| Hotline: 0983.970.780

Trở lại 'làng không cười'

Thứ Tư 27/05/2015 , 09:44 (GMT+7)

Đúng 10 năm, tôi quay lại thôn Hòa Hiệp, xã Bình Tường (Tây Sơn, Bình Định), nơi được mệnh danh là "làng không cười". 

Bởi, do dùng nguồn nước nhiễm fluor nặng nên hầu hết cư dân ở đây đều mắc bệnh. Từ khi có nước sạch về làng, mọi thứ đã thay đổi.

Ký ức buồn

Bước vào trụ sở HTXNN Hòa Hiệp, câu hỏi đầu tiên tôi đặt ra với ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX, là: “Nước sạch đã làm đổi thay vùng đất Hòa Hiệp như thế nào?”.

Ông Dũng nở nụ cười tươi, trả lời ngay: “Nước sạch về làng đã làm thay đổi tích cực về sức khỏe của người dân. Trước đây, khi còn dùng nước nhiễm fluor, hầu hết người lớn tuổi đều mắc bệnh xương khớp, người trẻ thì ai nấy đều mắc bệnh đen răng, con nít dù đã thay răng rồi hàm răng cũng bị hư dần đến cùn.

Đó là chưa kể đến hàng loạt cái chết do bệnh ung thư cũng bị nghi vấn do ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt. Từ năm 2008 đến nay, mới gần 10 năm được sử dụng nước sạch mà bệnh hiểm nghèo đã vắng dần, trẻ con bây giờ đứa nào đứa nấy hàm răng trắng muốt, đều tăm tắp”.

Nông dân Phạm Tấn Đức (60 tuổi) ở xóm 2, thôn Hòa Hiệp, ngồi nghe câu chuyện của tôi và ông Dũng cũng góp lời: “Bệnh tật giảm dần khiến người dân yên tâm làm ăn, đầu óc không còn lo về sức khỏe nên sáng hẳn ra, nghĩ ra nhiều cách làm ăn cho hiệu quả kinh tế, chẳng mấy chốc thoát nghèo”.

Lục lại ký ức, ông Đức kể chuyện gia đình mình. Chị ruột ông Đức là bà Phạm Thị Hạnh bị mắc bệnh xương khớp rất sớm, sau đó nằm liệt giường nhiều năm rồi chết. Nghi vấn cái chết của bà Hạnh có liên quan đến nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm fluor, ngành chức năng ở tỉnh về lấy nước ở nguồn nước giếng mà gia đình bà Hạnh đang sử dụng, đồng thời còn mang máy đến sân nhà bà Hạnh khoan một giếng mới và lấy cả nước giếng này đi xét nghiệm.

"Sau đó họ cho biết bệnh của chị Hạnh do ảnh hưởng nguồn nước sinh hoạt. Vợ tôi cũng chết cách đây mấy năm do ung thư vú", ông Đức nói buồn.

Trong ký ức của hai y tá thôn Hòa Hiệp, chị Võ Thị Công Mỹ và chị Phạm Thị Tường vẫn còn nguyên những chuyện đáng buồn. Theo nhận định của hai chị, trong thời gian trước đây, những căn bệnh hiểm nghèo của người dân Hòa Hiệp dẫn đến tử vong đều là bệnh ung thư. Điều đáng lo ngại là hầu hết những người tử vong đang ở độ tuổi còn khá trẻ.

Nụ cười trở lại

Từ bao đời nay, phụ nữ, con gái thôn Hòa Hiệp cứ vài ba ngày lại lấy than cà răng một lần, bởi theo những cụ bà, cà răng bằng than có thể “cứu” được những chiếc răng đen xỉn. Thế nhưng thực tế không như vậy, than chẳng có tác dụng gì, cà đến lở miệng vẫn không dám cười.

Bệnh đen răng tấn công con nít dữ dội hơn. Ví như tại Trường Tiểu học số 2 Bình Tường, nằm đối diện với trụ sở HTXNN Hòa Hiệp. Cách đây khoảng 10 năm, mỗi đợt khám sức khỏe định kỳ cho học sinh đều có gần 90% học sinh bị sún răng hoặc răng bị ố vàng.

Bây giờ, bệnh răng đen không còn ám ảnh người dân Hòa Hiệp nữa, bởi thế hệ con trẻ sinh ra trong quãng thời gian 10 năm gần đây đều đang có những hàm răng đều tăm tắp, trắng muốt.

Ông Phạm Tấn Đức (60 tuổi) ở xóm 2 khoe: “Nhà tui có thằng cháu 10 tuổi, răng nó đẹp mê luôn. Không tin chút nữa tui dẫn về nhà cho xem”.

Không phải không tin ông Đức, nhưng để khách quan, nhân các cháu học sinh Trường Tiểu học số 2 Bình Tường tan học chiều, tôi “chặn đường” hai cháu đang nhảy chân sáo trên con đường quê và đề nghị: “Các cháu cười lên cho chú xem cái nào”. Hồn nhiên, hai cháu cùng cười, nụ cười rất tự tin. Qủa thật răng chúng rất đẹp, đều hạt lựu.

Cháu gái vui vẻ tự giới thiệu: “Cháu là Nguyễn Thị Thảo Nguyên, 7 tuổi, còn đây là anh cháu, 9 tuổi, tên Nguyễn Minh Thái”. Ông Đức góp chuyện: “Bây giờ biết răng mình đẹp, anh bảo chúng cười là chúng cười ngay chứ trước đây, có cạy răng chúng cũng không cười, bởi sợ người ta chê bao hàm răng sún của mình”.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng, nước sạch về Hòa Hiệp trong năm 2008, đây là cái mốc thời gian “nhớ đời” của người dân ở đây. Có nước sạch đã mừng, người dân ở đây còn được Nhà nước cho vay mỗi hộ 4 triệu đồng với lãi suất thấp để mua ống dẫn nước sạch vào nhà.  “Đến nay, 921 hộ dân với trên 4.000 nhân khẩu ở Hòa Hiệp đã được dùng nước sạch. Tôi có thể nói chắc là kể từ đây, người dân Hòa Hiệp đã thoát nỗi ám ảnh răng đen”, ông Dũng phấn khởi nói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm