| Hotline: 0983.970.780

Trồng cây phân tán, tốn kém ít- lợi ích nhiều

Thứ Năm 31/05/2012 , 09:55 (GMT+7)

Việc trồng cây phân tán nhất là trên các tuyến đê bao vượt lũ, tạo các đai rừng chắn sóng, hạn chế xói lở đang là vấn đề rất bức xúc hiện nay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho rằng, trồng cây là việc làm tốn kém ít mà lợi ích nhiều. Ngoài tác dụng góp phần bảo vệ môi trường, tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp... còn cung cấp cây gỗ giúp bà con cải thiện thu nhập. Đặc biệt càng có ý nghĩa hơn trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu đang ngày càng diễn biến phức tạp.

Ông Nưng cho biết, An Giang là tỉnh đầu nguồn sông Cửu Long nên hàng năm thường bị ảnh hưởng lũ lụt, nhất là những năm lũ lớn gây thiệt hại đáng kể đến tính mạng, tài sản của nhân dân; đặc biệt ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình SX nông nghiệp. Trong khi đó, SX nông nghiệp đang là nền tảng chủ yếu trong việc phát triển KT-XH của tỉnh.

Vì vậy, việc trồng cây phân tán nhất là trên các tuyến đê bao vượt lũ, tạo các đai rừng chắn sóng, hạn chế xói lở đang là vấn đề rất bức xúc hiện nay. Từ thực tế đợt lũ lớn năm 2011 càng khẳng định hơn nữa hiệu quả và sự cần thiết của việc trồng cây phân tán trên các tuyến đê bao vùng SX 3 vụ. Bởi nó vừa có tác dụng phòng chống sạt lở, vừa có khả năng cung cấp gỗ tại chỗ phục vụ kịp thời cho công tác bảo vệ đê bao.

Theo Sở NN-PTNT An Giang, trong thời gian ứng phó với lũ, hàng triệu cây bạch đàn, cây tràm… đã được chính quyền và nhân dân huy động để phục vụ cho việc gia cố bờ đê, cống, đập ngay khi có sự cố rò rỉ, sạt lở… Từ đó mang lại hiệu quả cao cho công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn.

Đáng chú ý, vụ thu đông đã chính thức trở thành vụ SX chính trong năm. Do đó, đi đôi với SX cần có các giải pháp bảo vệ. Chính vì vậy, từ tháng 2/2012, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 08 về triển khai trồng cây phân tán bảo vệ đê bao vùng SX 3 vụ với mục đích hạn chế sạt lở, bảo vệ đê bao 3 vụ; tạo nguồn cây gỗ để phục vụ kịp thời khi có sự cố sạt lở đê.

Đồng thời, góp phần nâng cao tỷ lệ che phủ rừng và cây xanh phân tán, tạo cảnh quan, bóng mát, phòng hộ môi trường góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung trồng 4,3 triệu cây phân tán trên các vùng đê bao đã ổn định của 109 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh, với tổng kinh phí thực hiện từ 4,4-5 tỷ đồng. Cây trồng khi đến tuổi khai thác, tùy theo điều kiện của từng địa phương, cấp huyện có chính sách hưởng lợi cây trồng cụ thể, phù hợp.

Sở NN-PTNT An Giang đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm lập kế hoạch và tổ chức gieo ươm cây giống theo số lượng, loài cây, địa điểm, thời gian nhận cây theo đúng tiến độ. Theo lịch đăng ký của các huyện từ ngày 17/4-13/7/2012, Chi cục Kiểm lâm đã SX đủ số lượng cấy giống trồng trong vụ 1 là 3 triệu cây và có khả năng cung cấp theo lịch đăng ký của các địa phương. Hiện đã xuất vườn giao một số huyện trồng trước hơn 100.000 cây các loại.

UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch trồng cây chi tiết, chặt chẽ để chủ động điều hành có hiệu quả. Tổ chức trồng chăm sóc, bảo vệ cây sống tốt đạt tỷ lệ 85% trở lên và bố trí lực lượng thường xuyên kiểm tra, giám sát, hướng dẫn trồng cây đúng kỹ thuật quy định.

Ông Lê Văn Nưng khẳng định, việc trồng cây bảo vệ đê bao vùng SX 3 vụ là chủ trương đúng đắn. Do đó phải kiên quyết thực hiện trên tinh thần không cầu toàn, vướng mắc đến đâu xử lý đến đó, tạo thành phong trào hưởng ứng “nhà nhà trồng cây, người người trồng cây". Đồng thời, đưa việc này vào tiêu chí thi đua giữa các huyện, thị trong tỉnh.

Xem thêm
Sản xuất tôm giống nước lợ đáp ứng đủ nhu cầu thả nuôi

NINH THUẬN Năm 2023, cả nước có 2.270 cơ sở sản xuất, ương dưỡng tôm giống, sản lượng đạt 153 tỷ con, đáp ứng đủ cho nhu cầu thả nuôi của người dân.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.