| Hotline: 0983.970.780

Trồng hoa... vượt lũ

Thứ Năm 23/10/2014 , 13:15 (GMT+7)

Xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, TT- Huế) địa hình thấp trũng, vì thế việc trồng hoa “sống chung” với lũ được bà con nơi đây triển khai hiệu quả nhờ vào kiến thức khoa học cũng như kinh nghiệm dân gian.

Dẫn chúng tôi đi, ông Dương Thống, Phó Chủ nhiệm HTXNN Phú Mậu 2 cho biết, Phú Mậu nằm ở hạ nguồn sông Hương nên hằng năm được bồi đắp một lượng phù sa lớn, giúp nghề trồng hoa phát triển. Tuy nhiên, do đất thấp trũng, vụ hoa hằng năm, hoa giáp Tết đều “dính” mưa lũ, ngập úng.

Là làng hoa lâu đời nên bà con có đầy đủ kinh nghiệm dân gian cũng như trang bị kiến thức khoa học để hoa “thoát” cảnh ngập úng, chết vì thối lá rễ.

Làng hoa Phú Mậu gồm các thôn Tiên Nộn, Vọng Trì, Thanh Tiên, Thế Vinh. Mỗi năm tính tổng các vụ, Phú Mậu trồng trên 25 ha hoa các loại, trong đó 2,5 ha hoa trồng tập trung. Để ứng phó kịp thời, những trạm bơm dầu tiêu lũ luôn thường trực với công suất 500 m3/giờ.

Những ngày này, bà con tập trung gia cố bờ bao, ngăn chặn ngập úng, sửa chữa lại nhà lưới để chuẩn bị “đón” mưa lũ tràn về. Phần đất nạo vét kênh mương được đưa lên để nâng cao vườn.

Ông Nguyễn Văn Dũng, một nông dân thôn Vọng Trì cho biết: “Vào thời điểm nay cũng như giáp Tết, hoa Phú Mậu thường bị nước lũ nhấn chìm, khi lũ rút hoa non thường bị lớp bùn bám đầy trên lá. Với hoa cúc bị ngập phải tiêu úng kịp thời, dùng bình phun xịt, tẩy rửa bùn trên lá và thân, bơm thuốc kích thích rễ phát triển, tuyệt đối không bón đạm khi cây chưa phục hồi, bởi vì sẽ gây chết cây”.

Ông Dũng cho biết thêm, không phải dễ dàng bà con có được những kinh nghiệm đó. Cứ tới mùa mưa lũ, những nông dân lấy nghề trồng hoa làm thu nhập chính phải cập nhật thêm kinh nghiệm ứng phó, nhằm mang lại hiệu quả SX ngày một cao hơn.

Với 2,5 sào hoa cúc, mỗi năm cho gia đình ông thu nhập chừng vài chục triệu đồng. Vì thế, ông Dũng đã đầu tư trồng thêm 1.000 cây hoa ly bán được trên 40 triệu đồng. 500 gốc lan Mokara bán dần mỗi tháng cũng kiếm được 1,5 triệu đồng... 

Ông Thống cho biết thêm, bên cạnh các biện pháp mang tính kinh nghiệm lâu năm của bà con, HTX luôn khuyến khích các xã viên tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức trồng hoa mới, đặc biệt là các biện pháp giúp vựa hoa sống chung với mưa lũ, nhằm đảm bảo SX ổn định, lâu dài.

Bên cạnh sử dụng các kinh nghiệm dân gian, hệ thống đèn điện để tăng cường ánh sáng kích thích hoa phát triển nhanh, “bù” lại lượng ánh sáng thiếu hụt do thời tiết trong mưa lũ hay giáp Tết cũng được bà con lựa chọn.

Theo tính toán của nông dân nơi đây, cứ 6 m2 đấu nối một bóng đèn 50 - 70W. Mỗi ngày cần thắp đủ 4 giờ và đúng thời điểm, buổi tối từ 17 giờ đến 20 giờ, buổi sáng từ 2 giờ đến 6 giờ.

Để tránh mưa lũ, nhiều hộ dân trồng hoa chuyên nghiệp ở Phú Mậu còn đầu tư hệ thống để trồng hoa chậu trên giàn nhằm giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ kéo dài.

Ông Dương Thống chia sẻ: “Trong số hơn 10 ha hoa Tết mỗi năm của làng hoa Phú Mậu có khoảng 2,5 ha hoa trồng tập trung, còn lại phân tán trong các vườn của hộ gia đình. Hoa cúc chiếm phần lớn diện tích khoảng 10 ha. Còn lại hoa ly, chuông, lan Mokara là các đối tượng mới đưa vào thí điểm vài năm gần đây với số lượng trên 20.000 cây.

Thời gian qua, HTX phối hợp với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện KHNN Việt Nam), cùng chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao TBKT trồng, chăm sóc để nhân rộng diện tích các loài hoa có giá trị cao trên thị trường.”

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đào Bắc Hà mất mùa, giá cao

LÀO CAI Hiện đào Pháp ở Bắc Hà đã vào chính vụ thu hoạch. Năm nay cây đào không được mùa nên giá cao hơn mọi năm.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.