| Hotline: 0983.970.780

Triệt phá một ổ làm phân bón giả

Thứ Tư 10/11/2010 , 10:11 (GMT+7)

Lại thêm một “ổ” SX phân bón kém chất lượng vừa được phát hiện tại Bình Dương đã cho thấy hành vi này ngày càng táo tợn và thách thức pháp luật.

* Ngày một táo tợn và thách thức!

Vấn nạn SX phân bón giả đã gây điêu đứng cho hàng triệu nông dân và ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành SXNN.

Lại thêm một “ổ” SX phân bón kém chất lượng vừa được phát hiện tại Bình Dương đã cho thấy hành vi này ngày càng táo tợn và thách thức pháp luật. Theo Sở NN-PTNT Bình Dương, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 30 cơ sở đang SX phân bón qui mô lớn, nhỏ khác nhau. Tuy nhiên, do đây là địa bàn phát triển mạnh về cây công nghiệp (chủ yếu là cây cao su), lại nằm giáp ranh với tỉnh Bình Phước cũng là nơi có diện tích cây cao su và cây tiêu khá lớn nên khả năng tiêu thụ phân bón hàng năm rất lớn.

 Vì vậy, đã có không ít đối tượng sau khi “chui” vào làm việc một thời gian ở các Cty phân bón trong nước có thương hiệu, uy tín để học lỏm cách làm phân bón rồi bỏ việc tách ra thành lập Cty, “nhà máy” với các tên gọi nghe rất oách như “Khổng Minh”, “Khang Nông”... mà mục đích chính là SX phân bón dỏm, kinh doanh kiểu chụp giựt, giành mối khách hàng với công ty cũ của mình trước đây từng công tác. Đây là kiểu làm ăn chụp giựt khá phổ biến hiện nay của những người làm phân bón không có tâm nhưng lại muốn cướp được thật nhiều tiền của thiên hạ. 

SX phân bón bằng “công nghệ” cuốc xẻng và lò nung gạch cũ xì

Đơn cử, vào lúc 1 giờ 30 phút chiều ngày 5/11, từ nguồn tin báo của quần chúng kết hợp quá trình mật phục, theo dõi, Phòng An ninh Kinh tế Công an tỉnh Bình Dương kết hợp Đội Quản lý thị trường số 9, Thanh tra Sở NN- PTNT Bình Dương đã bất ngờ tiến hành kiểm tra một xưởng sản xuất chỉ với diện tích chừng 200m2 che chắn rất tạm bợ nằm khuất phía sau khu đất trống thuộc KP 8, P. Phú Hòa, TX. Thủ Dầu Một. Với miếng đất toen ngoẻn này, chảng có máy móc gì ngoài mấy cái "cuốc xẻng, gậy gộc" mà chúng dám SX phân bón.

Không thể tin được là cơ sở này không hề có giấy phép nhưng đã sản xuất “hoành tráng” nhiều mặt hàng phân bón, thuốc trừ sâu vi sinh với số lượng lớn mang nhiều nhãn hiệu khác nhau, có nguồn gốc xuất xứ ở các tỉnh, thành như phân bón vi sinh Khang Nông (438/3 đường Thủ Khoa Huân, P. Thanh Hải, TP Phan Thiết); Khổng Minh (6/2/2-D2, P.25, Q.Bình Thạnh, TP.HCM); Tân Khang; Nam Bắc... nhưng địa chỉ ghi nhà máy ở tại TP.HCM cho oách.

Hôm qua (9/11), một đại diện Thanh tra Sở NN-PTNT Bình Dương cho chúng tôi biết, thực chất nguyên liệu để SX cái gọi là phân bón vi sinh chỉ là than bùn, tro trấu, có một tí đạm, lân, kali gọi là rồi quấy đảo lên theo công thức tự “sáng tạo” của người điều hành tên Trần Ngọc Anh của Công ty TNHH Khổng Minh từ TP.HCM đưa ra, và cơ sở này cho ra lò một lượng phân bón không hề nhỏ- khoảng 5 tấn/ngày, tương đương 100 bao. Sau đó, phân được cho vào các bao tải cũ để ngụy trang đưa đi tiêu thụ giống như các bao nguyên liệu, phân tro nhằm che mắt cơ quan chức năng.  

Giám đốc Cty “Khổng Minh” Phùng Đức Thành (áo sọc) khai nhận với cơ quan chức năng

Những người cầm đầu đường dây SX bước đầu khai nhận với cơ quan chức năng là đã hoạt động từ nhiều tháng nay, đã đưa đi tiêu thụ loại phân bón hổ lốn này khắp cả nước với số lượng lớn. Tại hiện trường, cơ quan chức năng cũng đã thu giữ trên 1 tấn bao bì các loại với nhiều “thương hiệu” phân bón, thuốc trừ sâu cùng với trên 60 tấn phân bón thành phẩm mang nhiều nhãn hiệu, chủng loại khác nhau.

Được biết, GĐ Cty TNHH Khổng Minh tên là Phùng Đức Thành (SN 1962, quê quán Nam Định), nguyên trước đây là quản đốc phân xưởng một NMSX phân bón có thương hiệu khá nổi tiếng ở Long An. Sau đó Thành xin nghỉ việc ra lập một Cty có cái tên nghe khá "thần thông biến hóa", "hô thần nhập tượng" là Khổng Minh. Mặc dù chất lượng phân “trời ơi”, nhưng Thành khai nhận với cơ quan chức năng, cơ sở của anh ta hợp đồng SX gia công với một số công ty phân bón “vô trách nhiệm vô hạn” với giá chỉ có 50.000 đồng/bao, nhưng sau đó các Cty này đem bán ra thị trường với giá... 90.000 đồng/bao!

Ngoài số lượng phân dỏm, “nhà máy ” tại đây với hệ thống lò, chảo ly tâm theo tiêu chuẩn của các lò gạch thủ công đã bị cấm hoạt động cùng các thiết đóng gói, in nhãn, dấu kiểm định tuy mua trôi nổi bên ngoài thị trường nhưng cũng được “bày biện” trông rất hoành tráng. Hiện cơ quan chức năng đang xác minh làm rõ Cty Khổng Minh đã SX, tiêu thụ trót lọt bao nhiêu tấn phân bón kém chất lượng ra thị trường. Mong rằng vụ việc sẽ được nghiêm trị thích đáng để làm gương cho những kẻ lâu nay làm ăn gian dối, coi thường pháp luật.

Hôm qua, ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm TTK Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, ngay hôm nay (10/11), Hiệp hội sẽ có văn bản gửi Bộ Công an đề nghị Bộ chỉ đạo CA tỉnh Bình Dương tích cực điều tra vụ việc làm phân bón giả đang gây chấn động thị trường. Theo ông Thúy đây là vụ làm phân bón giả thô thiển, trắng trợn, hoàn toàn theo kiểu "tay không bắt giặc" cần nghiêm trị để làm gương.

Vì vậy các cơ quan pháp luật cần tích cực vào cuộc, "hốt gọn" ổ làm phân bón giả này tránh đánh rắn giữa khúc, phạt qua quýt rồi cho tồn tại chúng sẽ "nhân bản" ra hàng loạt cơ sở làm phân bón giả khác, gây hại cho người nông dân. Trước mắt cần tịch thu, niêm phong tất cả những loại phân bón mà các đối tượng đã SX đang bán trôi nổi trên thị trường, không được để lưu thông.

Được biết thời gian qua giá phân bón tăng mạnh nên hàng loạt cơ sở SX phân bón "vô danh" bỗng nhiên nhảy ra SX phân bón theo kiểu đánh quả: SX nhanh- tiêu thụ gấp hòng kiếm lời. Đây là kiểu làm ăn chụp giựt, thiếu lương tâm của một số người từng làm trong các DN phân bón lớn có uy tín, sau khi "đủ lông đủ cánh" đã ra ngoài lập xưởng SX phân bón dã chiến: Không NM, không công thức, không nhãn hiệu, không đăng ký kinh doanh...mà cũng làm phân bón như ai. Hậu quả cuối cùng người nông dân lãnh đủ.

N.Hân

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm