| Hotline: 0983.970.780

Trở lại vùng mặn nhất Việt Nam

Thứ Ba 28/05/2013 , 10:03 (GMT+7)

Năm 2009 dự án muối Quán Thẻ đã đưa vào sản xuất, cũng từ đây, người dân xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm nặng nề.

Năm 2009 dự án muối Quán Thẻ đã đưa vào sản xuất, cũng từ đây, người dân xã Phước Minh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) phải gánh chịu hậu quả ô nhiễm nặng nề. Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng ý tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo, thẩm định và phê duyệt dự án di dân và xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho 200 hộ dân bị ảnh hưởng nhiễm mặn.

Sống trong sợ hãi

Việc người dân xã Phước Minh bị ảnh hưởng nặng nề do SX muối gây ra được NNVN phản ánh trong bài “Nỗi khổ trên vùng mặn nhất Việt Nam” ngày 5/8/2010. Sau hơn 3 năm, PV trở lại vùng đất này, thấy tình trạng nhiễm mặn càng nặng nề hơn.

Đảo quanh thôn Quán Thẻ 1, 2, 3, đập vào mắt chúng tôi là những mảnh vườn, khu sản xuất của người dân không có một cây xanh sinh trưởng, tường nhà, bờ rào của các hộ dân bị nước mặn ngấm đẫm cao hơn 2 mét làm vôi vữa, gạch nát vụn, đổ xòa. Nhiều cột bê tông, trụ điện bung gãy vì sắt mục từ bên trong. Thiết bị điện tử, vật dụng bằng kim loại, đường dây điện... của dân bị hư hại nặng.

Ông Nguyễn Ngọc Tân, phó thôn Quán Thẻ 1 phản ánh: Từ năm 2009 Nhà máy SX muối đi vào hoạt động đã làm đảo lộn cuộc sống người dân. Ông Tân bức xúc: “Tường, nền nhà bị ăn mủn, cây cối không sống nổi, nước giếng nhiễm mặn. Ngoài cơ sở vật chất bị hư hỏng nghiêm trọng thì nước sinh hoạt nhiễm mặn, hầu hết trong thôn phải dùng nước máy với giá cao”.


Tường nhà bị nước mặn ăn mòn

Theo ông Tân, nguyên nhân xảy ra tình trạng nhiễm mặn là do các hồ chứa nước biển làm muối cao hơn khu vực dân cư. Ngoài ra hệ thống dẫn nước vào các bể xây dựng không đảm bảo kỹ thuật đã thấm vào khu dân cư. Tình trạng mặn khiến tường nhà bong tróc, cây cối bị chết hàng hoạt là vào thời điểm khoảng tháng 11/2011, do trời mưa lớn một số hồ chứa nước biển làm muối bị vỡ chảy tràn vào khu dân cư.

Ông Nguyễn Thanh Xuân ở thôn Quán Thẻ 1 là một trong những hộ dân ảnh hưởng nặng nề từ nhà máy sản xuất muối gây ra. Hiện tường nhà ông đã bị nước mặn ăn mòn từ móng nhà lên chừng 1,5 m, 4 sào vườn không có một cây nào sống sót. Đặc biệt bờ tường rào bị nước mặn ăn mòn sập gần hết. Dẫn chúng tôi thăm quanh khu vườn, trên mặt đất từng lớp muối trắng xóa xuất hiện. Ông Xuân cho biết: “Đêm qua trời mưa nên trôi hết rồi, còn những ngày nắng muối nổi trắng tinh. Thử hỏi độ mặn đến như vậy làm sao cây cối sống nổi”.


Vườn cây của ông Nguyễn Thanh Xuân không một cây sống sót, muối đóng trắng tinh khắp vườn

Cạnh nhà ông Xuân, nhà ông Trần Anh Tuấn tường bị nước mặn ăn thủng. Dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà ông chỉ vào những nơi thủng khiến chúng tôi sợ sập tường. Tôi hỏi ông Tuấn, thế này không sợ ạ? Ông Bảo: “Sợ lắm nhưng biết làm sao giờ, tiền thì không có để mua đất xây nhà nơi khác. Gia đình tôi rất mong muốn Nhà nước cho đi tái định cư, chắc vài năm nữa cả vùng này nhà nào cũng bị sập hết”.

Bao giờ dân có chỗ ở mới?

Tại thông báo số 223/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 22/6/2012 Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc xử lý một số vướng mắc, phát sinh tại dự án Khu kinh tế muối công nghiệp và xuất khẩu Quán Thẻ, trong đó đã đồng ý cho tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo thành lập, thẩm định và phê duyệt Dự án di dân và xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho 200 hộ dân xã Phước Minh bị ảnh hưởng nhiễm mặn để ổn định cuộc sống. Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện dự án trong kế hoạch vốn 2013 - 2015.

Ông Lê Kim Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết: Thực hiện thông báo này, vừa qua UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án di dân và xây dựng cơ sở hạ tầng khu tái định cư cho các hộ dân vùng trũng bị ảnh hưởng do nhiễm mặn muối Quán Thẻ. Dự án được giao cho Chi cục Phát triển nông thôn Ninh Thuận làm chủ đầu tư và tổ chức tư vấn lập dự án do Cty CP Tư vấn thiết kế xây dựng Ninh Thuận thực hiện. Mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để hình thành khu dân cư mới khang trang có môi trường trong lành, nếp sống văn minh, tiến bộ và phù hợp với truyền thống văn hóa của các dân tộc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong công tác quản lý của chính quyền địa phương.

Ông Lê Kim Hiếu cho biết: Quy hoạch tái định cư cho các hộ dân của dự án nằm trong khu Trung tâm hành chính huyện Thuận Nam, với diện tích sử dụng đất 15,30 ha nhằm giải quyết nhu cầu về đất ở, nhà ở cho các hộ dân sống trong vùng nhiễm mặn của thôn Quán Thẻ 1. Tổng số nhà tái định cư 200 căn hộ; kích thước mỗi lô đất 200 m2 (ngang 8 m, dài 25 m), trong đó diện tích xây dựng mỗi căn hộ 60 m2. Xây dựng nhà cấp 4, một tầng. Cột gạch, giằng móng bê tông cốt thép. Móng xây đá chẻ, toàn bộ tường xây gạch Tuynen. Nền lót gạch Ceramic (300x300). Nền khu vệ sinh lót gạch chống trơn (200x200). Tường khu vệ sinh ốp gạch men cao 1,5 m. Mái lợp tole sóng vuông không màu dày 4,2 dem. Xà gồ sắt hộp. Toàn bộ dùng cửa kính khung gỗ. Tường trong và ngoài quét vôi. Ngoài ra các công trình xây dựng khác cũng được xây dựng như Nhà văn hóa cộng đồng, trường mẫu giáo, tiểu học, chợ… Tổng kinh phí thực hiện dự án này là 189 tỷ đồng. Tuy nhiên hiện nay do nguồn vốn ngân sách khó khăn nên các Bộ ngành chưa bố trí được vốn, chúng tôi chưa thể triển khai được.

Xem thêm
Long trọng kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú

Ngày 17/4, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức thành công Lễ kỷ niệm 120 năm ngày sinh cố Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024), Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Greenfeed Việt Nam công bố kết quả tăng trưởng lợi nhuận bền vững

Greenfeed Việt Nam với những chỉ số tài chính vừa công bố, cho thấy thương hiệu này vẫn duy trì hoạt động sản xuất và kinh doanh hiệu quả trên thị trường nông sản.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cứu lấy gần 30ha rừng ngập mặn ở Nam Định: [Bài 2] Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm?

Chủ đầu tư Khu công nghiệp Rạng Đông phải chịu trách nhiệm nếu kênh xả thải khu công nghiệp chặn dòng chảy làm gần 30ha rừng ngập mặn ven biển Nghĩa Hưng bị thiệt hại.