| Hotline: 0983.970.780

Triển vọng nuôi gà công nghệ cao 4A

Thứ Hai 16/04/2018 , 09:50 (GMT+7)

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, Bộ đánh giá cao và ủng hộ địa phương, DN thực hiện dự án nuôi gà liên kết công nghệ 4A hướng đến xuất khẩu…

06-29-33_1
Thứ trưởng Vũ Văn Tám đánh giá cao dự án nuôi gà CNC

Tại Thanh Hóa vừa diễn ra hội nghị “Triển khai phương án liên kết chăn nuôi, xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh phục vụ chế biến và xuất khẩu thịt gà” dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Vũ Văn Tám và Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng.

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Thanh Hóa, những năm gần đây chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển khá cả về chất lượng lẫn quy mô tổng đàn. Hiện toàn tỉnh có 18,3 triệu con gia cầm, sản lượng giết thịt đạt 36.327 tấn/năm.

Thực hiện đề án tái cơ cấu, Thanh Hóa chuyển đổi theo hướng tăng năng suất chất lượng, nâng sức cạnh tranh, đẩy mạnh phát triển mô hình trang trại tập trung áp dụng CNC, đồng bộ theo chuỗi giá trị liên kết (từ giống, thức ăn, thú ý đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ) gắn với thị trường tiêu thụ.

Mục tiêu đến năm 2020, toàn tỉnh phấn đấu nâng tổng đàn gia cầm lên 23 triệu con (trong đó 15 triệu con gà được nuôi bằng CNC), sản lượng thịt hơi đạt 47.000 tấn, sản lượng trứng đạt 160.250 triệu quả.

Trên tinh thần đó, Cty CP Nông sản Phú Gia, một “ông lớn” về lĩnh vực chăn nuôi đã mạnh dạn triển khai đầu tư, xây dựng Dự án “liên kết chăn nuôi gà phục vụ chế biến xuất khẩu theo chuỗi CNC - 4A”. Theo nhận định chung, đây là mô hình hiện đại và hứa hẹn nhiều triển vọng .

Hiện chủ đầu tư đang sản xuất con giống tại trang trại Xuân Phú (huyện Thọ Xuân) với quy mô 16 triệu con/năm, gồm 2 giống gà lông trắng và gà lông màu. Trong khi đó, quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi được tiến hành ngay tại nhà máy ở KCN Lễ Môn với công suất 100.000 tấn/năm, ứng dụng công nghệ sản xuất không kháng sinh, không chất cấm.

Đặc biệt, Phú Gia còn phối hợp với Tập đoàn Master Good (Hungary) xây dựng nhà máy giết mổ chế biến thịt gà xuất khẩu trên diện tích 60.000m2, đầu tư công nghệ tự động hóa theo tiêu chuẩn châu Âu, hướng đến thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan và Singapore.

Được biết, lộ trình trình liên kết giai đoạn 2018 - 2020 sẽ xây dựng 10 - 20 cụm trang trại, mỗi cụm từ 4 - 10 chuồng, quy mô mỗi chuồng rộng 1.400m2, công suất đạt 26.000 con/chuồng/lứa.

Ông Phạm Thanh Hà, Chủ tịch HĐQT Cty Phú Gia khẳng định: “Chăn nuôi gà công nghệ cao - 4A (an toàn đầu tư, an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn môi trường) là chuỗi sản xuất mang tính chiến lược, phù hợp với xu hướng phát triển giai đoạn hiện nay. Đầu tư tập trung, sử dụng các biện pháp an toàn sinh học, chủ động kiểm soát dịch bệnh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế lại tạo ra sản phẩm hàng hóa đạt chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng”.

Dự kiến có 13 huyện trên địa bàn tham gia mô hình liên kết, trong đó 3 huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn và Ngọc Lặc sẽ triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh. Theo kế hoạch, đến tháng 5/2018 sẽ chính thức nhập giống hậu bị bố mẹ, đến tháng 11/2018 thực hiện giết mổ chế biến lô hàng đầu tiên, 1 tháng sau tổ chức cung ứng sản phẩm ra thị trường.

06-29-33_3
Thứ trưởng Vũ Văn Tám (thứ hai, từ phải sang) và Chủ tịch Nguyễn Đình Xứng (thứ ba, từ phải sang) tham quan khu trang trại nuôi gà CNC của Cty Phú Gia

Tại hội nghị, đại diện Phú Gia cam kết thực hiện đúng lộ trình, chấp hành đầy đủ các quy định hiện hành. Song song đó, DN cũng nêu một số đề xuất liên quan như đề nghị Bộ NN-PTNT xác nhận chuỗi liên kết trên đang ứng dụng công nghệ cao để các đơn vị tham gia được thụ hưởng cơ chế chính sách đặc thù, hay xem xét áp dụng theo tiêu chuẩn QCVN 01-15:2010/BNNPTNT. Về phía tỉnh, DN mong muốn được chấp thuận phương án phối hợp với Nông trường Lam Sơn tiến hành khảo sát 10 địa điểm, mỗi điểm từ 6 - 10ha để tổ chức sản xuất…

Sau khi nghe các ý kiến đánh giá, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định đây là dự án nông nghiệp quy mô lớn, thực hiện trên tinh thần Chính phủ kiến tạo, DN đề xuất, các cơ quan nhà nước cùng vào cuộc triển khai.

“Để đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu là mục tiêu rất khó, đòi hỏi rất nhiều yếu tố, nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước, ngược lại cần sự nỗ lực cao của tất cả các bên. Tỉnh sẽ tạo điều kiện tối đa về chủ trương đầu tư và cam kết hỗ trợ chính sách theo quy định”, ông Xứng cho hay.

Đối với Cty Phú Gia và các DN liên doanh, Thứ trưởng Vũ Văn Tám yêu cầu phải xác định rõ thị trường, cần hướng đến các siêu thị, KCN lớn, thành phố lớn, về xuất khẩu nên tập trung vào thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cần thành lập Ban chỉ đạo, phía Bộ cũng thành lập Tổ công tác để phối hợp với địa phương, DN triển khai dự án.

 

Xem thêm
Quảng Ninh có vùng an toàn dịch bệnh cúm gia cầm đầu tiên

Tháng 1/2024, xã Quảng Tân, huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh được Sở NN-PTNT cấp giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh cúm gia cầm.

Điều tra sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu

Dự án V-SCOPE đã nghiên cứu, phát hiện 3 loài sinh vật gây hại gây bệnh chết nhanh trên cây tiêu ở Tây Nguyên cũng như việc tưới nước quá mức trên cây cà phê.

Mỗi hộ trồng hàng trăm ha mía vẫn khỏe re

GIA LAI Những năm gần đây, cây mía đã cho nông dân vùng Đông Gia Lai có cuộc sống đủ đầy nhờ tiền vào rủng rỉnh. Cây mía đã khẳng định vị thế trên vùng đất này.