| Hotline: 0983.970.780

Trồng bơ, vơ được tiền

Thứ Tư 03/09/2014 , 08:56 (GMT+7)

Những ngày này lên vùng miền tây huyện Gio Linh (Quảng Trị) câu hỏi cửa miệng của bà con là nhà anh, chị năm nay thu về được mấy chục triệu đồng từ quả bơ. 

Giá mỗi kg bơ từ 15 đến 20 ngàn, có khi đến 40 ngàn đồng khiến người trồng bơ có thu nhập hơn 200 triệu đồng/ha.

Cây bơ đầu tiên

Trồng bơ đang là mô hình SX được người dân ở vùng này quan tâm nhất cùng với cây hồ tiêu. Lâu nay cứ ngỡ cây bơ chỉ sống được Tây Nguyên, nào ngờ miền tây Gio Linh cũng là nơi trồng bơ lý tưởng.

Nhà ông Hồ Mạnh ở thôn An Bình, xã Gio An chỉ trồng 1 cây bơ ở vườn nhưng năm nào ông cũng bán được 5 đến 6 triệu đồng. Thấy bơ có giá trị kinh tế, ông Mạnh có kế hoạch mùa mưa đến sẽ đầu tư trồng bơ trên diện tích lớn.

Bây giờ, nhiều người biết ăn quả bơ nên bơ bán rất chạy ở thị trường Quảng Trị. Trở lại câu chuyện cây bơ bén duyên trên đất tây Gio Linh, 40 năm trước ông Lâm Công Lũy ở thôn Gia Bình là người trồng cây bơ đầu tiên ở xã Gio An.

Ngày ấy, sau khi nước nhà thống nhất, đại tá Bùi Thế Tâm trở về thăm quê và tặng cho người bạn của mình là ông Lũy một cây bơ và dặn rằng loại cây này có giá trị dinh dưỡng cao và giá trị kinh tế lớn, cố gắng nhân giống cho bà con mình.

Không biết ông Tâm tuyển chọn cây bơ này ở vùng nào nhưng khi được trồng ở đất đỏ bazan Gio An bơ lên mạnh khỏe, tươi tốt. 6 năm sau thì cây ra hoa. Nhưng mùa đầu tiên ấy cây bơ chỉ cho được 20 trái.

Cầm quả bơ vừa chín tới ông Lũy mừng rỡ vì ít ra thì ông sẽ ươm thêm được 20 cây để tặng bà con. Năm sau, ông lại xin được từ Đăk Lăk về thêm 2 hạt giống nữa và ươm thành công. Cây bơ giống Đăk Lăk nhanh lớn, trái sum xuê. Không ít năm sau, cả xã Gio An nhà nào cũng có bơ được nhân giống từ 2 cây bơ có nguồn gốc Đăk Lăk này.

Rồi cả vùng miền tây Gio Linh vốn là đất đỏ bazan nên phù hợp phát triển cây bơ. Vì trồng bơ rất dễ, trồng ở vườn nhà, vườn đồi chỗ nào bơ cũng lên xanh tốt và trĩu quả.

Trung bình mỗi ha đất trồng được chừng 150 đến 200 cây bơ. Với năng suất từ 8 tấn đến 15 tấn/ha, giá bán tại vườn mỗi cây bơ từ 1 đến 2 triệu đồng thì trung bình trồng mỗi ha bơ thu được 200 đến 300 triệu đồng, lời hơn nhiều loại cây khác trên một đơn vị diện tích.

Ông Lê Phước Hoạch ở thôn An Nha, xã Gio An có 10 cây bơ trong vườn, không cần chăm sóc nhưng năm nào cũng thu về hàng chục triệu đồng từ việc bán bơ quả. Thấy có giá trị kinh tế cao so với các loại cây khác, ông Hoạch quyết định sẽ đầu tư mở rộng diện tích trồng bơ ở phần đất còn lại của gia đình.

Khi bơ hái ra tiền

Ông Hồ Xuân Hải, Chủ tịch xã Gio An tính toán nếu đẩy mạnh trồng bơ kinh tế thì mỗi năm trung bình một gia đình nông dân ở xã này thu về thêm được vài chục triệu đồng, góp phần đáng kể để cải thiện cuộc sống.

Thực tế từ khi các giống bơ đã được thuần hóa với khí hậu, thổ nhưỡng ở miền Tây huyện Gio Linh thì việc phát triển bơ trên diện tích rộng đang được nhiều người dân tính đến vì bơ là cây lâu năm, chịu hạn tương đối tốt.

Giống bơ ở tây Gio Linh thường ra hoa vào tháng Chạp năm trước đến tháng Giêng năm sau. Khi thu hoạch vào tháng bảy và tháng tám (ÂL), tiết trời khô nắng nên quả bơ rất ngon, dẻo mà không bị nước. Chính vì thế mà bơ của Gio Linh được nhiều thị trường ưa chuộng.

Không riêng gì ở Gio An, ông Nguyễn Văn Hanh ở xã Hải Thái trồng 20 cây bơ trong vườn. Năm nào gia đình ông cũng thu về từ bơ 20 đến 30 triệu đồng. Ông Hanh cho biết bơ trồng rất dễ, ít chăm sóc mà có giá trị kinh tế cao nên nhiều người muốn phát triển bơ trên diện tích rộng lớn.

08-07-19_bo-gio-linh-2
Nhà vườn ở Tây Gio Linh phân loại bơ trước khi bán cho tư thương

Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Trị đánh giá, việc huyện Gio Linh chú ý phát triển mô hình trồng bơ là hợp lý. Bơ là cây ăn quả lâu năm, phù hợp với đất đai thổ nhưỡng ở Gio Linh, khi trồng có thể xen canh với nhiều loại cây khác.
Hiện tại, trồng bơ cho thu nhập cao, giúp cải thiện đời sống người dân. Nếu có thị trường thuận lợi, chú ý đến xuất khẩu thì người trồng bơ sẽ có thu nhập cao hơn bán tại thị trường trong nước. Ngoài huyện Gio Linh, các địa phương như huyện Hướng Hóa, Cam Lộ, Vĩnh Linh cây bơ cũng có thể phát triển tốt.

Ông Lê Văn Toàn, Phó phòng NN-PTNT huyện Gio Linh đánh giá cao mô hình trồng bơ ở tây Gio Linh. Theo ông Toàn diện tích cây bơ toàn huyện hiện có gần 100 ha, như vậy là quá ít so với tiềm năng đất đai ở đây. Trong lúc cao su cũng đang dần dần mất vị thế trên thị trường thì người dân chú ý đến cây bơ như một hướng phát triển trong tiến trình tái cơ cấu SX nông nghiệp.

Đặc biệt là trồng xen cây bơ với nhiều loại cây khác như sắn, vườn chè, cà phê, môn khoai, làm cây bóng mát mang lại giá trị cao.

Ông Toàn cho hay trồng xen cây bơ, vừa làm bóng mát, vừa chắn gió, vừa giữ độ ẩm, đỡ công tưới cho cà phê, giảm chi phí đầu tư. Phần lớn giống bơ ở miền tây Gio Linh mang chủng Antilles hoặc West Indian có lá to, lá thường có màu sắc gần như đồng đều ở hai mặt lá.

Quan sát thấy giống bơ này chịu hạn tốt vì vùng tây Gio Linh thường có nắng nóng và gió Lào nhưng cây vẫn rất trĩu quả. Thời gian từ lúc trổ hoa đến lúc trái chín thường từ 6 đến 9 tháng. Trái to, có trái rất to. Cuống trái ngắn, vỏ trái hơi ngắn và dai.

Da trái có màu xanh và khi chín thì đổi sang màu xanh hơi vàng có quả tím. Hạt khá lớn và nằm lỏng trong lòng quả, khi chín lắc qua nghe tiếng kêu. Mặt ngoài của hạt sần sùi, vỏ bao quanh hạt không dính liền với hạt.

Với lợi thế được thiên nhiên ưu đãi về thổ nhưỡng, khí hậu cây bơ ở tây Gio Linh phát triển rất mạnh, năng suất cao, chất lượng tốt, hàm lượng chất béo cao, thịt mịn và dẻo.

Để mô hình trồng cây bơ phát triển bền vững, Phòng NN-PTNT huyện phối hợp Trạm Khuyến nông thường xuyên mở các lớp tập huấn, chuyển giao quy trình kỹ thuật chăm sóc cũng như phòng trị một số bệnh trên cây bơ cho nông dân.

Chủ tịch UBND huyện Gio Linh, ông Trần Ngọc Lân chia sẻ: "Trong việc tái cơ cấu SX nông nghiệp chúng tôi xác định ở vùng đất đỏ bazan miền tây Gio Linh ngoài cây hồ tiêu thì cây bơ rất được quan tâm, đây là cây trồng rất hiệu quả kinh tế, ít sâu bệnh.

Sắp đến huyện sẽ tổ chức hội nghị tìm hướng phát triển cây bơ phù hợp với các giống bơ tốt như bơ sáp vừa chất lượng vừa có giá bán cao.

Trước mắt, giao Phòng NN-PTNT hướng dẫn bà con chọn giống bơ tốt để kịp thời trồng bơ trong mùa mưa đến. Tuy nhiên, khi trồng bơ kinh tế thì cần chú trọng các biện pháp KHKT như phân bón, thuốc chữa bệnh cho cây. Phấn đấu đưa diện tích trồng bơ lên đến 300 ha để tăng thu nhập cho nông dân lao động".

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Cục Thú y ban hành hướng dẫn phòng, chống bệnh cúm gia cầm

Cục Thú y khuyến cáo, khi phát hiện gia cầm chết hàng loạt không được giấu dịch, cần thông báo ngay cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y.

Siết quản lý sâu đầu đen hại dừa

UBND tỉnh Bến Tre vừa có công văn yêu cầu các ngành, địa phương tăng cường các biện pháp quản lý sâu đầu đen hại dừa trước dấu hiệu gia tăng.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất