| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng khát giống

Thứ Tư 16/04/2014 , 07:00 (GMT+7)

Dù tháng 5 tới mới vào chính vụ nhưng do thời tiết thuận lợi nên nhiều hộ dân ở miền núi tỉnh Bắc Giang đã rục rịch trồng rừng.

Tuy nhiên, giá cây giống tăng cao, lại thiếu vốn khiến nguy cơ bỏ trống đất rừng.

Giá gấp 2

Một số người dân ở các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam... nơi tập trung nhiều diện tích rừng trồng phản ánh, thời gian gần đây họ tranh thủ thời tiết mưa nhiều, đất ẩm để trồng rừng nhưng thị trường cây giống khan hiếm, các loại cây keo, bạch đàn tăng giá chóng mặt.

Cùng kỳ năm 2013, giá giống chỉ từ 300 - 400 đ/cây, nhiều thời điểm nhích lên 500 - 600 đ/cây. Năm nay cây giống không chất lượng bằng nhưng lại vọt lên mức 800 đ, thậm chí nhiều nơi lên đến 1.000 đ/cây gây khó khăn cho việc trồng rừng.

Tìm hiểu được biết, thời điểm ươm cây năm nay thời tiết rét đậm kéo dài khiến tỉ lệ cây giống nảy mầm thấp, phát triển chậm nên chưa cung ứng đủ nhu cầu thị trường. Tại một số cơ sở, dù cây giống còn nhỏ, chưa đủ điều kiện xuất vườn nhưng nhiều người dân, thương lái vẫn tìm đến mua với giá cao.

Ông Lê Hồng Khoa, GĐ Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Ngạn cho biết, năm nay Cty ươm 600.000 cây chủ yếu là bạch đàn, keo. Ngay từ đầu vụ nhiều hộ đã đến đặt tiền, nhận cây nên đến nay chỉ còn 200.000 cây. Nếu sức mua duy trì tốt, chúng tôi sẽ ươm thêm vài trăm cây.

Nhiều ngày nay, anh Phạm Văn Bảo ở thôn Hòa Mục, xã Mỹ An (Lục Ngạn) có mặt tại Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Lục Nam tự tay lựa chọn cây giống cho mình. "Đầu vụ năm nay cây giống khan hiếm, giá tăng cao nên tranh thủ thời điểm đầu vụ thời tiết thuận lợi tôi mua về trồng cho yên tâm. Đi nhiều nơi tìm mua không được, tôi phải đến tận vườn ươm cất giống. Tuy cây còn non, chưa được như ý muốn nhưng sợ đến chính vụ sẽ thiếu giống, giá tiếp tục tăng nên tôi vẫn quyết mua về trồng", anh Bảo nói.

23-00-59_nh-2Sợ cây khan hiếm, giá cao anh Phạm Văn Bảo ở thôn Hòa Mục, xã Mỹ An (Lục Ngạn) sớm tìm mua giống cho mình

Một nguyên nhân nữa là ngoài kế hoạch trồng rừng được UBND tỉnh giao, các địa phương đều có nhiều diện tích rừng vừa thu hoạch khiến nhu cầu về giống tăng cao. Bên cạnh đó, giá thuê nhân công, nguyên vật liệu đầu vào tại các vườn ươm cũng tăng từ 20 - 30% nên hầu hết các đơn vị SXKD cây giống đều tăng giá.

Hộ nghèo gặp khó

Là một trong những hộ nghèo nhất thôn, năm 2010, gia đình ông Vi Văn Xuân ở thôn Nà Vàng, xã Vân Sơn, huyện Sơn Động vay mượn người thân đầu tư trồng gần 2 ha keo những mong phát triển kinh tế gia đình. Không phụ công người, rừng keo phát triển tốt, hứa hẹn vài năm sau sẽ cho thu hoạch.

"Khi mua cây giống, các hộ chỉ nên lựa chọn những địa chỉ có uy tín để không ảnh hưởng đến năng suất, giá trị rừng. Đặc biệt, không vì cái lợi trước mắt mà phá rừng tự nhiên để trồng rừng kinh tế", ông Trương Đức Đáng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Bắc Giang
khuyến cáo.

Tuy nhiên, cơn bão số 14 tràn qua ngày 11/10/2013, rừng keo của gia đình ông bị gió bão quật đổ phải bán non với giá chỉ vài triệu đồng. Sau khi trả nợ, số tiền còn lại chỉ như "gió vào nhà trống", từ đó đến nay khoảnh rừng này vẫn để trống cho cỏ mọc.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tuềnh toàng, không có nổi một vật dụng giá trị, ông Xuân cho biết: "Nghe xã thông báo năm nay huyện có dự án hỗ trợ, tôi đã đăng ký sớm nhưng chưa thấy họ phản hồi. Năm nay giá cây giống tăng cao, nếu không được hỗ trợ, có lẽ gia đình tôi phải bỏ trống một phần diện tích".

Cũng là hộ nghèo trong thôn, gia đình ông Tô Văn Khoa lại khác, may mắn hơn nhiều hộ khi rừng keo hơn 1 năm tuổi của gia đình thoát khỏi sức tàn phá của mưa bão. Tuy nhiên, đợt rét đậm, rét hại cận Tết Nguyên đán 2014 đã khiến toàn bộ diện tích rừng của gia đình ông chết khô.

Nay không những mất công chặt bỏ cây chết, gia đình ông còn phải chạy đôn, chạy đáo lo vay tiền mua cây giống trồng bổ sung. Trong thôn đa phần là hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, các hộ đều phải trồng lại rừng nên ông Khoa cũng đăng ký xin xã, huyện hỗ trợ vốn trồng lại diện tích bị thiệt hại.

Được biết, năm nay xã Vân Sơn có 152 hộ đăng ký trồng rừng kinh tế với tổng diện tích hơn 250 ha. Theo kế hoạch giao của huyện, xã được hỗ trợ vốn trồng 45 ha rừng, hơn 200 ha còn lại người dân phải tự bỏ. Ngay từ đầu năm, xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tự bỏ sức người, sức của đầu tư.

Không chỉ riêng xã Vân Sơn, vụ trồng rừng năm nay, huyện Sơn Động có kế hoạch trồng 2.500 ha rừng, chủ yếu tập trung tại các xã Vân Sơn, Hữu Sản (200 ha), Long Sơn (165 ha), Dương Hưu (160 ha)... Trong đó, chỉ có 800 ha được hỗ trợ vốn triển khai, gần 2.000 ha còn lại do người dân tự thực hiện. Tuy nhiên, giá cây giống tăng cao gây không ít khó khăn cho người dân.

Những hộ nghèo, quá khó khăn không có điều kiện thuê mướn nhân công thì gộp nhóm giúp nhau hoán đổi ngày công trồng rừng. Tuy nhiên, là xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn với gần 50% số hộ là hộ nghèo, việc mỗi hộ phải bỏ ra số tiền vài triệu, thậm chí hàng chục triệu đồng mua cây giống là rất khó thực hiện, nhiều gia đình đang đứng trước nguy cơ bỏ trống đất rừng.

Tỉnh bảo không thiếu?

Huyện Lục Ngạn cũng có kế hoạch trồng 1.200 ha rừng kinh tế nhưng chỉ 100 ha rừng trồng bảo vệ môi trường ở xã Nam Dương được một dự án của Nhật Bản tài trợ. Ngoài ra, UBND huyện trích 400 triệu đồng hỗ trợ một phần giúp nhân dân các xã mua cây giống, gần 1.000 ha rừng còn lại người dân phải tự đầu tư. Một số địa phương khác như Lục Nam, Yên Thế... cũng có tình cảnh tương tự, hầu hết diện tích là rừng trồng lại sau khai thác, thiên tai... nên không được hỗ trợ.

Thực tế cho thấy, đầu năm các cơ sở SX cây giống đều dựa vào kế hoạch trồng rừng của các DN, địa phương để SX cây giống, diện tích và nhu cầu thực tế của người dân chưa được đơn vị nào thống kê cụ thể. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ tăng cao, nhiều DN đã chủ động ươm thêm cây giống.

Ông Dương Xuân Bánh, PGĐ Sở NN-PTNT kiêm Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Giang đánh giá: Năm 2013, toàn tỉnh khai thác đạt 285.000 m3 gỗ và 56.000 siter củi từ rừng trồng. Sau nhiều năm tích cực tuyên truyền, ý thức trồng rừng của người dân đã nâng lên đáng kể, nhà nhà trồng rừng, người người trồng rừng, thâm canh tăng vụ... tạo nên phong trào thi đua mạnh mẽ.

Tuy nhiên, hầu hết các hộ chỉ dừng lại ở việc trồng các loại cây gỗ nhỏ giá trị, hiệu quả thấp. Từ thực trên, Sở tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch trồng rừng năm 2014, phát triển những cánh rừng gỗ lớn, hiệu quả cao hơn. Năm nay, tỉnh sẽ hỗ trợ người dân trồng mới 4.800 ha rừng, trong đó có 165 ha rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; hơn 4.600 ha còn lại là rừng trồng mới, các diện tích rừng phát sinh khác người dân phải tự bỏ kinh phí triển khai.

Theo thống kê của Chi cục Lâm nghiệp Bắc Giang, toàn tỉnh hiện có 20 tổ chức, hộ gia đình đăng ký SXKD cây giống với tổng công suất khoảng 12 triệu cây, đủ cung ứng nhu cầu trồng rừng của nhân dân.

Xem thêm
Giải bài toán nguồn thức ăn cho ngành chăn nuôi

GIA LAI Thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi là chủ trương đang được tỉnh Gia Lai hướng đến.

Truy tố những trường hợp để chó, mèo gây hậu quả nghiêm trọng

Đắk Lắk sẽ điều tra, truy tố, xử lý nghiêm những trường hợp không tuân thủ quy định trong việc nuôi, quản lý chó, mèo để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Cần trợ lực chính sách

Người dân còn e ngại khi lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm bởi chi phí đầu tư cao, trong khi việc bảo quản các trang thiết bị này gặp rất nhiều khó khăn.