| Hotline: 0983.970.780

Trồng điên điển trái vụ

Thứ Ba 07/07/2015 , 06:13 (GMT+7)

Mô hình trồng điên điển trái vụ xen canh cỏ không chỉ giúp nông dân tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích mà còn giải quyết việc làm thường xuyên cho lao động nhàn rỗi.

Nhờ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng KHKT vào SX, nông dân huyện Châu Phú (An Giang) đã chuyển một số diện tích đất 2 vụ lúa kém hiệu quả sang trồng điên điển cho lợi nhuận cao.

Đến nay trên địa bàn huyện có gần chục hộ trồng 6 công điên điển tập trung chủ yếu ở các xã Vĩnh Thạnh Trung, Bình Long, thị trấn Cái Dầu.

Chúng tôi có dịp đến ấp Thạnh An, xã Vĩnh Thạnh Trung, tận mắt thấy những hàng điên điển nở hoa vàng đung đưa trước gió. Người phụ nữ ngoài 50 tuổi đang cầm cùi ngoéo kéo những nhánh điên điển xuống bẻ từng bông cho vào giỏ, gặp chúng tôi chị cười hiền hòa bảo: "Các cô đến cân điên điển hả? Hôm nay nhân công bận nghỉ bớt nên bẻ hơi trễ, cô thông cảm".

Qua trò chuyện chúng tôi được biết chị là Huỳnh Thị Dớn, trồng điên điển khoảng 4 năm nay. Trước đó, gia đình chị chuyển 10 công trồng lúa sang trồng bắp, dưa leo, do giá cả bấp bênh, có vụ thu hoạch bị lỗ, chị đành chuyển 2,5 công trồng cỏ, nuôi bò vỗ béo.

Lũ về trong những hàng cỏ, những cây điên điển mọc lên cho hoa vàng rực, lũ rút điên điển cho trái khô, chị bẻ trái về làm giống ươm. Sau gần 1 tháng thì ngắt đọt, ngâm phân tưới và đến tháng thứ 3 bắt đầu thu hoạch.

Chị Dớn thổ lộ: “Nhà tôi SX 40 công lúa, thấy trồng rẫy có lời tôi chuyển 10 công sang đào liếp trồng bắp, dưa leo chi phí đầu tư cao, giá cả bấp bênh, lỗ gần 100 triệu đồng.

Tôi đã chuyển 7,5 công trồng lúa và dành 2,5 công sang trồng cỏ nuôi 7 con bò thịt kết hợp trồng xen canh điên điển.

Lấy ngắn nuôi dài, trồng điên điển đến tháng thứ 3 bắt đầu thu hoạch. Mỗi ngày các bạn hàng đến tận nhà thu gom, với giá đầu vụ 40.000 đồng/kg. Tôi thu hoạch dứt điểm trong tháng 7. Tháng 8 nhổ điên điển, để đất nghỉ ngơi.

Trồng điên điển chi phí đầu tư mỗi công 600.000 đồng gồm nhân công trồng, phân, thuốc sâu khi cây còn nhỏ, còn nhân công thu hoạch tính riêng”.

Chị Bảo Trân cho biết: “Hằng ngày từ 1 giờ đêm đến 6 giờ sáng, 2 vợ chồng tôi bẻ được từ 20 - 25 kg bông điên điển, kiếm cũng được hơn 200 ngàn đồng.
Đây là việc làm tôi thấy rất thích, lao động vào đêm trời mát mẻ, xong tranh thủ kiếm bó cỏ cho bò ăn, cuộc sống đã dần ổn định nhờ bẻ điên điển thuê mỗi ngày”.

Không chỉ trồng điên điển lợi nhuận cao mỗi công 1 năm từ 40 - 80 triệu đồng mà khi bán bò cũng có lời mỗi cặp từ 20 - 25 triệu đồng.

Như vậy, với 2,5 công đất trồng cỏ nuôi 7 con bò mỗi năm gia đình chị Dớn thu nhập hơn 100 triệu đồng, cao gấp nhiều lần trồng lúa và hoa màu khác.

Tâm sự với chúng tôi, chị Dớn cho hay: “Nhờ trồng điên điển mà gia đình tôi đã trả hết nợ hơn 100 triệu đồng do trồng dưa leo bị lỗ, tất cả chi phí sinh hoạt hằng ngày cũng nhờ điên điển. 

Tôi còn vận động cô em gái ở xã Bình Long và 2 người con trai tận dụng đất gần hè trồng lúa kém hiệu quả sang trồng điên điển xen canh cây màu hoặc trồng xen cỏ nuôi bò mang lại lợi nhuận cao.

Cô em gái tôi trồng 1 công điên điển, sau một vụ 7 tháng sắm được xe Honda gần 30 triệu đồng. Ở xóm, thấy vợ chồng tôi làm có ăn, nên 6 gia đình khác cũng trồng theo 3 công.

Nhiều người trồng điên điển nên năm nay rớt giá gần một nửa, nhưng vẫn còn lời hơn trồng lúa. Hiện nay bạn hàng đến nhà cân chỉ 17.000 - 20.000 đồng/kg".

Chị Dớn còn cho biết, sở dĩ điên điển cho bông to và nhiều là do loài cây này ưa nước, khi trồng phải lên liếp và đặt cây gần mé nước, ngắt đọt đúng thời gian và thu hoạch dứt điểm hạn chế thấp nhất sót bông”.

Nhận xét về mô hình trồng điên điển ở Châu Phú, anh Huỳnh Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết, bông điên điển thuộc vào loại rau đặc sản sạch trong mùa nước nổi, chủ yếu sống trong môi trường tự nhiên, không cần chăm sóc hay tốn tiền đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... vẫn cho hiệu quả cao.

Vì vậy, mấy năm gần đây cây điên điển ở Châu Phú được người dân trồng vào mùa nghịch và diện tích tăng dần, giá bán tuy có giảm hơn trước, nhưng loại nhuận vẫn cao”.

Xem thêm
Hơn 370ha tôm nuôi bị thiệt hại do nắng nóng

TRÀ VINH Theo Sở NN-PTNT tỉnh Trà Vinh, hiện toàn tỉnh đã có hơn 122ha nuôi tôm sú cùng hơn 249ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do ảnh hưởng nắng nóng gay gắt.

Bộ đội Biên phòng vận động chủ tàu đánh số tạm thời với tàu cá '3 không'

Bà Rịa - Vũng Tàu Trong ngày 9 và 10/4, Đồn Biên phòng Bình Châu đã tổ chức tuyên truyền về phòng, chống khai thác IUU cho các ngư dân trên địa bàn.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.