không trái với văn bản QPPL của cơ quan nhà nước cấp trung ương”- có thể hiểu rằng chính quyền TP Hà Nội có thể ban hành văn bản QPPL tương đương Quốc hội- quy định này đương nhiên là trái Hiến pháp.

Ví dụ, trong trường hợp chính quyền TP Hà Nội ban hành văn bản QPPL trái với văn bản QPPL của Quốc hội (Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất), theo quy định của dự án Luật Thủ đô trong trường hợp này sẽ áp dụng Luật Thủ đô. Quy định như vậy vô hình chung có thể coi chính quyền TP Hà Nội còn “to" hơn Quốc hội.

Quy định "công dân muốn đăng ký thường trú tại Thủ đô phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện đó là phải có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thủ đô năm năm trở lên" mới nghe qua làm nhiều người liên tưởng ngay đến Luật Quốc tịch năm 2008. Ô hay, việc đến đăng ký thường trú tại ngay Thủ đô nước mình mà như kiểu đi xin nhập quốc tịch nước khác vậy, nghe có vô lý không?

Còn quy định người dân khi đăng ký thường trú lần đầu tại Thủ đô phải chứng minh được thu nhập ít nhất bằng hai lần mức lương tối thiểu theo quy định của pháp luật thì khác nào ngăn không cho người nghèo được quyền sống tại Hà Nội?  Quy định như vậy là trái Hiến pháp- đó là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, được đối xử công bằng như nhau.

Muốn Thủ đô phát triển thì cần những điều kiện khác như tăng cường đào tạo, thu hút nhân tài, cải cách hành chính để thu hút đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, chuyển dịch cơ cấu sản xuất, có quy hoạch hợp lý để phát triển không gian đô thị... chứ không phải những  đề xuất lạ khiến dân ngỡ ngàng.