| Hotline: 0983.970.780

Trồng chanh dây thu nhập 600 triệu/ha

Thứ Tư 17/11/2010 , 11:18 (GMT+7)

Anh Nguyễn Văn Hiếu, thôn 2, xã Nghĩa An, huyện Kbang, có lẽ là người trồng chanh dây hàng hóa đầu tiên ở Gia Lai và đã rất thành công, mỗi ha cho thu tới 600 triệu đồng/năm.

Anh Hiếu bên vườn chanh dây
Anh Nguyễn Văn Hiếu, thôn 2, xã Nghĩa An, huyện Kbang, có lẽ là người trồng chanh dây hàng hóa đầu tiên ở Gia Lai và đã rất thành công, mỗi ha cho thu tới 600 triệu đồng/năm.

Trải qua rất nhiều nghề, từ chạy xe thồ ở TP Hồ Chí Minh, đến chạy xe tải buôn dưa hấu đi Lạng Sơn qua Trung Quốc…, đến nay thì anh khẳng định chỉ có làm trang trại nông nghiệp mới ăn chắc mặc bền. Từ 2 bàn tay trắng, mồ côi cha, mẹ đi lấy chồng, chẳng có ai để nhờ vả, bây giờ vợ chồng anh đã có 1 cơ sở trang trại khá bề thế: tổng diện tích 13 ha, gồm có 2 ha chanh dây, 3 ha cao su, 3 ha cà phê; nuôi 16 con bò… Trong đó cây chanh dây được trồng từ năm 2008 đang tạo nguồn thu rất cao cho gia đình anh.

Theo anh Hiếu chanh dây là cây đầu tư nhanh cho hiệu quả. Trồng 6 tháng đã cho trái, sau đó thu liên tục khoảng 19 tháng thì trồng lại. Cây chanh dây có đặc điểm leo dàn và trái tự rụng như sầu riêng. Một điều thú vị là cây chanh dây luôn cho sản phẩm như nuôi gà công nghiệp đẻ trứng. Hàng ngày cứ đến 12 giờ trưa, trái chanh dây bắt đầu chín rụng xuống đất mãi đến 4, 5 giờ chiều. Từ khi cho thu hoạch, ngày nào chanh dây cũng rụng trái đều đặn, công nhân chỉ cần đeo giỏ đi nhặt mang về mà không mất công lựa hái.

Tại vườn của anh Hiếu, chanh dây giống Đài Loan cho năng suất khoảng 100 tấn/ha/năm. Với giá bán bình quân mỗi kg quả chanh dây 6.000 đ, mỗi năm anh có thể thu 600 triệu đồng/ha. Cái hay của chanh dây là luôn cho tiền đều đặn trong tất cả các ngày. Nghĩa là người trồng chanh dây ngày nào cũng có tiền thu về. Anh Hiếu cho biết, hiện tại ngày nào anh cũng có thu khoảng 3 triệu đồng, với 2 ha chanh dây đang kỳ kinh doanh.

Cũng theo anh Hiếu, trồng chanh dây quan trọng nhất là khâu giống, khâu phòng trị bệnh và thị trường tiêu thụ. Về giống, anh khẳng định phải mạnh dạn đầu tư đúng giống có bản quyền. Nghĩa là phải mua giống của Đài Loan, giá 40.000 đ/cây. Nếu tiết kiệm tiền, tự nhân giống để trồng sẽ không có quả.

Về dịch bệnh, khi trồng đại trà phải chú trọng đề phòng các bệnh về rễ. Qua quá trình nghiên cứu, anh Hiếu đã có được kinh nghiệm phòng trị các bệnh chanh dây khá hiệu quả. Về thị trường thì do chanh dây không để được lâu, nhân dân chủ yếu vẫn ăn tươi nên khi trồng nhiều phải nghĩ đến hệ thống cung ứng, bảo quản và khâu chế biến.

Hiện nhiều người trong vùng đã được anh chỉ bảo, trao đổi kinh nghiệm, từng bước phát triển cây chanh dây một cách vững chắc. Toàn xã Nghĩa An đã có 20 ha chanh dây. Tuy nhiên chanh dây là cây trồng yêu cầu đầu tư ban đầu tương đối cao. Theo tính toán của anh Nguyễn Văn Hiếu, mỗi ha trồng 600 cây giống, hết 24 triệu đồng tiền giống; 25 triệu đồng tiền dây kẽm; 30 triệu đồng tiền trụ; trang bị máy móc, vật tư khác, tổng chi phí ban đầu có thể lên đến 100 triệu đồng. Đó là một số vốn khá lớn, không phải hộ nông dân nào cũng có được.

Về cây giống, được biết hiện tại trong vùng Kbang đã có người ghép thành công mầm chanh dây Đài Loan (màu tím) với gốc chanh dây nội (màu xanh), tạo ra giống chanh dây vừa có sức kháng bệnh tốt, vừa cho năng suất quả cao, chất lượng tốt, giá thành cây giống hạ.

Trong tương lai, nếu có được các cơ sở bảo quản, chế biến, tin rằng chanh dây sẽ trở thành một cây trồng lý tưởng đối với người nông dân Gia Lai, mà anh Nguyễn Văn Hiếu đang là người tiên phong khá thành công.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất