| Hotline: 0983.970.780

Trồng mì xen đậu phộng

Thứ Ba 26/03/2013 , 10:08 (GMT+7)

Việc trồng mì (sắn) xen đậu phộng (lạc) không chỉ tiết kiệm được đất SX trên cùng diện tích, có thêm nguồn thu, mà còn góp phần cải tạo đất bạc màu.

Việc trồng mì (sắn) xen đậu phộng (lạc) không chỉ tiết kiệm được đất SX trên cùng diện tích, có thêm nguồn thu, mà còn góp phần cải tạo đất bạc màu.

Diện tích trồng mì ở huyện Bắc Bình (Bình Thuận) ngày càng mở rộng, đến nay đã lên đến hàng ngàn ha, tập trung canh tác chủ yếu ở những vùng đất cát, cát pha. Mặc dù diện tích ngày càng tăng bởi mì được giá, lại thu hoạch vào dịp Tết, nên người dân bất chấp quy hoạch, không chú trọng đầu tư thâm canh nên năng suất ngày càng giảm.

Trước tình hình đó, các nhà khoa đã vào cuộc cải tạo đất nhằm giúp nâng cao năng suất cây mì, hướng tới SX bền vững… Năm 2011, Viện KHKT nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ triển khai đề tài “Ứng dụng các biện pháp kỹ thật tổng hợp để nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển bền vững trong canh tác cây mì trên vùng đất cát ven biển Bình Thuận” tại 2 xã Hồng Thái và Bình Tân.

Kết quả mô hình được nông dân đánh giá cao, không chỉ giúp năng suất tăng, mà còn được lợi nhuận kép trên cùng diện tích. Từ đó UBND huyện Bắc Bình giao nhiệm vụ cho Trạm Khuyến nông huyện tiếp tục xây dựng và thực hiện mô hình trong năm 2012 và những năm tiếp theo. Năm qua, Trạm Khuyến nông thực hiện mô hình trồng mì xen đậu phộng tại 2 xã Sông Bình, Hồng Phong diện tích 1 ha với 4 hộ tham gia.


Mô hình trồng mì xen đậu tại xã Sông Bình

Theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật Trạm Khuyến nông thì bà con thực hiện phải chuẩn bị trước khâu làm đất; thời gian xuống giống mì trước giống đậu phộng 7 ngày hoặc có thể xuống giống đậu phộng cùng lúc với giống mì nếu đất đủ độ ẩm. Thâm canh chủ yếu giống mì KM 94, giống chủ lực của tỉnh và giống đậu phộng GV10, giống mới của Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm giống cây trồng Hưng Lộc (Đồng Nai).

Về khoảng cách trồng, đối với cây mì 1m x 1m, tương đương 10.000 hom/ha, còn đậu phộng được trồng với khoảng cách 20 cm x 20 cm x 2 hạt (lượng giống 180 kg đậu vỏ/ha). Cứ 3 - 4 hàng lạc thì trồng xen 2 hàng sắn.

Nông dân Nguyễn Viết Bộ, thôn Cầu Vượt, xã Sông Bình tham gia mô hình cho biết, sau 3 tháng gia đình thu hoạch đậu phộng đạt 16,8 tạ/ha, lợi nhuận trên 20 triệu đồng. Tiếp tục chăm sóc cây mì thêm 3 tháng nữa, thu gần 30 tấn tươi/ha, sau khi trừ chi phí có lãi trên 30 triệu. “Như vậy trên cùng một diện tích, nếu trồng mì xen đậu phộng thì lợi ích sẽ được nhân đôi”, ông Bộ nói.

Tỉnh Bình Thuận là một trong những nơi khô hạn nhất của cả nước có lượng mưa hàng năm thấp, do đó ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng, vật nuôi bị giảm sút. Do vậy việc nhân rộng mô hình trồng mì xen lạc mang lại hiệu quả về kinh tế đang được ngành nông nghiệp tỉnh nhân rộng trên vùng đất bị sa mạc hóa.

Tương tự, nông dân Nguyễn Hồng Hạnh, thôn Hồng Thịnh, xã Hồng Phong cho biết, khi áp dụng mô hình này ông cũng thu lợi nhuận kép trên cùng diện tích. Ông Hạnh phân tích: Sở dĩ cây mì sinh trưởng phát triển tốt là do đất tơi xốp nhờ bộ rễ đậu làm tăng độ phì cho đất, giữ ẩm, giảm xói mòn, do đó đất được bảo vệ tốt hơn. Còn khi thu hoạch đậu xong, cây mì kéo dài thêm 3 tháng nữa mới thu hoạch thay vì 6 tháng như cách trồng truyền thống, cũng nhờ đó mà năng suất, hàm lượng tinh bột tăng lên.

Bên cạnh đó trong thời kì đợi cây mì thu hoạch cũng không tốn thêm công chăm sóc, đầu tư phân bón, bởi phần thân, lá của cây đậu được giữ lại để tủ gốc mì, giúp tăng độ ẩm và cung cấp dinh dưỡng cho đất.

Theo ông Bá Đình Tâm, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Bắc Bình: Trong năm 2013 chúng tôi tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình trồng mì xen đậu phộng với diện tích 5 ha tại các địa phương khác nhằm giúp bà con nâng cao thu nhập.

“Tuy nhiên đối những địa điểm mô hình trạm đã triển khai trước đó, thì hầu hết bà con đã nắm bắt được việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tổng hợp trồng xen cho các vùng SX cây mì chỉ nhờ nước trời; nhờ đó hạn chế thoái hóa đất, bảo vệ môi trường sinh thái và tăng hiệu quả SX”, ông Tâm khẳng định.

Xem thêm
Nghề đón 'lộc trời': [Bài 2] Đưa yến sào thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực

Yến sào được kỳ vọng là sản phẩm xuất khẩu mang lại nguồn thu lớn cho Bình Phước, sau hạt điều, cao su và sầu riêng.

Kiểm tra đột xuất cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, trường học

TP. HCM Công tác kiểm tra sẽ được TP. HCM triển khai đồng bộ tại các cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, nhà hàng khách sạn, bếp ăn tập thể, chợ đầu mối.

Giảm hơn 70% lượng nước nhờ tưới phun tận gốc

Tại các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều diện tích cà phê áp dụng công nghệ tưới phun mưa tận gốc giúp giảm được hơn 70% lượng nước tưới và chi phí nhân công.