| Hotline: 0983.970.780

Trồng bơ sáp... tháp xe hơi

Thứ Tư 27/04/2011 , 10:54 (GMT+7)

Nhìn ngôi nhà xây đồ sộ thiết kế theo kiểu Thái Lan và chiếc xe hơi đời mới, ít ai nghĩ chủ nhân là một nông dân xây dựng bằng tiền thu nhập từ cây bơ ăn trái.

Nhìn ngôi nhà xây đồ sộ thiết kế theo kiểu Thái Lan và chiếc xe hơi đời mới, ít ai nghĩ chủ nhân là một nông dân xây dựng bằng tiền thu nhập từ cây bơ ăn trái.

Đó là anh Nguyễn Đăng Trung ở thôn Tiền Yên, xã Lộc Đức, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, một trong những gương điển hình vượt khó làm giàu. Anh không chỉ là người giỏi về canh tác cây bơ mà còn đi tiên phong ghép giống bơ đầu dòng tạo ra thế hệ bơ mới có năng suất và chất lượng cao.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Thế Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng cho biết: “Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu quanh năm mát mẻ, cây bơ sáp ở tỉnh Lâm Đồng nói chung, huyện Bảo Lâm nói riêng, phát triển rất mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt, hàm lượng chất béo cao, thịt rất mịn và dẻo. Hiện toàn tỉnh có khoảng trên 300ha, trồng phân bố ở các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh, TX Bảo Lộc, trong đó huyện Bảo Lâm trồng khoảng trên 100ha, chủ yếu trồng xen canh trong vườn cà phê. Định hướng những năm tới sẽ khuyến cáo nông dân phát triển trồng nhiều diện tích loại cây hiệu quả kinh tế cao này và xây dựng thương hiệu cho cây bơ của huyện Bảo Lâm”.

Anh Nguyễn Đăng Trung, chủ trang trại cho biết: Năm 2003 anh đến Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm chè và cây ăn quả tỉnh Lâm Đồng mua được 300 cây bơ sáp (một trong những giống bơ đầu dòng có mã số BLĐ 001-0010 của tỉnh Lâm Đồng) về trồng. Lúc đầu do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật cây bị chết gần hết, anh mày mò tìm kiếm thông tin trên sách báo. Đặc biệt, anh được ông Phạm S, giám đốc Trung tâm lúc bấy giờ, người đang nghiên cứu ghép các giống bơ đầu dòng, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trị một số bệnh trên cây bơ.

Anh nhanh chóng áp dụng khoa học kỹ thuật vào vườn bơ của mình, một thời gian sau bơ phát triển rất tốt cây nào cây nấy lúc lỉu quả, cho năng suất và chất lượng rất cao, nhiều trái đạt 1 – 1,2kg, bán được với giá cao gấp nhiều lần so với bơ bình thường. Từ những thành công ban đầu, anh vừa trồng vừa nghiên cứu ghép thêm giống mới, tới nay trong trang trại của anh đã có 700 cây bơ (cây 8 năm tuổi để làm chồi ghép) giống đầu dòng, sạch bệnh, cho năng suất và chất lượng tốt.

Anh Trung cho hay, bơ là loại cây rất dễ trồng, có thể trồng chuyên canh hoặc trồng xen canh trong vườn cà phê. Nếu trồng chuyên canh khoảng cách 6m x 6m, 1 ha trồng 260 cây; nếu trồng xen canh khoảng cách 10m x 10m, 1ha trồng 100 cây. Cách trồng, đào hố vuông 50cm, trộn phân chuồng hoai mục và đất mùn san phẳng, dùng dao sắc rạch bịch, hạ cây bơ giống xuống lấp chặt xung quanh, nếu trời mưa không cần tưới. Phân bón chủ yếu dùng phân NPK 20 – 20 - 10 với lượng không đáng kể, khi cây phát triển tốt sẽ bón tăng liều lượng theo năm.

 Cây bơ ít bệnh, không cần dùng thuốc bảo vệ thực vật. Bơ trồng chuyên canh năng suất trung bình đạt 70 – 80 tấn/ha/năm, nếu chăm sóc tốt đạt 100 – 120 tấn/ha/năm, giá bán sỉ từ 20.000 – 30.000đ/kg. Nếu so sánh với cà phê thì cây bơ đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn, dễ trồng hơn, đầu tư chi phí thấp hơn. Với cây bơ ghép giống 034 tán xòe, thấp cây, trái có trọng lượng từ 500 – 600g, hình giống trái dưa leo, dài khoảng 20 – 30cm, hạt nhỏ, thịt dẻo, riêng loại này 1 năm thu được 2 vụ.

Anh Trung kể, từ năm 2006 đến nay, sức tiêu thụ quả bơ tăng lên đều đặn mỗi năm, kể cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Thị trường phát triển là động lực cho sản xuất và dẫn đến nhu cầu cao về cây giống. Lúc đầu tôi chỉ nghĩ ghép bơ giống để gia đình trồng, nhưng cây giống làm ra không kịp, ghép nhú cây nào là người ta ẵm luôn cây đó. Có cầu ắt có cung, tôi chuyển sang sản xuất cây giống từ đó.

Hiện nay, mỗi năm anh cung cấp cho thị trường khoảng 30.000 – 40.000 cây. Giá cả tùy thuộc vào từng loại giống, giống 034 và giống 036 bán 40.000đ/cây, các giống khác bán 25.000đ/cây. Thị trường tiêu thụ rất mạnh, hiện nay anh đang cung cấp giống cho các huyện Bảo Lâm, Lâm Hà, Đức Trọng; bán sang cả các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai… chủ yếu người dân tự tìm đến mua.

Năm 2009 Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng tổ chức “Hội thi cây bơ năng suất cao, chất lượng tốt tỉnh Lâm Đồng lần thứ 3” (3 năm tổ chức 1 lần) anh đã đoạt giải cao. Giống bơ ghép của anh được lọt vào tiêu chí bình chọn, được khảo sát, so sánh và cuối cùng hội đồng khoa học chọn và công nhận vườn bơ đầu dòng có năng suất cao, chất lượng tốt, đó là những cây có mã số: BLĐ (bơ Lâm Đồng) 004; 005; 007;012; 018; 034; 036.

Qua việc trồng và sản xuất giống bơ sáp, tới nay anh Nguyễn Đăng Trung đã có trong tay 14 ha trồng bơ sáp trong đó có 7 ha trồng chuyên canh và 7 ha trồng xen canh trong cà phê. Anh đã xây được nhà kiên cố, mua xe hơi đời mới, tự lái xe thăm trang trại. Ngoài ra anh còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động với mức lương 2 triệu đồng/tháng và 30 lao động thời vụ lương từ 100.000 – 120.000đ/ngày.

Xem thêm
Chăn nuôi hướng đến hiệu quả bền vững tại Sóc Trăng

Gói giải pháp chăn nuôi toàn diện từ con giống, thức ăn, thuốc thú y và hỗ trợ kỹ thuật của nhà phân phối Bích Phúc giúp nhiều nông hộ đạt lợi nhuận tốt.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Doanh nghiệp đầu tiên công bố sản xuất cà phê tuân thủ EUDR

ĐẮK LẮK Simexco DakLak đã được cấp chứng nhận tuân thủ EUDR cho 4.957 nông dân với diện tích 5.375ha trong vùng liên kết.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.

Bình luận mới nhất