| Hotline: 0983.970.780

Thứ Hai 01/02/2010 , 11:12 (GMT+7)

11:12 - 01/02/2010

Trò đốt trường, ngạc nhiên chưa?

Học trò tạt axít vào thầy lúc thầy đang giảng bài trên lớp, học trò đánh thầy ngất xỉu, học trò đem thân xác đổi cho thầy lấy điểm, dắt bạn cho thầy mua dâm, học trò đánh chết bạn chỉ vì một cái nhìn, học trò sáng chiều đến trường, tối về rủ nhau đi cướp…Những thông tin dày đặc này khiến người đọc báo nhức nhối mỗi lần đọc báo. Chắc chắn báo chí không phản ánh hết những “tấm gương” đó trong thực tế.

Và nay, lại thêm chuyện động trời hơn: chuyện học trò đốt trường. Trần Văn Ky, cậu học trò lớp 7 của một trường phổ thông THCS ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên- Huế) đã rủ bạn học là Lê Văn Muôn mang 2 lít xăng, dỡ ngói chui vào phòng hiệu trưởng rồi tưới xăng châm lửa đốt. Hậu quả là 1.000 hồ sơ học sinh cùng nhiều thiết bị, đồ dùng và 2 phòng cháy trụi, thiệt hại tổng cộng 246 triệu đồng.

Trần Văn Ky đốt trường chỉ vì lười học, không chú ý nghe giảng trên lớp, bị thầy phê vào sổ đầu bài. Còn Lê Văn Muôn, chẳng có lý do gì hết, chỉ nghe Ky rủ đốt trường là tham gia luôn, không một phút đắn đo. Đọc, nhiều người không tin nổi đó là sự thật.

Bởi với mỗi người chúng ta, ai chả có một tuổi thơ, và tuổi thơ của mỗi người đều gắn liền với một ngôi trường, với những người thầy người cô đã cầm tay dạy ta viết những chữ cái đầu tiên, đã dạy ta những điều đầu tiên trong đạo làm người. Lớn lên, dù có đi đến chân trời góc bể thì ngôi trường và những người thầy, người cô vẫn ngự trị nơi thiêng liêng nhất trong ký ức mỗi người. Hiếu học, trọng thầy là truyền thống tốt đẹp nhất của người Việt. Học trò đánh thầy, đánh cô là điều không thể hiểu nổi, không thể hình dung nổi. Học trò đốt trường càng là điều không sao hiểu nổi.

Những vụ việc như trên, có phải chỉ là “những hiện tượng cá biệt” như nhiều người vẫn quan niệm xưa nay? Đúng là tách riêng chúng ra, thì chúng là chuyện cá biệt thật. Nhưng nếu xâu chuỗi lại, thì thấy rất nhiều điều phía sau nó. Tuổi học trò là tuổi trong sáng nhất, hồn nhiên nhất, nhân hậu nhất. Thế mà những kẻ đó dám làm những điều mà ngay cả người lớn cũng không dám. Điều đó nói lên cái gì, nếu không phải là đạo đức học đường đang băng hoại nghiêm trọng?

Trước những hiện tượng đó, chỉ có thể nói một điều: Nền giáo dục của chúng ta có vấn đề. “Dưỡng bất giáo, phụ chi quá/ Giáo bất nghiêm, sư chi noạ” (Sinh con mà không dạy là lỗi ở cha/Dạy mà không nghiêm là lỗi ở thầy), những lời trên trong sách Tam Tự Kinh, một thời tuyệt đối đúng, nhưng nay không còn đủ nữa. Để xẩy ra những chuyện trên, lỗi không chỉ ở cha, ở thầy, mà còn ở cả hệ thống giáo dục.

Bình luận mới nhất