| Hotline: 0983.970.780

Trồng cao su ven biển miền Trung, phải chăng 'trứng chọi đá'?

Thứ Ba 19/09/2017 , 09:30 (GMT+7)

Cơn bão số 10 năm 2013, tàn phá miền Trung làm gãy đổ hàng ngàn ha cao su, như "định mệnh", bốn năm sau cũng cơn bão số 10 đã gần như san phẳng cao su trồng ven biển miền Trung.

Phải chăng, đem cây cao su về vùng thường xuyên chịu bão gió chẳng khác nào trứng chọi đá mà nhãn tiền là 2 cơn bão chỉ cách nhau 4 năm đã mang lại hậu quả khủng khiếp.

Tiến sĩ Nông nghiệp Đinh Thanh Sang (Trường Đại học Bình Dương) khi trao đổi với PV NNVN đã đặt thẳng ngay vấn đề: "Khi du nhập cây cao su vào Việt Nam chắc chắn người Pháp đã nghiên cứu rất kỹ nên họ đã không qui hoạch trồng cao su ở các tỉnh ven biển miền Trung. Thế nên, khi chúng ta đưa cây cao su vào trồng tại khu vực này, tức là chấp nhận "sống chung" với mạo hiểm đầy rủi ro, vì vậy biện pháp kỹ thuật như thế nào để giảm bớt thiệt hại sau mỗi lần mưa bão là vấn đề cần tính toán kỹ.

15-23-18_h3jpg
TS Đinh Thanh Sang

PV: Ông có thể nói rõ hơn?

TS Đinh Thanh Sang: Cây cao su vốn có đặc tính giòn, rễ mọc ngang, tán lá dày, nên chỉ cần bão giật cấp 10, cấp 11 với vận tốc trên 100 km/giờ như vừa qua ở ven biển miền Trung khiến cây gãy đổ hàng loạt là điều dễ hiểu. Nghiên cứu khoa học cho thấy, cây cao su chỉ thích hợp với tốc độ gió 2-3 m/s, chỉ cần gió cấp 8 là có thể gãy ngọn, gió cấp 10 có thể làm cây bật gốc rồi.

Vì vậy, nếu đã trồng cao su tại vùng này, trước hết hãy tỉnh táo chọn giống phù hợp. Trước hết, cần tuân thủ nghiêm ngặt việc chọn giống có đặc tính chống đổ ngã, đó là giống rễ sâu, tán thấp, thân to, nên sử dụng các cây giống ươm trong bầu. Đặc biệt là các giống có khả năng chịu được gió, rút ngắn được thời gian khai thác như GT1, PB 255, PB 260, RRIM 600..

Nhưng để làm được việc này, các cơ quan chức năng, các Cty cao su phải đưa ra khuyến cáo cho người dân biết để chọn giống, tránh mua giống trôi nổi trên thị trường.

PV: Thực tế cho thấy, nông dân trồng cao su ở tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình phần lớn là tự phát, manh mún, nên thay vì trồng cao su ven biển phải dựa theo địa hình và hướng gió để khi có chuyện xảy ra thì gió có thể dễ dàng thoát ra nhằm giảm thiểu phần nào gây hại. Ý kiến ông thế nào?

TS Đinh Thanh Sang: Vấn đề này đúng nhưng không đủ, bởi khi có bão xảy ra ở đây, không chỉ có cao su tiểu điền mà cả đại điền (Cty cao su) cũng bị thiệt hại rất nặng, trong khi đối với diện tích cây cao su đại điền của nhà nước thì không thể nói họ trồng mà không có qui hoạch tiểu vùng, thiết kế vườn cây trước đó.

Còn nhớ, cơn bão số 10 năm 2013, chúng ta từng chứng kiến hàng ngàn ha cao su bị ngã đổ, trong đó không ít là diện tích cao su đang cho khai thác. Bốn năm sau, năm 2017 tình trạng này tiếp tục lặp lại và gần như có chung đặc điểm "thiệt hại năm sau cao hơn năm trước".

Thế nên, lần nữa chúng ta phải dứt khoát khuyến cáo người dân ven biển miền Trung không nên trồng cao su, còn nếu có mạo hiểm trồng cũng chỉ nên trồng ở những vùng ít bị chịu ảnh hưởng hướng gió chính của bão, hoặc trồng trên địa hình nằm phía sau rừng cây lâm nghiệp chắn gió nhằm hạn chế tác động trực tiếp hướng đi chính của bão đối với diện tích cao su. Chỉ làm tốt công tác này mới đảm bảo mức độ thiệt hại giảm đi.

PV: Thưa ông, đối với diện tích cao su dân "lỡ trồng", hoặc họ vẫn quyết tâm trồng thì biện pháp kỹ thuật phải thế nào?

TS Đinh Thanh Sang: Trồng cao su tại các tỉnh ven biển Trung bộ, nhất thiết phải có các chính sách khuyến khích việc bảo vệ và trồng các loài cây thân gỗ có khả năng chống chịu gió làm vành đai chắn bão.

15-23-18_h2jpg
Cao su tiểu điền ở tỉnh Quảng Bình bị đổ ngã sau bão

Đây là một biện pháp vô cùng quan trọng để phòng tránh bão cho cây cao su, đó là trồng rừng keo chung quanh làm vành đai bảo vệ. Ngoài ra, trồng cao su tại đây không nên chạy theo số lượng, tức trồng với mật độ dày theo truyền thống (bình quân 500 - 550 cây/ha), trồng kiểu này sẽ tạo nên sức cản gió lớn khiến cây nhanh chóng gãy đổ khi gặp bão. Mặt khác, cây cao su đang trong thời kỳ khai thác phải khai thác đúng quy trình kỹ thuật, không nên vì lợi ích trước mắt mà khai thác theo kiểu “vắt kiệt” làm cây suy yếu khiến dễ đổ ngã. Đối với vườn cao su đang giai đoạn kiến thiết cơ bản (KTCB) thì tăng cường bón phân để cây chắc rễ, chống chịu được với gió bão.

PV: Còn biện pháp khắc phục hậu quả các vườn cây cao su bị đổ ngã?

TS Đinh Thanh Sang: Theo tôi, đối với những vườn cao su lâu năm đang cho khai thác bị đổ ngã sau khi "phục dựng" thì nên tỉa nhánh, cắt ngọn không cho cây ra tán rộng nữa. Bởi vì tán rộng, lá dày khi có gió bão cây sẽ cuốn theo gió, kéo theo phần gốc rễ lung lay theo rồi ngã đổ. Trường hợp đối với vườn cao su mới trồng trong thời gian KTCB từ 2-3 năm, sau khi cây phát triển được 3 tầng lá thì nên mạnh dạn cắt ngọn không cho cây vươn cao. Độ cao mỗi cây cao su nên khống chế bằng cách cắt ngọn cao su để chiều cao cây không vượt quá mức 3,5m.

Thời gian cắt ngọn nên chọn vào khoảng tháng 7, đây là thời điểm cây cao su thay lá nên khi cắt ngọn xong cây ít mất sức, khi tiếp tục ra lá mới cũng là lúc cây phát nhánh, thân cây không tiếp tục vươn cao.

Với cách làm như vậy, lượng mủ cao su có thể giảm còn 70-80%/cây nhưng chỉ với cách đó mới có thể bảo vệ được vườn cao su trồng ven biển miền Trung chống chịu phần nào trước diễn biến thiên tai ngày càng khốc liệt như hiện nay.

Chúng tôi nhấn mạnh, sở dĩ khống chế chiều cao cây cao su là sau cơn bão số 10 năm 2013, chúng tôi có dịp đi khảo sát vườn cây cao su bị ngã đổ ở tỉnh Quảng Trị thì nhận thấy hầu hết thân cây cao su bị ngã đổ đều cao từ 4-6m.

PV: Xin cám ơn ông!

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

'Ghim' một đời, 'trọn' khoảnh khắc cùng DOJI

Cưới hỏi là trái ngọt của chặng đường tình yêu đôi lứa mà ở đó, nhẫn cưới là một tín vật thiêng liêng khiến khoảnh khắc sánh đôi trở nên trọn vẹn.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.