| Hotline: 0983.970.780

Trồng đậu xanh, đậu tương gối vụ

Thứ Sáu 27/05/2016 , 07:15 (GMT+7)

Trồng đậu xanh/đậu tương xen ngô xuân hè cuối vụ, chỉ chọc lỗ bỏ hạt, không bón phân qua rễ, phun bón lá và chế phẩm đậu quả... sẽ tăng thêm thu nhập 550 - 600 triệu đồng/ha canh tác cho nhà nông ở các vùng bãi chuyên ngô ven sông.

Chân ruộng: Đất bãi ven sông, đất chuyên màu khác.

Công thức luân canh gối vụ: Ngô xuân hè - đậu xanh/đậu tương - ngô thu đông.

Cơ cấu giống: Sử dụng các giống ngô, đậu tương, đậu xanh đã gieo trồng đạt năng suất cao tại địa phương và phụ cận. Có thể lựa chọn 1 trong các giống, đậu xanh ĐX 208; đậu tương ĐT 12, DT 99, DT 84; ngô NK 6326, NK 66, NK 7328…

Thời vụ

- Ngô xuân hè, trồng xung quanh tiết lập xuân (4 - 5/2).

- Ngô thu đông, trồng sau khi kết thúc thu hoạch đậu xanh/đậu tương (khoảng giữa tháng 8).

- Đậu xanh gieo xen ngô xuân, khi hạt ngô vào chắc, lá bi bao bắp chớm hanh vàng (20 - 25/5).

Lượng giống, cách gieo

- Lượng giống gieo/ sào (360m2): Đậu xanh 0,8 - 1,0kg, đậu tương 2,0 - 2,2kg.

- Khoảng cách gieo: Khoảng cách gieo đậu xanh tương ứng với khoảng cách và mật độ trồng ngô: Hàng cách hàng 60 - 65cm. Cây cách cây 30 - 35cm. Mật độ 1.800 - 2.000 cây/sào. Đậu tương gieo mau hơn: Hàng cách hàng 60 - 65cm. Cây cách cây 15cm. Mật độ 3.600 - 4.000 khóm/sào.

- Cách gieo: Chọc lỗ sâu 1,5 - 2cm, bỏ hạt, lấp đất. Đậu xanh gieo 2 -3 hạt/hốc, gieo cách gốc ngô 7 - 8cm. Đậu tương gieo 2 hạt/hốc, khoảng cách hốc 15cm.

Chăm sóc

* Trừ cỏ:

- Trước gieo đậu 5 - 7 ngày, cần làm sạch cỏ dại, cắt bỏ các lá khô, lá vàng, lá sâu bệnh và lá già khuất sáng trên cây ngô, gom hủy tàn dư thực vật, tạo sự thông thoáng trong ruộng ngô, kết hợp phun thuốc phòng trừ cỏ dại. Có thể sử dụng 1 trong các loại thuốc trừ cỏ như Cariza 5EC, Gromoxone 20SL, Wisdom 12 EC…

- Khi cây có 1 - 2 lá thật, kiểm tra tỉa bỏ các cây còi cọc, cây sâu bệnh… chỉ để lại 1 - 2 cây đậu khỏe/khóm.

* Bón phân:

- Không cần bón phân qua rễ. Vì, cây đậu dưới 3 lá thật, có thể sinh trưởng, phát triển tốt nhờ dư lượng phân bón trong đất cho cây ngô trước đó. Đậu tương, đậu xanh từ 4 - 5 lá thật trở lên, sẽ tự tổng hợp được dinh dưỡng cho nhu cầu sinh trưởng của cây thông qua hệ vi khuẩn nốt sần hình thành trên rễ.

- Phun bón lá kết hợp với chế phẩm tăng ra hoa đậu quả 6 lần: Trước ra hoa, trong thời gian ra hoa và sau hái quả đợt 1 (đậu xanh). Sau đó, cứ 7 ngày 1 lần phun nhắc lại. Có thể sử dụng một số phân bón lá, chế phẩm đậu quả như: Atonik 1.8 DD, Grow more, Agriseed-Mg, thuốc đậu quả Bo TRS-108…

* Phòng trừ sâu bệnh:

- Rải Regent 3G trên mặt luống 2 lần (khi gieo đậu và sau cây mọc 5 - 7 ngày) để phòng trừ dòi đục thân, sâu khoang, sâu xám…

- Phòng trừ sâu cuốn lá, đục quả: Sử dụng thuốc Sherpa 2%, Motox 5 EC… Phun 3 lần (kết hợp với phân bón lá): Trước ra hoa 5 - 7 ngày, trong giai đoạn cây ra hoa, sau hoa rộ lần đầu 5 - 7 ngày (cây đậu tương sau hoa rộ 5 - 7 ngày). Nếu sâu hại phát sinh gia tăng, cần tăng số lần phun thuốc.

* Sử dụng thuốcphòng trừ sâu bệnh đã nêu theo hướng dẫn ghi trên bao gói.

Thu hoạch

* Đậu xanh:

Sau gieo hạt 59 - 62 ngày sẽ cho thu quả lần đầu. Sau đó cứ 3 ngày hái quả 1 lần. Thu triệt để các quả chín (vỏ quả màu đen). Quả sau thu hái phơi trên sân gạch/ sân bê tông 3 - 4 nắng, khi có tiếng nổ lách tách từ sân phơi đỗ thì gom lại, đóng vào bao xác rắn, dùng đòn gánh đập đều 4 mặt bao cho vỡ hết vỏ quả, đổ ra sàng, xẩy lọc lấy hạt, phân loại, bán cho thương lái.

Nếu chưa tiêu thụ ngay, cần phơi hạt thêm 3 - 4 nắng, khi thủy phần hạt đậu giảm còn 12% (cắn hạt đỗ thấy vỡ giòn nghe tiếng cốp là đạt yêu cầu). Gom lại hạt đậu, để nơi thoáng mát 4 - 6 giờ cho đỗ nguội, đóng bao bì, bảo quản nơi khô ráo và chủ động biện pháp phòng trừ mọt đục hạt đỗ.

* Đậu tương:

Thu hoạch khi có 2/3 số quả trên cây chuyển màu nâu, bộ lá chuyển màu vàng và rụng dần từ dưới lên (sau trồng 80 - 90 ngày). Cắt gom cây rải phơi trên sân gạch/bê tông 3 - 4 nắng, tuốt lấy hạt trên máy tuốt lúa đạp chân, sàng, sảy, phân loại hạt, bán cho thương lái. Nếu bảo quản dài ngày, cần phơi khô hạt tới thủy phần 14% (cắn hạt không dính răng, nghe tiếng kêu giòn cốp là được), để nguội hạt, bảo quản như bảo quản hạt đậu xanh.

Chọn giống, lưu giữ giống đậu xanh

Trong lần thu hoạch đầu tiên, lựa chọn các quả đậu to, dài đều, trên các cây sai quả, sạch sâu bệnh, phơi khô, tách lấy hạt, phơi hạt trên dụng cụ tre/nứa phẳng, khi thủy phần hạt giảm còn 12%, gom hạt để nơi thoáng mát 4 - 6 giờ cho hạt đỗ nguội. Bảo quản trong chum, vò, lọ sành, sứ, đáy và miệng lọ lót một lớp lá xoan khô hoặc tro bếp dày 2 - 3cm, đậy nắp kín, cất nơi khô ráo.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giống lúa TBR97 chinh phục 'chảo lửa’ Krông Pa

GIA LAI Giống lúa TBR97 đang nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dân và chính quyền địa phương khi lần đầu tiên xuất hiện ở ‘chảo lửa’ Krông Pa.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.