| Hotline: 0983.970.780

Trở lại Tà Ghênh

Thứ Sáu 08/11/2013 , 09:09 (GMT+7)

Tà Ghênh, tiếng Mông nghĩa là bãi cỏ tranh thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nằm cheo leo giữa lưng chừng núi.

Tà Ghênh, tiếng Mông nghĩa là bãi cỏ tranh thuộc xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái nằm cheo leo giữa lưng chừng núi. Không thể nào tin nổi sau 12 năm tôi trở lại đất này, chuyện của 12 năm trước như trong cổ tích...

Khoảng tháng 4/2001, tôi theo cô khuyến nông viên Hà Hải Ly lên Tà Ghênh nằm trên đầu nguồn dòng suối Hát. Dòng suối Hát là một chi lưu lớn của dòng Thia, tháng 4 những trận mưa đầu mùa bắt đầu trút xuống, dòng suối Hát chảy xiết vào lòng đất tung bọt trắng xoá.

Đường lên Tà Ghênh cứ men theo dòng suối Hát ngược lên, từ thị trấn Trạm Tấu lên Tà Ghênh chỉ dài hơn 7 cây số nhưng phải men theo bờ ruộng và leo dốc nên chúng tôi phải mất gần 3 tiếng đồng hồ mới lên tới nơi.

Nhớ lại con đường của 12 năm trước, tôi không khỏi ớn lạnh khi qua con suối dưới chân cánh đồng Tà Ghênh được bắc bằng thân một cây gỗ to cỡ người ôm chênh vênh không tay vịn, chỉ bước chệch một ly là rơi xuống suối lởm chởm đá. Hà Hải Ly phải đưa tay cho tôi vịn mới qua được.

Nằm trên độ cao trung bình từ 900-1.200 m, mùa đông ở Trạm Tấu rất lạnh, nhiều ngày nhiệt độ xuống 5-8oC, trên các đỉnh núi xuất hiện băng giá, nhiều mùa đông do quá lạnh trâu bò chết hàng loạt vài nghìn con. Vì thế, việc sản xuất vụ xuân gặp vô cùng khó khăn, chỉ một số diện tích ruộng cấy vụ xuân, còn lại bỏ hoang. Có thể ví đó là thời gian Trạm Tấu “ngủ đông”.


Cánh đồng lúa trên đất Tà Ghênh

Do không làm vụ xuân, nên người dân Trạm Tấu đói triền miên, tỉnh Yên Bái thường xuyên phải cứu đói hàng ngàn tấn gạo vào mùa giáp hạt. Khoảng thời gian 5-6 tháng mùa đông dài dằng dặc ấy, không có việc làm người dân túa lên rừng khai thác lâm sản và trồng cây thuốc phiện bán kiếm tiền. Có năm Trạm Tấu trồng trên hai trăm ha cây thuốc phiện. Hậu quả của của việc trồng cây thuốc phiện là hàng trăm người nghiện hút.

Giải bài toán lương thực, vụ xuân năm 1998-1999 huyện Trạm Tấu phát động làm vụ xuân ở các xã vùng cao, Xà Hồ được chọn mở đầu cho việc cấy hai vụ. Huyện huy động hàng chục thanh niên cùng với trạm khuyến nông lên cánh đồng Tà Ghênh cày bừa, gieo mạ, cấy cho bà con. Diện tích ban đầu dự kiến làm 1 ha vụ xuân, vận động mãi nhưng dân không chịu làm nên chỉ cấy được 0,7 ha, vì bà con không tin làm vụ xuân trên vùng cao được ăn.

Khi lúa chắc hạt thì chim chóc khắp nới kéo đến, cán bộ khuyến nông và cán bộ thôn bản phải thay nhau ra đuổi chim. Gia đình Bí thư xã Xà Hồ khi ấy là ông Vàng A Sèo cấy 0,3 ha khi lúa bắt đầu kết hạt, ông sợ làm vụ mùa không kịp không được ăn nên cắt về cho trâu. Người đứng đầu chính quyền xã còn không tin thì người dân ai dám tin sản xuất vụ xuân được thu hoạch?

Gia đình ông Vàng A Súa được cán bộ khuyến nông động viên để lại, ngày gặt lúa bà con các thôn bản kéo xuống xem gặt đông lắm. Mặc dù mấy đám ruộng chỉ thu được vài chục cân thóc, nhưng đã nhen nhóm niềm tin vào sản xuất vụ xuân cho bà con.

Vụ xuân năm sau diện tích được mở rộng lên 2 ha, năm sau lên 7 ha, năm sau nữa lên 16 ha... còn bây giờ cả cánh đồng Tà Ghênh 85,6 ha thì có 63 ha cấy vụ xuân, còn 22,6 ha do nằm trên cao thiếu nước nên bà con đành cấy một vụ.

Trở lại Tà Ghênh lần này tôi không phải cuốc bộ như 12 năm trước, Trưởng phòng NN-PTNT Trạm Tấu Nguyễn Thành Hưng bảo: Chú đi xe máy chỉ đi hết mười lăm phút thôi, đường từ huyện lên đó đổ bê tông cả rồi... Ấy vậy mà tôi phải đi gần một tiếng mới tới nơi, bởi đường dốc quá.

Đi cùng tôi lên Tà Ghênh lần này là chị Nguyễn Thị Duyên, Phó trưởng phòng NN-PTNT, nếu chị Duyên không chỉ cho tôi những thửa ruộng đầu tiên của gia đình ông Vàng A Súa đã cấy vụ xuân năm 1998-1999 thì tôi không thể nhớ ra. Bởi 12 năm trước Tà Ghênh chỉ có 5 hộ đầu tiên xuống gồm gia đình các ông: Vàng A Súa, Giàng A Sang, Giàng A Dơ, Giàng A Sẻ và Vàng A Sèo - Bí thư xã Xà Hồ.

Tôi còn nhớ khi vào nhà ông Giàng A Sang nằm ở ven đường, thực ra đây là chiếc lều nương để gia đình ông ở trong những ngày làm ruộng. Khi tôi vào ông Sang đang nằm bên chiếc bàn đèn, mặt ông đen đúa mắt vàng ệch như người ở lâu trong bóng tối.

Ông ậm è ngồi dậy đưa cho tôi chiếc tẩu thuốc rồi chỉ vào chiếc bàn đèn: Cán bộ ua mà (cán bộ hút thuốc cùng ta đi)... tôi lắc đầu, ông cười hai hàm răng vàng khè vì khói thuốc phiện rồi tiếp tục nằm xuống nhào thuốc đưa lên ngọn đèn đốt bằng mỡ lợn hơ cho phồng lên trước khi cho vào nõ điếu.

Tôi nhìn ra cánh đồng Tà Ghênh khi đó trắng phớ, sau mùa đông dài cây cỏ chết rạc xác xơ, rau khúc nở hoa vàng từng đám trên khắp mặt ruộng bỏ hoang. Nơi đây người ta gọi là bãi cỏ tranh, phía chân núi hoa cỏ tranh nở trắng bạc.


Hong lúa

Hôm ấy tôi còn nhớ khi lên chiếc lều nương của gia đình ông Vàng A Súa, ông Súa đang ngồi đan bề, nước da vàng xỉn, nhìn qua là biết ông là người nghiện nặng. Nói chuyện với ông tôi mới hay nhà ông ở tít tận thôn Kháu Dê, năm 1996 ông xuống Tà Ghênh dựng lán làm ruộng.

Trước đây ông có 16 năm giữ chức Chủ tịch rồi Bí thư Đảng ủy xã Xà Hồ, nhưng vì nghiện hút nên huyện cho nghỉ. Ông làm đơn xin ra khỏi Đảng để hút thuốc phiệm để không bị kiểm điểm. Cùng làm đơn xin ra khỏi Đảng có Giàng A Chu, Phó chủ tịch xã. Ông xuống Tà Ghênh với một quyết tâm bỏ thuốc phiện, cũng như ông quyết tâm làm vụ xuân.

Từ diện tích ruộng lúa xuân của gia đình ông, nay Tà Ghênh trở thành cánh đồng sản xuất vụ xuân lớn của huyện Trạm Tấu. Lên Tà Ghênh lần này tôi tìm đến nhà ông nhưng ông đi vắng, Bí thư Đảng ủy xã Chớ A Páo cho hay ông đã bỏ được thuốc phiện rồi, hiện ông là già làng rất được người dân tin cậy.

Trở lại Tà Ghênh lần này tôi không thể tin nổi một vùng cỏ tranh hoang vắng ngày nào giờ trở thành trung tâm xã Xà Hồ, trụ sở UBND, trường học, trạm y tế... đã mọc lên, lúa bắt đầu chín vàng rộ dưới chân núi. Cách nay 12 năm chỉ có 5 hộ xuống núi, nay Tà Ghênh có 84 hộ, một khu dân cư trù phú khiến tôi không thể ngờ nổi.

Tôi vào nhà Tráng A Thào, nhà Thào trước kia ở Háng Thồ cách Tà Ghênh khoảng 6 km ở sau đỉnh núi mờ xanh kia. Thào xuống đây cho cho hai đứa trẻ lớn lên tiện đường đi học. Bố mẹ Thào có 4.000 m2 ruộng ở khu vực Tà Ghênh, chia cho vợ chồng Thào 1.000 m2, vụ mùa thu 24 bao thóc, còn vụ xuân khoảng 30-35 bao.

Kể từ khi xuống Tà Ghênh gia đình Thào không năm nào thiếu ăn. Vụ ngô vừa qua gia đình Thào bán gần 1 tấn ngô được 4 triệu đồng. Thào mới tốt nghiệp cao đẳng kế toán đang phụ giúp một số việc của xã, anh cười bảo tôi: Mấy năm cháu đi học, vợ cháu ở nhà làm ruộng và chăn nuôi lợn gà nuôi cháu đấy...

Bí thư xã Xà Hồ Chớ A Páo cho hay: Năm đầu tiên làm vụ xuân trên đất Tà Ghênh tôi đang làm trưởng bản, dự kiến làm 1 ha, nhưng vận động mãi bà con mới chịu bỏ ruộng ra làm 0,7 ha, năm sau làm 2 ha, rồi 7 ha... sau mỗi vụ diện tích cứ tăng lên. Toàn xã có 176 ha ruộng thì có 135 ha làm vụ xuân, diện tích còn lại do ở trên cao thiếu nước nên bà con không làm được vụ xuân...


Chiếc cối xay ngô trước đây xay ngô cho người ăn, nay xay ngô cho gà và 
nấu cám nuôi lợn

Do cấy hai vụ nên số hộ đói từ 1-3 tháng chỉ còn 25 hộ. Nếu so với trước đây số hộ đói chiếm 60-70%, hằng năm tỉnh phải cứu đói trên 100 tấn gạo, nhưng chả bõ bèn gì.

Trở lại Tà Ghênh, tôi mới giật mình nhớ lại chuyến đi của 12 năm trước và tự bảo: Những người đầu tiên đưa vụ xuân lên Tà Ghênh, chính họ đã làm nên một chuyện cổ tích mới mà những thế hệ sinh ra và lớn lên sau này trên đất Xà Hồ phải biết ơn họ...

Nhờ cấy lúa xuân nên mọi nhà đã đủ ăn, người dân tích cóp được của cải, trong số hộ đầu tiên xuống núi có gia đình Giàng A Sẻ, ông bán trâu bò, lợn gà mua được hai chiếc ô tô tải để chở vật liệu xây dựng. Tôi tìm đến nhà ông dưới chân dốc, nhưng ông đang bận việc ngoài công trường...

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Giá đất bồi thường thấp hơn giá thị trường ảnh hưởng đến giải phóng mặt bằng

THỪA THIÊN - HUẾ Giá bồi thường đất ở, đất trồng rừng sản xuất thấp hơn nhiều so với giá thị trường dẫn đến công tác giải phóng mặt gặp rất nhiều khó khăn.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm