| Hotline: 0983.970.780

Trồng cây dược liệu dưới tán rừng

Thứ Tư 06/12/2017 , 15:05 (GMT+7)

Cách trung tâm TP Pleiku (Gia Lai) hơn 200 km, xã Kon Pne (huyện Kbang) từng được gọi là "ốc đảo Kon Pne". Giờ, Kon Pne đang dần thay da đổi thịt, nhờ chính cái nhìn thông thoáng của cán bộ xã này.

Ông Lê Văn Quang- Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne cho biết: Từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, xã đã trồng thử nghiệm khoảng 3 sào cây sa nhân tím- loại cây rất phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Đồng thời, qua khảo sát thấy giá cả thị trường và đầu ra của loại cây này tương đối ổn định, do vậy, từ nguồn vốn Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên, xã mạnh dạn xây dựng 3 tiểu dự án sinh kế cho người dân các làng Kon Hleng, Kon Kring, Kon Ktonh.

09-50-15_nh_3
Cây dược liệu sa nhân tím, thu nguồn lợi dưới tán rừng

Hiện đã có 45 người tham gia nhóm hộ thực hiện mô hình trồng sa nhân tím trên diện tích 22,5 ha (mỗi nhóm hộ 7,5 ha). Mỗi tiểu dự án có 15 hộ, với tổng kinh phí thực hiện ban đầu là 230,7 triệu đồng.

Trong đó, vốn dự án hỗ trợ gần 130 triệu đồng, người dân góp vốn hơn 100,8 triệu đồng. Bắt đầu năm thứ 3, dự kiến doanh thu là 331 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí, mỗi hộ thu nhập gần 20 triệu đồng/năm. Quan trọng hơn, khi cây bắt đầu cho quả, có thể thu hoạch từ 5- 6 năm liền.

Riêng cây sâm đá, năm 2015, Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh đề nghị xã trồng thí điểm giúp 3 sào làm đề tài nghiên cứu khoa học, kết quả phân tích dược tính cho thấy hàm lượng saponin có trong sâm đá bằng 40% so với sâm Ngọc Linh. Hiện nay, trên địa bàn xã đã có một số hộ trồng với diện tích hơn 0,6 ha, tuy nhiên xã đang chờ ý kiến của các ngành chức năng khi nào khuyến khích phát triển được hoặc đánh giá chính xác chất lượng của loại cây này thì địa phương mới tập trung triển khai mô hình cho bà con.

“Khi giới thiệu dự án, nghe nói hai đến ba năm cây mới cho thu hoạch, bà con thấy thời gian dài, sợ không hiệu quả nên ngại. Sau khi được xã đứng ra vận động, hướng dẫn, phân tích kỹ về mô hình, bà con thấy thực hiện được nên đã tự nguyện đăng ký tham gia.

Dự kiến sang năm sẽ mở rộng diện tích này thêm từ 20 - 30 ha. Giá thị trường hiện nay là từ 13.000 - 15.000 đồng/kg quả tươi, đầu ra sẵn có nên chắc chắn người dân sẽ có thu nhập”- ông Quang khẳng định.

Theo ông Quang, đa số các hộ ở đây điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nếu không có nguồn vốn dự án mà để họ tự bỏ tiền ra đầu tư giống, phân bón thì không thể thực hiện được.

Quan trọng hơn, diện tích trồng cây sa nhân tím nằm trong khu vực rừng được giao cho cộng đồng quản lý, bảo vệ.

Người dân vừa có thu nhập từ tiền dịch vụ môi trường rừng, vừa tận dụng diện tích dưới tán rừng để trồng cây sa nhân tím phát triển kinh tế, đúng với định hướng của huyện là hỗ trợ người dân trồng dược liệu dưới tán rừng.

Anh Đinh A Phir (làng Kon Hleng) đưa chúng tôi đi thăm diện tích trồng sa nhân tím của bà con làng Kon Hleng. Những khóm sa nhân tím đã vươn mình dưới lớp đất mùn.

A Phir nói: “Mối héc- ta đất trồng được 2.000 cây sa nhân tím, tổng số cây giống mà bà con làng Kon Hleng trồng là trên 7,5 ha, với 16.500 cây. Bà con vui lắm khi thấy cây phát triển tốt, tỷ lệ sống cao (trên 85%), hy vọng cây sẽ cho năng suất cao. Hàng ngày, tôi và mọi người thay nhau lên đây để theo dõi quá trình sinh trưởng của cây, xem có cây nào chết thì trồng dặm lại hoặc gỡ những dây leo bám vào thân làm cây chậm phát triển…”.

09-50-15_nh_2
Những cây sâm đá mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con

Cách đó không xa, anh A Khúc (làng Kon Hleng, xã Kon Pne) đang cặm cụi đào những bụi sâm đá để lấy rễ và củ bán cho khách hàng. Hơn 2 sào sâm đá này được anh trồng thử nghiệm từ cuối năm 2015 ngay dưới tán cây bời lời của gia đình. Từ đầu năm đến nay, thỉnh thoảng có người mua, anh đào bán cũng được vài triệu đồng. Với giá bán khoảng 100.000 đồng/kg, nếu có người mua hết phần diện tích sâm đá này, gia đình anh sẽ thu nhập khoảng 200 triệu đồng.

A Khúc nói: "Loại cây này dễ trồng, giống được lấy từ trên rừng về, chỉ cần đào đất cắm xuống là cây phát triển tốt. Ngoài diện tích thử hiệm trồng sâm đá, A Khúc còn có vườn cây bời lời đỏ hơn 2 ha đã bước sang năm thứ tư. Với giá ổn định như hiện nay (từ 15.000 - 20.000 đồng/kg khô), chỉ 2 năm nữa chắc chắn anh sẽ trở thành triệu phú của xã đặc biệt khó khăn này.

Ông Lê Văn Quang-Phó Chủ tịch UBND xã Kon Pne: “Chúng tôi đang có ý tưởng tạo một website để xây dựng thương hiệu và phát triển một số sản phẩm đặc trưng của KonPne như: sa nhân tím, sâm đá, lúa rẫy, sâm sức khỏe, heo đen, rau dớn… theo hướng giám sát chất lượng đầu ra sạch và cung cấp những sản phẩm của địa phương theo mùa. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm cách liên hệ, kết nối để làm đầu mối cho bà con bán trực tiếp cho những cơ sở thu mua, giảm khâu trung gian mang lại giá trị kinh tế cao hơn”.

 

Xem thêm
Giá ca cao thế giới lập kỷ lục mới, tăng hơn 3 lần năm trước

Giá ca cao đã tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong ngày 26/3, trong bối cảnh nguồn cung hạn chế ở Tây Phi, nơi chiếm khoảng 70% sản lượng toàn cầu.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

T&T Group vận hành 'chuẩn Nhật Bản' tại dự án T&T City Millennia Long An

Công ty Cổ phần Thái Sơn Long An (Tập đoàn T&T Group) và Tập đoàn Anabuki (Nhật Bản) vừa ký kết hợp tác quản lý vận hành dự án T&T City Millennia tại Long An.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất