| Hotline: 0983.970.780

Triển khai Nghị định 67: Kiên trì "giảm ven bờ, tăng xa bờ"

Thứ Hai 25/08/2014 , 07:30 (GMT+7)

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại “Hội nghị toàn quốc triển khai thực hiện nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản” ở TP Nha Trang, Khánh Hòa vào cuối tuần qua./ Đánh bắt xa bờ: Không tăng vô hạn tàu, giới hạn nghề

Mục đích của hội nghị nhằm lắng nghe ý kiến của các Bộ, ngành, 28 địa phương, DN và ngư dân trong quá trình tổ chức thực hiện nghị định. Qua đó để bổ sung ra thông tư hướng dẫn thực hiện trước khi nghị định sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 25/8.

09-01-15_nh-2
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì hội nghị

Gặp khó khi xét duyệt

Báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Oai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, mặc dù thời gian rất gấp nhưng đến nay đã chọn được 21/66 mẫu tàu cá và tàu khai thác dịch vụ xa bờ. Hiện có 5 đơn vị đang tiến đóng 21 mẫu tàu, thời gian vận hành sẽ công bố trước ngày 25/9. Ông Oai cho biết thêm, đến nay, Bộ NN-PTNT đã phân bổ 2.079 tàu khai thác và 205 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất từ 400CV trở lên được đóng mới theo chính sách của Nghị định 67 cho 28 tỉnh, TP ven biển.

Tham gia đóng góp ý kiến, ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, trước khi Chính phủ ban hành Nghị định 67, tỉnh đưa 2 tàu vỏ thép thí điểm. Sau một số chuyến đi biển cho thấy tàu vỏ thép đem lại hiệu quả rất cao.

Theo ông Hưng, tàu vỏ thép tốc độ cơ động nhanh, rất an toàn, thời gian đi biển dài, bởi những khoang chứa đá, nhiên liệu lớn và sản lượng mỗi chuyến khai thác nhiều. Việc sử dụng tàu vỏ thép ngư dân Nam Định rất phấn khởi, hàng trăm ngư dân đăng ký tham gia. Ngoài ra, Nam Định tàu có công suất dưới 90CV nhiều, hiện chủ tàu có ý định bán để chuyển qua đóng tàu vỏ thép, nguyên nhân là do đánh bắt gần bờ không có hiệu quả. Cũng vì thế mà tỉnh đang gặp khó khăn trong việc xét duyệt, bởi chỉ tiêu của Bộ NN-PTNT phân bổ cho Nam Định được đóng mới 30 tàu cá và 4 tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. 

Đồng quan điểm, ông Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng bày tỏ: Hiện Đà Nẵng cũng gặp khó trong việc xét duyệt cho đối tượng vay vốn đóng tàu mới. Theo chỉ tiêu của Bộ NN-PTNT thì TP được phân bổ 47 tàu đóng mới, trong đó 39 chiếc tàu khai thác, 8 tàu dịch vụ hậu cần. Thế nhưng đến nay đã tiếp nhận 151 tổ chức, cá nhân đăng ký 162 tàu. “Đà Nẵng mong muốn có được tiêu chí rõ ràng hơn trong quá trình xét duyệt”, ông Viết đề nghị.

Còn bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định băn khoăn: Hiện nay số lượng tàu phân bổ không có cơ cấu bao nhiêu tàu gỗ, bao nhiêu tàu vỏ thép. Trong khi ngư dân Bình Định rất muốn đóng tàu gỗ, vì làm ăn có hiệu quả. Còn các DN ở ngoài vào tỉnh đầu tư phát triển nghề cá thì muốn đóng tàu vỏ thép, vậy bây giờ ưu tiên cho ai?! 

“Chúng tôi rất muốn ưu tiên cho những hộ ngư dân đã làm ăn trên biển, đã quen nghề rồi. Do đó chúng tôi rất khó lựa chọn, vậy trong số được phân bổ này có được tính nghề nào mạnh để xét duyệt và ngư dân đóng tàu vỏ thép, gỗ hay vật liệu khác là tùy nhu cầu được không?”, bà Hà bày tỏ.

Liên quan đến chính sách đầu tư hạ tầng, bà Hà đề nghị Chính phủ hỗ trợ để thực hiện. Theo bà Hà, hiện cửa biển miền Trung nói chung và Bình Định nói riêng hầu hết đang bị bồi lấp. Riêng Bình Định đã có đề tài của Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá nguyên nhân bồi lấp, nếu chống bồi lấp thì phải xây dựng cảng cá lấn ra phía ngoài biển. Tuy nhiên làm như vậy thì các tỉnh miền Trung không có tiền để đầu tư, do đó Chính phủ cần quan tâm.

Trái ngược về tính hiệu quả của tàu vỏ thép đem lại mà tỉnh Nam Định đã đưa ra, ông Lê Quang Thích, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ: Cũng giống như Nam Định, Quảng Ngãi đưa tàu vỏ thép khai thác hải sản, hiện nay chỉ mới đi được vài chuyến biển nên chưa đánh giá được hiệu quả.

“Việc đưa ra tiêu chí xét duyệt mà áp dụng cho cả nước thì Bộ NN-PTNT không làm được, do đó, Bộ làm một cái khung rồi giao việc cho UBND các tỉnh triển khai. Từ khung đó mà địa phương cụ thể hóa, đưa ra một bộ tiêu chí cụ thể chi tiết, để làm cơ sở xét duyệt. Bởi ngư dân làm nhiều nghề, từng nghề khác nhau, mỗi vùng khác nhau… cho nên rất đa dạng. Ngoài ra, đóng bao nhiêu tàu, đóng vật liệu gì để tỉnh quyết định”, ông Thích đề xuất.

09-01-15_nh-4
Tàu vỏ thép được ngư dân TP Đà Nẵng đưa vào sử dụng

Hiệu quả đặt lên hàng đầu

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói: “Tôi rất phấn khởi vì bà con đăng ký tàu đóng mới cao hơn số lượng 2.079 tàu đóng mới đề ra. Có thể những thông tư hướng của các Bộ chưa nói rõ những ý của các đồng chí muốn, chúng tôi tiếp thu và sẽ nghiên cứu để cụ thể cái khung chi tiết và địa phương căn cứ vào đó thực hiện”.

Trao đổi những vấn đề các địa phương đưa ra, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, hiện chúng ta có 127.000 con tàu, trong đó, 28.000 con tàu đánh bắt xa bờ. Trữ lượng hải sản đánh bắt cả nước là 2,2 triệu tấn, trong đó 800.000 tấn gần bờ; 1,4 triệu tấn xa bờ. So với những năm đầu 1990 đến nay lượng hải sản bình quân 1 CV đã giảm xuống 3 lần, do vậy, chúng ta phải giảm ven bờ, tăng xa bờ.

“Bộ NN-PTNT khuyến khích tăng nghề câu, vây, lưới rê, chụp nhưng giảm nghề lưới kéo. Thế nên các địa phương ủng hộ bước đầu mới triển khai trong khuôn khổ, do đó không nên mở rộng để rồi chúng ta có những vấn đề khác nữa. Tôi có gặp ngư dân ở Bình Định bà con có nói rằng, giờ cho đóng mới như thế này thì hiệu quả những đội tàu đang đánh bắt như thế nào? Bà con lo ngại hiệu quả sẽ giảm xuống, nhiều người sẽ gặp khó. Vì thế, trong rất nhiều ngư dân đăng ký chúng ta phải lựa chọn”, Bộ trưởng dẫn chứng.

09-01-15_nh-5
21 mẫu tàu được lựa chọn

Ông Nguyễn Đồng Tiến, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước: Trên cơ sở hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại đã tích cực xây dựng triển khai và bố trí nguồn vốn thực hiện.
Theo đó, 5 ngân hàng Thương mại Nhà nước đã cam kết dành 14.000 tỷ đồng để cho vay chương trình, trong đó Ngân hàng NN-PTNT VN 5.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển VN 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Công thương VN 3.000 tỷ đồng; Ngân hàng TMCP Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long 2.000 tỷ đồng và Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN 1.000 tỷ đồng.

Bộ trưởng nói thêm, nghị định được Chính phủ ban hành giúp ngư dân đánh bắt phải có hiệu quả hơn, chỉ có hiệu quả mới bền vững lâu dài được. Còn tàu vỏ nào mà không hiệu quả thì sẽ thất bại, sẽ không tồn tại được. Trong điều kiện ngư dân đóng tàu mới đánh bắt quy mô lớn hơn thì cơ sở hạ tầng ven bờ phải tương thích nhưng trong điều kiện nguồn vốn có hạn thì chúng ta không làm tràn lan được.

“Chúng tôi sẽ lựa chọn một địa phương xây dựng một chỗ để tập trung, theo đó xây dựng cảng cá để tàu lớn về vào cảng, chính vì thế địa phương căn cứ vào quy hoạch tổng thể mà Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và căn cứ tình hình mới, các địa phương đề xuất. Chỗ vào neo đậu nhưng lối ra vào cạn, hẹp và nay có tàu lớn thì giờ phải điều chỉnh”, Bộ trưởng nói.

Nói về việc kiểm định chất lượng, giá thành đóng tàu, thiết kế, máy, vỏ... tàu, Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định: “Quyết định vỏ nào, mẫu thiết kế nào, quy mô ra sao là ngư dân làm chủ. Nhà nước cho ngư dân vay, ngư dân đặt hàng với DN, còn Bộ NN-PTNT sẽ tư vấn cho bà con có những lựa chọn khoa học. Ngoài ra, Bộ sẽ chỉ đạo cơ quan kiểm định hỗ trợ ngư dân bảo quản chất lượng”.

Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, phát triển kinh tế biển nói chung và ngành kinh tế biển nói riêng là một chủ trương, đường lối nhất quán của Đảng và Nhà nước ta từ trước đến nay. Trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ Tổ quốc, chúng ta luôn luôn quan tâm đến biển đảo, kể cả trong giành độc lập và giữ chủ quyền Quốc gia.

Tuy nhiên hiện nay sản phẩm khai chưa bền vững, công nghệ khai thác bảo quản chưa đồng bộ, cơ sở hạ tầng dịch vụ còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển. Đặc biệt, nghiên cứu chuyển giao KHCN vào lĩnh vực này còn hạn chế, nguồn lực Nhà nước còn có hạn, đầu tư vào đây chưa đúng mức...

Nói về Nghị định 67, Phó Thủ tướng yêu cầu: “Chúng ta rút kinh nghiệm những giai đoạn trước, cho nên chương trình này phải làm sao thực hiện được thành công, không thất bại, không để lại hậu quả cho Nhà nước và người dân. Đây là một yêu cầu, mục đích rất quan trọng trong quá trình triển khai thực hiện, chắc chắn là phải đảm bảo được hiệu quả kinh tế cho bà con ngư dân. Thực hiện hết sức thận trọng, cần phải chắc, không làm ào ạt theo phong trào, không được lợi dụng chính sách để làm lợi. Cũng đề nghị các Bộ ngành, địa phương có những văn bản gì chưa hợp lý thì bổ sung và thực hiện”.

“Sau hội nghị này các địa phương về triển khai nghị định, hình thức triển khai, quy mô tùy địa phương phải phổ biến đến các cấp, người dân. Tổ chức đăng ký, định hướng và phê duyệt các phương án, từ đấy đưa ra số lượng tàu và báo cáo Bộ NN-PTNT tổng hợp chung để Nhà nước có những chuẩn bị về nguồn lực. Đi theo đó, các địa phương rà soát chuẩn bị kế hoạch 2015. Qua triển khai thực hiện, các địa phương thấy gì vướng mắc gì thì báo cáo kịp thời để khắc phục, bổ sung”, Phó Thủ tướng nói.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất