| Hotline: 0983.970.780

Trộn lốp cao su để ép dầu ăn

Thứ Tư 17/07/2013 , 09:42 (GMT+7)

Được người dân thuê ép lạc để lấy dầu ăn, ông Căn và con trai mình là Thạnh đã cắt nhỏ lốp cao su và bỏ thêm vào mẻ ép.

Hàng chục hộ dân trồng đậu phụng (lạc) ở thôn Châu Lâu, xã Điện Thọ (Điện Bàn, Quảng Nam) làm đơn gửi đến cơ quan chức năng xử lý việc một cơ sở ép đậu phụng trộn lốp cao su (ruột lốp xe máy, xe đạp cắt nhỏ) vào trong quá trình ép.

GIAO TRỨNG CHO ÁC!

Theo phản ảnh của người dân thôn Châu Lâu, sau khi thu hoạch phơi khô đậu phụng, người dân trong thôn mang đến cơ sở ép dầu của ông Trương Căn, ở cùng thôn để ép thành dầu ăn. Tuy nhiên sau khi nhận dầu về người dân phát hiện trong dầu ăn xuất hiện nhiều váng đen, mùi khét lẹt.

Người dân tìm hiểu thì phát hiện trong quá trình ép, con trai của ông Căn là Trương Công Thạnh, đã cắt nhỏ lốp cao su bỏ chung với đậu phụng. Việc làm như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt hàng trăm người dân trong thôn hàng ngày ăn loại dầu này.

Ăn không được, bán không xong, người dân đòi ông Căn bồi thường. Tuy nhiên người dân chờ đợi trong một thời gian nhưng ông Căn vẫn không đáp ứng, do đó họ viết đơn gửi đến Công an xã Điện Thọ để được giải quyết. Tất cả có 30 hộ dân ép dầu tại nhà ông Căn. Tổng số dầu ăn bị trộn cao su khi ép ước tính hơn 2.000 lít, với giá bán 90.000 đồng/lít, người dân thiệt hại 180 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Tài, ở thôn Châu Lâu, một người đưa đậu phụng đến cơ sở ông Căn ép, cho biết: “Tôi trồng 3,5 sào đậu phụng, sau khi thu hoạch đem phơi khô và đưa đến ép lấy được hơn 140 lít dầu. Sau đó đưa về thì phát hiện dầu có váng đen, đáy can đựng dầu có một lớp cặn màu đen đóng lại. Tôi đổ ra xem thì phát hiện là các hạt cao su li ti. Không chỉ nhà tôi mà các nhà khác cũng vậy, hiện chúng tôi mong muốn được đền bù”.


Bà Nguyễn Thị Tài bên những can dầu đậu phụng có váng đen, mùi khét lẹt

XỬ LÝ THẾ NÀO?

Ông Nguyễn Quang Long, Trưởng công an xã Điện Thọ cho biết: “Công an xã đã làm việc với ông Trương Căn. Ông Căn đã thừa nhận có ép dầu cho nhiều hộ dân trong địa phương bằng cách cho thêm lốp cao su vào cùng đậu phụng. Ông cũng hứa sẽ bồi thường cho những hộ dân bị thiệt hại do việc làm này”.

Việc trộn cao su ép dầu, ông Căn cho rằng, khi chạy máy ép đậu thì máy thường bị kẹt do dầu đậu phụng bám vào thân máy. Do đó, trong quá trình chạy máy để ép đậu phụng, ông dùng các miếng cao su có độ dài khoảng 10 cm, rộng 2 cm, để bỏ vào máy ép. Cách làm này nhằm tránh nghẹt máy, tăng thời gian hoạt động. Ông cũng chỉ mới tiến hành sử dụng “công nghệ” này.


Những hộ dân thôn Châu Lâu điêu đứng vì dầu ăn bị trộn lốp cao su ép

Việc xử lý tiếp theo, ông Long cho hay: “Theo chỉ đạo của phía huyện thì đây là vụ việc không đủ điều kiện để xử lý hình sự, nên để cho các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì người dân có thể kiện ông Căn ra tòa án dân sự”.

Sau khi sự việc xảy ra, các cơ quan chuyên môn tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc và phát hiện có sự việc như bà con thôn Châu Lâu phản ánh. Kết quả phân tích ban đầu cho thấy dầu ăn ép cùng lốp cao su ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng. Các cơ quan chuyên môn sẽ có hướng xử lý nghiêm.

Được biết, cao su từ những lốp xe có chứa nhiều tạp chất bẩn, khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, đặc biệt có thể dẫn đến bệnh ung thư.

Cục An toàn thực phẩm (ATTP), Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Sở Y tế và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Nam kiểm tra cơ sở ép đậu phụng trộn lốp cao su trong quá trình ép. Đồng thời, Cục ATTP yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật nếu phát hiện sai phạm và báo cáo kết quả xử lý về Cục ATTP trước ngày 20/7/2013 để Cục ATTP tổng hợp báo cáo Bộ Y tế.

Xem thêm
Tạm giữ 300 chiếc xe đạp không rõ nguồn gốc

THÁI NGUYÊN 300 chiếc xe đạp vi phạm có tổng trị giá 300 triệu đồng, trên vỏ hộp và hàng hoá không có thông tin về nơi sản xuất, xuất xứ.

Bắt tạm giam 3 nguyên Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo ở Quảng Nam

Các bị can đã có hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, thỏa thuận và nhận hối lộ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong đấu thầu thiết bị giáo dục.

Bình luận mới nhất

Nông nghiệp tuần hoàn: Làm sao để tiết kiệm nguồn phụ phẩm thừa từ chế biến thủy sản? Trả lời: Ủ vi sinh để tận dụng, tiết kiệm phụ phẩm thừa từ quá trình chế biến thủy hải sản để tạo ra sản phẩm dành cho cây trồng. Ví dụ như các sản phẩm Đạm cá vi sinh, Đạm trứng vi sinh… Tình hình kinh thế thế giới nói chung hiện nay, Việt Nam nói riêng, thì nhu cầu về lương thực, cụ thể là ngành nông nghiệp đang rất thiết yếu và sáng sủa so với những ngành khác, vì vậy sản phẩm dành cho cây trồng, nhất là hữu cơ và sinh học được Nhà nước ủng hộ, cũng tốt cho môi trường nói chung. Còn khó khăn về pháp lý là việc sản xuất và lưu hành sản phẩm, như phân bón hoặc thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng thì yêu cầu các loại giấy phép nhiều như: Giấy phép môi trường, phòng cháy chữa cháy, chứng nhận ISO… Tuy nhiên, với dòng sản phẩm Chế phẩm vi sinh vật, điều kiện dễ dàng hơn, theo Tiêu chuẩn Việt Nam 6168:2002 –Chế phẩm vi sinh vật phân giải xenlulozo dành cho cây trồng. Doanh nghiệp hoặc hợp tác xã chỉ cần sản xuất đúng thực tế là đã có thể sản xuất và lưu hành sản phẩm được. Đây là 1 hướng mở để tận dụng được nguồn phụ phẩm trong ngành Chế biến thủy sản mà một số công ty đã và đang áp dụng vào thực tế. Minh Khang: 0967.292.160
+ xem thêm