| Hotline: 0983.970.780

Trồng rau muống làm sạch nước

Thứ Sáu 15/04/2011 , 10:29 (GMT+7)

Trong số các loài cây cỏ có tính năng làm sạch nước thì rau muống (Ipomea aquatica) là giống bản địa phát triển rất nhanh nhưng dễ kiểm soát...

Gần đây các nhà khoa học phát hiện ra rằng việc trồng rau muống trên các bè nổi có thể làm sạch dòng nước ô nhiễm bởi hóa chất công nghiệp, lượng thừa phân bón và nhất là khử trừ loại nước đen sinh hoạt đổ ra từ các vùng dân cư đô thị.

Kỹ thuật làm sạch nước bằng cách trồng cỏ trên các bè nổi nay dần trở nên phổ biến. Bộ rễ của một số loài như lục bình, rau muống hay các loài lác sậy như bồn bồn thả trôi trong nước có khả năng phân hủy hữu cơ và hấp thụ các chất dinh dưỡng dư thừa nhằm ngăn cản việc phát triển các loài rong tảo và các mùi hôi. Các bộ rễ này cũng gây nên hiện tượng tập trung các hạt bùn đen và kim loại nặng rồi làm chúng bất động để chìm xuống đáy trả lại màu trong cho nước. Cuối cùng chúng có năng lực bổ sung thêm lượng ôxy thiếu hụt nhằm đưa sự sống tự nhiên của các loài tôm cá trở lại nơi các dòng kênh.

Trong số các loài cây cỏ có tính năng làm sạch nước thì rau muống (Ipomea aquatica) là giống bản địa phát triển rất nhanh nhưng dễ kiểm soát vì hạt không thể tự mọc trong nước. Đây lại là nguồn thực phẩm có nhu cầu lớn nên không phải xử lý lượng sinh khối khổng lồ sau một chu kỳ sử dụng. Một nghiên cứu công bố trên báo Agricultural Water Management số 95 (năm 2008) cho biết hàm lượng kim loại nặng chủ yếu tập trung trong bùn rễ và rồi lắng xuống đáy nước, trong khi sản phẩm rau muống vẫn bảo đảm mức độ an toàn thực phẩm theo các yêu cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Lương Nông Liên hợp quốc (FAO).

Nghiên cứu này áp dụng kỹ thuật chảy sâu (deep flow technique). Theo đó nhiều bè nổi dạng máng hẹp đặt song song bắc ngang dòng kinh làm cho dòng chảy phải nhiều lần chui xuống lách qua các bộ rễ chằng chịt trong nước. Kết quả cho thấy chỉ sau 48 giờ tổng lượng bùn đen (TSS) giảm đến 91,1%, nhu cầu ô-xy hóa học (COD) và sinh học (BOD) lần lượt giảm 84,5% và 88,5%, lượng thừa chất đạm (TN) và chất lân (TP) được cây hấp thụ vào thân và lá lên đến 41,5-71,5% dẫn đến làm giảm 68,8% diệp lục tố chlorophylla trôi nổi trong nước nghĩa là giảm khả năng sinh trưởng của các loài rong tảo.

Rau muống giống được cắt từ những đoạn dài đã ra rễ non hoặc gieo hạt cho đến khi cây cao 5cm thì đem trồng trong nền giá thể nghèo chất dinh dưỡng, nhờ đó bộ rễ nhanh chóng phát triển chui ra ngoài lưới để tìm thức ăn. Để duy trì chất lượng nước sạch nơi các ao nuôi hoặc nơi cửa sông chúng ta chỉ cần diện tích bè nổi rau muống chiếm khoảng 1/6 diện tích mặt nước. Nhưng để cải thiện các dòng nước đen chúng ta phải khai hoang đoạn kênh để nước lộ lên mặt rồi mới đặt vào đó các máng nổi cách nhau nhiều mét. Sau vài tháng khi thấy bộ rễ chậm ra rễ con thì cần loại bỏ luống cây để trồng lại lứa mới.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Trồng hành tăm, giải pháp hoàn hảo cho vùng hạn

NGHỆ AN Thay vì quanh năm ứng phó với hạn hán, Nghệ An đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hành tăm - loại cây ‘sợ nước' là một lựa chọn hoàn hảo.