| Hotline: 0983.970.780

Trẻ hoảng loạn khi cha mẹ “dạy dỗ”

Thứ Ba 13/03/2012 , 10:20 (GMT+7)

Để giảm các hành vi xâm hại trẻ em, các bậc cha mẹ phải được hướng dẫn để làm cha mẹ tốt và làm cha mẹ đúng luật.

Hầu hết người lớn đều cho rằng, sau khi sinh ra con là họ đã có thể trở thành những người cha, người mẹ vĩ đại. Họ có quyền nuôi, dạy, thậm chí dùng bạo lực đối với đứa con của mình.

Thực ra, ở nước ta chưa có nhiều chương trình hướng dẫn cho cha mẹ về phương pháp giáo dục con tích cực. Cha mẹ cũng rất thiếu kiến thức về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, về quyền các em được hưởng… 

Dạy dỗ con cái cho đúng không đơn giản chút nào (Ảnh minh họa)

Từ chuyện đổ lỗi cho con

Mới 13 tuổi, Dũng (Thái Thịnh, Hà Nội) rất hay trộm tiền, trốn học, đánh bạn và nhiều lần bỏ nhà ra đi. Bố Dũng luôn coi con là đứa bỏ đi, vô đạo đức và không tiếc lời mắng chửi. Mẹ Dũng cũng cho là con mình có “vấn đề” về tâm lý. Mẹ đưa em đến Phòng Tư vấn và Trị liệu Tâm lý Trẻ em và Gia đình (CPEC) với mong muốn con mình sẽ tốt hơn.

Thạc sĩ Nguyễn Hà Thành, người trực tiếp tư vấn cho Dũng kể lại: Khi gặp nhà tâm lý, Dũng chỉ cho chúng tôi những vết roi, vết sẹo chằng chịt trên người. Rõ ràng, em đã bị cha đánh đập thường xuyên và đánh bằng những vật dụng như gậy và một số đồ dùng trong gia đình, dùng giầy đá con… Dũng cho biết, có lần em còn bị bố trói vào cửa sổ. Bố mẹ nói là để em chừa thói hư. Nhưng sau đó, không hiểu bố mẹ quên hay cố ý mà Dũng phải ngủ vật vờ cả đêm trong tư thế bị trói treo ở cửa sổ. Bị đánh, mắng từ nhỏ, nên Dũng luôn luôn sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Mỗi lần thấy bố trừng mắt lên là em lại hoang mang: Không biết mình sẽ phải “chịu trận” đánh mới như thế nào. Cho nên, hễ có cơ hội là em tìm cách lấy trộm tiền của bố mẹ, lẻn ra khỏi nhà và ngủ ở đầu đường, cầu cống. Hết tiền, Dũng lại về nhà và lại tiếp tục kịch bản bị “đánh - mắng - chửi rủa – trộm tiền - bỏ trốn”. Sức học của em vì thế cũng giảm sút và không hiệu quả.

Thạc sĩ Hà Thành cho biết thêm: Bố mẹ Dũng cũng như rất nhiều bậc cha mẹ khác hiện nay, họ thường đổ lỗi cho con mình hư, bất trị. Người lớn không nghĩ rằng, nguyên nhân trực tiếp xuất phát từ bản thân họ chứ không phải là do con cái. Nhiều người luôn thể hiện mong muốn của mình với con bằng thái độ áp đặt, thậm chí là cả bạo lực. Họ nghĩ mình làm thế là vì con nhưng lại không bao giờ đặt mình vào vị trí của con để hiểu trẻ đang nghĩ gì, cần gì.

Đến việc chưa ý thức về quyền của trẻ

Theo Cục Bảo vệ - chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội, trong năm 2007 có 1.826 vụ bạo hành trẻ em cùng với 2.291 trẻ bị xâm hại, tăng 13,9% so với năm 2006. Ngoài ra, các kết quả khảo sát cho thấy, có 8-22% trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân lớn là bạo lực gia đình và cách giáo dục con cái sai trái.

Trao đổi với chúng tôi, thạc sỹ Nguyễn Hà Thành cho rằng: Nhiều người thường bạo hành với chính con mình mà không biết. Họ đánh đập, chửi mắng, thậm chí bỏ đói, nhốt… con với suy nghĩ là giáo dục để con tốt hơn. Người lớn cũng thường đem trẻ em ra làm nơi trút giận: Chồng đánh con vì giận vợ, nàng dâu đánh con để dằn mặt mẹ chồng, chàng rể không bằng lòng mẹ vợ cũng lôi con ra đánh…Trẻ không những bị hành hạ về thể xác mà còn bị tổn thương nặng nề về tinh thần.

Một phần là do quan niệm của người Việt Nam “yêu cho roi, cho vọt”. Song, biên giới giữa tình yêu thương và sự trừng phạt rất mong manh. Với suy nghĩ con hư thì phải “dạy”, hay “con tôi sinh ra tôi có quyền đánh”, nhiều bậc phụ huynh đã xem việc đánh đập con cái là chuyện rất đỗi bình thường. Họ không hiểu được mình đang thực hiện hành vi “xâm hại sức khỏe tâm thần trẻ em”. Điều này dễ dẫn đến sự nguy hại về tinh thần của các em trước mắt và lâu dài, kèm theo đó, còn vi phạm quyền trẻ em của Việt Nam. Chính sự thiếu hiểu biết và lạm dụng quyền làm bố mẹ của người lớn đã gây tổn hại đến trẻ. Ngoài ra, người lớn cũng thiếu phương pháp giáo dục, chưa tìm được phương pháp thay thế cách giáo dục bằng roi. Cho đến nay, chưa có cơ quan nào giám định về tổn hại tinh thần cho các em, dù những tổn thương này nhiều khi nặng nề, kéo dài hơn so với tổn hại về thể chất. Nước ta đã có luật và hướng dẫn Luật về bảo vệ quyền trẻ em, nhưng phía sau luật chưa có các dịch vụ hỗ trợ tích cực.

Chị Hà Thành kể, trong công việc của nhà tâm lý, chị đã từng gặp nhiều ca trẻ bị bạo hành thể xác, tinh thần. Lúc đó, các chị hoàn toàn có thể gọi cho cảnh sát để bắt người bạo hành trẻ. Tuy vậy, cho dù người bạo hành bị xử phạt nghiêm minh thì vết thương trong lòng các em cũng đã hình thành. Đưa trẻ vào trung tâm chăm sóc tạm thời sẽ tránh được bạo hành, nhưng dù sao môi trường giáo dục các em tốt nhất, hiệu quả nhất vẫn là gia đình. Mọi sự tác động từ bên ngoài chỉ mang tính can thiệp. Đó là chưa kể khi vụ việc bị xử lý hình sự, tâm lý các em cũng bị chấn động khi cha, mẹ từng là người ở tù.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, những người bạo hành con đã trải qua thời thơ ấu bị bạo hành. Bạo lực đã sinh ra bạo lực. Ở nhà, các em bị bố mẹ bạo hành, nhưng đến trường, ra ngoài xã hội các em lại ứng xử bằng bạo lực đối với những cá nhân yếu thế hơn mình. Xã hội sẽ có những con người chỉ xử sự bằng bạo lực mà quên đi tình người.

Để giảm các hành vi xâm hại trẻ em, theo chị Thành thì cha mẹ phải được hướng dẫn để làm cha mẹ tốt và làm cha mẹ đúng luật. Một số cha mẹ đã ý thức được đánh, mắng con là bạo hành, nhưng do ảnh hưởng khuôn mẫu từ trước, nên khó kiểm soát được hành vi. Bởi thế, định hướng nâng cao nhận thức về phương pháp giáo dục con cái, quyền trẻ em, giới hạn quyền người lớn, nâng cao kỹ năng giáo dục trẻ, cung cấp thêm kiến thức về các phương pháp giáo dục thay thế, là điều quan trọng nên làm.

Ngoài ra, cần cung cấp cho trẻ kỹ năng an toàn. Ví dụ khi bị bạo hành, trẻ có thể thông báo cho các cơ quan chức năng, cảnh sát. Khi bị đánh nên chạy ra ngoài đường, chỗ đông người, sang nhà hàng xóm; không nên chui vào xó nhà, nếu bố mẹ không kiểm soát được cơn tức giận, chúng có thể bị đánh dã man, ảnh hưởng đến tính mạng. Tất nhiên, đây không phải là mấu chốt của vấn đề, chị Thành nhấn mạnh.

Xem thêm
'Trục xuất' khối bướu khổng lồ hơn 20 kg cho bệnh nhân

TP.HCM Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã phẫu thuật thành công khối u buồng trứng khổng lồ gây chèn ép nội tạng cho bệnh nhân nữ 46 tuổi.

Điều trị suy tim sung huyết

Mục tiêu của điều trị suy tim sung huyết là để tim đập hiệu quả hơn giúp đáp ứng nhu cầu năng lượng của cơ thể.

Đối tượng nào cần xét nghiệm tiền đái tháo đường?

Bộ Y tế khuyến cáo, phụ nữ đã được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ thì cần phải theo dõi lâu dài, thực hiện xét nghiệm ít nhất 03 năm/lần.

Bảo tồn bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông tăng sinh lý

Bài thuốc gia truyền Kháu Vài Lèng giúp đàn ông cải thiện sức khỏe sinh lý được Chủ nhiệm Hợp tác xã Dược liệu Nam dược Mạc Minh tâm huyết phát triển.

Bình luận mới nhất