| Hotline: 0983.970.780

Trên 300.000 hộ vùng biển Gò Công bị đe dọa

Thứ Sáu 16/06/2017 , 10:05 (GMT+7)

Cho đến nay người dân xã Tân Thành, huyện Gò Công (Tiền Giang) vẫn không thể quên hình ảnh hàng chục căn nhà trước cơn thịnh nộ của biển bị cuốn phăng theo bọt nước.

Hàng trăm hộ dân đã phải di dời khẩn cấp. Khu rừng phòng hộ cũng đang bị teo tóp dần trước hiện tượng xâm thực từng ngày, đe dọa tuyến đê biển bảo vệ 50.000ha vùng ngọt hóa Gò Công và trên 300.000 hộ dân nơi đây nếu như không có giải pháp kịp thời.
 

Nước đã đến chân

Những ngày đầu tháng 6, chúng tôi về địa bàn xã Tân Thành, đi dọc theo tuyến đê Khu du lịch biển Tân Thành chứng kiến sự tàn phá khủng khiếp của sóng biển đối với bờ đê và rừng phòng hộ. Mặc dù thời điểm này chưa đến mùa gió chướng, nhưng ngày đêm những con sóng vẫn ầm ầm “gặm” từng mảnh rừng còn sót lại, từng gốc cây mắm, cây dừa nước đang trơ gốc.

15-55-49_nh_1
 

Thực tế, rừng phòng hộ đến nay đã tiến sát chân đê và có nguy cơ sẽ bị “xóa sổ” trong những năm tới. Gặp chúng tôi, bà Mộng Vân, ấp Cầu Muống chia sẻ: “Với địa phương chúng tôi, rừng đóng vai trò cực kỳ quan trọng, là tấm lá chắn vững chắc trong việc bảo vệ hàng ngàn ha lúa vùng ngọt hóa Gò Công của các xã Tân Thành, Tân Điền, Vàm Láng, Kiểng Phước, Gia Thuận... Ấy vậy mà, vài năm trở lại đây biển đang xâm thực mạnh, ngày đêm “gặm” từng mét rừng phòng hộ, không chỉ đe dọa đê biển mà còn gây mất an toàn đến cuộc sống người dân”.

Dẫn chúng tôi đi thực tế tại một điểm xung yếu thuộc ấp Cầu Muống, ông Hai, một cư dân lâu đời ở địa phương cũng cho hay: “Tốc độ biển tàn phá nhanh quá, chỉ vài năm trước đất còn ở tuốt ngoài xa kia, thế mà bây giờ nhiều đoạn biển đã “ăn” sát vào tới chân đê”.

Theo ông Hai, biển đã tiến sát đến nhà dân ở xóm nhỏ ven biển của ấp Cầu Muống. Ngày xưa biển còn cách xa bờ tới mấy mẫu đất, người dân sống ngoài đê còn trồng rau, dưa được để sinh sống. Hiện các hộ dân sống ngoài đê biển phải đối mặt với sự uy hiếp của nước triều và sóng biển.

15-55-49_nh_2
 

Gần đó, những ao, đầm nuôi thủy hải sản của người dân cũng đã bị san phẳng, tan hoang do nước biển xâm thực. Xóm nhỏ ven biển nhộn nhịp ngày xưa đang thưa dần và nhô ra biển như một bán đảo, cuộc sống của người dân đang từng ngày phải sống “treo” trước biển. Căn nhà bị sóng biển cuốn hoàn toàn là của gia đình bà Nguyễn Thị Loan (Ba Nhỏ) đã được chính quyền hỗ trợ mấy triệu để cất căn nhà khác nhưng cũng nằm sát biển để ở tạm.

Bà Loan tâm sự: “Thật kinh hoàng ngày bị sóng đánh cuốn phăng cả căn nhà xuống biển, chẳng kịp vơ được vật dụng gì cả, mọi người hô tháo chạy thoát chết là may mắn lắm rồi”. Gia đình bà Loan có tới 5 nhân khẩu, hiện đang phải sống chui rúc trong một căn nhà nhỏ dựng tạm bợ.
 

Nguy cơ xóa sổ rừng phòng hộ

Theo ghi nhận của PV, tại xã Tân Điền, khoảng 5km đê xung yếu gần như mất hoàn toàn đai rừng phòng hộ. Trên tuyến bờ biển này nhiều đoạn hiện đang xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng với tốc độ ngày càng nhanh, đe dọa đến tính mạng và tài sản người dân ven biển.

Ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, tình trạng sạt lở diễn ra gần như quanh năm, nhưng trầm trọng nhất vào mùa gió chướng. Gió và sóng biển đánh mạnh, liên tục dữ dội khiến cho tốc độ sạt lở ngày càng tăng. Chính vì biển xâm thực vào đất liền ngày càng nhanh nên để lại những hậu quả khó lường.

15-55-49_nh_4
 

“Từ ấp Cầu Muống đến ấp Đèn Đỏ (dài khoảng 2,5km) nhiều nơi bị biển lấn sâu về phía đất liền cả trăm mét, có nơi biển tiến sát đến đường dân sinh. Đặc biệt, 49 hộ dân sát biển ở ngoài đê cần phải di dời gấp, nếu xử lý không kịp thời, các hộ dân này sẽ rất nguy hiểm”, ông Minh khẳng định.

Khảo sát của Hạt Quản lý đê điều (Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão, tỉnh Tiền Giang) cho thấy, tốc độ sạt lở bờ biển Gò Công nhanh bất thường. Nhiều đoạn bị sạt lở sâu đến tận chân đê, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê biển Gò Công. Những nơi sạt lở nặng nhất thuộc địa bàn các xã Tân Điền, Tân Thành, người dân đã phải tự huy động ngày công gia cố chân đê bằng cọc cừ tràm, nhưng rất mong manh. Đặc biệt, trong 3 năm qua, diện tích rừng phòng hộ đang bị xâm thực nghiêm trọng tới trên 174ha. Hiện tại, đai rừng còn rất mỏng, khoảng từ 10 - 250m, một số vị trí bán kính đai rừng chỉ còn vài mét và vẫn đang tiếp tục bị xói lở, thu hẹp dần.

Để đối phó với tình trạng sạt lở, bảo vệ tuyến đê xung yếu, tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo phải khẩn cấp tiến hành thi công kè mái đê bằng giải pháp “bê tông tự chèn” trên đoạn đê dài 2km đang bị sóng biển uy hiếp. Đồng thời, cho triển khai kiên cố hóa 3,5km đê biển đã bị mất hoàn toàn rừng phòng hộ bảo vệ bên ngoài bằng giải pháp “bê tông tự chèn”. 

15-55-49_nh_5
 

Trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gò Công Đông, cho biết: Trong vài năm gần đây, tuyến đê biển Gò Công đang bị xâm thực rất nhanh, nhất là rừng phòng hộ đang mỏng dần do sóng biển “tấn công” dữ dội. Hàng năm địa phương có tổ chức trồng dặm rừng phòng hộ, nhưng cây rừng không trụ nổi trước mùa sóng lớn. Do vậy, năm 2016 tỉnh đã cho thi công 1,4km “đê mềm” bằng kè bao cát, nhưng vẫn không xuể so với tốc độ xâm thực của biển. Có nhiều đoạn biển xâm thực nghiêm trọng khoảng 30 - 50m/năm, cần phải tiếp tục xây kè đá bảo vệ.

“Với tốc độ xâm thực rừng như hiện tại, nếu không có biện pháp bảo vệ các đoạn rừng còn lại và khôi phục các đoạn rừng đã mất phía ngoài đê biển Gò Công, thì rừng ngập mặn sẽ bị mất hoàn toàn vào khoảng năm 2020. Lúc đó, toàn bộ tuyến đê biển Gò Công sẽ trực diện với biển Đông, nguy cơ đê biển bị xói lở vào mùa mưa bão rất cao, đe dọa đến sản xuất và đời sống người dân phía trong đê”, ông Lê Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông nói.

 

Xem thêm
Uzbekistan mong muốn học hỏi kinh nghiệm Việt Nam trong sản xuất tơ tằm

Chiều 18/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến tiếp ông Kasimov Elzat, Thứ trưởng Bộ Đầu tư và Thương mại Uzbekistan. 

Đồng Tháp đặt mục tiêu thành tỉnh kiểu mẫu trong xây dựng nông nghiệp sinh thái

Mục tiêu là biến Đồng Tháp trở thành địa phương dẫn đầu cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp và trở thành trung tâm nông nghiệp, du lịch sinh thái của vùng ĐBSCL.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Rủ nhau đi hái lộc rừng

Quảng Bình Cứ vào tháng Ba hàng năm, nhiều người dân sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch, Quảng Bình) rủ nhau lên rừng hái dâu và có nguồn thu đáng kể.