| Hotline: 0983.970.780

Trợ giá cả giống chưa chính thức

Thứ Tư 13/01/2010 , 10:58 (GMT+7)

Mới được phép sản xuất thử nghiệm, nhưng giống lúa lai Bắc ưu 025 đã được tỉnh Hải Dương đưa vào cơ cấu vụ mùa 2009 và được trợ giá 50%. Hậu quả là…

Mới được phép sản xuất thử nghiệm, nhưng giống lúa lai Bắc ưu 025 đã được tỉnh Hải Dương đưa vào cơ cấu vụ mùa 2009 và được trợ giá 50%. Hậu quả là…

>> Đằng sau chính sách trợ giá giống

Té ngửa giống nhiễm sâu nặng!

Chúng tôi về Gia Lộc (Hải Dương) khi người dân nơi đây đang rộn ràng thu hoạch vụ đông, dân vui vì hoa màu được giá, nhưng, với riêng nông dân xã Liên Hồng thì họ vẫn không thể nguôi ngoai được một vụ mùa thất bát. Nỗi buồn ấy mang tên lúa lai Bắc ưu 025. “Đến thời điểm gần thu hoạch, sâu bệnh ghê gớm, chúng tôi có phun nhưng chả biết phun thế nào cho hết sâu. Có nhà thu hoạch vội, có nhà để, nhưng cũng chả được bao nhiêu. Khi ấy mới té ngửa ra cái giống nhiễm nặng sâu đục thân này mới được phép sản xuất thử, chưa phải là giống được công nhận chính thức”-một người dân thôn Đồng Nại cho biết.

Trên 250 hộ dân ở thôn Đồng Nại và Quan Bộ, xã Liên Hồng cấy 15 ha lúa lai Bắc ưu 025 đã bị ảnh hưởng trực tiếp, có hộ gần như mất trắng, có hộ vớt vát được một chút. Nhiều người khẳng định sẽ “cạch đến già” không bao giờ cấy giống nhiễm sâu này nữa. Đánh giá chung của Phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc thì lúa lai tại 2 thôn trên bị giảm năng suất khoảng 60-70%. Nguyên nhân chính là do sâu đục thân. Sau khi mất mùa, người dân đã viết đơn kêu cứu khắp nơi.

Bà Nguyễn Thị Kịch, PCT UBND huyện Gia Lộc cho biết: Bắc ưu 025 là giống hạn chế được bạc lá, đây là điều kiện rất quan trọng để đưa vào vụ mùa. Mặt khác nó nằm trong cơ cấu giống của tỉnh và được trợ giá. Vì thế, khi có chủ trương của tỉnh trợ giá giống lúa này, các hộ dân đã đăng kí với HTX, HTX đăng kí với Cty cung ứng giống. Khi đó, huyện rất sợ thất bại và bản thân huyện cũng không thích, nhưng vì nó nằm trong sự chỉ đạo, trong cơ cấu của tỉnh, dân, xã lại muốn cấy nên huyện đã đồng tình để người dân cấy. Kết quả là thất thu nặng vì sâu đục thân cuối vụ.

"Bắc ưu 025 trên đồng đất Gia Lộc đã từng cấy, nhưng dân không ưa lắm, vào chậm. Khi gieo cấy vụ mùa, dân thì muốn giống lúa lai N. ưu 69 hơn nhưng  đúng vào thời điểm đó thì N. ưu 69 hết nên đành phải lấy Bắc ưu 025".

Ông Đỗ Văn Sáng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Gia Lộc.

“Là địa phương chuyên làm vụ đông nên huyện chỉ chủ trương chỉ đạo nông dân trồng các loại lúa thơm ngắn ngày, không khuyến khích trồng loại lúa dài ngày và các giống lúa lai. Vì sở trường của người dân Gia Lộc không phải là lúa lai. Ngay trong cơ cấu vụ mùa 2009 của huyện cũng không có Bắc ưu 025. Bắc ưu 025 là tỉnh chỉ đạo trong cơ cấu và được trợ giá 50% nên huyện thực hiện. Tuy nhiên, huyện luôn nói rõ là không khuyến khích và luôn luôn cảnh báo cho người dân. Còn ai đưa, vì sao đưa Bắc ưu 025, giống sản xuất thử vào cơ cấu thì huyện không được rõ”. Bà Kịch khẳng định.

Không cản được

Trước “sự cố” xảy ra tại huyện Gia Lộc, ông Nguyễn Đức Dương, GĐ Sở NN-PTNT Hải Dương cũng đã nhìn thẳng vào vấn đề: “Về cơ cấu đưa Bắc ưu 025 vào đồng đất Liên Hồng, huyện Gia Lộc là không phù hợp. Vì đây là vùng chuyên trồng rau màu, chỉ trồng trà sớm, chứ không trồng trà trung, trà muộn trong vụ mùa, mà lại đưa một giống trà trung vào là không hợp lí. Mặt khác dân ở đây không có tập quán canh tác lúa lai, phòng trừ sâu bệnh chưa tốt, khi bị sâu bệnh không phun thuốc kịp thời. Đó là những nguyên nhân cơ bản làm cho Bắc ưu 025 bị thất bại tại đây”.

Vụ mùa 2009 Hải Dương gieo cấy trên 12.500 ha lúa lai Q. ưu 1, Bắc ưu 025 và D. ưu 6511, chiếm 14,5% tổng diện tích lúa vụ mùa, tăng 4.000 ha so với vụ mùa 2008. Riêng giống Bắc ưu 025 các Cty cung ứng được 50-60 tấn. Diện tích lúa lai tăng lên đã góp phần tăng năng suất của tỉnh. Tính đến thời điểm này của năm 2009, tỉnh Hải Dương đã trợ giá cho lúa lai  gần 15,6 tỉ đồng, trong đó vụ xuân trên 8,6 tỉ đồng, vụ mùa trên 6,9 tỉ đồng.

Trả lời câu hỏi, vì sao Sở NN-PTNT lại đưa một giống lúa lai chưa được công nhận chính thức vào cơ cấu và được trợ giá mà không chọn các loại giống tốt khác? Ông Nguyễn Đức Dương khẳng định: “Việc sản xuất thử thì được phép sản xuất tới 2.000 ha trên cùng một vùng sinh thái”. Vậy nhưng, trong báo cáo của Sở NN-PTNT gửi UBND tỉnh Hải Dương thì số diện tích Bắc ưu 025 vụ mùa 2009 lên tới 2.456 ha. Và, một số người đặt câu hỏi rằng liệu đây có phải là một điển hình về “giống ngoại giao” để được đưa vào trợ giá hay không?

Một cán bộ Trung tâm KKN Giống, sản phẩm cây trồng và phân bón Quốc gia: "Về nguyên tắc giống chưa công nhận chính thức (nằm ngoài danh mục giống cây trồng Quốc gia) thì không được kinh doanh cũng như không đưa vào cơ cấu đại trà. Giống sản xuất thử diện tích tối đa 2.000 ha (cả nước), mỗi tỉnh chỉ nên làm thử vài trăm ha với yêu cầu nhà cung ứng phải ký hợp đồng bảo lãnh với dân, nếu mất mùa do giống họ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại cho dân".

Ông Trịnh Huy Đang, GĐ Cty TNHH Một thành viên Giống cây trồng Hải Dương, đơn vị cung ứng giống lúa Bắc ưu 025 được trợ giá cho biết, giống Bắc ưu 025 được nhập về từ Cty CP Giống cây trồng Bắc Ninh và Cty CP Giống cây trồng Quảng Ninh do Cty TNHH Giống cây trồng Việt Lương (Quảng Đông – Trung Quốc) nghiên cứu chọn tạo. Vụ mùa 2009 Cty cung ứng 17 tấn. Chưa có giống nào kháng bạc lá tốt bằng nó. Khi đưa vào năng suất bình quân 1,8 tạ/sào, cao là 2,7 tạ/sào. Tuy nhiên nhập vụ mùa không may lại “chết” ở Gia Lộc do nhiều nguyên nhân. Về trách nhiệm thì Cty không chịu trách nhiệm. Chỉ có điều, Cty thấy sự việc như thế nên đã tiến hành cho HTX vay 50 ngàn/kg thóc giống để hỗ trợ cho dân, UBND xã Liên Hồng cũng hứa sẽ hỗ trợ nông dân 20 ngàn đồng/kg nữa.

“Riêng giống Bắc ưu 025 ở Hải Dương, năm ngoái Sở NN-PTNT và Sở KHCN đã có đề án nghiên cứu sản xuất thử rồi và có chủ trương đưa vào vùng chiêm trũng để tận dụng khả năng chống bạc lá của giống. Nhưng có cái rất khổ là khi được trợ giá vụ mùa thì giống vào dân mình không cản được, đồng đất nào cũng làm. Nội dung hợp đồng Cty kí với HTX chỉ có 2 ha, có danh sách chặt chẽ, triển khai tập huấn cẩn thận theo quy trình sản xuất thử. Nhưng vụ xuân họ thấy được mùa, nên vụ mùa họ cứ lấy thôi. Bây giờ thất bại mới ngã ngửa ra. Cả HTX và dân đều máu quá. Lẽ ra phải chặt chẽ hơn. Giống này vào có phù hợp hay không chỉ có HTX biết thôi chứ Cty làm sao biết được, mà cản. Nếu cái này làm căng ra thì HTX sẽ mệt”-ông Đang khẳng định.

Có một thực tế là khi trình UBND tỉnh Hải Dương trợ giá giống lúa thì Sở NN-PTNT chỉ trình 2-4 giống, trong đó có giống Bắc ưu 025. Phải chăng chủng loại giống quá ít đã không đáp ứng được nhu cầu của nông dân và điều kiện của các vùng khác nhau trên địa bàn toàn tỉnh. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao lại chỉ có vài giống được hỗ trợ, gồm cả giống sản xuất thử mà không nhiều hơn để người dân có sự lựa chọn. Liệu đây có phải là một sự độc quyền về trợ giá giống?

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất