| Hotline: 0983.970.780

Trồng "bắp nặm" lãi gấp 4 lần trồng lúa

Thứ Năm 26/02/2015 , 06:15 (GMT+7)

Cây "bắp nặm" mọc hoang dã trên những khu vực đầm lầy, đất ngập nước của huyện Ba Bể (Bắc Kạn). Những năm gần đây, loại cây này trở thành món ăn đặc sản cho hiệu quả kinh tế gấp 4 lần so với trồng lúa.

Dịch theo tiếng gọi của dân tộc Tày tại huyện Ba Bể, bắp nặm có nghĩa là “cây bắp nước”. Cây có đặc điểm lá xanh, dài và gân cứng như lá mía. Chỉ mọc, phát triển ở môi trường nước hoặc đất bùn trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 10 âm lịch là bắt đầu cho thu hoạch bắp sang đến hết tháng 3 năm sau.

Tuy nhiên, bắp nặm chỉ ăn ngon nhất là từ tháng 10 đến hết tháng 3 âm lịch, trước thời điểm có sấm sét, mưa rào.

Bắp nặm đẻ nhánh dưới bùn lầy hoặc dưới mặt nước, có chu kỳ phát triển theo mùa vụ, mọc thành từng khóm như cây lúa. Khi cây phát triển tốt nhất, ngọn lá sẽ cao hơn mặt nước khoảng 1,5 m, cũng là lúc chúng hình thành bắp ngay dưới gốc.

Bắp có hình dáng giống bắp ngô, có bẹ bao bọc xung quanh, nhưng thường nhỏ như bắp ngô bao tử, bởi bắp to nhất mới có đường kính phần lõi khoảng 3 cm và dài từ 10 - 13 cm.

Bắp nặm kháng sâu bệnh tốt, có khả năng sinh trưởng nhanh trong môi trường tự nhiên. Nơi đất tốt, nước lưu thông đều đặn, chỉ trồng 1 lần, có thể thu hoạch liên tục tới 3 năm mới phải trồng lại.

Chị Tô Thị Thuận, xóm Nà Kiêng, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể là người trồng cây bắp nặm này từ nhiều năm, chia sẻ: “Bắp nặm rất dễ trồng, không cần phải vãi phân chăm sóc, hay phun thuốc trừ sâu như cây lúa. Để bắp cho củ to, phải chịu phát và tỉa sạch lá già giống như vệ sinh cây mía. Nếu không phát tỉa thì gốc thiếu ánh sáng, củ sẽ không to”.

Hầu hết những gia đình có kinh nghiệm trồng bắp nặm lâu năm tại Ba Bể đều thích loại cây này, bởi có thể thu hoạch hết từ lá đến củ, không bỏ bất cứ thứ gì. Lá mềm giòn, có vị ngọt, rất tốt trong việc làm thức ăn cho gia súc hoặc nuôi cá...

Cũng theo chị Thuận, với 1 sào mặt nước đầm lầy chị vừa trồng cây bắp nặm vừa nuôi cá. Trồng bắp nặm theo hàng vuông vắn với khoảng cách 1m2 là 4 gốc, mỗi gốc đến khi thu hoạch được 25 - 30 bắp, bán buôn tại ruộng khoảng 30.000 - 35.000 đ/kg. Giá bắp nặm tăng đều hằng năm và chưa khi nào bị ế hàng.

Chính nhu cầu của các nhà hàng ăn uống trong vùng, cùng nhu cầu tiêu dùng của người dân, đã giúp cho những gia đình trồng cây bắp nặm luôn trúng giá hơn so với cùng diện tích đất đầm lầy khi cấy lúa.

Anh Bế Đức Thanh, Chủ tịch UBND xã Khang Ninh (Ba Bể) cho rằng: “Cây bắp nặm có ở đây từ lâu và là món đặc sản. Nhiều nhà trồng để lấy lá nuôi cá và lấy củ bán. So với trồng lúa thì lãi hơn nhiều”. Hy vọng rằng, cây bắp nặm sẽ cùng với những sản vật đặc trưng khác nơi đây, sẽ đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái tại vùng lòng hồ Ba Bể.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.