| Hotline: 0983.970.780

Trên tặng thưởng, dưới dập vùi

Thứ Ba 12/06/2012 , 11:00 (GMT+7)

Năm 2009, một quyết định thu hồi của huyện Duy Tiên đã “tước” đi của ông Ngọc trên 5000 m2 đất sản xuất và chỉ bồi thường với giá hơn 2 triệu đồng.

30 năm miệt mài lao động, cải tạo đất hoang hóa, trang trại của ông Ngọc trở thành mô hình điểm được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Giấy chứng nhận Chiến sĩ Thi đua của Bộ NN - PTNT, Hội Nông dân và UBND tỉnh Hà Nam... Năm 2009, một quyết định thu hồi của huyện Duy Tiên đã “tước” đi của ông trên 5000 m2 đất sản xuất và chỉ bồi thường với giá  hơn 2 triệu đồng.

Cưỡng chế trước giao thừa

Năm 1982, ông Lê Hồng Ngọc (77 tuổi, trú tại xã Tiên Tân, huyện Duy Tiên, Hà Nam) đã nhận 4,68 ha đất "thùng đào, thùng đấu" do đơn vị quân đội X10 trả ra, cộng với 5,7ha đất mặt nước thả cá, nuôi vịt đẻ để sản xuất. Sau nhiều năm bỏ công sức, tiền của, thuê người san lấp, đắp bờ giữ nước để trồng lúa và thả cá, ông Ngọc đã cải tạo thành công khu đất, phát triển kinh tế hộ gia đình theo mô hình trang trại với diện tích 10,83 ha cải thiện đời sống gia đình và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Trong suốt 30 năm miệt mài lao động trên mảnh đất hoang hóa đó, với cách thức sản xuất hiệu quả, mô hình trang trại của gia đình ông Ngọc là mô hình điểm của tỉnh, huyện. Ông Lê Hồng Ngọc đã nhận được nhiều bằng khen, danh hiệu về việc có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất thời kỳ đổi mới với hình thức kinh tế trang trại. Trớ trêu, năm 2009, gia đình ông Ngọc nhận được quyết định thu hồi mảnh đất đó kèm theo phương án đền bù do ông Phó Chủ tịch huyện Phạm Đức Luân ký, trả cho gia đình ông hơn 2,2 triệu đồng khi thu hồi 5.022m2 ruộng lúa của gia đình. Gia đình Lê Hồng Ngọc đã làm đơn khiếu nại đến chính quyền địa phương.


Trang trại của ông Lê Hồng Ngọc

Không trả lời gia đình ông Ngọc bằng văn bản thì ngày 10/2, chỉ còn cách tết âm lịch 4 ngày, UBND huyện Tiên Tân đã huy động 50 cán bộ, công nhân, công an và các cơ quan ban ngành đến để buộc ông Ngọc phải giao đất mà không có thông báo, không có quyết định cưỡng chế. Việc làm này vi phạm nghiêm trọng các qui định về đền bù giải phóng mặt bằng. Sau vụ việc này, ông Ngọc khẩn cấp làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Duy Tiên. Hơn hai tháng sau, ông Ngọc nhận được công văn của UBND huyện do Chủ tịch Nguyễn Đức Vượng ký ngày 26/4/2010 với nội dung khẳng định hơn 5000m2 đất xã Tiên Tân quyết định thu hồi là do UBND xã Tiên Tân quản lý và việc bồi thường cho ông Ngọc 2,2 triệu đồng là đúng pháp luật.

Văn bản giả mạo?

Không đồng tình với phương án đền bù bất hợp lý với công sức lao động đã bỏ ra gần 30 năm qua, gia đình ông Ngọc đã làm đơn khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền tỉnh Hà Nam, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng, Thanh tra Chính phủ nhưng vẫn chưa được UBND huyện Duy Tiên giải quyết quyền lợi chính đáng.

Nhận được thông tin vụ cưỡng chế đất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản trực tiếp giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ kiểm tra, kết luận khiếu nại; việc giải quyết khiếu nại của ông Lê Hồng Ngọc về việc cưỡng chế thu hồi đất, bồi thường thiệt hại khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường trục xã Tiên Tân. Đồng thời tổ chức đối thoại công khai với dân và báo cáo chính xác kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 31/5, tại trụ sở UBND xã Tiên Tân, Thanh tra Chính phủ, cán bộ Văn phòng Chính phủ và Thanh tra Bộ TN - MT đã có buổi làm việc với ông Ngọc với mục đích thu thập toàn bộ tài liệu chứng cứ liên quan đến vụ việc. Tại buổi làm việc, đại diện chính quyền xã Tiên Tân đã đưa ra lá đơn xin thuê đất nông nghiệp với nội dung ông Lê Hồng Ngọc xin thuê 103.860m2, trong đó đất 2 lúa là 46.800m2 với thời hạn thuê 50 năm tính từ ngày 25/12/2005.

Hoàn toàn bất ngờ với văn bản này, trao đổi với phóng viên, ông Ngọc khẳng định đó là chữ ký bên dưới lá đơn xin thuê đất đó chắc chắn không phải của ông. Qua tìm hiểu của phóng viên, trước đây mảnh đất của ông Lê Hồng Ngọc vốn là mảnh đất hoang hóa đã lâu, ruộng bị đào thùng đấu, lăn lác nhiều, không có bờ giữ nước… để sản xuất được phải cải tạo vô cùng khó khăn. 30 năm canh tác trên mảnh đất tự khai hoang, gia đình ông Ngọc vẫn nộp sản phẩm, thuế sử dụng đất đầy đủ và hoàn toàn không có tranh chấp. Điều này căn cứ vào những phiếu thu, biên lai thu tiền thuế nông nghiệp, thủy lợi phí…

Quay lại khởi nguồn của vụ việc, hiện nay người dân xã Tiên Tân rất băn khoăn về việc tại sao đã có một con đường liên thôn to đẹp, chính quyền xã lại thu hồi đất một diện tích rất lớn đất 2 lúa cánh tác hiệu quả của nông dân để làm một con đường dài gần 1km, rộng 36 mét nhằm mục đích gì, kinh phí ở đâu khi mà con đường liên thôn chỉ cách con đường mới kia chỉ vài trăm mét. Vì không nhận được sự giải thích từ chính quyền, dư luận người dân xã Tiên Tân cho rằng xã làm con đường đó chỉ để phục vụ một doanh nghiệp đóng trên địa bàn xã làm bãi tập ô tô và phân lô bán kiếm kiếm lời.

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.

Bình luận mới nhất