| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Định Hòa

Thứ Sáu 04/01/2013 , 10:19 (GMT+7)

“Đổi mới, phát triển” là điều dễ nhận thấy nhất mỗi khi chúng tôi có dịp trở lại xã Định Hòa (Gò Quao, Kiên Giang)...

“Đổi mới, phát triển” là điều dễ nhận thấy nhất mỗi khi chúng tôi có dịp trở lại xã Định Hòa (Gò Quao, Kiên Giang): nhiều con đường, công trình mới được xây dựng khang trang đưa vào sử dụng phục vụ đời sống dân sinh; người dân ngày càng năng động, sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình. Đó là những minh chứng về tính hiệu quả của Chương trình MTQG xây dựng NTM đang được Trung ương triển khai mà Định Hòa vinh dự là 1 trong 11 xã điểm trên cả nước.

Thay nhận thức

Vừa qua, chúng tôi có dịp cùng đoàn công tác của Bộ NN-PTNTN do Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa dẫn đầu đến làm việc về Chương trình MTQG xây dựng NTM ở xã Định Hòa. Tuy còn cách đích NTM tới 6 tiêu chí nữa nhưng bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều thay đổi; đất trống, vườn tạp được đầu tư cải tạo lại thành vườn SX, đồng ruộng manh mún ngày nào giờ đã thành cánh đầu mẫu lớn, làm ăn hợp tác, bơm tưới bằng mô tơ điện giúp giảm chi phí…

Ông Đào Văn Lẹ, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Định Hòa, cho biết, khi được tỉnh và Trung ương chọn là xã điểm về xây dựng NTM của cả nước, chúng tôi vừa mừng vừa lo. Vì Định Hòa là một xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chiếm trên 63,5% nên để trở thành xã NTM là nhiệm vụ hết sức nặng nề. Khó khăn lớn nhất là làm sao tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu đúng về bản chất của Chương trình xây dựng NTM và cùng hợp tác với chính quyền thực hiện, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Vì vậy, nên ngay từ khi mới bắt tay vào làm, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng NTM và triển khai sâu rộng đến tất cả các chi bộ, quần chúng nhân dân trong từng xóm, ấp. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân đã được nâng lên, hiểu rõ xây dựng NTM phải dựa vào nội lực là chính, đặc biệt là phát huy tính tự chủ, ý thực tự lực, tự cường, thay đổi tập quán SX…

Nhờ đó, người dân đã tích cực tham gia xây dựng NTM, không chỉ đóng góp tiền của, ngày công lao động mà còn sẵn sàng hiến đất, vật kiến trúc để làm các công trình phúc lợi. Ông Danh Diện, ở ấp Hòa Út phấn khởi: “Có được con đường đi lại rộng rãi ai cũng thích, vì vậy khi chính quyền đến vận động hiến đất làm đường người dân ở đây ai cũng đồng tình ủng hộ. Mà hiến đất làm đường cũng chẳng mất đi đâu, làm đường ngay trước nhà mình, đường rộng thì mình hưởng, con cháu đi lại dễ dàng, không lo lầy lội nữa”.

Không chỉ hiến đất làm đường, người dân ấp Hòa Út còn hiến đất xây trạm cấp nước tập trung, cung cấp nước sạch cho người dân trong xã. Ông Lẹ cho biết, tổng số tiền đầu tư cho NTM đến nay của xã là hơn 230,2 tỉ đồng thì vốn dân đóng góp trên 32,1 tỉ đồng, chủ yếu là hiến đất và vật kiến trúc (23,4 tỉ đồng).

Về lĩnh vực SX, ngành nông nghiệp đã triển khai và hỗ trợ chuyển giao nhiều mô hình giúp người dân thay đổi tập quán SX, nâng cao thu nhập… Ông Danh Thảo, ở ấp Hòa Thanh được tham gia mô hình “cánh đồng 4 tốt” do Viện Lúa ĐBSCL thực hiện phấn khởi cho biết: “Trước đây khi làm lúa nông dân chỉ chạy theo năng suất, ít tính đến hiệu quả SX nên thường lạm dụng phân bón, thuốc BVTV. Nhờ được tham gia chương trình “cánh đồng 4 tốt”, được tấp huấn kỹ thuật nên giờ tui có thể tự làm thí nghiệm (kỹ thuật ô khuyết) để biết đất thừa, thiếu lân, đạm, kali ra sao rồi tính toán mua phân về sử dụng thích hợp, ít tốn kém mà vẫn đạt hiệu quả”.


Mô hình cánh đồng 4 tốt giúp nông dân xã Định Hòa nâng cao thu nhập

Nhiều hộ nông dân trong xã đã biết liên kết làm ăn để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả SX. Hiện toàn xã có 4 HTX (2 HTX nông nghiệp, 1 HTX trồng nấm rơm, 1 HTX đan đát) và 738 tổ hợp tác với trên 2.000 xã viên, tổ viên tham gia. Nhờ làm ăn hợp tác, áp dụng tiến bộ KHKT vào SX nên giảm được chi phí, tăng năng suất, tăng hiệu quả kinh tế.

Nhiều hộ nông dân còn cải tạo vườn tạp, tận dụng sân phơi, đất trống quanh nhà để phát triển SX. Ông Nguyễn Văn Lành, ở ấp Hòa Thạnh, năm nào cũng tận dụng mảnh sân trước nhà để trồng hoa bán vào dịp tết. Ông Lành cho biết: “Với 1.000 chậu hoa vạn thọ, tết bán với giá từ 8.000 - 10.000 đồng/chậu, trừ hết chi phí cũng kiếm được 4-5 triệu đồng tiền lời trang trải trong nhà, mua sắm quần áo mới cho con cái… Mình biết tính toán làm ăn, tăng thu nhập cho gia đình cũng là góp phần xây dựng NTM rồi”.

Hiện nay, các mô hình SX hiệu quả trên địa bàn xã đang được tập trung nhân rộng như: mô hình “cánh đồng 4 tốt”, “nuôi heo sinh sản”, “nhân giống lúa xác nhận”, “Tổ dịch vụ làm thuê trong nông nghiệp”… Thu nhập bình quân đầu người của xã năm 2012 đạt 25,5 triệu đồng/người.

Đổi cuộc đời

Chương trình NTM đã mở ra cơ hội cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Trước khi bắt tay xây dựng NTM, tỉ lệ hộ nghèo của Định Hòa lên đến hơn 20% nhưng hiện nay giảm chỉ còn 6,42%. Riêng trong năm 2012, số hộ nghèo trong xã giảm từ 322 hộ xuống còn 246 hộ, hộ cận nghèo từ 374 hộ xuống còn 318 hộ.

"Xây dựng NTM là chương trình mới, khối lượng công việc rất lớn với nhiều khó khăn, thách thức nên cần phải huy động mọi nguồn lực tham gia. Trong quá trình triển khai phải chú trọng công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, dân làm, nhà nước hỗ trợ. Khi làm phải nghiêm túc, bài bản, sáng tạo… các chương trình đầu tư phải đặc biệt ưu tiến vốn cho hỗ trợ phát triển SX, nâng cao thu nhập cho người dân”, Thứ trưởng Nguyễn Đăng Khoa, Phó trưởng ban Chuyên trách BCĐ Trung ương Chương trình MTQG xây dựng NTM.

Gia đình ông Danh Việt, ấp Hòa Mỹ là điển hình thoát nghèo, vươn lên làm giàu ở xã Định Hòa. Ông Việt tâm sự: “Trước đây gia đình tui nghèo lắm, nợ nần nhiều nên có mấy công ruộng cũng phải cầm cố hết. Có năm, tết đến không có gạo ăn, phải nhờ chính quyền hỗ trợ”.

Từ khi được Trung tâm KN-KN Kiên Giang xét cấp cho cặp bò (chương trình Heifer), để nuôi bò sinh sản mà cuộc sống gia đình đã đổi thay. Ông Việt cho biết, sau khi có bò, gia đình tui liền bắt tay xây dựng mô hình VAC (vườn - ao - chuồng). Phân bò được tận dụng để nuôi trùn (giun) quế, lấy trùng cho cá ăn, đất trống trồng nấm rơm, rồi rơm mục và chất thải của trùn lại được tận dụng trồng rau màu. Chỉ tính riêng tiền bán rau mỗi tháng gia ông Việt đã có thu nhập 3-4 triệu đồng. Còn khi cần số tiền lớn như sửa sang nhà cửa, mua sắm vật dụng sinh hoạt trong nhà thì bán bớt đi 1-2 con bê con. Bà Thị Hai, vợ ông Danh Việt, chia sẻ: “Trồng rau màu cho hiệu quả kinh tế rất cao, không cần vốn đầu tư nhiều, chỉ cần siêng năng chịu khó là làm được. Để rau ít bị sâu bệnh thì không nên trồng chuyên một thứ mà phải xoay vòng hết loại này đến loại khác, có thể gieo giống sẵn rồi mang ra liếp cấy để rút ngăn thời gian”.

Trước đây, trong các phum, sóc của người Khmer nhà cây lá là chủ yếu, rất hiếm nhà xây nhưng hiện nay nhà xây, biệt thự mini cũng không còn là hàng hiếm. Chỉ vào căn nhà mới xây trị giá hơn 1 tỷ đồng, ông Danh Phát ở ấp Hòa Tạo phấn khởi khoe: “Tất cả tiền xây nhà đều từ ruộng lúa mà ra cả đấy. Từ vài công ruộng ban đầu, vợ chồng tui cứ vừa làm vừa tích góp mua thêm dần, giờ đã lên trên 7 ha, mỗi năm làm 2 vụ lúa, thu hoạch hàng ngàn giạ lúa”.

Theo ông Phát, làm lúa hàng hóa, ngoài nắm vững kỹ thuật còn phải biết tính toán, lựa chọn giống mà thị trường có nhu cầu cao thì mới dễ tiêu thụ, đạt lợi nhuận cao. Bây giờ thời buổi kinh tế thị trường, phải bán cái mà người ta cần chứ không thể bán cái mình có được.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm