| Hotline: 0983.970.780

Trồng dưa GAP trúng... tivi, đầu máy

Thứ Ba 01/03/2011 , 10:06 (GMT+7)

Lễ tổng kết “Hội thi sản xuất dưa hấu an toàn - chất lượng” lần đầu tiên được phát động tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc…

Cuối tuần qua, hàng chục hộ dân trồng dưa hấu không hạt theo hướng GAP nhằm phục vụ thị trường tết Tân Mão kéo về Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An dự Lễ tổng kết “Hội thi sản xuất dưa hấu an toàn - chất lượng” lần đầu tiên được phát động tại xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc…

Tại buổi lễ tổng kết, BTC đã mời những gương nông dân tiêu biểu lên giao lưu, báo cáo kết quả về vụ trồng dưa theo quy trình VietGAP. Nông dân Nguyễn Tấn Sơn, là một trong những người đầu tiên trồng dưa hấu không hạt ở ấp Lộc Trung, xã Mỹ Lộc phấn khởi cho biết: “Đây là vụ dưa đầu tiên gia đình tôi tham gia trồng theo quy trình VietGAP với giống dưa hấu Mặt Trời Đỏ. Hơn nữa, ngay từ đầu vụ đã được cán bộ khuyến nông xuống hướng dẫn kỹ thuật rất kỹ và ký hợp đồng với thương lái thu mua với giá cao khiến tôi rất yên tâm”.

 Theo anh Sơn, vụ dưa Tết vừa qua gia đình anh đã mạnh dạn tăng diện tích lên 3 ha. Kết quả, cuối vụ đã cho gia đình anh bội thu cả trăm tấn dưa GAP, cân bán cho thương lái tại ruộng với giá 6.200 đ/kg, sau khi trừ hết chi phí vẫn còn thu lời khoảng 300 triệu đồng. Do vậy, nhờ vụ dưa GAP bán giá cao mà cả gia đình anh đã được hưởng một cái Tết vui ngất trời. Thêm một tin vui nữa khi mô hình trồng dưa GAP của gia đình anh đã được BTC công bố trao giải 3 cuộc thi và anh Sơn cũng là người vinh dự được “rinh” thêm giải nhà nông có công đóng góp phong trào cho hội thi.

Cùng được nêu gương nông dân thực hiện mô hình dưa GAP hiệu quả nhất trong hội thi là ông Lưu Hoàng Minh cũng ở ấp Lộc Trung. Với diện tích 5 công (5.000m2) trồng dưa hấu không hạt Mặt Trời Đỏ theo qui trình VietGAP đã cho gia đình ông Minh thu hoạch trên 16 tấn dưa trong vụ dưa Tết vừa qua. Ông Minh phấn khởi chia sẻ: “Qua 4 vụ dưa cũng trồng giống dưa không hạt nhưng chưa năm nào đạt được năng suất cao như vụ dưa này. Mô hình dưa GAP được thương lái ký hợp đồng bao tiêu với giá cao ngay từ đầu vụ nên thấy khỏe re”.

Theo ông Minh, mới vụ đầu trồng dưa theo qui trình VietGAP chưa quen lắm nên thấy hơi… khó chịu, nhất là phải tập thói quen ghi chép nhật ký đồng rộng. Tuy nhiên, khi ông được tham gia các buổi tập huấn kỹ thuật về áp dụng thực tế lại thấy đơn giản và gặp thời tiết thuận nên vụ dưa tết Tân Mão gia đình ông đã thắng to. “Không ngờ sản phẩm dưa GAP của gia đình tôi được BTC chấm giải cao nhất hội thi, được “rinh” phần thưởng ti vi, đầu máy về khoe với bà xã, đúng là trồng dưa… đỏ thật”.

+ “Vụ dưa hấu tết Tân Mão có 50 hộ dân xã Mỹ Lộc (Cần Giuộc - Long An) tham gia trồng dưa hấu không hạt với diện tích 30 ha. Có 23/50 hộ dân đăng ký chương trình trồng dưa theo hướng GAP. Kết quả, giải nhất thuộc về nông dân Lưu Hoàng Minh; giải nhì Nguyễn Văn Trúc; giải ba Nguyễn Tân Sơn. BTC trao giải khuyến khích cho nông dân Nguyễn Thanh Tùng và Ngô Văn Đượm”.

+ Ông Nguyễn Thanh Tùng - GĐ Trung Tâm khuyến nông Long An: Đây cũng là mô hình trồng dưa GAP đầu tiên trong cả nước nên nhiều hộ nông dân tích cực đăng ký thực hiện do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An phối hợp với Cty Syngenta tổ chức. Vụ dưa tới, BTC sẽ rút kinh nghiệm và tổ chức triển khai rộng mô hình trồng dưa GAP và phát động cuộc thi trên địa bàn toàn tỉnh.

Hầu hết các hộ dân tham gia trồng dưa theo mô hình VietGAP, vụ dưa Tết vừa qua đều trúng mùa, trúng giá và được các thương lái ký hợp đồng bao tiêu 100% ngay từ đầu vụ. Do vậy, khi vừa thu hoạch xong dưa của các hộ đã được tiêu thụ hết veo, không còn chịu cảnh dội hàng dội chợ như những năm trước khiến bà con rất phấn khởi. Ngay sau vụ dưa, một số thương lái “mối” đã tổ chức mổ bò, mổ heo ngay tại địa phương để chiêu đãi cả làng ăn mừng và còn giao kèo sẽ tiếp tục ký hợp đồng với bà con trong vụ dưa tiếp.

Trao đổi với PV NNVN, ông Trịnh Hoàng Việt, Trưởng BTC Hội thi cho biết: “Trước khi diễn ra hội thi, BTC tổ chức tập huấn kỹ thuật và thực hiện một điểm trình diễn (1ha) trồng dưa theo qui trình VietGAP để bà con tham khảo, học tập thực tế. Đồng thời, thành lập tổ tư vấn giám sát kỹ thuật nhằm hỗ trợ các hộ dân thực hiện đúng các qui trình kỹ thuật canh tác và ghi chép nhật ký đồng ruộng”. Theo đánh giá của ông Việt, lần đầu tiên nông dân xã Mỹ Lộc, huyện Cần Giuộc (Long An) tham gia vào mô hình trồng dưa hấu không hạt theo hướng GAP để cung ứng sản phẩm dưa sạch an toàn phục vụ thị trường tết Tân Mão. Nhìn chung hầu hết nông dân đều nghiêm túc thực hiện đúng theo qui trình hướng dẫn.

Qua kết quả ghi nhận các hộ đều sử dụng phân hữu cơ sinh học, phân trùn quế để giảm bớt phân vô cơ, 100% nông hộ sử dụng phân WEHG thay thế tập quán sử dụng phân bón lá trước đây và không có hộ nào sử dụng nước phân tươi để tưới dưa. Đồng thời sử dụng đúng chủng loại thuốc BVTV cho phép trên rau và áp dụng đúng thời gian cách ly qui định.

Xem thêm
Trại cầy vòi mốc lớn nhất miền Bắc thu hàng chục tỷ mỗi năm

Gần 20 năm gắn bó với cầy vòi mốc, anh Phạm Văn Hùng ở huyện Lục Nam, Bắc Giang đang thu được hàng chục tỷ đồng mỗi năm nhờ tâm huyết với loài vật này.

Hơn 200 đơn vị tham gia Triển lãm công nghệ, dịch vụ cho thú cưng

TP.HCM Triển lãm Quốc tế chuyên ngành công nghệ, sản phẩm, dịch vụ chăm sóc thú cưng tại Việt Nam - Petfair Vietnam và Livestock Vietnam 2024 được tổ chức tại SECC, quận 7, TP.HCM.

Hưng Yên làm sống lại các lớp học IPM

Thời gian qua, trong khi ở một số tỉnh việc quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) bị lơ là thì Hưng Yên đã tìm cách vực dậy.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất