| Hotline: 0983.970.780

Trở về để thêm sức đi xa

Thứ Sáu 31/01/2014 , 06:40 (GMT+7)

Hoàng Tụy và Ngô Việt Trung được thừa nhận rộng rãi là hai gương mặt tiêu biểu của giới toán học làm việc ở Hà Nội nhưng vẫn đạt thành tựu ngang tầm thế giới. Sự nghiệp của GS Hoàng Tụy đã được nhiều người biết rõ. Bài này viết về GS Ngô Việt Trung và Viện Toán học Việt Nam.

Hoàng Tụy và Ngô Việt Trung được thừa nhận rộng rãi là hai gương mặt tiêu biểu của giới toán học làm việc ở Hà Nội nhưng vẫn đạt thành tựu ngang tầm thế giới. Sự nghiệp của GS Hoàng Tụy đã được nhiều người biết rõ. Bài này viết về GS Ngô Việt Trung và Viện Toán học Việt Nam. 

Tiếng vọng xa xăm của một sự nghiệp toán học 

Sau khi dự Hội nghị Những đường biên trong vật lý học tại Collège de France (Học viện Pháp) ở Paris, tôi đáp xe lửa sang Italy, thăm Trung tâm Quốc tế Vật lý lý thuyết Abdus Salam (ICTP) và Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba (TWAS) tại thành phố Trieste, bên bờ biển Adriatic, giáp Croatia.

Chiều muộn, mới tới thành phố biên giới bắc Italy. Xe lửa tiến vào ga Trieste. Bên trái con đường sắt, là mặt biển mờ sương, thấp thoáng những con thuyền thể thao căng buồm trắng lóa. Bên phải, là rừng thông biếc xanh trên vách đá dựng đứng và những ngôi nhà hai, ba tầng, mái dốc, ngói đỏ tươi.

Tôi đến thăm ICTP cũng như TWAS vì muốn được tận mắt thấy hoạt động của các bạn Việt Nam ở hai cơ quan khoa học lớn ấy. Mỗi năm nơi đây đón khoảng 4.000 nhà khoa học đến làm việc ngắn hạn hoặc dài hạn, trong đó có nhiều nhà vật lý và toán học Việt Nam. Nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ ngày thành lập ICTP (vào năm 1964), Trieste đã đón hơn 100 nghìn nhà khoa học đến từ 170 nước; 2/3 từ các nước đang phát triển ở phương nam; 1/3 từ các nước phát triển cao ở phương bắc.

Abdus Salam, nhà vật lý Pakistan được tặng Giải thưởng Nobel năm 1979, là Giám đốc đầu tiên của ICTP và cũng là Chủ tịch đầu tiên của TWAS. Ông muốn thông qua mối giao lưu bắc - nam để giúp các nhà khoa học phương nam dần tiếp cận trình độ phương bắc.

Trong bài báo này, tôi chỉ nhắc tới một cuốn sách mỏng, nhan đề "TWAS - Members Elected in 2000" (Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba - Những viện sĩ được bầu năm 2000) mà tôi được TWAS tặng. Sách dành hẳn một trang viết về nhà toán học Ngô Việt Trung:

“Ngô Việt Trung đã đạt được những kết quả đáng chú ý về nghiên cứu và tổ chức. Ông công bố những công trình đáng khâm phục, đầy ý nghĩa về những chủ đề cốt lõi của đại số giao hoán hiện đại, một trong những công cụ chính để nghiên cứu hình học các vật được xác định bởi các phương trình đa thức. Trong nghiên cứu toàn cục của các vật hình học hay nghiên cứu các điểm kỳ dị, một trong những khó khăn là cấu trúc đại số trở nên cực kỳ phức tạp. Một thành quả của ông là tìm ra phương pháp đại số thích đáng để nghiên cứu những biến dạng của các vật hình học. Những đóng góp của ông khiến ông trở thành một trong những nhà đại số học quan trọng nhất trên thế giới (one of the world’s leading algebraists)”.


GS Ngô Việt Trung

Sách ghi rõ: Ngô Việt Trung sinh tại Điện Bàn, Quảng Nam ngày 8/5/1951, đỗ thạc sĩ năm 1974, tiến sĩ năm 1978, tiến sĩ habil (tiến sĩ khoa học) năm 1983 tại Đại học Halle, Đức. Trong những năm 1983-1990 (32 tuổi), ông là Phó giáo sư Viện Toán học Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam; từ năm 1991 (40 tuổi), là giáo sư, trưởng phòng đại số và lý thuyết số Viện Toán học. Ồng là giáo sư thỉnh giảng của Đại học Nagoya, Nhật Bản, 1982; Đại học Halle, Đức, 1983; Đại học Genoa, Italy, 1985, 1988; Viện Max-Planck Toán học, Bonn, Đức, 1987, 1993, 1997; Đại học Essen, Đức, 1990, 1995, 2000; Đại học Cologne, Đức, 1990; Đại học đại đô thị Tokyo, Nhật Bản, 1999…

Lĩnh vực nghiên cứu của ông rất rộng, bao gồm: đại số giao hoán, bất biến của vành địa phương và phân bậc, cơ sở Glöbner, đối đồng điều địa phương, hình học đại số, đa tạp định thức, chỉ số chính quy Cartelnuovo-Mumford...

Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới thứ ba được thành lập ngày 5/7/1985 tại Trieste. Ban đầu, các viện sĩ của Viện là những người có gốc gác từ các nước đang phát triển, nhưng đã được tặng Giải thưởng Nobel, Huy chương Fields, hay đã trở thành viện sĩ hàn lâm ở các nước phát triển. Về sau, các viện sĩ và viện sĩ thông tấn được bầu là công dân các nước đang phát triển đã đạt các tiêu chuẩn quốc tế cao nhất (have attained the highest international standards).

Quy trình bầu viện sĩ và viện sĩ thông tấn được quy định chặt chẽ, thực hiện nghiêm minh.

Ngô Việt Trung được bầu làm viện sĩ TWAS năm 2000, khi ông 49 tuổi. Ông là viện sĩ thứ 7 người Việt Nam: Nguyễn Văn Hiệu (vật lý lý thuyết), Đào Vọng Đức (vật lý lý thuyết), Nguyễn Huy Phan (y học, đã mất), Vũ Tuyên Hoàng (nông học, đã mất), Lê Dũng Tráng (toán học), Nguyễn Văn Đạo (cơ học, đã mất), Ngô Việt Trung (toán học).

Sau Ngô Việt Trung, còn có thêm 5 nhà toán học Việt Nam nữa trở thành viện sĩ TWAS: Hà Huy Khoái (toán học), Đào Trọng Thi (toán học), Lê Tuấn Hoa (toán học), Phan Quốc Khánh (toán học) và Hoàng Xuân Phú (toán học).

Xem qua bản danh sách ấy, ta thấy rõ: Các nhà toán học chiếm tuyệt đại đa số. Ngay cả những nhà vật lý lý thuyết như Nguyễn Văn Hiệu, Đào Vọng Đức thì cũng có thể coi là nhà toán học trong vật lý. Hay nhà cơ học Nguyễn Văn Đạo là nhà toán học trong cơ học.

Toán học là ngành khoa học cơ bản số một của Việt Nam ta mà thành tựu được giới bác học quốc tế thừa nhận. 

“Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo”

Mới ba tuổi, cậu bé Trung mắc chứng bệnh bại liệt. Mẹ cậu là y tá quân đội, nên cấp cứu kịp thời, giữ lại được mạng sống, nhưng nửa người bên trái của cậu bị liệt hoàn toàn. Về sau, nhờ tập luyện mà hồi phục dần, nhưng cái chân trái vẫn mang tật suốt đời.

Thời trẻ, Trung học Trường Việt - Đức, Hà Nội. Năm 1969, anh giành giải nhất cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Anh cũng đỗ đầu cuộc thi kiểm tra kiến thức toán dành cho các học sinh đi học ở nước ngoài mà người ra đề là Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp Tạ Quang Bửu. Năm ấy, Việt Nam chưa dự thi Olympic Toán quốc tế, chứ nếu dự, thì - theo tôi nghĩ anh Trung có thể đoạt huy chương vàng. Năng khiếu toán của anh được bác Bửu chú ý ngay từ dạo ấy.

Năm 1969, anh được gọi đến tập trung để chuẩn bị đi du học. Anh sẽ sang CHDC Đức. Lúc đó, anh nghĩ rằng sở dĩ mình được du học là do mình học giỏi. Mãi sau này, anh mới biết: Theo thỏa thuận nước ta ký với các nước bạn, thì anh không đủ tiêu chuẩn du học, vì bị liệt một chân, phải chống nạng đến trường!

Nhưng Bộ trưởng Bửu vẫn gọi anh đến tập trung. Lúc đầu, bác Bửu xin cho anh sang học ở Liên Xô, nhưng bạn từ chối. Vừa lúc đó, một đoàn cán bộ Bộ Đại học CHDC Đức đến Hà Nội. Bác Bửu nói chuyện thẳng với ông thứ trưởng, trưởng đoàn, về trường hợp anh - một tài năng trẻ, về sau, rất có thể lập nên nghiệp lớn! Thế là ông này vui vẻ nhận anh sang Đức.

Lúc đầu, anh được phân công theo học công nghệ thông tin. Nhưng, sau một năm học tiếng ở Đức, anh và hai bạn nữa được cử vào học Tổng hợp Toán. Té ra bác Bửu vẫn tiếp tục đàm phán với bạn, để anh được học toán, bởi vì bác biết chắc anh rất có triển vọng về môn này. Người xưa đã nói: Con thiên lý mã, nếu không được mắt xanh của một người sáng suốt phát hiện và chăm sóc, thì rất có thể vẫn mãi mãi chỉ là một chú ngựa xoàng mà thôi!

Một ngày trong năm 1972, Trung và hai bạn kia bỗng nhận được điện thoại từ Sứ quán ta, nhắn ba người đến gặp ngay bác Bửu tại căn phòng bác lưu trú ở Hotel Stadt Berlin, khách sạn lớn nhất Berlin thời ấy. Đầu tiên, bác hỏi các bạn đã học được những gì; rồi sau đó, bác kể kinh nghiệm bác học bên Anh.

Cuộc “đàm đạo” dần chuyển sang chuyện tiếu lâm từ lúc nào không biết! Và ba bạn trẻ cứ há hốc mồm ra mà cười, quên mất rằng người kể chuyện là một vị… bộ trưởng! Lúc bác định đi ngủ thì trời đã khuya. Bác bảo ba bạn trẻ cùng ngủ ngay trong phòng với bác, trải nệm xuống sàn. Trước khi ngủ, bác còn dạy cách bấm huyệt chữa mỏi lưng, nhức đầu. Một kỷ niệm làm sao mà quên nổi

- Tôi là người chịu ơn bác Bửu nhiều lắm! Nếu không được bác đặc cách cử đi học nước ngoài, thì chưa chắc tôi đã theo nghiệp toán! - Sau này, GS Ngô Việt Trung xúc động kể lại. - Đất nước ta ngày ấy có một nhà lãnh đạo khoa học và giáo dục tài đức vẹn toàn đến thế, lại vô cùng giản dị, chan hòa, lẽ nào tôi dám phụ lòng, không trở về nước?

Bằng Việt, một nhà thơ đương đại, đã viết trong bài "Trở lại trái tim mình" mấy vần thơ về Hà Nội những năm chống Mỹ:

 Tôi trở về những ngõ nhỏ quen xưa

 Mỗi ngõ nhỏ giấu một lời tâm sự

 Tôi trở lại những lối mòn quá khứ

 Có tâm tình ta mắc nợ cha ông

 Nhịp chày sương hay tiếng trống thu không

 Nét son đượm trên vòm cong mái cổ

 Tôi trở lại những lối mòn tình tự

 Cánh bướm màu hạnh phúc cứ bay đôi

 Tiếng ve ran những điệp khúc mùa vui

 

Sông Hồng ơi! Dông bão chẳng thay màu

 Rùa thần thoại vẫn nhô đầu đội tháp

 Chùa Một Cột đổ trên đầu giặc Pháp

 Lại nở xòe trọn vẹn đóa hoa sen (…)

 Dù quân thù bắn phá cuồng điên

 Tim ta đó vẫn nguyên lành Hà Nội 

 Ôi trái tim nóng hổi

 Tôi về đây là thêm sức đi xa! 

Năm 1976, anh Trung trở về Hà Nội, với tâm thế “trở lại trái tim mình”, như một lẽ đương nhiên. Nếu người nào học xong cũng ở lại nước ngoài, rồi tự coi mình là “công dân thế giới”, thì lấy ai xây đắp nền khoa học nước ta? Anh nhận công tác tại Viện Toán học. Biết tin ấy, bác Bửu liền mời anh tới gặp tại nhà riêng ở đường Hoàng Diệu, sát kề nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vì bác Bửu từng giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng thời chống Pháp. Anh trình bày nội dung bản luận án tiến sĩ để bác nghe, và không ngờ bác lại hiểu rất nhiều về đại số giao hoán, chuyên ngành anh đang nghiên cứu.

Năm 1980, bác Bửu đưa cho anh mượn hai cuốn vở dày, ghi chép gần như toàn bộ cuốn sách toán tiếng Pháp Algèbre locale - multiplicités (Đại số cục bộ - số bội) của J.-P. Serre, một cuốn sách kinh điển về đại số giao hoán. Trang đầu của một trong hai cuốn vở đó có ghi: “Bửu, Đồ Sơn, 1973”. Như vậy là bác Bửu đã đọc rất kỹ cuốn sách của Serre ngay từ năm 1973, lúc anh Trung mới tập tễnh vào nghề bên Đức.

Kỳ lạ thay, GS Tạ Quang Bửu không phải là một vị bộ trưởng đầy quyền uy, mà là người thầy, người bạn vong niên gần gũi, “tri âm, tri kỷ” của giới toán học Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được vinh danh là “Đại tướng của Nhân dân”, thì Giáo sư Tạ Quang Bửu cũng xứng đáng được vinh danh là “Bộ trưởng của Nhân dân”.

Vẻ vang thay, “thế hệ vàng” những trí thức tham gia mở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hồi 1945, khi thế nước đang “nghìn cân treo sợi tóc”! Đó là những con người “tận trung với nước, chí hiếu với dân” từng sống và làm việc gần gũi Bác Hồ như: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Nghĩa, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Xiển, Hoàng Minh Giám, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Văn Huyên, Đặng Văn Ngữ, Trần Hữu Tước, Trần Duy Hưng…

GS Ngô Việt Trung được cử làm Tổng Biên tập tạp chí "Acta Mathematica Vietnamica" 16 năm liền. Ông đã công bố 88 công trình trên các tạp chí quốc tế có uy tín, 74 công trình được Viện Thông tin khoa học (Institute for Scientific Information, ISI) ở Mỹ ghi nhận. Từ năm 2000 đến nay, công trình của Ngô Việt Trung được trích dẫn trong 600 bài báo khoa học. Chỉ số trích dẫn (citation index) chứng tỏ công trình có hệ số ảnh hưởng (impact factor) cao.

Ông được mời làm chủ tịch 12 hội nghị quốc tế về đại số giao hoán, toán học rời rạc và tổ hợp, chỉ số chính quy, đối đồng điều địa phương tổ chức ở phương Tây. Năm 2009, ông được tặng Giải thường Nhân tài đất Việt.

Viện Toán học là nơi tập hợp nhiều nhà toán học hàng đầu nước ta, có tới 28 tiến sĩ khoa học, 39 tiến sĩ, 19 giáo sư, 22 phó giáo sư. Gần nửa thế kỷ qua, Viện đã công bố hơn 1.400 công trình trên các tạp chí quốc tế, hơn 700 công trình trên 2 tạp chí của Viện là "Acta Mathematica Vietnamica" và "Vietnam Journal of Mathematics". Tính đến gần đây, đã có 7 luận án tiến sĩ khoa học và 121 luận án tiến sĩ được bảo vệ tại Viện; hơn 200 thạc sĩ do Viện đào tạo.


Từ trái sang phải: GS Ngô Huy Cẩn (thân sinh GS Ngô Bảo Châu), GS Ngô Bảo Châu, GS Gérard (người Pháp, thầy của GS Châu), GS Lê Tuấn Hoa (Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam) và GS Ngô Việt Trung tại  Hyderabad, Ấn Độ, tháng 8/2010, sau khi GS Châu nhận Huy chương Fields

Viện sĩ Ngô Việt Trung giữ chức Viện trưởng Viện Toán học trong 5 năm 2007-2013. Hiện nay, ông chuyển sang làm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Chủ tịch là GS Ngô Bảo Châu).

Hoàng Tụy và Ngô Việt Trung là hai gương mặt tiêu biểu của giới toán học Việt Nam đã vượt ra tầm thế giới. Cuộc đời và sự nghiệp của hai nhà toán học “đồng hương đất Quảng” cùng quê ở Điện Bàn, Quảng Nam ấy chứng tỏ một điều: Trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, khi đất nước bị bao vây, cấm vận, nhà toán học vẫn có thể vươn lên tạo dựng sự nghiệp lỗi lạc của mình…Và, như Bác Hồ đã viết trong bức thư riêng gửi GS Tôn Thất Tùng năm 1947, chẳng bao lâu sau đêm tiếng súng Kháng chiến toàn quốc nổ ran: “Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền, cháu thảo”.

Vâng, Tổ quốc sẽ nhớ công những ai đã gắn bó với núi sông này trong gian nan và hy vọng.

 

Xem thêm
Đưa tư duy thị trường vào phát triển khoa học - công nghệ trong nông nghiệp

Chiều 19/4, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị trao đổi về nội dung phối hợp hoạt động khoa học - công nghệ (KHCN) giữa hai bộ.

Giá cam sành giảm mạnh, nông dân thất thu

ĐBSCL Hiện tại, cam sành loại 1 chỉ còn 5.000 đồng/kg, giảm 4.000đồng/kg so với dịp Tết Nguyên đán. Với giá bán hiện tại người trồng cam thua lỗ từ 2.000 - 3.000 đồng/kg.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Sìn Hồ thiệt hại nhiều cao su do mưa đá, gió lốc

Mưa đá gió lốc đã khiến hàng nghìn cây cao su bị gãy đổ, hàng trăm hécta phải dừng khai thác, cạo mủ. 

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm