| Hotline: 0983.970.780

Trâu bò lậu tràn biên giới: Đường đi của trâu bò lậu

Thứ Tư 08/04/2015 , 10:02 (GMT+7)

Thời gian gần đây, trâu bò từ Lào “vượt biên” bằng đường tiểu ngạch qua huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) như chỗ không người. Từ đây trâu bò lậu được chuyển xuống các chợ trong và ngoài tỉnh. 

Buôn bán trâu bò không qua kiểm dịch là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh trên đàn gia súc bùng phát và diễn biến khó lường.

Từ thị trấn Mường Xén (Kỳ Sơn), chúng tôi vượt gần 30 km tuyến QL7 thì đến cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn. Những đợt gió tây nam đầu mùa thổi vào mặt bỏng rát, khô khốc.

Dừng chân tại một quầy bán tạp hóa ở bản Tiền Tiêu, xã Nậm Cắn, uống vội bát nước trà đá, chúng tôi tranh thủ quan sát cửa khẩu Nậm Cắn.

Thấy chúng tôi nhìn đăm đăm về phía cửa khẩu, chủ quán tin chắc chúng tôi là đầu nậu lần đầu đến “ăn” hàng trâu bò nên ái ngại nói: “Các anh đến muộn mất rồi. Vừa có một xe bốc trên 20 con trâu chở về xuôi. Nắng thế này chắc phải tối mới có chuyến khác dắt về…”.

Men theo con đường mòn chi chít dấu chân trâu bò, mùi phân bốc lên nồng nặc, vượt qua mấy dốc núi dựng đứng phía sau bản Tiền Tiêu, chúng tôi lần sâu vào rừng, thẳng hướng phía bên kia là nước bạn Lào.

Người dẫn đường đưa chúng tôi đi sâu thêm rồi chỉ đường đi của trâu bò từ Lào nhập lậu vào Việt Nam: Chỉ cần leo qua 3 ngọn đồi nữa là sang đến xã Tham Chộc, huyện Noọng Hét, Lào.

Ở đó, các anh sẽ chứng kiến tận mắt các đầu nậu người Việt đang cho xe chở trâu bò đến tập kết tại một địa điểm để thuê người dắt qua biên giới...

Theo đường chim bay thì từ xã Tham Chộc đến đại bản doanh của Chi cục Hải quan và Đồn biên phòng quốc tế Nậm Cắn chỉ tầm 5-6 km.

Để tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng, các đầu nậu thường lợi dụng lúc trời tối hoặc giữa trưa nắng nóng để thuê người dắt trâu, bò “vượt biên” theo đường mòn, áp sát đường vành đai biên giới tại bản Huồi Pốc, xã Nậm Cắn.

Tại đây, dân cửu vạn sẽ dắt trâu bò xuống khe rồi băng rừng thêm một quãng chừng 3 km nữa là đến điểm tập kết tại bản Tiền Tiêu và Trường Sơn. Con đường rừng từ khe nước đến bản Tiền Tiêu vốn nhỏ hẹp, bị cây cối che lấp giờ đã trở thành một lối mòn lớn, chi chít dấu chân pha lẫn với phân trâu bò.

Theo người dẫn đường, nếu chỉ mua 3-4 con, thì người mua, kẻ bán sẽ giao dịch ngay tại khe nước rồi tự dắt trâu bò về, nhưng những thương vụ mua bán trâu bò số lượng lớn đều diễn ra tại các bãi tập kết.

Chờ mãi không thấy bóng dáng trâu bò đi qua, chúng tôi định ra về thì phát hiện phía bên kia bản Tham Chộc xuất hiện bóng dáng một số người dắt trâu bò di chuyển về phía Nậm Cắn.

Lúc này trời bắt đầu nhá nhem tối, 2 người đàn ông vừa dò dẫm đường đi, vừa cố dắt 3 con bò vượt qua lối mòn đầy đá lởm chởm. Phát hiện thấy có người lạ, họ dừng lại, có vẻ lưỡng lự giây lát... Sau khi trao đổi với nhau vài câu tiếng H'Mông họ quả quyết dắt bò đi qua.

Một người đàn ông xưng tên là Lầu Bá Cu, trú tại bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn, phân bua: “Đây là mấy con bò ta mua tại một bản khác trong xã về nuôi thôi...”.

Thế nhưng, người dẫn đường nói nhỏ vào tai tôi rằng nếu chỉ mua bán trao đổi trong xã với nhau thì không việc gì phải lén lút dắt bò đi về trong đêm tối (!?).

Hôm sau, chúng tôi thức dậy từ 4 giờ sáng, tiếp tục khám phá con đường trâu bò từ Lào về Việt Nam. Lần này, chúng tôi chọn địa điểm nằm sau căn nhà của một hộ dân H'Mông ở bản Tiền Tiêu.

Từ đây có thể quan sát rất rõ việc dắt trâu bò từ lối mòn xuống bản, qua QL7 về địa điểm tập kết của các đầu nậu. Khoảng 5 giờ sáng đã có một vài người H'Mông dắt bò rải rác từ trên núi cao đi xuống bản.

Đến 7 giờ sáng thì trâu bò chính thức “tràn” sang một cách nhộn nhịp. Quan sát từ xa chúng tôi chứng kiến một đoàn người đang lũ lượt dắt hàng chục con trâu đi theo lối mòn từ phía Lào sang bản Tiền Tiêu. Họ vừa đi vừa chạy, khi vừa đến sát chân ngọn đồi lập tức có thêm 3-4 người đàn ông khác cầm roi, đi xe máy, đến hỗ trợ để lùa đàn trâu đi thật nhanh về phía bản Trường Sơn.

Những người dắt trâu đầy vẻ cảnh giác trước người lạ nên họ càng cố thúc cho đàn trâu chạy thật nhanh. Nhìn đàn trâu Lào vừa đặt chân sang phía Việt Nam “lạ nước, lạ cái” nên cứ quay đầu chống lại, bị roi quất vào mông, chúng rống lên đau đớn rồi lao về phía trước, bụi tung mù trời.


Một điểm tập kết trâu bò sát QL 7

Chúng tôi ước đoán cả đàn trâu không dưới 30 con, con nào con nấy đều bị đánh dấu chéo màu đỏ bên hông. Chúng tôi lập tức rời vị trí bám theo cho đến khi cả đàn trâu lọt sâu vào địa bàn xã Nậm Cắn thì phát hiện thấy 5-6 người phụ nữ H'Mông tiếp tục lùa đi thêm khoảng 3 km, ngang qua trụ sở của UBND xã Nậm Cắn như không hề có việc gì xảy ra.

Đàn trâu đưa về đến bản Trường Sơn thì dừng lại, cả đàn được buộc cẩn thận vào từng gốc cây. Thấy chúng tôi, chủ nhà liền chỉ tay về ngôi nhà đối diện, nơi có chiếc xe ô tô bán tải biển số Lào rồi bảo: “Sang nhà ông Lỳ Y Tồng buôn trâu bò đấy mà hỏi. Đây là trâu ông Tồng vừa mua từ Lào về, nó không có chỗ nên đưa sang gửi sau nhà ta thôi. Ơi chà! Nhà nó buôn trâu bò lâu năm rồi nên giờ đã có xe ô tô đắt tiền ấy chứ”.

Tiếp tục bám theo xe vận chuyển trâu bò lậu trên tuyến QL7 đến hết buổi sáng, chúng tôi chứng kiến khá nhiều điểm tập kết có xe ô tô đang đỗ để “ăn hàng”. Tại đây, trâu bò lậu đã được dắt đi nghênh ngang trên đường mà chẳng có ai nhòm ngó tới.

Tiếp cận một đám đông người H'Mông đang đứng xem đàn trâu bò vừa đưa tới, chúng tôi làm quen với anh Lầu Nhì Xìa, trú tại bản Mường Lống 1, xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn. Xìa cũng vừa mò sang tận khe mua một con bò đực với giá 19 triệu đồng về.

Nhe hàm răng trắng có mấy cái bọc vàng ra, Xìa hồn nhiên nói: “Ơ! Trâu bò từ Lào dắt về dưới khe nhiều lắm mà. Con nào cũng đẹp nhưng ta không có nhiều tiền để mua. Năm nào ta cũng sang đây mua 1 con về nuôi làm ruộng, hết đợt thì bán kiếm lời. Thỉnh thoảng cũng có người mua phải con trâu, bò bệnh chết, mất hết tiền đấy… Ta dắt theo đường C5 (đường tắt - PV) nên không sợ bị cán bộ bắt mà…”.

Nói chưa hết câu, Xìa vội vàng chạy theo con bò vừa mới mua đang lạ đất, lạ người rồi khuất dần.

Tại QL7 (khu vực bản Tiền Tiêu và Trường Sơn) mùi phân trâu bò bốc lên dưới nắng nóng. Thỉnh thoảng lại có một vài chiếc xe chở đầy trâu bò lần lượt rời địa điểm tập kết lăn bánh về xuôi.

Đến đầu buổi chiều, trở lại điểm tập kết số trâu của ông Lỳ Y Tồng để kiểm tra thì cả đàn trâu ấy đã không còn một con nào nữa. Điều kỳ lạ là hầu hết các bãi tập kết trâu, bò lậu chỉ nằm cách cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn chừng vài ba km. Không khí của “chợ trâu bò” lậu từ Lào về Việt Nam vẫn diễn ra sôi động mỗi ngày nhưng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng nào.

Xem thêm
Hà Lan sẵn sàng giúp Việt Nam đạt mục tiêu về xuất khẩu nông sản

Trưa 19/3, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan họp song phương với đoàn công tác Hà Lan do Bộ trưởng Chính sách Tự nhiên và Nitơ Christianne van der Wal dẫn đầu.

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Nghệ An thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai

Đã thành thông lệ, thiên tai thường xuyên rình rập và đe dọa Nghệ An bất kỳ lúc nào. Riêng năm 2023, tỉnh này thiệt hại hơn 667 tỷ đồng do thiên tai.