| Hotline: 0983.970.780

Trồng rừng không chỉ lấy xanh

Thứ Tư 26/10/2011 , 09:55 (GMT+7)

"Trồng rừng không chỉ lấy xanh, ngoài những lợi ích môi trường, hàng ngàn hộ dân Hà Tĩnh đã xóa được đói, giảm được nghèo và nhiều gia đình đã làm giàu nhờ vào chương trình này"...

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hứa Đức Nhị kiểm tra hiệu quả rừng trồng dự án 661 tại huyện Hương Khê

"Trồng rừng không chỉ lấy xanh, ngoài những lợi ích môi trường, hàng ngàn hộ dân Hà Tĩnh đã xóa được đói, giảm được nghèo và nhiều gia đình đã làm giàu nhờ vào chương trình này" - ông Hán Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh phấn khởi khoe với chúng tôi như vậy.

Những năm 1990 của thế kỷ XX được xem như “cao trào của nạn phá rừng” (chỉ có đốn hạ chứ không có trồng và phát triển). Cả một thời gian dài, rừng Hà Tĩnh gần như chỉ bị khai thác mà không được đầu tư trồng mới. Thế nhưng năm 1999, cùng với việc mở ra dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, công cuộc phủ xanh đất trống, đồi núi trọc ở dải đất miền Trung này đã nhanh chóng trở thành phong trào lớn.

Cũng chính nhờ vậy mà đến nay, Hà Tĩnh đã thực hiện giao khoán được 609.009 lượt ha/510.288 lượt ha rừng, đạt 119,3% kế hoạch. Phần lớn diện tích rừng được giao khoán đến tận hộ dân vùng có rừng. Còn lại những diện tích thuộc vùng sâu vùng xa, các trạm bảo vệ rừng, các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn đảm nhận.

Ông Hán Duy Anh, Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp Hà Tĩnh cho biết, sau hơn 12 năm thực hiện dự án 661, Hà Tĩnh đã trồng được 76.296 ha rừng trong đó, rừng phòng hộ đặc dụng 19.547 ha (tính bình quân mỗi năm Hà Tĩnh trồng mới được 1.628 ha). Ngoài nguồn vốn của dự án 661, tỉnh còn huy động thêm các nguồn khác như vốn vay tín dụng của các doanh nghiệp, chủ rừng, vốn liên doanh, liên kết và vốn từ các hộ gia đình.

Bên cạnh trồng rừng tập trung, hàng năm các hộ dân trồng rừng ở Hà Tĩnh cũng tự bỏ ra một nguồn vốn khá lớn trồng được từ 6-8 triệu cây lâm nghiệp phân tán. "6 vạn lao động đã gắn bó, sống nhờ nghề rừng, trong đó rất nhiều hộ dân đã trở nên giàu có nhờ rừng" - ông Hán Duy Anh phấn khởi cho biết.

Để kiểm chứng lời ông Chi cục trưởng, chúng tôi đã đến một số vùng rừng trồng ở các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Hương Sơn, Hương Khê, Thạch Hà… Điểm dừng chân đầu tiên của chuyến đi là rừng phòng hộ thuộc BQL khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ. Cả cánh rừng Kẻ Gỗ đều phủ một màu xanh ngắt của cây rừng. Được biết, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ bắt tay thực hiện chương trình 661 từ năm 2002.

Sau khi triển khai, từ nguồn vốn của dự án BQL đã tổ chức giao khoán trên 800 ha rừng sản xuất cho người dân trồng, quản lý, bảo vệ. Điểm đặc biệt của BQL Kẻ Gỗ là ngoài trồng các loại cây keo, thông, BQL chú trọng trồng nhiều loài cây bản địa như lim, de hương nhằm nâng cao khả năng phòng hộ. Ngoài ra, tại đây còn triển khai trồng rừng bán ngập nước với tổng diện tích 10 ha.

KS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Khoa học kỹ thuật Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ nói: “Thực hiện chương trình trồng rừng, chúng tôi đặt chỉ tiêu hàng năm phải trồng cho được từ 100-200 ha, nâng tổng diện tích rừng trồng từng đạt trên 2.600ha. Nhờ được giao đất giao rừng, cuộc sống của hàng trăm hộ dân sống trong vùng đã được cải thiện, thu nhập ổn định đạt từ 2-2,5 triệu đồng/người/tháng".

Hiện cả 2 mô hình trồng rừng nâng cấp và rừng bán ngập nước ở Khu bảo tồn đều sinh trưởng và phát triển tốt, từ đó độ che phủ rừng ngày càng được nâng lên, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, duy trì nguồn nước, chống xói mòn, bảo vệ rừng ngày càng bền vững.

Ngược ngàn lên huyện miền núi Hương Khê, chủ rừng Trần Hùng, thị trấn Hương Khê, phấn khởi: “Sau khi được BQL RPH Ngàn Sâu giao khoán 117 ha rừng và có sự đầu tư nguồn vốn của dự án 661, gia đình tôi mua giống keo lai phủ toàn bộ diện tích. Những cánh rừng nay đã mang lại lợi nhuận, năm vừa qua gia đình tôi thu nhập trên 4 tỷ đồng”.

Trở về Cẩm Xuyên, chị Hoàng Thị Minh, xã Cẩm Quan cho biết: Hơn 10 năm lại nay dân chúng tôi sống nhờ vào trồng và bảo vệ rừng. Được biết, gia đình chị Minh được giao khoán 19,3 ha rừng trồng các loại cây keo, thông. Sau 5-7 năm đầu tư, chăm sóc, rừng cây bắt đầu cho thu hoạch, đạt từ 50-60 triệu đồng/năm.

"Tiền nuôi con cái ăn học, xây nhà cửa, mua sắm các vật dụng sinh hoạt trong gia đình đều từ rừng mà ra cả"- chị Minh cho hay. Điều mà chị Minh cũng như người dân đang rất lo lắng là từ năm 2011 đến nay, chương trình trồng rừng đã kết thúc, người dân thiếu việc làm, đời sống vì vậy sẽ gặp nhiều khó khăn.

"Đi đâu người dân cũng hỏi chúng tôi sao lại đường đột chấm dứt đầu tư trồng rừng. Họ có biết đâu rằng, chương trình trồng mới 5 triệu hec ta rừng đã kết thúc. Chúng tôi đang rất lo ngại bởi hàng ngàn, hàng vạn gia đình lâu nay sống và gắn bó với nghiệp rừng. Nay họ không có việc làm, mất nguồn thu, việc xâm hại những diện tích rừng mà bao tiền của, công sức bỏ ra nay mới có được là điều rất dễ xảy ra" - Chi cục trưởng Hán Duy Anh bày tỏ.

Ông Võ Kim Cự, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh:

“Kể từ khi thực hiện chương trình trồng rừng đến nay, độ che phủ rừng ở Hà Tĩnh không ngừng được nâng lên,  từ 34,1% nay đã nâng lên 52%, trở thành một trong những tỉnh có độ che phủ cao nhất cả nước. Điều quan trọng hơn, chương trình đã giải quyết công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 6 vạn lao động. Hiệu quả từ dự án 661 đối với tỉnh nghèo như chúng tôi là rất to lớn. Chúng tôi mong muốn Nhà nước tiếp tục đầu tư các dự án tương tự nhằm góp phần giải quyết công ăn việc làm cho những người sống ven rừng và công tác bảo vệ, phát triển rừng trên địa bàn được hiệu quả, bền vững hơn nữa”. 

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Dấu ấn kiểm lâm trong công cuộc bảo vệ rừng Việt Bắc

Điểm nổi bật trong công tác quản lý, bảo vệ rừng tại Thái Nguyên thời gian qua là xây dựng địa bàn không có điểm nóng về khai thác, kinh doanh lâm sản trái phép.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất