| Hotline: 0983.970.780

Trồng đậu lông ngăn đất thoái hoá

Thứ Ba 27/07/2010 , 12:37 (GMT+7)

Nhiệt độ đất ở vườn cây có trồng xen cây đậu lông luôn có chỉ số thấp hơn 4-5 độ so với các vườn cây đối chứng, do đó, ngăn chặn được sự thoái hóa đất do nhiệt độ cao...

KS Phường bên vườn cao su trồng xen cây đậu lông

Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả, cây công nghiệp (CAQ-CCN) Phủ Quỳ, Nghệ An vừa nghiên cứu thành công đề tài: “Nghiên cứu giải pháp khoa học công nghệ nhằm phục hồi đất thoái hoá trên các vùng cây ăn quả và cây công nghiệp’’. Thành công của đề tài thực sự đã đem đến năng suất, chất lượng cây trồng nâng cao. Không những thế, mà môi trường khí hậu còn trở nên trong lành, hữu ích.

Chủ nhiệm thực hiện đề tài này là kỹ sư Nguyễn Văn Phường. Khi dẫn chúng tôi tới thăm các lô vườn đang trồng xen cây đậu lông, anh Phường bảo: Cây đậu lông có tên khoa học là KUDZU, nó thuộc nhóm các loài cây họ đậu. Trong nhiều năm thực hiện đề tài này, Trung tâm đã trồng xen cây đậu lông vào các vườn cây quýt và cao su. Kết quả vào mùa hè, khi nhiệt độ không khí ở ngoài trời lên tới 39-40 độ thì tại các vườn cây thí nghiệm, nhiệt độ không khí đo được 37-38 độ. Nhiệt độ đất ở vườn cây có trồng xen cây đậu lông luôn có chỉ số thấp hơn 4-5 độ so với các vườn cây đối chứng.

Đối với ẩm độ đất, qua theo dõi nhiều năm, mỗi năm quan trắc từ tháng 3 đến tháng 12, kỹ sư Phường đã đưa ra kết quả, ẩm độ đất trung bình ở vườn quýt PQ1 có trồng xen cây đậu lông là 30,69%, và ẩm độ đất theo dõi sau mưa 10 ngày là 31,8%. Trong lúc đó tại các vườn quýt không trồng cây đậu lông có ẩm độ đất trung bình là 26,72%, và ẩm độ đất sau mưa 10 ngày là 25,6%. Còn ở vườn cây cao su có trồng xen cây đậu lông, ẩm độ đất bình quân đo được từ tháng 3 đến tháng 12 là 31,36% và ẩm độ đất sau mưa 10 ngày là 31,9%. Cũng tại thời điểm đó, tại các vườn cao su đối chứng có ẩm độ đất 27,44% và ẩm độ đất sau mưa 10 ngày là 26%.

Như vậy tính hữu ích đầu tiên chúng ta thấy được qua các chỉ số quan trắc nói trên là khi trồng xen cây đậu lông vào các vườn cây thì nhiệt độ không khí và nhiệt độ đất vào mùa hè đã giảm hẳn. Theo đó ẩm độ đất lại luôn được tăng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho bộ rễ của cây trồng phát triển khoẻ. Chủ nhiệm nghiên cứu đề tài này còn cho biết: Cây đậu lông sinh trưởng quanh năm ở mọi loại đất, kể cả khi cây trồng chủ lực đã khép tán thì nó vẫn phát triển lưu niên. Chỉ cần 6 tháng kể từ khi gieo trồng là ngọn và lá đậu lông đã phát triển xanh tươi, bao trùm hết bề mặt của khu đất trống. Và mặc dù cây đậu lông phát triển nhanh, mạnh nhưng không hề làm giảm chất dinh dưỡng trong đất.

Trái lại, nó đã tạo thêm độ phì rất lớn cho đất. Kết quả tại các lô vườn đang thí nghiệm của Trung tâm, hàng năm năng suất chất xanh (thân và lá) đậu lông đã cho thu hoạch được 81,8 tấn/ha, năng suất chất khô (thân và lá khô mục) đạt tới 19-20 tấn/ha. Đây chính là lượng phân hữu cơ khổng lồ bổ sung vào cho đất. Cũng qua số liệu theo dõi hàng năm, KS Phường còn đưa ra kết quả: Đậu lông cung cấp hàm lượng dinh dưỡng cho đất cao nhất về các chỉ tiêu: N (510,1 kg/ha), P2O5 (99,9kg/ha), K2O (633,3 kg/ha) và Ca (96,51 kg/ha).

Chị Võ Thị Tuyết - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu CAQ-CCN Phủ Quỳ khi tâm sự với chúng tôi về đề tài này đã khẳng định: Mô hình trồng xen cây đậu lông vào các vườn cây ăn quả và cây công nghiệp đã thực sự đem đến hiệu quả rất thiết thực. Đây là một loại cây chống thoái hóa và cải tạo đất tốt nhất, chính nó đã làm giàu chất dinh dưỡng cho đất. Về mùa hè, cây đậu lông đã làm giảm mạnh nhiệt độ cho không khí và đất. Tới mùa mưa lũ, cây đậu lông đã tạo nên một thảm thực vật dày đặc làm nhiệm vụ chống xói mòn, chống rửa trôi cho đất. Thành công của đề tài đã có kết quả xác đáng. Bởi vậy chúng tôi đang chuẩn bị mời các cơ quan chuyên ngành và bà con nông dân đến tham gia các cuộc hội thảo đầu bờ để sớm nhân rộng mô hình ra diện rộng.

Xem thêm
Chuẩn hóa quy trình nuôi chồn hương

Dù chồn hương là vật nuôi có giá trị kinh tế cao, nhưng thành phố Hà Tĩnh không vội vàng mở rộng mà tập trung chuẩn hóa quy trình nuôi.

Việt Nam là 'điểm nóng' về dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người

Việt Nam là một trong những 'điểm nóng' về dịch bệnh truyền nhiễm, trong đó có dịch bệnh lây truyền từ động vật sang người như A/H5N1, SARS, dại, than, dịch hạch, ký sinh trùng…

'Bệnh kép' hại ớt

HẢI DƯƠNG Gọi là 'bệnh kép' bởi hơn tháng nay, một số ruộng ớt của nông dân huyện Nam Sách cùng lúc bị 2 loại bệnh gây hại với triệu chứng rất đặc trưng.

'Cải lão hoàn đồng' cho cây bưởi ra quả ngon, sai lúc lỉu

HƯNG YÊN Bằng kỹ thuật cắt tỉa và ghép đoạn cành, ông Tuấn đã 'cải lão hoàn đồng' thành công hàng trăm cây bưởi già cỗi thành những cây quả sai lúc lỉu, chất lượng thơm ngon.

Bình luận mới nhất