| Hotline: 0983.970.780

Triển khai xây dựng NTM ở Quảng Ninh: Thành tựu đã có, khó vẫn còn

Thứ Sáu 30/11/2012 , 09:05 (GMT+7)

Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng NTM đến năm 2020 chính là đòn bẩy giúp bộ mặt nông thôn của tỉnh từng bước chuyển biến.

Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy Quảng Ninh về xây dựng NTM đến năm 2020 chính là đòn bẩy giúp bộ mặt nông thôn của tỉnh từng bước chuyển biến. Cũng vì thế, chương trình xây dựng NTM được triển khai tại Quảng Ninh khá sớm và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Chuyển biến từ nhận thức

Quảng Ninh là một trong số ít các địa phương thành lập một Ban chuyên trách về xây dựng NTM. Ngay từ khi thành lập cách đây 2 năm, Ban Xây dựng NTM đã xác định được nhiệm vụ, trách nhiệm trong việc thực hiện Nghị quyết 01, cán bộ, đảng viên trong Ban nghiên cứu, quán triệt nội dung Nghị quyết 01 làm cơ sở tham mưu triển khai thực hiện.

Khi quyết định thành lập Ban Xây dựng NTM của tỉnh, có không ít ý kiến lo lắng về sự chồng chéo hoạt động với các sở, ngành khác. Tuy nhiên, băn khoăn này đã được giải tỏa khi chức năng, nhiệm vụ của Ban Xây dựng NTM được cụ thể hóa rõ ràng. Trong quá trình triển khai thực hiện, Ban đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương chỉ đạo, điều hành, tổng hợp tình hình thực hiện các nội dung công việc về xây dựng NTM; tham mưu công tác quy hoạch, kế hoạch đầu tư theo quy định và hướng dẫn của Trung ương; xây dựng và tổng hợp kế hoạch dài hạn, hàng năm, đề xuất việc phân khai, điều hòa, lồng ghép các nguồn vốn, cơ chế chính sách và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Chương trình…

Theo đó, Ban Xây dựng NTM đã tham mưu cho UBND tỉnh có kế hoạch tuyên truyền, tổ chức hội nghị đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM, thành phần là Chủ tịch, Bí thư 125 xã và 13 huyện, thị xã, thành phố để quán triệt chủ trương của tỉnh thực hiện Chương trình Xây dựng NTM. Đồng thời, Ban Xây dựng NTM cung cấp các tài liệu cho các thành viên Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến cấp huyện, xã (sổ tay xây dựng NTM, tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng NTM); phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Đào tạo cán bộ tỉnh và các địa phương tiến hành tổ chức 3 lớp tập huấn cho gần 300 lượt cán bộ là Bí thư, Chủ tịch các xã về xây dựng NTM; phối hợp với các sở, ngành và địa phương tổ chức 3 lớp tập huấn cho trên 300 học viên là thành viên Ban chỉ đạo tỉnh, chủ DN, cán bộ hợp tác xã và chủ trang trại.

Song song với công tác tập huấn, Ban Xây dựng NTM Quảng Ninh đã biên soạn và in 12.000 tờ rơi về xây dựng NTM; 50.000 tờ rơi tuyên truyền chính sách hỗ trợ lãi suất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012 - 2015; 1.370 đĩa CD tuyên truyền. Biên soạn cẩm nang xây dựng NTM, phát hành Bản tin NTM, tổ chức Đối thoại của lãnh đạo tỉnh với cán bộ và nhân dân các địa phương về xây dựng NTM…

Từ những việc làm trên, nhận thức về xây dựng NTM của cán bộ và nhân dân trong tỉnh đã chuyển biến rõ rệt. Đây là những yếu tố tạo thuận lợi cho công tác triển khai thực hiện chương trình trên địa bàn toàn tỉnh.

Kết quả đáng ghi nhận

Một trong những điểm nhấn trong công tác xây dựng NTM của Quảng Ninh là nâng cao thu nhập cho nông dân. Tỉnh đã dành hàng trăm tỷ hỗ trợ phát triển sản xuất. Nhiều mô hình đã được các ngành, các địa phương xây dựng, đem lại thu nhập cho người dân như chăn nuôi lợn theo hướng công nghiệp, phát triển cây keo, chè công nghiệp; trồng rừng nguyên liệu; nuôi trồng thủy sản; các sản phẩm hàng hóa truyền thống như lạc, lúa hàng hóa chất lượng cao; các sản phẩm đặc sản như cây ba kích, miến dong...

Cùng với đó, hạ tầng nông thôn cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp như giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng..., tạo thuận lợi cho việc sản xuất hàng hóa và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Từ đó, phong trào phát triển sản xuất và tổ chức sản xuất được nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Nhiều địa phương tiếp tục triển khai dồn điền, đổi thửa, thúc đẩy sản xuất phát triển theo hướng hàng hóa tập trung, phù hợp với điều kiện, lợi thế từng địa phương, góp phần làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm. Đó là vùng nuôi cá rô phi tập trung ở các huyện Yên Hưng, Đông Triều và TP Uông Bí; Dự án cải tiến chất lượng đàn lợn giống tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2008 - 2010; các mô hình trồng dưa leo xã Tiên Lãng, trồng ba kích xã Điền Xá (huyện Tiên Yên), nuôi gà Lương Phượng tại huyện Hoành Bồ, nuôi lợn rừng tại xã Tràng Lương, huyện Đông Triều và xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ...

Đồng thời, cơ chế hỗ trợ mua máy móc phục vụ sản xuất đã đem lại hiệu quả tốt, cơ giới hóa vào đồng ruộng đạt tỷ lệ cao nhất là các khâu làm đất và thu hoạch; hỗ trợ lãi suất vay phát triển kinh tế hộ, chương trình cải tạo vườn tạp gắn với chỉnh trang khuôn viên nhà vườn được nhân rộng tạo thành phong trào rộng lớn trong nhân dân.

Các loại hình kinh tế hợp tác, HTX cũng được kích thích phát triển và mở rộng ngành nghề, góp phần chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Trong năm 2011, toàn tỉnh thành lập mới 14 HTX; nhiều tổ hợp tác cũng được thành lập mới với các loại hình chính như tổ đánh bắt thu mua, chế biến thủy sản, tổ đổi công, tổ làm đất, và thu hoạch sản phẩm...

Một trong những khâu đột phá là việc tổ chức tiêu thụ nông sản cho nông dân. UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị bàn về giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, chỉ đạo các Sở, ngành và các địa phương đẩy nhanh thực hành theo quy trình VietGAP trong sản xuất trồng trọt, xây dựng các vùng chuyên canh, xây dựng thương hiệu nông sản của tỉnh, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xây dựng trung tâm sản xuất giống thủy sản, trung tâm ứng dụng công nghệ cao...

Kết quả sau 2 năm triển khai chương trình xây dựng xây dựng NTM của tỉnh đã thể hiện rất rõ không chỉ ở việc hầu hết các xã đều tăng về các chỉ tiêu, tiêu chí. Và đáng mừng là năm 2012 này Quảng Ninh sẽ có 6 xã về đích. Một trong những “cái được” có thể nhìn rất rõ là sự đổi mới rõ nét hơn của bộ mặt nông thôn, cán bộ cấp cơ sở có cơ hội triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng, trình độ và năng lực thực tiễn được nâng cao. Điều quan trọng hơn cả chính là ý nghĩa tác động tích cực từ xây dựng NTM với sự chuyển biến lớn về nhận thức của người dân. Đó là việc họ tự xác định được mình là chủ thể chính của chương trình xây dựng NTM. Theo đó, cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc nhằm giúp sức cùng bà con nông dân tạo nên diện mạo NTM.

Còn đó những khó khăn

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng chương trình xây dựng NTM của Quảng Ninh vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Chương trình của Trung ương còn chậm và chưa đầy đủ, chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Các thành viên Ban chỉ đạo đôi khi chưa sâu sát, nắm bắt địa bàn để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chương trình.

Trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước suy thoái, một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn lực hỗ trợ thực hiện chương trình NTM chưa đáp ứng với các mục tiêu đề ra. Do đó các mục tiêu giao cho các địa phương khó hoàn thành theo tiến độ. Nhu cầu vốn thực hiện chương trình (bao gồm cả nguồn vốn nợ đọng từ những năm trước) lớn, nguồn lực của tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu; chưa huy động được nhiều các hình thức đầu tư xã hội hóa hạ tầng khu vực nông thôn (như trường mầm non tư thục, chợ nông thôn, công trình cấp nước tập trung...).

Ngoài ra, một số địa phương việc dành nguồn lực được hỗ trợ chưa bám sát với mục tiêu, nhiệm vụ Chương trình đề ra trong năm 2012 dẫn đến nguồn vốn phân bổ còn dàn trải, chưa quan tâm đến các công trình chuyển tiếp (đặc biệt các công trình trước đây do tỉnh phê duyệt, nay phân cấp cho cấp huyện tiếp tục bố trí nguồn lực triển khai).

Công tác thi đua, khen thưởng thực hiện chương trình chưa kịp thời với những địa phương, tổ chức, cá nhân thực hiện tốt hoặc tham gia thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM.

Công tác đào tạo cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp xã thực hiện chương trình xây dựng NTM còn thiếu tính đồng bộ, chưa kịp thời bổ sung nội dung đào tạo NTM vào chương trình đạo tạo cán bộ cấp huyện, cấp xã hàng năm tại trường chính trị của tỉnh và Trung tâm chính trị cấp huyện. Cán bộ thực hiện chương trình NTM chưa đáp ứng được yêu cầu của chương trình; Biên chế cán bộ cấp xã thiếu, đặc biệt cán bộ theo dõi lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp. Thường trực Ban chỉ đạo cấp huyện kiêm nhiệm nên công tác chỉ đạo điều hành còn nhiều hạn chế.

+ Ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: 

Dù là đơn vị hoạt động với chức năng nhiệm vụ mới hoàn toàn nhưng bộ máy của Ban Xây dựng NTM không phải là những cán bộ bỡ ngỡ với công việc. Từ lãnh đạo Ban đến các chuyên viên giúp việc đều là những cán bộ “cứng”, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn vững, đã qua môi trường công tác tại cơ sở nên có khả năng tham mưu cho Ban thực hiện tốt nhiệm vụ mà Ban chỉ đạo Xây dựng NTM, UBND tỉnh giao.

 

 

+  Ông Trương Công Ngàn, Trưởng Ban Xây dựng NTM Quảng Ninh:

 

Trên chặng đường tăng tốc để về đích NTM, sức mạnh của cộng đồng sẽ được tiếp tục phát huy cao nhất. Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí để tạo điều kiện, khuyến khích, động viên và cùng góp sức xây dựng NTM. Vì vậy, Ban sẽ tập trung tham mưu vào tăng mức hỗ trợ cho sản xuất tập trung tạo sản phẩm hàng hoá, gắn việc ứng dụng khoa học và công nghệ với xây dựng NTM để khuyến khích, huy động các nhà đầu tư và nhân dân cùng tham gia đầu tư, từng bước hình thành thị trường sản phẩm hàng hóa từ khu vực nông thôn, trước hết là các sản phẩm đã xây dựng thương hiệu.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm