| Hotline: 0983.970.780

Trồng rau giàn “vượt lũ”

Thứ Năm 24/11/2011 , 09:56 (GMT+7)

Nhờ có giàn tránh úng ngập, có vòm che mưa nắng, rau giàn cho thu nhập đều đặn trong khi các ruộng rau không làm giàn rất dễ bị úng ngập, hư thối.

Chị Tuyết thu hoạch rau trên giàn
Xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phối hợp với Ban quản lý Dự án FLC 09-04 do Đại sứ quán Phần Lan tại Việt Nam tài trợ thực hiện thành công một số mô hình thí điểm “Trồng rau thích ứng với biến đổi khí hậu” bằng kỹ thuật trồng rau trên giàn có mái che vừa tránh được thiệt hại do lũ ngập, vừa cho thu nhập rất cao.

Mặc dù mới chỉ có 2 hộ tham gia với diện tích còn khiêm tốn khoảng 25m2/hộ nhưng mô hình thí điểm trồng rau giàn “vượt lũ” đã khẳng định tính hiệu quả, tính khả thi, là giải pháp an toàn cho người trồng rau vùng lũ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, một trong 2 hộ tham gia dự án ở xóm 17, xã Quảng Thành kể: đầu năm nay chị tham gia mô hình trồng rau trên giàn thí điểm ngay trong vườn nhà. Với sự giúp đỡ về vật tư và hướng dẫn kỹ thuật của các cán bộ quản lý dự án, chị đóng cọc bê tông cao khoảng 1m để làm giàn trồng thử 1 luống rau dài 15m, rộng 1,5m.

Đất trồng rau là hỗn hợp pha trộn giữa đất màu, phân chuồng hoai, rơm rạ khô băm nhỏ và trấu, những thứ có sẵn, không phải mua nên tiết kiệm được nhiều chi phí. Phía trên giàn có các thanh sắt uốn cong làm vòm căng 1 tấm lưới nylon màu đen và 1 tấm nhựa nylon màu trắng trong. Tùy theo thời tiết, những khi mưa to chỉ cần kéo lưới và nylon 2 bên che kín giàn, cây rau sẽ an toàn; những hôm nắng gắt có thể giảm bớt ánh sáng bằng cách kéo lưới nylon màu đen che lại, còn những hôm trời mát thì thu gọn lưới và nylon không cần che.

Tổng mức đầu tư hết 7 triệu đồng nhưng rất hiệu quả. Nhờ có giàn tránh úng ngập, có vòm che mưa nắng nên trong khi rau của phần lớn các hộ trong thôn bị úng ngập hư thối không tiêu thụ được thì ruộng rau giàn của chị Tuyết vẫn cho thu nhập đều đặn mỗi năm 8-10 lứa, mỗi lứa trung bình được khoảng 80kg rau các loại. Ngoài trồng rau thương phẩm, chị Tuyết còn sử dụng giàn để gieo ươm cây rau giống cung cấp cho bà con trong thôn để kịp trồng sau khi lũ rút cho thu nhập rất cao. Theo chị Tuyết, giá rau mùa mưa rất đắt, bình thường rau cải chính vụ chỉ 8.000 đồng/kg, trong những tháng mùa mưa lũ được bán với giá 20.000 đồng/kg nhưng không có mà mua. Từ 25m2 rau trồng giàn thí điểm cũng cho thu nhập trên dưới 1 triệu đồng/tháng, tính ra với cách làm này những người trồng rau vùng lũ vẫn có thể chủ động “vượt lũ” cho thu nhập 400-500 triệu đồng/ha/năm.

Ông Đào Lý, một hộ khác tham gia mô hình thử nghiệm trồng rau trên giàn khẳng định: Tuy đầu tư ban đầu có hơi cao nhưng bù lại trồng rau trên giàn vừa dễ làm, dễ chăm sóc, hạn chế được sâu bệnh hại và rủi ro do thời tiết, tiết kiệm được thuốc BVTV, chủ động được sản xuất, sản lượng thu hoạch tăng, giá bán rau trong các tháng mùa mưa lũ thường rất cao nên hiệu quả thực tế cao hơn nhiều so với trồng rau trên mặt đất. “Hiện nay tôi vẫn sản xuất rau chủ yếu trên mặt đất để tăng sản lượng nhưng sẽ tiếp tục giành một số diện tích nhất định để làm giàn vừa để trồng rau thương phẩm, vừa để sản xuất cây giống nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lũ trong những năm tới”, ông Lý nhấn mạnh.

Phó chủ tịch UBND xã Quảng Thành, Nguyễn Văn Khoa cho biết: là một trong những vựa rau an toàn chính của tỉnh nhưng Quảng Thành là vùng đất thấp nên hầu như năm nào cũng bị mưa lũ, ngập úng gây thiệt hại nặng nề. Mặc dù nghề trồng rau mang lại nguồn thu nhập cao nhưng về mùa mưa nông dân phải thu hẹp diện tích để tránh lũ vì vậy mô hình trồng rau trên giàn để thích ứng với biến đổi khí hậu là giải pháp tốt để chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm thêm một số mô hình và hoàn thiện qui trình để khuyến cáo nông dân trong xã áp dụng, mở rộng diện tích trong những năm tới.

Xem thêm
Doanh nghiệp là đầu kéo phát triển chăn nuôi quy mô lớn

An Giang xác định được vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp trong việc nâng cao giá trị của ngành chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung gắn an toàn sinh học.

Điều trị, làm đẹp cho thú cưng: Đã học rồi còn phải học thêm

Thú cưng đưa vào các phòng khám thú y điều trị được siêu âm, X quang để chẩn đoán bệnh như người nên nhân viên phòng khám phải được đào tạo bài bản.

Đồng Nai hướng tới cơ giới hóa đồng bộ trong trồng trọt

Cơ giới hóa trong trồng trọt ở Đồng Nai đã có nhiều thành tựu nhưng chưa đồng bộ. Tỉnh này đang hướng tới việc cơ giới hóa đồng bộ trong thời gian tới.